Ngày 25/4/1999, gần 10.000 học viên Pháp Luân Công đã đến Trung Nam Hải thỉnh nguyện ôn hòa. Họ hy vọng rằng Thủ tướng Chu Dung Cơ sẽ giải quyết việc cảnh sát Thiên Tân bắt giữ phi pháp các học viên Pháp Luân Công ở Thiên Tân. Hôm đó tình cờ là cũng là ngày kỷ niệm của trường Đại học Thanh Hoa. Trên đời có rất nhiều điều trùng hợp, vạn sự đều bởi nhân duyên. Vào khoảng thời gian này trong năm, với tư cách là một cựu sinh viên của Đại học Thanh Hoa, tôi có rất nhiều cảm xúc, và muốn gửi tặng bài viết này cho mọi người ở Thanh Hoa và người dân Trung Quốc.

(Ghi chú của biên tập viên: Tác giả là cựu sinh viên Đại học Thanh Hoa hiện đang sống tại Anh, là nhân chứng của vụ thỉnh nguyện tại Trung Nam Hải của Pháp Luân Công vào năm 1999, viết bài này vào đêm trước ngày 25/4/2007)

p4711071a115525751
Những người tập Pháp Luân Công thỉnh nguyên bên ngoài Trung Nam Hải năm 1999.

Sư phụ của Pháp Luân Đại Pháp, Ngài Lý Hồng Chí đã bắt đầu hồng truyền Pháp Luân Công vào tháng 5/1992. Chỉ trong 7 năm, hàng trăm triệu người ở Trung Quốc đã được thụ ích cả về thể chất lẫn tinh thần nhờ tu luyện Pháp Luân Công. Đồng thời, Pháp Luân Đại Pháp cũng được quảng truyền ra hàng chục quốc gia tại hải ngoại. Khi đạo đức của nhân loại ngày càng trượt dốc và đức niềm dần biến mất, Pháp Luân Đại Pháp giống như một làn gió xuân mang lại sức sống cho con người thế gian.

Giang Trạch Dân, La Cán, Hà Tộ Hưu liên tục tung tin đồn và gây chuyện thị phi ở nhiều nơi khác nhau. Báo cáo điều tra về Pháp Luân Công do ông Kiều Thạch đứng đầu hết sức ca ngợi Pháp Luân Công, cũng không thể ngăn chặn hành động của Giang Trạch Dân, La Cán và Hà Tộ Hưu.

Ông Hà Tộ Hưu đã tung tin đồn về Pháp Luân Công trên một tạp chí ở Thiên Tân. Các học viên đã yêu cầu tạp chí này sửa lại lỗi của họ. Kết quả là hàng chục học viên Pháp Luân Công ở Thiên Tân đã bị cảnh sát đánh đập và giam giữ bất hợp pháp từ ngày 19/4 đến ngày 23/4/1999. Trong sự tuyệt vọng, các học viên Bắc Kinh không còn cách nào khác là phải kiến ​​nghị lên Ủy ban Trung ương, yêu cầu Thủ tướng Chu Dung Cơ ra mặt, giải quyết vụ việc.

Ngày 25/4/1999, tôi đến điểm luyện công của sinh viên Tiểu Thụ Lâm, Đại học Thanh Hoa vào lúc 5h55 phút sáng như thường lệ. Khi nghe tin cảnh sát Thiên Tân bắt giữ phi pháp các học viên Pháp Luân Công ở Thiên Tân, tôi đã quyết định đi thỉnh nguyện. Tôi cùng một số sinh viên Thanh Hoa khác đạp xe đạp thẳng đến Văn phòng Thư tín và Thỉnh nguyện Trung Nam Hải.

Trên đường đi, trong hành trình kéo dài 2 giờ đồng hồ ấy, trong đầu tôi xất hiện sự kiện nhật báo Quang Minh phỉ báng Pháp Luân Công năm 1996, báo Thanh niên Bắc Kinh vu khống Pháp Luân Công năm 1997, và đài truyền hình Bắc Kinh tung tin đồn về Pháp Luân Công năm 1998, cùng nhiều sự hạn chế của Đại học Thanh Hoa đối với Pháp Luân Công năm 1998. (Họ thậm chí không cho phép mở nhạc luyện công và treo biểu ngữ).

Bởi chúng tôi tu luyện Chân, Thiện và Nhẫn, chúng tôi phải cho mọi người biết sự thật, để mọi người không nghe theo kẻ xấu mà làm điều xấu. Mỗi lần đi, chúng tôi đều mang theo các loại tài liệu chứng minh. (Người thì mang hồ sơ bệnh án của bệnh viện, người thì mang theo ảnh chụp cắt lớp, người thì mang tài liệu khoa học chứng minh, tờ rơi và sách Pháp Luân Công). Chúng tôi tới các bộ phận liên quan giảng chân tướng và cải chính lại những sai sót. Tôi đang nghĩ vì sao luôn có kẻ xấu gây rắc rối. Lần này tôi phải cho Thủ tướng Chu Dung Cơ (cũng là cựu sinh viên Đại học Thanh Hoa của tôi) biết, nhờ ông ấy ra tay ngăn chặn kẻ xấu.

8h sáng, khi đến Trung Nam Hải, chúng tôi đã thấy nhiều người đứng trên vỉa hè của nhiều con đường. Nhìn họ rất giản dị, ai nấy đều mặt mày lương thiện, sắc mặt hồng hào. Chúng tôi biết họ là các học viên Pháp Luân Công. Sau khi khóa xe đạp, chúng tôi đi thẳng đến cổng Chính Hoa ở Trung Nam Hải. Một số cảnh sát bước tới và bảo chúng tôi đứng trên vỉa hè bên đường, không được tụ tập lại với nhau. Vì đến từ những nơi khác nhau và nhiều học viên xung quanh không biết nhau nên chúng tôi không trò chuyện, mọi người đều im lặng học Pháp.

Khoảng 3h chiều, tôi thấy một bà cụ ngồi cạnh bức tường cách đó không xa, vẫn chưa ăn cơm và uống nước. Tôi bèn hỏi bà: “Bà có cần bánh mì và nước không ạ?” Bà cụ nói từ tốn và lịch thiệp: “Cảm ơn cháu. Bà không dùng. Bà sợ dùng rồi sẽ phiền toái vì phải nhờ mọi người dẫn đi tìm nhà vệ sinh.” Tôi chợt lặng người, nước mắt bắt đầu rơi. Tôi nói: “Không sao ạ, cháu sẽ nhờ người đưa bà đi tìm nhà vệ sinh.” Bà cụ rất lịch sự nói: “Cảm ơn cháu, không cần đâu, không cần đâu.”

Không lâu sau, giáo sư Vương Cửu Xuân từ Thanh Hoa đi tới, đã nhận ra bà cụ. Bà là mẹ của một giáo viên già ở Đại học Thanh Hoa, đã hơn 80 tuổi. Sau đó, khi trời tối dần, giáo sư Vương Cửu Xuân nhờ mọi người bắt taxi đưa bà cụ về nhà để gia đình khỏi lo lắng. Đúng là một bà cụ tốt bụng! Bà đã dùng hành động của mình để chứng minh với thế giới rằng bà là một người được thụ ích từ Pháp Luân Đại Pháp. Đồng thời, bà cũng biết nghĩ cho người khác nhờ tu Pháp Luân Đại Pháp.

Khoảng 9h tối, chúng tôi được biết Thủ tướng Chu Dung Cơ sẽ xử lý thích đáng việc cảnh sát Thiên Tân bắt giữ các học viên phi pháp. Chúng tôi đã dọn rác xung quanh (gồm cả tàn thuốc do cảnh sát ném trên đường), sau đó ai về nhà nấy.

Nhớ lại năm đó, đã 8 năm trôi qua nhưng gương mặt chất phác và hòa ái của các học viên vẫn hiển hiện trước mắt tôi. Không biết sau gần 8 năm bị Giang Trạch Dân và Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tà ác bức hại tàn bạo mọi người có ổn không? Bầu trời, mặt đất, con đường, cổng Chính Hoa và cây cối đều là nhân chứng cho cuộc thỉnh nguyện ôn hòa lớn nhất trong lịch sử Trung Quốc.

  • Mời xem video: Bí mật phía sau cuộc Đại Thỉnh Nguyện của Pháp Luân Công

Nhưng những người năm đó giờ ở đâu? Có lẽ một số người đã bị bức hại đến chết, một số vẫn đang bị giam giữ trong các nhà tù hoặc trại cưỡng bức lao động. (Trong số đó có người bạn tốt của tôi là Mạnh Quân đã bị kết án phi pháp 10 năm, hiện vẫn đang ở trong tù). Một số người có lẽ đã bị kẻ xấu tà ác thu hoạch nội tạng sống. Một số bị buộc phải lưu vong ở nước ngoài. Buồn thay! Đây chính là Trung Quốc. Ở các quốc gia dân chủ phương Tây, người dân đi thỉnh nguyện và khởi kiện nguyên thủ quốc gia đều được bảo vệ và tôn trọng. Tòa án, cảnh sát, giới truyền thông và các cơ quan liên quan của chính phủ đều hỗ trợ họ.

Kỳ thực, ngày 25/4/1999, tôi nghe nói Thủ tướng Chu Dung Cơ cũng muốn tham gia hoạt động kỷ niệm của Đại học Thanh Hoa, nhưng bất đắc dĩ phải quay lại giải quyết sự kiện lớn ở Trung Nam Hải này. Những người Thanh Hoa đến thỉnh nguyện như chúng tôi cũng từ chối tham gia các hoạt động kỷ niệm của trường ngày hôm đó. Ví như giáo sư Vương Cửu Xuân, bà là một trong những người phụ trách chính của Phòng Phát triển Khoa học và Công nghệ của Đại học Thanh Hoa. Các hợp đồng mà bà đạt được về việc hợp tác công nghiệp-trường đại học-nghiên cứu đều vượt quá 100 triệu nhân dân tệ (khoảng 355 tỷ VNĐ). Bà cũng tham gia tiếp đón các cựu sinh viên trong lễ kỷ niệm hàng năm.

Nhiều năm qua, với tư cách là một hình mẫu của Pháp Luân Công, bà đã bị ĐCSTQ tà ác bức hại điên cuồng. Bà bị buộc tham gia các lớp tẩy não 6 lần, bị lục soát nhà 2 lần và bị giam trong trại lao động trong 1 năm rưỡi. Trong khoảng thời gian đó bà từng bị bức hại đến mức nguy hiểm đến tính mạng, buộc phải trốn khỏi Trung Quốc và xin tị nạn ở Nhật Bản năm 2004. Một giáo sư đã có những đóng góp quan trọng cho Đại học Thanh Hoa, ở độ tuổi 60, lại bị bức hại đến mức này chỉ vì đức tin của mình, thật nhói lòng.

Trong một số lễ kỷ niệm của Thanh Hoa trước năm 1999, tôi đã tham gia hoặc tổ chức Triển lãm Khoa học và Công nghệ dành cho Sinh viên Đại học Thanh Hoa và 3 lần giành giải nhất, được bước lên bục lĩnh thưởng. Ngày 1/1/1999, tôi cũng xuất hiện với tư cách là một nhân vật Thanh Hoa trên trang đầu của “Tân Thanh Hoa”, tờ báo của trường.

Cuộc thảo luận của Đại học Thanh Hoa về việc tôi có được nhận học bổng đặc biệt của trường vì tu luyện Pháp Luân Công hay không xảy ra vào năm 1998. Bởi năm đó, La Cán và Hà Tộ Hưu đã ra mặt đã can thiệp vào điểm luyện công của Đại học Thanh Hoa, và bắt đầu hạn chế không cho chúng tôi mở nhạc luyện công và treo băng rôn.

Kỳ thực, việc xét tuyển học bổng đặc biệt của Đại học Thanh Hoa hàng năm là sự tiến cử và bỏ phiếu của tất cả sinh viên trong trường. Sau các bài phát biểu và bảo vệ, cuối cùng lãnh đạo nhà trường mới thảo luận và lựa chọn các ứng viên. Lúc đó, các lãnh đạo của Đại học Thanh Hoa không bị ảnh hưởng bởi La Cán và Hà Tộ Hưu, đã trao cho tôi học bổng đặc biệt của Đại học Thanh Hoa. Quả thực họ đã làm được như lời dạy của trường Thanh Hoa: Tự cường bất diệt, hậu đức tải vật (không ngừng nỗ lực hoàn thiện bản thân, mang đức dày dung chứa vạn vật).

Ngày 20/7/1999, bất chấp sự phản đối của 6 ủy viên thường vụ khác, Giang Trạch Dân một tay kích động cuộc đàn áp Pháp Luân Công. Y đã sử dụng quân đội, cảnh sát, mật vụ và các kênh truyền thông để đàn áp Pháp Luân Công một cách điên cuồng. Ông Lý Lam Thanh cũng đích thân nhận nhiệm vụ tại Đại học Thanh Hoa và bức hại gần 1.000 học viên Pháp Luân Công tại đây. Từ năm 1999 đến năm 2001, hơn 40 học viên Pháp Luân Công đã bị kết án phi pháp (bản án lâu nhất lên đến 13 năm tù), bị cải tạo lao động. Nhiều sinh viên đã bị bị đuổi khỏi trường.

Thầy hướng dẫn của tôi, giáo sư Cao Xuân Mãn, cũng buộc phải trốn khỏi Trung Quốc, xin tị nạn ở Nga. Một giáo sư 73 tuổi, đã đóng góp cả đời mình cho nền giáo dục Trung Quốc, góp công vào vụ nổ hai quả bom. Ông cũng có những đóng góp quan trọng vào nghiên cứu khoa học và Công nghiệp của hóa Đại học Thanh Hoa. Nhưng khi về già, lại bị ĐCSTQ tà ác bức hại đến mức có nhà mà không thể về. Thật đáng buồn thay!

Tôi khá may mắn. Sau khi bị bắt vì 2 lần thỉnh nguyện vào ngày 20 và 21/7/1999, tôi được Đại học Thanh Hoa đón về. Một số lãnh đạo và giáo viên bảo tôi nên mau chóng ra nước ngoài để tránh bị bức hại, vì tên tôi đã được liệt kê trong danh sách nhân vật Pháp Luân Công điển hình phải bắt của ông Lý Lam Thanh. Khi đó, tôi đã làm thủ tục du học gần nửa năm. Sau khi nhận được visa Anh ngày 9/8/1999, tôi lập tức bay sang Anh, bắt đầu sự nghiệp du học của mình.

Không ngờ 8 năm nay tôi vẫn không có duyên được đặt chân lên mảnh đất tổ quốc yêu dấu. Hộ chiếu của tôi hết hạn vào ngày 13/5/2004. Đại sứ quán Trung Quốc từ chối gia hạn, cũng như không đổi hộ chiếu mới cho tôi, vì tôi có tên trong danh sách các học viên Pháp Luân Công đặc biệt.

Vậy nên, tôi buộc phải trở thành một người không quốc tịch. Ba năm qua, nhiều nghị sĩ Anh và các chính trị gia Anh đã giúp đỡ tôi rất nhiều, nhưng ĐCSTQ tà ác đều nhắm mắt làm ngơ. Ba năm không có hộ chiếu khiến tôi gặp vô vàn khó khăn, công việc và cuộc sống của tôi đều bị ảnh hưởng rất lớn.

Cuộc bức hại Pháp Luân Công của ĐCSTQ tà ác cũng lan ra cả nước ngoài. Tôi đã tham gia Lễ kỷ niệm Hội cựu sinh viên Đại học Thanh Hoa ở Cambridge năm 2005. Bởi đeo một chiếc khăn quàng có dòng chữ Pháp Luân Đại Pháp và Chân, Thiện và Nhẫn, tôi đã bị cưỡng chế chặn lại ngay sảnh ngoài. Nhất thời, hơn chục người vây quanh nhìn tôi. Tôi nói với họ: Đây là nước Anh, nơi Pháp Luân Công được chào đón. Đây là đất nước tự do tín ngưỡng và tôi là người được thọ ích nhờ môn tu luyện Pháp Luân Đại Pháp.

Nhưng dẫu nói gì họ cũng không cho tôi vào. Cuối cùng, vài cựu sinh viên mà tôi biết đã ra mặt giúp đỡ. Họ bỏ khăn quàng của tôi vào túi, tôi mới có thể đi vào. Mục tiêu của tôi là để các cựu sinh viên biết rằng Pháp Luân Công có mặt ở khắp mọi nơi. Tôi thường nắm bắt mọi cơ hội để nói về Pháp Luân Công.

Mọi chuyện vẫn chưa kết thúc. Đến bữa trưa, ban tổ chức và các vị khách đặc biệt họp khẩn, bàn cách giải quyết vụ việc của tôi. Đến chiều, một khách mời đặc biệt của hội cựu sinh viên là một giáo sư của trường Đại học Hoàng gia, nói thẳng rằng: “Phương châm của trường Thanh Hoa chúng ta là: Tự cường bất diệt, hậu đức tải vật, rất phù hợp với giá trị Chân, Thiện và Nhẫn. Chân, Thiện và Nhẫn thực sự rất tốt!”. Tôi vỗ tay vì sự hiểu biết tuyệt vời của ông ấy. Bên dưới cũng có tiếng vỗ tay. “Đây là ở Vương quốc Anh, chúng ta sao có thể đuổi các cựu sinh viên đi được?” Tôi tiếp tục vỗ tay tán thưởng.

Toàn bộ bài phát biểu của vị giáo sư này đều rất tuyệt vời. Ngoài ra, buổi chiều người dẫn chương trình đọc danh sách các cựu sinh viên quyên góp hào phóng cho nhà trường, họ còn đọc cả tên tôi. Biểu cảm của một số người lúc đó rất phức tạp. Kỳ thực lúc vào cửa đăng ký, tôi đã quyên tặng số tiền mình mang theo người, chỉ là “vô tình cắm liễu” mà thôi. (Có câu rằng: Hữu ý trồng hoa, hoa chẳng nở; vô tình cắm liễu, liễu xanh um.) Đối mặt với sự thực, người chủ trì vẫn đọc tên tôi.

Hôm nay lại đến ngày 25/4, và cũng là ngày lễ kỷ niệm của Đại học Thanh Hoa. Tôi chợt nhớ tới cựu sinh viên Viên Giang, người bị bức hại đến chết vào năm 2001, nhớ tới giáo sư Cao Xuân Mãn 73 tuổi phải xin tị nạn ở Nga và giáo sư Vương Cửu Xuân, 60 tuổi phải tị nạn tại Nhật Bản. Ngoài ra còn có những cựu sinh viên quen thuộc như Mạnh Quân, Vương Vi Vũ, Diêu Duyệt, Trữ Đồng, Ngu Siêu, Vương Hân, Hoàng Khuê, Bạch Vinh Xuân, Liễu Chí Mai hiện vẫn đang bị giam giữ tại các nhà tù trong nước.

Không biết khi nào chúng tôi mới có thể tụ họp lại trong khuôn viên Đại học Thanh Hoa xinh đẹp, cùng nhau luyện công với nền nhạc du dương của Pháp Luân Đại Pháp. Sau đó cùng nhau chia sẻ tâm đắc tu luyện của mình một cách yên bình và tĩnh lặng!

Tạ Vệ Quốc & Trần Quân, Vision Times

Xem thêm: