Công ty đầu tư nhập cư ước tính rằng khoảng 10.000 người giàu có ở Trung Quốc muốn di cư ra nước ngoài, điều này dẫn đến dòng tiền 48 tỷ USD chảy ra nước ngoài. Vào ngày 3/8, truyền thông Singapore đưa tin rằng hơn 500 gia đình giàu có Trung Quốc dự kiến ​​sẽ di cư đến Singapore trong năm nay.

shutterstock 2055509093
Công ty đầu tư nhập cư ước tính rằng khoảng 10.000 người giàu có ở Trung Quốc muốn di cư ra nước ngoài, điều này dẫn đến dòng tiền 48 tỷ USD chảy ra nước ngoài. (Ảnh minh họa: imtmphoto/ Shutterstock)

Những thắc mắc của công chúng Trung Quốc về việc di dân đã tăng lên trong những tháng gần đây, và nhiều người giàu đã bỏ trốn từ lâu. Đặc biệt là sau khi chính quyền Bắc Kinh thực hiện chính sách phòng chống dịch bệnh “zero COVID”, sự chú ý của người dân Trung Quốc đối với vấn đề di dân cũng đã làm dấy lên vấn đề được gọi là “run xue” (润学 – nhuận học) trên Internet. “Run” (润 nhuận) được đặt tên theo từ đồng âm của “run” trong tiếng Anh, có nghĩa là có thể trốn thoát thì hãy trốn thoát, thoát khỏi Trung Quốc.

Vào ngày 3/8, theo tờ Liên Hợp Tảo Báo (Lianhe Zaobao) tại Singapore đưa tin, hàng chục ngàn người Trung Quốc “có giá trị tài sản ròng cao” đang cố gắng nhập cư sang các nước khác, trong đó ước tính có hơn 500 người (gia đình) triệu phú dự định chuyển đến Singapore trong năm nay, khối tài sản dịch chuyển theo họ ước tính ít nhất là 2,4 tỷ USD.

Theo câu trả lời có được sau khi hỏi công ty tư vấn đầu tư nhập cư “Henley and Partners” tại London (Anh), ước tính có khoảng 10.000 triệu phú ở Trung Quốc đã tìm kiếm cơ hội nhập cư sang các nước khác trong năm nay. Trung bình, mỗi người họ sẽ mang theo khoảng 4,8 triệu USD. Do đó, ước tính khoảng 48 tỷ USD của cải sẽ chảy ra ngoài Trung Quốc.

Trong số 10.000 người Trung Quốc giàu có, khoảng 4.200 người đã hoàn thành việc nhập cư từ tháng Một đến tháng Sáu năm nay. Quốc gia lựa chọn hàng đầu cử họ khi nhập cư là Mỹ, sau đó là Canada, Úc, Anh và Singapore.

Bloomberg chỉ ra một trường hợp cụ thể: Ông Hu, một chủ nhà hàng 46 tuổi ở Thượng Hải, gần đây đã bán 2 nhà hàng cao cấp với giá 20 triệu nhân dân tệ (hơn 2,9 triệu USD), đồng thời thuê một luật sư nhập cư và một quản lý tài chính, với hy vọng sẽ sơ tán tài sản của mình ra khỏi Trung Quốc.

Ông Hu nói rằng trước đây, ông không thể tưởng tượng được rằng một ngày nào đó mình sẽ rời Thượng Hải, thành phố phát triển nhất Trung Quốc. Tuy nhiên, khi Thượng Hải bắt đầu phong tỏa vào năm nay, ông nói mình gần như chết đói, ông rất buồn, cảm thấy hiện giờ là lúc phải ra đi.

Tổ chức tư vấn đầu tư nhập cư cho biết, tăng trưởng tài sản nói chung ở Trung Quốc đã chậm lại trong vài năm qua, vì vậy dòng chảy tài sản ra nước ngoài của các cá nhân có giá trị tài sản ròng cao gần đây có thể đáng kể hơn so với trước đây.

Theo thống kê của công ty môi giới bất động sản Hedeng Group, doanh số bán căn hộ cao cấp ở Singapore tăng 64% trong quý II so với quý trước, trong khi nhu cầu từ người mua nước ngoài cũng tăng lên. Vào tháng Sáu, Canninghill Piers, nằm ở khu Fort Canning của Singapore, cũng có một người mua từ Trung Quốc, họ đã mua 20 căn một lúc, tất cả là căn lớn 3 và 4 phòng ngủ, với tổng giá trị giao dịch ước tính hơn 85 triệu đô la Singapore (hơn 61,5 triệu USD). Các nguồn tin cho biết, người mua có thể còn mua thêm 10 căn nữa, nâng tổng giá trị giao dịch lên hơn 100 triệu đô la Singapore và đóng góp khoảng 30 triệu đô la Singapore tiền thuế trước bạ cho Chính phủ Singapore.

Ngày càng nhiều người giàu Trung Quốc chuyển tài sản bằng cách thành lập văn phòng gia đình ở Singapore. Trong danh sách các tỷ phú toàn cầu do Forbes tại Mỹ công bố trước đó, 4 trong số 10 người Singapore giàu nhất là những người mới nhập cư từ Trung Quốc Đại Lục. Người đồng sáng lập và chủ tịch của Mindray Medical, ông Lý Tây Đình (Li Xiting) đứng đầu danh sách.

Cho dù đó là sự bùng nổ của những người nhập cư giàu có Trung Quốc hay việc chuyển tài sản đến Singapore đã được đồn đại trong những tháng gần đây, hay việc những người giàu mới nhập cư Trung Quốc xây dựng lại bản đồ tài sản địa phương, đều phản ánh rằng sức ảnh hưởng của những người giàu Trung Quốc đang ngày càng lớn, nhất cử nhất động của họ đều đang thay đổi cục diện tại địa phương.

Các nhà quan sát cho rằng câu hỏi lớn nhất hiện nay đối với giới giàu Trung Quốc là liệu Bắc Kinh có cho phép họ rời đi hay không.

Mặc dù không có quy định rõ ràng nào để thắt chặt các hạn chế được ban hành, các luật sư nhập cư cho biết việc nhập cư đã trở nên khó khăn hơn trong những tháng gần đây với thời gian xử lý hộ chiếu lâu hơn và yêu cầu phê duyệt giấy tờ cao hơn.

Ngoài ra, việc chuyển một lượng tiền lớn ra khỏi Trung Quốc ngày càng khó khăn. Theo quy định của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, công dân Trung Quốc chỉ có thể sử dụng hạn ngạch ngoại hối tối đa là 50.000 USD mỗi năm. Trong những năm gần đây, ngay cả giới hạn trao đổi 50.000 USD cũng bị giới hạn trong thực tế.

Trên thực tế, sau kế hoạch “thịnh vượng chung” mà chính quyền Bắc Kinh đề xuất trước đó, những người giàu nhất Trung Quốc đã đẩy nhanh tốc độ rời khỏi Trung Quốc.