Tại Hồng Kông, chuyện “không may” xảy ra sau khi tiêm vắc-xin Sinovac Trung Quốc liên tiếp xảy ra. Ngày 15/3, thêm cụ già qua đời vì đột quỵ và suy tim sau khi tiêm vắc-xin này, nâng số người thiệt mạng tại Hồng Kông lên 7 người trong hai tuần.

p2898621a784336585
Hình ảnh tiêm vắc-xin COVID-19 tại Hồng Kông (Nguồn: Phòng Thông tin Chính phủ Hồng Kông).

Thêm trường hợp đột quỵ sau khi tiêm vắc-xin của Sinovac

Apple Daily và Stand News đều đưa tin về trường hợp mới nhất thiệt mạng sau khi tiêm vắc-xin tại Hồng Kông. Trường hợp thứ 7 này là một người đàn ông 63 tuổi, được tiêm vắc-xin ngày 9/3 và đến ngày hôm sau phải nhập viện vì đột quỵ và rối loạn nhịp tim, cuối cùng bị trụy tim và tử vong vào sáng sớm ngày 15/3. Tuy nhiên trước đó, người này có bệnh nền về tim và gan nhiễm mỡ, bệnh viện phát hiện trong ba mạch tim thì có hai mạch bị tắc.

Thông tin cho biết trong hai tuần qua, Hồng Kông đã có 7 người tử vong sau khi tiêm vắc-xin của Sinovac, độ tuổi từ 55 đến 80 tuổi. Cơ quan chức năng cũng thông báo một trường hợp nghiêm trọng khác là người đàn ông 51 tuổi khó thở sau khi tiêm vắc-xin, được chẩn đoán nhồi máu cơ tim cấp và phải đưa đến khoa hồi sức cấp cứu trong tình trạng nguy kịch. Người này có bệnh nền tiểu đường, cao huyết áp và lipid máu, mạch tim tắc nghẽn nặng.

Chất bổ trợ của vắc-xin có thể gây viêm mạch máu

Theo thông tin, tất cả 7 người thiệt mạng sau khi tiêm vắc-xin đều là người có vấn đề về mạch máu, hầu hết là vấn đề tim mạch, nguyên nhân tử vong bao gồm bệnh tim mạch vành, nhồi máu cơ tim và đột quỵ. Hôm 13/3, ông Gabriel Leung – Trưởng Viện Y của Đại học Hồng Kông, cho biết về khả năng vắc-xin hoặc chất bổ trợ trong vắc-xin gây phản ứng viêm ở nhóm người có bệnh nền về tim mạch và hệ quả sẽ dẫn đến “huyết khối cấp tính” ở mạch máu tim hoặc não, trường hợp nặng có thể tử vong. Ông cho rằng ở giai đoạn này chưa dám “dứt khoát” khẳng định xem trường hợp tử vong có liên quan gián tiếp hay trực tiếp đến vắc-xin hay không.

Tờ Stand News dẫn lời ông Cheng Ming-suo là Chủ tịch Hiệp hội Dược sĩ Bệnh viện Hồng Kông, cho biết rằng vắc-xin bất hoạt thường thêm chất bổ trợ để tăng cường phản ứng miễn dịch sau khi tiêm, còn vắc-xin COVID-19 của Sinovac luôn thêm chất bổ trợ. Có loại vắc-xin COVID-19 khác không có chất bổ trợ cũng đang được người Hồng Kông dùng là vắc-xin BioNTech do Đức sản xuất.

Ông Cheng Ming-suo cũng cho biết bản thân vắc-xin luôn tiềm ẩn khả năng gây viêm nhẹ, đặc biệt đối với nhóm người sức khỏe mạch máu không tốt, có thể gián tiếp dẫn đến tắc nghẽn mạch máu, vấn đề này cũng đã có báo cáo liên quan. Còn đối với bổ sung tá dược, trên lý thuyết sẽ giúp tăng khả năng miễn dịch.

Chính phủ: Không liên quan trực tiếp đến vắc-xin

Đối với những trường hợp thiệt mạng sau khi tiêm vắc-xin, trong cuộc họp vào ngày 15/3, Ban chuyên gia đánh giá sự kiện lâm sàng vắc-xin của Chính phủ Hồng Kông đã cho biết các trường hợp thiệt mạng không có “quan hệ trực tiếp” với vắc-xin, những người đã qua đời bị bệnh nền tim mạch nhiều năm và bị gây tắc mạch… không liên quan gì đến việc tiêm chủng vắc-xin.

Về hai trường hợp khác bị liệt mặt sau khi tiêm vắc-xin, thông báo cũng cho biết vẫn chưa xác định được có liên quan đến vắc-xin hay không. Sau khi tiêm chủng có thể có cái gọi là phản ứng kháng thể hoặc tự miễn dịch, trong khi quá trình có thể làm tổn thương các dây thần kinh phải trải qua khoảng thời gian tương đối dài, không phổ biến trường hợp bị liệt mặt sau khi tiêm vắc-xin được hai tiếng hoặc một ngày.

Một phóng viên đã hỏi chuyên gia Gabriel Leung của Đại học Hồng Kông về việc chất bổ trợ có thể làm tăng huyết khối, ông cho biết chưa thể đủ bằng chứng để khẳng định vấn đề đó, nhưng cũng không loại trừ. Do hiện nay mới phổ biến vấn đề tiêm vắc-xin nên sẽ mất từ ​​hai đến ba tháng mới có thể xác định có mối liên hệ gì hay không.

Hồng Kông vẫn thúc đẩy tiêm chủng rộng rãi

Nhưng trước những trường hợp nguy kịch hoặc thiệt mạng sau khi tiêm vắc-xin, trong cuộc họp ngày 15/3, cơ quan chức năng Hồng Kông vẫn tuyên bố sẽ thúc đẩy công tác tiêm chủng rộng rãi tại Hồng Kông. Cơ quan này cho biết, hiện đã có 1 triệu liều vắc-xin Sinovac và 1,343 triệu liều vắc-xin BioNTech, nhưng hàng tháng sẽ có thêm những lô vắc-xin mới được đưa vào Hồng Kông, nguồn cung sẽ đầy đủ.

Thông tin cho biết, người dân Hồng Kông chưa tích cực tham gia tiêm chủng, tính đến 1:00 ngày 15/3 mới có khoảng 198.000 người được tiêm mũi đầu, chỉ chiếm 3% dân số trên 16 tuổi (độ tuổi tiêm tối thiểu). Tình hình khiến Bộ trưởng Thực phẩm và Y tế Hồng Kông ra cảnh báo trong một cuộc họp báo cùng ngày rằng, nếu tỷ lệ tiêm chủng không đạt yêu cầu và số ca chẩn đoán được xác nhận tiếp tục ở mức cao thì chính quyền Hồng Kông có thể “buộc phải” siết chặt các biện pháp phòng chống dịch như cho phong tỏa những nơi nguy cơ cao, và vấn đề tiêm chủng cũng là một yếu tố quan trọng cần cân nhắc cho việc đi lại xuyên biên giới trong tương lai.

Theo Stand News, sau khi xảy ra những trường hợp tử vong sau khi tiêm vắc-xin Sinovac, Bộ Y tế Hồng Kông đã ban hành “Hướng dẫn tiêm chủng tạm thời” đối với vắc-xin Sinovac, qua đó liệt kê 5 loại người không nên tiêm vắc-xin: người bị phản ứng quá nhạy cảm với vắc-xin, người mắc bệnh thần kinh nặng, người bệnh nặng kéo dài mà không thể chữa trị thuyên giảm được, phụ nữ có thai và phụ nữ đang cho con bú.

Ngoài ra với nhóm người gặp phải tình trạng rối loạn mỡ máu cần được đánh giá lâm sàng; với nhóm người mới bị nhồi máu cơ tim cấp, đột quỵ thì nên hoãn từ 3 đến 6 tháng mới được tiêm chủng; với nhóm người mắc bệnh tiểu đường và huyết áp cao nhưng nếu tình trạng của họ được xác định ổn định thì vẫn nằm trong khả năng được phép tiêm phòng.  

Gia Hồng, Vision Times

Xem thêm: