Theo SCMP, chính quyền Hồng Kông ngày 28/2 đã tiến hành cách ly chó cưng của một bệnh nhân nhiễm COVID-19 khi mẫu xét nghiệm dịch mũi và miệng của chú chó này cho kết quả “dương tính yếu” với virus corona mới.

Cơ quan Nông nghiệp, Ngư nghiệp và Bảo tồn (AFCD) của Hồng Kông cho biết, chú chó cưng này không có bất kỳ triệu chứng nhiễm bệnh nào. Cơ quan này cũng nhận định, hiện chưa có bằng chứng cho thấy virus corona có thể truyền sang thú cưng.

AFCD đã ra thông báo trấn an người dân: “Tại thời điểm hiện tại, AFCD không có bằng chứng là thú cưng có thể nhiễm virus hoặc có thể là một nguồn gây nhiễm cho con người.”

Nhà chức trách Hồng Kông sẽ tiến hành các xét nghiệm tiếp theo để xác nhận xem chú chó có thực sự bị nhiễm virus corona mới hay không. Cũng có nghi ngờ rằng các mẫu xét nghiệm đã bị nhiễm bẩn từ môi trường bên ngoài nên cho kết quả sai lệch. Chú chó này sẽ được cách ly trong 2 tuần và xét nghiệm lại các mẫu dịch mũi, miệng và trực tràng.

Đến nay, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng khẳng định không có bằng chứng cho thấy thú cưng nuôi trong gia đình như chó hay mèo có thể nhiễm virus corona. “Tuy nhiên, tốt nhất là nên luôn rửa sạch tay bằng xà phòng và nước sau khi tiếp xúc với thú cưng,” WHO khuyến nghị trên trang web của mình.

Cơ quan Nông nghiệp của Hồng Kông hôm thứ Tư (26/4) cũng cho biết, họ hết sức cảnh giác khi chăm sóc chú chó của một bệnh nhân bị nhiễm COVID-19 tại Tai Hang. Chú chó cưng này đã ngay lập tức được gửi đến các cơ sở nuôi chó tại cầu Hồng Kông-Chu Hải-Ma Cao. Chú chó cưng này sẽ được xét nghiệm nhiều lần, và sẽ chỉ được trả lại cho chủ nuôi sau khi kết quả âm tính trở lại.

Phát ngôn viên của cơ quan này còn nhấn mạnh trong một tuyên bố rằng các bệnh nhân nhiễm COVID-19 nên đưa thú nuôi có vú của họ đến khu vực cách ly để đảm bảo sức khỏe cho cộng đồng và cho cả động vật.

Ông cho biết, sau khi được kiểm dịch, thú cưng sẽ được chuyển đến các cơ sở được chỉ định để giám sát thú y trong 14 ngày, sau đó tiến hành thu thập các mẫu xét nghiệm. 

Người phát ngôn còn nhắc nhở chủ vật nuôi nên giữ gìn vệ sinh cho thú cưng của họ, và nên rửa tay với xà bông diệt khuẩn sau khi tiếp xúc với thú cưng. Ông nói thêm, nếu tình trạng thú cưng có bất kỳ dấu hiệu thay đổi đáng chú ý nào, cần phải nhanh chóng đưa đến khám bác sĩ thú y.

Trước đó, từng có một số ngôi làng ở Ôn Châu, Trung Quốc cũng lo ngại các loại động vật nuôi có nguy cơ truyền nhiễm bệnh nên cả thôn cùng bắt tay vào tàn sát hết chó nuôi. Đoạn video ghi lại cảnh tượng đó sau khi lan truyền trên mạng đã khiến người dân bị sốc.

Minh Ngọc

Xem thêm: