Vào đúng lễ kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và cũng là kỷ niệm 24 năm Anh trao trả lại Hồng Kông, đã xảy sự việc chết người trên đường phố Causeway Bay của đặc khu này. Một người dân đã dùng dao đâm một cảnh sát, rồi tự tử và tử vong sau khi được đưa đến bệnh viện cấp cứu. Vụ việc gây rúng động xã hội, người dân đã để lại bình luận bày tỏ thương tiếc và gọi người này là liệt sĩ. Một số cư dân mạng cho biết lý do tự tử là vì ông đã không chấp nhận bản án oan và sự tủi nhục khi bị bắt giữ.

p2964091a757077610
Vào đêm ngày 1/7/2021, một công dân đã tự tử sau khi đâm một cảnh sát. (Nguồn: ảnh chụp màn hình của Citizen News)

Vào lúc 10 giờ tối ngày 1/7, một người đàn ông trung niên mặc áo phông đen, quần đen và mang theo ba lô màu đen đã dùng dao đâm một cảnh sát mặc sắc phục đang đối mặt với ông ngay tại cửa hàng bách hóa Sogo ở Causeway Bay. Theo video quay trực tiếp, viên cảnh sát bỏ chạy sau khi bị trúng dao và ngay sau đó ngã xuống đất với máu chảy ra từ phía dưới nách trái. Rất đông cảnh sát đến sơ cứu cho anh ta. Sau khi vụ việc xảy ra, cảnh sát đã lên án và chỉ ra rằng hành vi bạo lực đã khiến lưng trái của viên cảnh sát bị thương.

Ba cảnh sát đã rút súng để khuất phục người đàn ông này nhưng không thành công. Cuối cùng, một số cảnh sát lao đến và đẩy ngã người này xuống đất. Đoạn video cho thấy sau khi ông ngã xuống, sàn nhà bê bết máu, nhân viên xe cứu thương đã đến sơ cứu và đưa đến bệnh viện Ruttonjee. Ông này được xác nhận đã chết vào khoảng 11:20 phút tối. Cảnh sát chỉ ra rằng người đàn ông này đã tấn công một cảnh sát và sau đó dùng dao tự gây thương tích. 

Theo báo chí Hồng Kông đưa tin, người đàn ông trong vụ án khoảng 50 tuổi và viên cảnh sát khoảng 30 tuổi.

Bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam), người vừa trở về từ Bắc Kinh, đã lên án mạnh mẽ kẻ đã tấn công viên cảnh sát bằng dao đồng thời gửi lời chia buồn đến viên cảnh sát bị thương và cầu chúc anh ta mau chóng bình phục.

Dù chưa rõ động cơ gây án của người đàn ông này nhưng nhiều người Hồng Kông đã bày tỏ sự đau buồn trước cái chết của ông.

Một số cư dân mạng tin rằng đối với người dân Hồng Kông, ông là một liệt sĩ, cũng giống như những người trẻ tuổi trong thời gian chống Luật Dẫn độ, đã “dĩ tử minh chí”, sẵn sàng hy sinh bản thân để thể hiện ý chí của mình. Một số người Hồng Kông thẳng thắn nói rằng họ và bạn bè đều đang cảm thấy bi quan về hiện trạng ở Hồng Kông, đã rất nhiều người lâm vào hoàn cảnh sống không bằng chết, đã không còn sợ chết nữa rồi. Một số cư dân mạng thở dài rằng liệt sĩ này suy cho cùng cũng đã phải sống trong đau khổ như thế nào, bị chính quyền chèn ép đến đường cùng, vì vậy ông đã phải lựa chọn cách làm tuyệt vọng này, ám sát cảnh sát và tự sát .

Trong bài chia sẻ có tiêu đề “Bạn biết vì sao liệt sĩ lại tự sát không?” của cư dân mạng “Hoa hồng” viết: “Vì ông ấy không chấp nhận bản án oan; vì ông ấy không chấp nhận nhục nhã khi bị bắt, bởi vì ông ấy yêu Hồng Kông và bởi vì ông ấy có tinh thần hiệp sĩ trong trái tim mình.” Cư dân mạng này còn viết: “Họ đã xúc phạm hiệp sĩ mắc bệnh tâm thần. Điều này là do bạn không bao giờ biết rằng có một thứ quan trọng hơn mạng sống, chính là ‘nghĩa’!”.

Một số cư dân mạng để lại lời nhắn: Một linh hồn khác đã chết dưới ách thống trị của ĐCSTQ, hy vọng ông ấy sang kiếp sau sẽ không còn đau khổ như vậy nữa.

Bày tỏ phản đối trong im lặng, nhiều công dân Hồng Kông bị cảnh sát bắt bớ

Ngày lễ 1/7 ở Hồng Kông cũng là ngày người dân Hồng Kông xuống đường bày tỏ nguyện vọng của mình. Dù không khí căng thẳng nhưng một số người dân vẫn nhất quyết “xuống đường”. Một số người mặc quần áo đen và đeo khẩu trang vàng, bày tỏ sự phản đối trong im lặng.

Tuy nhiên, chính quyền Hồng Kông đã triển khai hơn 10.000 cảnh sát phong tỏa Công viên Victoria, bố trí lực lượng phòng thủ ở Vịnh Causeway và Mong Kok, chặn không cho người dân đi qua và bắt giữ những người bất đồng chính kiến.

Một trong những người phụ nữ đang ở gần Công viên Victoria nói với phóng viên tờ Epoch Times rằng diễu hành ngày 1/7 bị cấm, báo Apple Daily bị đóng cửa, cô cảm thấy rất buồn bực. “Ngay cả quyền tự do ngôn luận và tự do biểu tình đơn giản như vậy cũng không thể được thể hiện. Tôi nghĩ rằng thật đáng tiếc khi Hồng Kông đã rơi vào tình cảnh ngày hôm nay.”

Cũng có công dân bất mãn nói: “Mặc áo đen là quyền tự do của tôi, cảnh sát muốn làm gì thì làm!”

Ngoài ra, cảnh sát cũng tùy tiện khám xét những người mà họ cảm thấy khả nghi vì đã mặc quần áo đen hoặc đeo khẩu trang vàng. 

Cảnh sát liên tục giương cao cờ vàng trên phố Great George để cảnh cáo công dân “vi phạm pháp luật”. Gần 4 giờ, cảnh sát bất ngờ ập vào Fashion Walk, kéo dây phong tỏa trung tâm thương mại này, yêu cầu phóng viên và người dân rời đi.

Vào buổi tối, cảnh sát thông báo rằng 11 người đã bị bắt vì “phân phát các ấn phẩm có tính chất kích động” ở Mong Kok. Được biết, những người bị bắt ngoài các thành viên của tổ chức sinh viên “Hiền học tư chính”, còn có các tình nguyện viên từ Hiệp hội sinh viên và Liên minh sinh viên Lĩnh Nam.

Mộc Lan (t/h)