Tại phố Sai Yeung Choi thuộc Mong Kok Hồng Kông, đêm nào cũng xuất hiện một cụ ông kéo theo chiếc xe đẩy nhỏ đi dọc đường phố với lá cờ màu vàng có dòng chữ “Tôi muốn quyền bầu cử phổ quát đích thực”, cùng biểu ngữ “Đấu tranh cho tự do của thế hệ sau”, và chiếc ô màu vàng tượng trưng cho tinh thần phản kháng. Ông đã duy trì như vậy liên tục hơn 1.800 ngày, bất chấp thời tiết mưa gió cũng không nghỉ.

Ngo bac
Cụ Ngô Bản Đốc, người kháng nghị Hồng Kông hiện đã 83 tuổi  (Ảnh: VOA)

Đài VOA (Tiếng nói nước Mỹ) đưa tin, cụ ông 83 tuổi này tên là Ngô Bản Đốc (Wu Bendu), trước khi nghỉ hưu ông đã làm nghề lái taxi hơn 30 năm, ông cũng có tên khác là Ngô Bác (Wu Bai). Bắt đầu từ phong trào ô dù vào năm 2014, hàng đêm cụ ông đều xuất hiện trên đường phố Mong Kok với một chiếc xe đẩy nhỏ. Ông nói với các phóng viên rằng việc ông làm như vậy “để giữ lại mồi lửa, khi cơ hội đến sẽ tiếp tục bùng cháy”.

Ông Ngô Bác tự xưng là thành viên của tổ chức dân sự Cưu Ô, hầu hết các thành viên đều ở độ tuổi trung niên và cao tuổi, từ sau thất bại của phong trào ô dù đến sự bùng nổ của cuộc biểu tình chống Dự luật Dẫn độ trong mùa hè này, họ luôn lặng lẽ cố thủ trên đường phố Mong Kok.

Ông kể rằng cảnh sát Hồng Kông bám theo rất chặt chẽ, mỗi đêm trước khi đến Mong Kok là đã sẵn sàng cho khả năng vào ngồi trong tù. Nhưng ông nhấn mạnh ông không sợ phải ngồi tù, từ nửa thế kỷ trước ông đã nếm qua mùi vị của nhà tù đảng Cộng sản.

Ngô Bác kể lại câu chuyện, vào một ngày năm 1969, khi ông đang lái taxi ở Hồng Kông thì bất ngờ nhận được một bức điện cho biết cha ông bị bệnh nặng, yêu cầu ông sớm trở về quê nhà ở bán đảo Lôi Châu tỉnh Quảng Đông. Nhưng ngay khi đến Trạm Giang thì ông đã bị hai cảnh sát Lôi Châu bắt vào nhà tù huyện Hải Khang.

“Vào thời điểm nổ ra Cách mạng Văn hóa, đảng Cộng sản đã tổ chức Đại hội lần thứ chín, việc kiểm soát xuất nhập cảnh rất nghiêm ngặt, họ nghi ngờ liệu liệu tôi có phải đặc vụ không”, ông Ngô Bác cho biết, “Họ biết gia đình tôi theo tôn giáo Công giáo… Quy kết chúng tôi là chó của đế quốc, phần tử mê tín… Trong khi tôi không có thẻ chứng minh thân phận nên bị giam giữ trong 3 năm 7 tháng rưỡi.”; “Đó là một khoảng thời gian rất đau khổ, thấy tương lai mù mịt không biết sẽ ra sao, cả cha mẹ và gia đình tôi cũng lo lắng và đau  xót cho tôi.”

Mãi đến ngày 28/10/1972 ông Ngô Bác mới được thả trở lại Hồng Kông.

Nhu cầu tự do của người Hồng Kông luôn đặc biệt mạnh mẽ

Năm 2014 ở tuổi đã 78 tuổi nhưng Ngô Bác vẫn đi đầu trong phong trào ô dù, trong phong trào chiếm đóng trung tâm 79 ngày ông đã ngủ trên đường phố mỗi đêm. Ông luôn có mặt tại Mong Kok, Admiralty và Causeway Bay khi chính quyền đi giải tỏa người biểu tình, đã bị bắt nhiều lần.

Những năm qua ông chứng kiến thăng trầm của phong trào phản kháng của người dân Hồng Kông, ông chia sẻ cùng các phóng viên: “Cuộc đấu tranh lần này đã khác, quyết tâm của những người trẻ tuổi ở Hồng Kông là rất mạnh mẽ, sẽ không bỏ cuộc nếu không đạt được mục đích.”

“Phong trào lần này sẽ không dễ kết thúc, những người trẻ đấu tranh lần này luôn có mặt tại tiền tuyến. Chúng tôi còn thấy mệt mỏi, nhưng chúng thì không. Thực tế, thời thiếu niên chúng tôi không biết gì cả, nhưng các bạn thiếu niên hiện nay ‎có nhận thức rất mạnh mẽ về dân chủ, tự do và chính trị. Bạn thấy đấy, những đứa trẻ 12 và 13 tuổi đã bị bắt, thế hệ này khác quá nhiều!”

Ông Ngô Bác kể rằng, cuộc đấu tranh chống Dự luật Dẫn độ kéo dài quá lâu là vì Chính phủ cũng không nhân nhượng, bất chấp ‎ý dân mạnh đến đâu. “Một khi còn tồn tại đảng Cộng sản thì chúng ta sẽ rất khó khăn, trừ khi thể chế cải cách theo hướng dân chủ thì mới có hy vọng, còn nếu đảng Cộng sản vẫn độc đoán như thế thì rất khó khăn.”

Ông cũng cho biết: “Mọi cuộc đấu tranh dân chủ đều phải trải qua thời kỳ đổ máu và mồ hôi, đặc biệt là khi đối mặt với chế độ độc tài thì con đường rất khó khăn, con đường chúng tôi đi gần như là con đường đẫm máu. Những bạn trẻ này không sợ hãi, họ có can đảm và quyết tâm, còn những bậc trưởng bối như chúng tôi cần gắng sức hỗ trợ, không để họ cô độc.”

Tuyết Mai

Xem thêm: