Truyền thông Hồng Kông dẫn nguồn tin nói rằng dưới sự hỗ trợ của chính quyền Đại Lục, chính quyền Hồng Kông sẽ tiến hành xét nghiệm bắt buộc đối với toàn bộ 7,5 triệu người Hồng Kông vào tháng Ba, người không tham gia làm xét nghiệm có thể bị liệt vào “danh sách đen” và bị cảnh sát truy cứu.

p3094001a227365490
Người dân Hồng Kông tập trung để xét nghiệm virus tại một trạm lấy mẫu ngoài trời. (Nguồn ảnh: do độc giả cung cấp).

Dưới làn sóng thứ năm của đại dịch ở Hồng Kông, số ca được xác nhận hàng ngày đã tăng lên theo cấp số nhân. Ngày 16/2, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình đã có một phát biểu hiếm hoi về công tác chống dịch của Hồng Kông.

Tờ báo tại Hồng Kông thuộc phe kiến chế HK01 cho biết, họ đã nhận được thông tin đáng tin cậy. Chính quyền Hồng Kông đã thảo luận với chính quyền Đại Lục để tiến hành xét nghiệm toàn diện 3 lần đối với 7,5 triệu người ở Hồng Kông, nhanh nhất là bắt đầu vào đầu tháng Ba. Phương pháp là chia ngày xét nghiệm theo số ID. Kế hoạch là hoàn thành lần xét nghiệm đầu tiên cho 7,5 triệu người trong một tuần (7 ngày). Nếu tiến hành xét nghiệm liên tục trong 3 tuần, thì cần phải đến cuối tháng Ba mới hoàn thành, đồng thời đại đa số bệnh nhân sẽ được đưa đến các trại cách ly.

Ngày 17/2, tờ HK01 một lần nữa dẫn nguồn tin từ phe kiến chế và chỉ ra, việc xét nghiệm toàn dân là một kế hoạch bắt buộc “chưa từng có”, “đó là biện pháp bất đắc dĩ, vì dịch bệnh đang trên đà vượt khỏi tầm kiểm soát”. Nguồn tin tiết lộ rằng thẻ căn cước Hồng Kông là thông tin toàn dân đáng tin cậy nhất trong tay chính quyền, nó có thể được sử dụng để biết và truy tìm những ai chưa xét nghiệm. Tờ báo này nhấn mạnh mục đích của lần xét nghiệm bắt buộc đối với toàn dân này là để nhanh chóng tìm ra tất cả người bệnh, đồng thời kêu gọi công chúng đừng suy đoán quá nhiều, toàn dân hợp tác thì mới có thể ngăn chặn được dịch.

Nguồn tin cũng chỉ ra rằng ứng dụng di động phòng chống dịch hiện nay “An tâm xuất hành” (LeaveHomeSafe) có những khuyết điểm, bao gồm việc phải tốn nhiều nhân lực để theo dõi những nơi người được xác nhận lây nhiễm từng đến và những người có nguy cơ cao khác. Nếu chính quyền Hồng Kông làm một đợt xét nghiệm toàn dân, thì có thể ngăn chặn đợt dịch lần thứ 5 đang trên đà mất kiểm soát một cách nhanh nhất có thể.

Vào tháng 9/2020, chính quyền Hồng Kông đã chi 530 triệu USD để thực hiện chương trình xét nghiệm toàn dân kéo dài hai tuần. Vào thời điểm đó, công chúng đã phản ứng một cách lạnh lùng, trong suốt quá trình này, có tổng cộng 1,783 triệu người đã được xét nghiệm, con số này chưa bằng 1/4 tổng dân số.

Nguồn tin cho biết, lần trước là xét nghiệm tự nguyện, lần này là xét nghiệm bắt buộc. Nếu người dân không hợp tác, họ có thể gặp nhiều tình huống khác nhau, bao gồm không thể xin hoặc đổi biển số xe, không thể xin cấp số điện thoại di động dưới hệ thống tên thật; hoặc khi cảnh sát kiểm tra thẻ căn cước của họ, họ có thể bị buộc tội hoặc thậm chí bị bắt tại chỗ; trong trường hợp nghiêm trọng nhất, chính quyền có thể đưa những công dân chưa tham gia xét nghiệm vào “danh sách đen” truy nã, lực lượng cảnh sát sẽ truy tìm những người có liên quan căn cứ vào số điện thoại và địa chỉ mà chính quyền nắm được.

Một số nhà bình luận đặt câu hỏi về tính hiệu quả của việc triển khai xét nghiệm toàn dân. Ông Nhan Thuần Câu, một người có thâm niên trong lĩnh vực truyền thông tại Hồng Kông, có bài viết đăng trên Facebook chỉ ra, nếu virus lây lan trong cộng đồng Hồng Kông, số ca được xác nhận sẽ tăng theo cấp số nhân mỗi ngày, vậy thì sau một tháng có thể sẽ có hơn 200.000 người bị nhiễm, trong khi chính quyền Hồng Kông hoàn thành việc xét nghiệm toàn dân vào cuối tháng Ba, liệu con số khổng lồ 200.000 người này sẽ được bố trí như thế nào?

Hồng Kông là một nơi nhỏ bé, vốn đất chật người đông, nếu không có trại cách ly để tiếp nhận lượng dân cư khổng lồ đã được xác nhận lây nhiễm này, thì những người này chỉ có thể ở nhà và tự cách ly. Do đó chính quyền không cần tiến hành xét nghiệm toàn dân, bởi vì kết quả là giống nhau: chính quyền Hồng Kông chỉ có thể giơ tay đầu hàng trước virus.

Ông Nhan Thuần Câu cho biết, vào đầu năm 2020, sau khi dịch bệnh bùng phát ở Vũ Hán, trải qua một quá trình dài thất thủ, chính quyền đã sử dụng các biện pháp kiểm soát bạo lực để phong tỏa cư dân Vũ Hán trong vùng có dịch, “để mặc khu vực đó ‘tự sinh tự diệt’, số người tử vong lên đến hàng chục ngàn người, tạo thành thảm kịch nhân gian, cuối cùng dịch bệnh đã được chững lại”. Ông cho rằng phương pháp chống dịch “zero COVID” cũng giống như “dùng đại bác diệt muỗi”, mặc dù tạm thời có hiệu quả, nhưng lâu dài lặp đi lặp lại, chỉ cần virus còn thì vẫn sẽ lặp đi lặp lại không dừng.

Ông tiếp tục chỉ ra rằng để thực hiện “zero COVID”, ĐCSTQ “không ngần ngại chi trả những chi phí xã hội khổng lồ, khiến người dân phải chịu đựng những nỗi đau to lớn về tinh thần và thể chất”. Phương pháp chống dịch man rợ này sẽ không sẽ không thể thực hiện được trong một xã hội dân chủ, cũng không thể thực hiện được ở Hồng Kông cũ. Nhưng Hồng Kông đã bị cai trị bởi các chính sách hà khắc của “một quốc gia”, và người dân Hồng Kông chỉ có thể chịu đựng nỗi đau giống như người Đại Lục.

Lý Hoài Quất, Vision Times

Xem thêm: