Đặc khu Hồng Kông hôm thứ Hai (1/7) đã tổ chức lễ kỷ niệm 22 năm ngày được Anh Quốc bàn giao chủ quyền về Trung Quốc. Đây là lần đầu tiên giới chức Đặc khu tổ chức lễ kỷ niệm trong nhà với bối cảnh biểu tình, an ninh thắt chặt và mưa.

Embed from Getty Images

Sau khi có một số trận mưa rào vào khoảng 6:00 sáng 1/7 (giờ Hồng Kông), giới chức chính quyền Đặc khu đã thông báo lễ thượng cờ Hồng Kông và Trung Quốc dự kiến diễn ra vào lúc 8:00 sẽ được chuyển từ bờ sông cạnh Trung tâm Hội nghị và Triển lãm ở Wan Chai vào bên trong tòa phức hợp này.

Theo tờ Hoa Nam Buổi Sáng, các lá cờ vẫn được căng lên ở bên ngoài, nhưng các vị khách sẽ xem nghi lễ thượng cờ này từ màn hình chiếu trực tiếp phát bên trong trung tâm hội nghị.

So với các năm trước, lực lượng an ninh năm nay được bố trí đông đảo hơn, với nhiều lớp rào chắn chứa đầy nước được dựng lên xung quanh trung tâm hội nghị, trong khi đó, hàng chục sĩ quan cảnh sát đứng bảo vệ tại lối vào và cảnh sát biển tuần tra tại Cảng Victoria.

Theo AP, khoảng 30 phút trước khi diễn ra lễ thượng cờ, cảnh sát đã phải sử dụng khiên chống bạo động và bình xịt hơi cay để đẩy lùi hàng trăm người biểu tình đội mũ bảo hiểm cố gắng tiến gần tới các tuyến phố hướng tới địa điểm tổ chức lễ kỷ niệm.

Hàng trăm quan khách, bao gồm các quan chức, lãnh đạo doanh nghiệp và các chức sắc đã quan sát lễ thượng cờ và trình diễn máy bay, tàu thủy từ trong tòa nhà trung tâm thương mại qua màn hình lớn.

Phát biểu khoảng 5 phút tại buổi lễ kỷ niệm, Trưởng Đặc khu Hồng Kông Carrie Lam (Lâm Trịnh Nguyệt Nga) đã nói rằng hàng loạt các cuộc biểu tình có hàng trăm nghìn sinh viên và các thành phần xã hội khác tham gia đã dạy bà rằng bà cần phải lắng nghe tốt hơn nữa tâm tư của thế hệ trẻ nói riêng và người dân Hồng Kông nói chung.

“Điều này đã làm tôi nhận thức đầy đủ rằng tôi, là một chính trị gia, phải tự nhắc nhở mình mọi lúc cần phải nắm bắt tâm tư của công chúng một cách chính xác,” bà Lam nói.

Bà Lam khẳng định rằng chính quyền Đặc khu có ý định tốt, nhưng cho biết “tôi sẽ học bài học này và đảm bảo rằng công việc tương lai của chính quyền sẽ gần gũi hơn và trách nhiệm hơn với nguyện vọng, tình cảm và ý kiến của cộng đồng.”

Theo Hoa Nam Buổi Sáng, trong khi bà Lam phát biểu, lực lượng an ninh đã phải cưỡng chế một nhà lập pháp ủng hộ dân chủ ra khỏi phòng hội nghị khi người này hét lớn yêu cầu bà Lam phải từ chức và rút hoàn toàn dự luật dẫn độ.

Theo AP, một cuộc tuần hành đã được lên kế hoạch diễn ra vào chiều 1/7 dự kiến thu hút số lượng người tham gia nhiều hơn các năm trước vì dự luật dẫn độ đã đánh thức nỗi sợ hãi của người dân Hồng Kông rằng chính quyền Trung Quốc Đại lục đang làm xói mòn tự do và nhân quyền mà họ được bảo vệ ít nhất trong vòng 50 năm kể từ năm 1997 theo thỏa thuận “một đất nước, hai chế độ” mà Trung Quốc đã ký kết với Anh Quốc.

Xuân Thành