Trong phong trào biểu tình phản đối Dự luật Dẫn độ tại Hồng Kông, một trong năm yêu cầu của người biểu tình là thành lập ủy ban điều tra độc lập, đến nay vẫn chưa được đáp ứng. Trưởng Đặc khu Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) nhất quyết để Hội đồng Khiếu nại Cảnh sát Độc lập (IPCC) phụ trách thẩm tra, nhưng vào ngày 11/12 một nhóm chuyên gia quốc tế được mời đến Hồng Kông tham gia vào hội đồng này đã lên tiếng cho biết quyền lực và tính độc lập của IPCC không được đảm bảo, vì vậy quyết định cùng từ chức và kêu gọi cần xúc tiến điều tra độc lập thực sự.

carrielam
Nhóm chuyên gia IPCC xin từ chức, không khác gì “cái tát” đối với Trưởng Đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Ảnh: Epoch Times)

Liên quan đến sự kiện, phe dân chủ Hồng Kông đã hình dung động thái này là “cái tát” đối với bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga, diễn biến này cùng với xu thế bất mãn gia tăng trong nội bộ phe kiến chế đối với bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga kéo theo luồng quan điểm rằng bà Trưởng Đặc khu này đang ngày càng bị cô lập, có thể gặp làn sóng tẩy chay từ chính phe kiến chế.

Tuyên bố từ chức tập thể của nhóm chuyên gia quốc tế

Tháng Chín năm nay, IPCC đã thuê các chuyên gia ở nước ngoài để giúp xem xét hàng loạt vụ xung đột tại Hồng Kông kể từ khi nổ ra chiến dịch chống Dự luật Dẫn độ. Thành viên của nhóm chuyên gia quốc tế bao gồm 5 chuyên gia cảnh sát uy tín và quyền lực đến từ Anh, Canada và Úc. Tuy nhiên qua ba tháng nhậm chức, các chuyên gia này không chỉ không được Chính phủ Hồng Kông đảm bảo cho hoạt động hiệu quả đúng bản chất của một bộ phận độc lập, thậm chí còn bị loại bỏ bởi IPCC do thế lực phe kiến chế thân Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thao túng, họ xảo biện rằng “các chuyên gia nước ngoài hoàn toàn không hiểu Hồng Kông”.

Trong một tuyên bố từ chức tập thể công bố trên một số hãng truyền thông quốc tế hàng đầu như AFP, The Guardian và The Wall Street Journal, nhóm chuyên gia quốc tế đã viết: “Chúng tôi đã cùng kết luận: có lỗ hổng nghiêm trọng về quyền hạn, năng lực và tính độc lập chấp pháp của IPCC.” “Chúng tôi tin rằng các quyền hạn và khả năng hiện tại của IPCC không thể đáp ứng hoặc đáp ứng kỳ vọng của người dân Hồng Kông về tự do và quyền lợi xã hội.”

bieutinhhk 11 12
Nhóm chuyên gia quốc tế do Chính phủ Hồng Kông mời tham gia đã cùng từ chức, cho thấy độ tin cậy của IPCC không đủ. Hình ảnh người dân kháng nghị kêu gọi thành lập một ủy ban điều tra độc lập vào ngày 26/9/2019 (Ảnh: Epoch Times)

Tranh luận về quan điểm “kết thúc nhiệm vụ mang tính giai đoạn”

Liên quan đến việc từ chức tập thể của nhóm chuyên gia quốc tế, hôm 11/12 phó chủ tịch của IPCC là Tạ Vĩ Thuyên (Tony Tse) đã bác bỏ thông tin từ chức của nhóm chuyên gia quốc tế, lên tiếng rằng công việc của nhóm chuyên gia chỉ là “kết thúc nhiệm vụ mang tính giai đoạn”. Trong một cuộc phỏng vấn với giới truyền thông, chủ tịch Lương Định Bang (Anthony Neoh) của IPCC cũng chỉ ra rằng nhóm chuyên gia quốc tế đã hoàn thành nhiệm vụ ngắn hạn, bác bỏ quan điểm cho rằng họ từ chức mà chỉ là “kết thúc nhiệm vụ mang tính giai đoạn”.

Về tuyên bố của chủ tịch IPCC, luật sư kỳ cựu Lương Gia Kiệt chỉ trích rằng Lương Định Bang đã học “ngụy biện ngôn từ” của Lâm Trịnh Nguyệt Nga. Ông cho biết, vài tháng trước khi Chính phủ mời nhóm chuyên gia quốc tế đã chưa từng đề cập việc điều tra theo giai đoạn cụ thể nào, khi đó mọi người đã có ấn tượng rằng nhóm chỉ rời đi sau khi có báo cáo hoàn thiện và công bố đại chúng. Nhưng bây giờ IPCC bất ngờ giải thích hoạt động điều tra mang tính giai đoạn, và khi bị giới phóng viên hỏi liệu giai đoạn tiếp theo có mời nhóm chuyên gia quốc tế tham gia hay không thì ông chủ tịch IPCC nói rằng chưa rõ công việc giai đoạn tiếp theo.

“Rõ ràng là họ (nhóm chuyên gia quốc tế) đã xin từ chức,” Lương Gia Kiệt thẳng thắn bác bỏ xảo biện của Lương Định Bang.

Các chuyên gia không muốn mất uy tín

Về lý do tại sao nhóm chuyên gia quốc tế từ chức, ông Lương Gia Kiệt phân tích rằng vì cuối tháng này hoặc đầu tháng tới IPCC sẽ công bố báo cáo,  “(các chuyên gia) không muốn uy tín của họ bị liên quan trong báo cáo của IPCC.”

Trên thực tế, ngay từ ngày 10/11, nhóm chuyên gia quốc tế tham gia IPCC đã tổ chức họp báo chỉ ra việc IPCC thiếu quyền lực điều tra độc lập, cũng cho biết rằng cần phải tìm một cơ quan độc lập có quyền lực để tiến hành điều tra chuyên sâu về xung đột giữa cảnh sát và thị dân Hồng Kông trong chiến dịch chống Dự luật Dẫn độ.

Clifford Stott, một thành viên của nhóm chuyên gia quốc tế, đã vô cùng thất vọng khi thấy IPCC chỉ mời một bộ phận giới truyền thông dự họp báo, đã đi đầu đưa ra tuyên bố công khai về vấn đề trên Twitter cá nhân. Tuyên bố nêu rõ, nhóm chuyên gia đã phân tích khả năng điều tra của IPCC, khẳng định rằng IPCC thiếu quyền lực và khả năng điều tra độc lập trong đối phó với quy mô của vụ việc ở Hồng Kông. Nhóm chuyên gia khuyến nghị cần một cuộc điều tra chuyên sâu và toàn diện hơn được thực hiện bởi một cơ quan độc lập và có đầy đủ thẩm quyền.

Phe dân chủ: “Cái tát” dành cho Lâm Trịnh Nguyệt Nga

Về sự kiện này, hôm 11/12 người triệu tập Trần Thục Trang (Tanya Chan) của phe dân chủ cho biết, việc từ chức của nhóm chuyên gia ngay trước khi IPCC chuẩn bị đưa ra báo cáo tạm thời là sự kiện gây sốc, rõ ràng điều này không khác gì “’cái tát’ dành cho bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga”, điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến uy tín quốc tế của Chính phủ Hồng Kông đương nhiệm, hy vọng Lâm Trịnh Nguyệt Nga không tiếp tục mũ ni che tai mà nên sớm thành lập ủy ban điều tra độc lập đáp ứng nhu cầu của công chúng.

Còn bà ủy viên Hội đồng lập pháp Hồng Kông là Mao Mạnh Tĩnh (Claudia Mo) thì mô tả sự kiện nhóm chuyên gia từ chức không khác gì “cùng nhau chấm điểm 0 cho Chính phủ Lâm Trịnh Nguyệt Nga”, vụ việc đã trở thành một trò đùa quốc tế. “Sự từ chức tập thể của các chuyên gia quốc tế lần này rõ ràng là điểm không cho báo cáo của IPCC, toàn bộ sự việc đã trở thành một trò đùa quốc tế, một lần nữa chứng minh rằng cách làm việc của Chính phủ này bổ nhiệm nhân sự theo kiểu dùng người thân.”

Nhiều quan chức cấp cao xin từ chức nhưng không thành?

Ngoài việc từ chức tập thể của nhóm chuyên gia quốc tế, trước đó đã có hãng truyền thông nước ngoài đưa tin bà Vụ trưởng Tư pháp Hồng Kông là Trịnh Nhược Hoa (Teresa Cheng) bị thương khi đi công du tại Anh, đã xin Bắc Kinh cho từ chức để ở lại Luân Đôn, nhưng bị Bắc Kinh yêu cầu trở về Hồng Kông.

Ngoài ra, một nguồn tin từ chuyên viên thông tin của Chính phủ Hồng Kông cũng tiết lộ Cục trưởng An ninh Hồng Kông là Lý Gia Siêu (John Lee) cũng từng xin từ chức nhưng đã bị từ chối với lý do không tìm được người phù hợp để tiếp quản.

Trước đó giới truyền thông Hồng Kông cũng đưa tin, để sớm bình ổn tình hình kéo dài đã nửa năm của chiến dịch biểu tình chống Dự luật Dẫn độ, Bắc Kinh đã xem xét tổ chức lại đội ngũ nhân sự, theo đó thay thế nhiều quan chức quá mất tín nhiệm, ít nhất có 4 quan chức cấp cao sẽ bị “trảm”. Thông tin cho biết những nhân vật bị đồn có nguy cơ cao là Trương Kiến Tông (Matthew Cheung), Trịnh Nhược Hoa (Teresa Cheng), Lý Gia Siêu (John Lee), Lưu Giang Hoa (Lau Kong-wah).

Về vấn đề này, nhà bình luận thời sự Ngô Minh Đức (Ng Ming-yam) có chỉ ra, bà Trịnh Nhược Hoa không muốn quay lại nhưng đã bị Bắc Kinh đưa đi để chăm sóc phổi, sau đó chồng của bà Trịnh Nhược Hoa là ông Phan Lạc Đào (Otto Poon Lok To) là cổ đông chính và chủ tịch của Analogue Hldgs, đã bị buộc ngừng hoạt động. Ông tin rằng Trịnh Nhược Hoa đã bị ĐCSTQ đe dọa: “Có nhận định, công ty niêm yết của chồng bạn bị bắt tạm ngừng giao dịch, liệu bạn có dám từ chức không? Bạn có biết họ có bao nhiêu thông tin?”

Tuyết Mai

Xem thêm: