Trong bối cảnh làn sóng COVID-19 đang tàn phá nặng nề Hồng Kông, dẫn đến các thi thể chất đống trong các cơ sở lưu trữ do tình trạng khan hiếm quan tài, chính quyền Đặc khu đã thông báo, họ sẽ bắt đầu giảm bớt đáng kể các biện pháp hạn chế đại dịch trong tháng tới.

Embed from Getty Images

Trong cuộc họp báo hôm thứ Hai (21/3), Đặc khu trưởng Hồng Kông Carrie Lam tuyên bố, bắt đầu từ ngày 1/4, các lệnh cấm bay đối với 9 quốc gia sẽ được dỡ bỏ và thời gian cách ly tại khách sạn đối với các cư dân đã được tiêm chủng đầy đủ bay đến từ các quốc gia này sẽ được cắt giảm một nửa xuống còn 7 ngày.

Việc nới lỏng các biện pháp hạn chế được đưa ra trong bối cảnh ngành công nghiệp tang lễ của Hồng Kông đang phải tranh giành để tìm những chiếc quan tài cho khách hàng do tỷ lệ tử vong đáng lo ngại ở Đặc khu này. Theo Bộ Y tế Hồng Kông, tính đến hôm 19/3, có 3.200 thi thể đang được lưu giữ trong các cơ sở lưu trữ của Đặc khu này.

Thông báo này của chính quyền Hồng Kông cũng là khởi đầu cho việc tách khỏi quy trình hành động mà phần còn lại của Trung Quốc đang thực hiện.

Trong bối cảnh hàng chục triệu cư dân ở Trung Quốc Đại lục vẫn đang bị phong tỏa do việc áp dụng chính sách “Zero COVID” của chính quyền cộng sản nước này, bà Lam tuyên bố, các biện pháp giãn cách xã hội sẽ được nới lỏng trong ba giai đoạn bắt đầu từ ngày 21/4.

Giai đoạn đầu tiên sẽ mở cửa lại các phòng tập thể dục, thẩm mỹ viện, địa điểm tôn giáo và các cơ sở thể thao, cũng như mở rộng thời gian dùng bữa trong các nhà hàng. Giai đoạn hai sẽ mở cửa lại các cơ sở kinh doanh như quán bar và quán rượu. Giai đoạn ba sẽ cho phép học sinh quay trở lại các lớp học trực tiếp.

Trong ba tháng qua, Hồng Kông đã báo hơn 4.600 trường hợp tử vong do COVID. Số thi thể đã tràn ngập các nhà xác của Đặc khu và làm cạn kiệt nguồn cung cấp quan tài.

Phát biểu với giới truyền thông địa phương, các đại diện ngành tang lễ Hồng Kông đề xuất, Đặc khu cần khoảng 300 quan tài mỗi ngày để đáp ứng số lượng tử vong hàng ngày.

Tuần trước, khi phát biểu với tờ South China Morning Post, ông Ng Yiu-tong, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Tang lễ Hồng Kông, nhấn mạnh: “Nếu chính phủ không thể đảm bảo nguồn cung cấp quan tài ổn định và liên tục, điều đó sẽ dẫn đến các xác chết chất đống trong các nhà xác công cộng, gây ra các vấn đề vệ sinh nghiêm trọng và làm tăng nguy cơ xảy ra một đại dịch khác.”

Số người chết tăng vọt phần lớn là do nhóm người cao tuổi chưa được tiêm chủng.

Tính đến hôm 21/3, chỉ 56% trong số những người từ 70 tuổi trở lên ở Hồng Kông đã được tiêm ít nhất hai liều vắc-xin COVID-19. Con số này thậm chí còn thấp hơn ở những cư dân từ 80 tuổi trở lên, với chỉ 39% đã được tiêm liều thứ hai.

Bất chấp những con số khủng khiếp, chính quyền Hồng Kông đang cố gắng “khởi động lại” nền kinh tế của mình trong nỗ lực giữ người lao động không rời bỏ Đặc khu này.

Tháng trước, hơn 94.000 người đã rời Hồng Kông, trong khi chỉ khoảng 23.000 người quay trở lại, dẫn đến tổn thất lực lượng lao động hơn 70.000 người.

Tuần trước, đặc khu trưởng Hồng Kông đã lưu ý: “Tôi có một cảm giác rất mạnh mẽ rằng lòng khoan dung của mọi người đang mất dần. Tôi có một cảm giác rất rõ ràng rằng một số tổ chức tài chính của chúng ta đang mất kiên nhẫn về tình trạng cô lập này của Hồng Kông, bởi vì Hồng Kông là một trung tâm tài chính quốc tế.”

Gia Huy (Theo Newsweek)