Hồng Kông cũng bị cuốn vào những tranh chấp về cuộc chiến Nga-Ukraine. Ngày 5/10, Nord – chiếc du thuyền lớn của Nga bị nhiều nước châu Âu và Mỹ trừng phạt, đã thả neo ở vùng biển Hồng Kông. Liệu Hồng Kông có trở thành nơi trú ẩn an toàn cho giới tài phiệt Nga?

Embed from Getty Images

Ngày 5/10, chiếc du thuyền lớn Nord của Nga bị nhiều nước châu Âu và Mỹ trừng phạt, đã thả neo ở vùng biển Hồng Kông. (Ảnh: Getty Images)

Sau cảnh báo từ Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, chính quyền đặc khu Hồng Kông đã đưa ra 2 tuyên bố riêng từ chối trục xuất chiếc du thuyền này. Học giả Hồng Kông, ông Thẩm Húc Huy (Simon Shen), phân tích rằng “Hồng Kông mới tươi đẹp” đang trở thành nơi trú ẩn an toàn cho giới tài phiệt Nga.

Từ ngày 5/10/2021, chiếc du thuyền “Nord” siêu sang trọng của ông trùm thép Aleksei Mordashov, bạn tốt của ông Putin, đã được thả neo ở vùng biển giữa Thị trấn Kennedy và đảo Stonecutters.

Theo Agence France-Presse, “Nord” đã được người dân địa phương ở Hồng Kông phát hiện. Siêu du thuyền trị giá 500 triệu USD, có cabin sang trọng, 2 sân bay trực thăng và 1 rạp chiếu phim.

Các nước bao gồm Tây Ban Nha, Ý, Pháp, Fiji và những nước khác đã thực thi lệnh cấm trừng phạt và bắt giữ các du thuyền sang trọng của các nhà tài phiệt Nga đậu tại cảng của họ trong nỗ lực gây áp lực lên Tổng thống Nga Vladimir Putin và những người thân cận của ông.

Vụ việc khiến Hoa Kỳ không hài lòng, đồng thời hy vọng chính quyền đặc khu Hồng Kông sẽ hợp tác với các biện pháp trừng phạt mà châu Âu và Hoa Kỳ áp đặt, xua đuổi du thuyền ra khỏi vùng biển Hồng Kông.

Về vấn đề này, chính quyền đặc khu Hồng Kông đã 2 lần từ chối yêu cầu của Hoa Kỳ, với lý do “các biện pháp trừng phạt do Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đưa ra đã được thực thi và chấp hành đầy đủ. Đối với từng quốc gia có thể dựa trên cân nhắc của riêng mình mà áp đặt các biện pháp trừng phạt đơn phương đối với một số địa điểm, chính quyền đặc khu không có quyền lực, cũng như không thể thực thi các biện pháp trừng phạt đơn phương do các khu vực tài phán khác áp đặt.”

Embed from Getty Images

Chủ nhân của du thuyền Nord sang trọng, ông trùm thép Aleksei Mordashov (bên trái), là bạn của ông Putin (bên phải). (Ảnh: Getty Images)

Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết nếu Hồng Kông được sử dụng để trốn tránh các lệnh trừng phạt quốc tế, ngoại giới sẽ càng đặt câu hỏi về tính minh bạch của môi trường kinh doanh của đặc khu này, và phủ bóng đen lên danh tiếng của Hồng Kông với danh nghĩa là một trung tâm tài chính quốc tế.

Ông Thẩm Húc Huy, một học giả, kiêm nhà bình luận về quan hệ quốc tế, cho rằng cách đây vài tháng, đã có dự tính rằng Hồng Kồng sẽ trở thành “găng tay trắng” của Nga.

Ông nói rằng kể từ khi Nga bị phương Tây trừng phạt nghiêm khắc, các hành vi buôn lậu vốn, bỏ trốn, rửa tiền, v.v. đều phải “thiết kế lại đường đi nước bước”. “Hồng Kông đã trở thành một thành phố Đại Lục bình thường và có các nguồn lực (quốc tế), nên đương nhiên sẽ trở thành công cụ cho các nhà tài phiệt.”

Ông tiếp tục đề cập đến một bài viết đăng trên tờ “Globe and Mail” của Canada vào tháng Sáu năm nay, thảo luận về cách Hồng Kông trở thành điểm nóng tiếp theo cho các nhà tài phiệt Nga tích trữ tài sản của họ. Bài báo dẫn lời các chuyên gia cho biết trong vài tháng qua, giới tài phiệt Nga đã “dời đô” đến một địa điểm mới – Hồng Kông, một cách đáng ngạc nhiên.

Vị chuyên gia này chỉ ra rằng Hồng Kông, thuộc địa cũ của Anh, là nơi tiên phong trong lĩnh vực tài chính ra nước ngoài. Mặc dù những người Nga giàu nhất thế giới không chỉ coi trọng riêng Hồng Kông, nhưng khi Nga bị châu Âu và Hoa Kỳ trừng phạt, họ sẽ không còn khả năng tháo chạy vốn qua London và New York.

Ngay cả việc giữ tiền ở những nước như Ý cũng không còn an toàn. Hồng Kông hấp dẫn hơn những “thiên đường rửa tiền” như Dubai và Quần đảo Cayman (lãnh thổ hải ngoại của Anh ở phía tây vùng biển Caribbe, chỉ cách Miami (Mỹ) và Cuba một giờ bay.)

Các chuyên gia tiếp tục chỉ ra rằng mặc dù Dubai cũng kinh doanh “chất xám”, nhưng cơ sở vật chất của họ, như nhà ở và giáo dục, không tốt bằng Hồng Kông. Hồng Kông còn giữ được cơ sở hạ tầng gần như hoàn hảo từ thời thuộc địa, điều này hấp dẫn các nhà tài phiệt Nga, những người khao khát cuộc sống của phương Tây.

Trong những năm đầu, các tỷ phú Nga đã đầu tư tập thể vào London. Họ không chỉ bị thu hút bởi hệ thống tài chính của Anh, mà họ còn thích văn hóa, lối sống và thể chế xã hội của vương quốc này.

Hiện các nhà tài phiệt này đang tìm kiếm các giải pháp thay thế, vì vậy Hồng Kông là lựa chọn hàng đầu. Ông Thẩm Húc Huy nói, huống hồ Hồng Kông mới dưới sự cai trị của ĐCSTQ còn có thể đảm bảo an toàn cho những nhà tài phiệt Nga này.

Một chuyên gia khác của Viện Hudson, Hoa Kỳ cũng đồng tình với quan điểm trên. Ông cho rằng Hồng Kông có “dịch vụ hệ thống chuyển tiền thanh toán tự động”, có thể xử lý các giao dịch hàng tỷ USD, mà không cần liên quan đến hệ thống ngân hàng Hoa Kỳ. Do vậy, Hồng Kông là một lựa chọn hiển nhiên cho các nhà tư bản trốn tránh lệnh trừng phạt của phương Tây.

Ông Thẩm Húc Huy cho rằng hệ thống tài chính của Hồng Kông được thiết lập từ thời thuộc địa, đã được các nước phương Tây công nhận; tới nay hệ thống này đã bị lạm dụng thì rất có thể sẽ không còn được phương Tây công nhận, nếu không, thì điều này đã đi ngược lại logic và lý trí.

Gần đây, Cục trưởng Cục Tài chính Đặc khu hành chính, ông Trần Mậu Ba (Paul Chan Mo-po), đã đề cập rằng Hồng Kông phải có lối tư duy cơ bản, và sẵn sàng vũ khí hóa tiền tệ khi đối mặt với Hoa Kỳ. Điều này dường như ám chỉ rằng Mỹ sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt tài chính đối với Hồng Kông.

Ông Thẩm Húc Huy cho rằng ngày Hồng Kông được hưởng đặc quyền sẽ không còn nữa. Nói cách khác, Hồng Kông không thể vừa giúp Nga chạy vốn, rửa tiền, Nga xâm lược Ukraine, lại vừa được hưởng lợi từ thị trường tài chính châu Âu và châu Mỹ. Do đó, giới tài chính ở Hồng Kông cần có động thái chuẩn bị.

Theo bảng xếp hạng mới nhất của “Chỉ số Trung tâm Tài chính Toàn cầu” (GFCI), Singapore đã chính thức thay thế Hồng Kông 3 bậc liên tiếp, trở thành 3 trung tâm tài chính quốc tế hàng đầu thế giới, chỉ đứng sau New York và London.

Bình Minh (t/h)