Giáo sư Viên Quốc Dũng khoa vi sinh học của trường Đại học Hồng Kông tuyên bố đã nghiên cứu thành công vắc-xin ngừa virus corona mới. Ông hy vọng có thể thực nghiệm lâm sàng trong vòng một năm. Viên Quốc Dũng chỉ ra rằng virus corona mới lây lan nhanh hơn SARS. Hiện nay đúng vào lúc dòng người đang đổ về Hồng Kông sau khi tới Đại lục ăn Tết. Ông lo lắng thời kỳ hoàng kim để ngăn chặn virus xâm nhập Hồng Kông đã qua.

Vắc-xin ngừa bệnh viêm phổi Vũ Hán
Viên Quốc Dũng (đầu tiên từ trái sang) của khoa vi sinh học trường Đại học Hồng Kông tuyên bố đã nghiên cứu thành công vắc-xin ngừa virus corona mới. (Ảnh: Văn phòng Thông tin Chính phủ Hồng Kông)

Dịch viêm phổi corona mới vẫn đang tiếp diễn, hiện nay vẫn chưa có bất kỳ loại thuốc đặc trị nào. Vào ngày 29/1, số người bị nhiễm viêm phổi Vũ Hán do giới chức Đại lục công bố đã đột biến lên tới 6.000 ca, vượt quá cả số người nhiễm SARS trước kia. Số liệu người lây nhiễm thực tế e rằng còn cao hơn. Lúc này, Học viện Y thuộc trường đại học Hồng Kông dự đoán từ tháng 4 tới tháng 6 mới là thời kỳ dịch bệnh đỉnh điểm. Lúc đó, cả nước mỗi ngày ít nhất sẽ tăng thêm 200.000 trường hợp lây nhiễm. Vào ngày 28/1, giáo sư Viên Quốc Dũng khoa vi sinh học trường Đại học Hồng Kông, chỉ ra rằng khoa này đã nghiên cứu thành công vắc-xin ngừa virus corona mới, sẽ tiến hành thử nghiệm trên động vật, hy vọng có thể thực nghiệm lâm sàng trong vòng một năm.

Khi trả lời phỏng vấn, giáo sư Viên Quốc Dũng biểu thị, hai ngày trước, khoa này đã nhận được virus từ bệnh nhân đầu tiên nhiễm virus corona mới tại Hồng Kông. Ngay hôm đó họ đã bắt đầu giải trình gen và nghiên cứu thành công vắc-xin ngừa bệnh. Loại vắc-xin này được dùng ở dạng xịt mũi.

Họ đã bắt đầu nghiên cứu từ 3 năm trước, nguyên lý là lấy đi gen NS1 có thể gây bệnh của loại virus cúm, đồng thời đã nhận được bản quyền của Mỹ. Hiện tại họ sẽ thử nghiệm thêm vào nguyên tố virus viêm phổi Vũ Hán, nếu thành công sẽ có tác dụng bảo vệ trước virus cúm và virus viêm phổi Vũ Hán. Viên Quốc Dũng chỉ ra rằng, khi chế tạo vắc-xin phải rất cẩn trọng, nhằm giảm thiểu tối đa những tác dụng phụ vật lý miễn dịch tiềm tàng.

Đại Lục nghiên cứu “vắc-xin bất hoạt” có thể gây tác dụng phụ nghiêm trọng

Ngày 28/1, hãng truyền thông giới chức Đại lục dẫn lời Lý Lan Quyên, viện sĩ Viện Công trình Trung Quốc, nói rằng, khoảng cách chế tạo vắc-xin viêm phổi mới đã rất gần, cần đợi một tháng mới có thể lấy được gốc vắc-xin; việc kiểm tra, thử nghiệm cũng phải đợi nửa tháng, ngoài ra ít nhất còn phải chờ phê duyệt thêm 1,5 tháng nữa.

Ông Viên Quốc Dũng tin rằng loại vắc-xin Đại lục chế tạo ra rất có thể là “vắc-xin bất hoạt”, tức là thông qua nuôi dưỡng một lượng lớn virus, sau đó dùng biện pháp hóa chất hoặc tia bức xạ giết chết virus. Sau đó họ tiêm vào trong cơ thể động vật, xem liệu có sinh ra phản ứng miễn dịch không. Tiếp đó họ lại tiếp tục đem loại virus corona mới này tiêm vào cơ thể động vật, để phán đoán xem liệu loại vắc-xin này có hiệu quả không. Nếu vắc-xin đều công hiệu với các loài động vật và an toàn, thì sẽ tiến hành thử nghiệm lâm sàng với con người. Nhưng dẫu thực nghiệm lâm sàng được đẩy nhanh, chí ít cũng cần thời gian một năm.

Vắc-xin của đại lục còn tồn tại một vấn đề, là loại “vắc-xin bất hoạt” này có thể khiến con người mắc bệnh nghiêm trọng hơn. Trước kia có rất nhiều báo cáo y học cho thấy rằng, khi những người tiếp nhận vắc-xin bất hoạt bị nhiễm virus corona, bệnh tình có thể trầm trọng hơn. Còn phương pháp nghiên cứu, chế tạo “vắc-xin sống giảm độc lực” lại có thể tránh được tối đa vấn đề này.

Thời kỳ hoàng kim ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập vào Hồng Kông đã qua

Sáng sớm thứ Ba ngày 29/1, khi được phỏng vấn trên truyền hình, ông Viên Quốc Dũng đã nhắc tới tình hình dịch bệnh của Hồng Kông hiện nay. Với rất nhiều biện pháp mà chính phủ Hồng Kông đã đưa ra trước đó một hôm, gồm việc đóng cửa một phần các bến cảng, giảm thiểu giao thông đường biển, đường bộ và đường hàng không giữa Trung Quốc Đại lục và Hồng Kông, Viên Quốc Dũng cho rằng hiệu quả chỉ là hữu hạn. Bởi trước Tết Trung Quốc đã có hàng chục nghìn người Đại lục tới Hồng Kông.

Vào ngày 29/1, ngày nghỉ cuối cùng, lại có 200-300 nghìn người Hồng Kông từ đại lục quay về Hồng Kông. “Thời gian vàng” ngăn chặn virus xâm nhập Hồng Kông đã qua. Ông cho rằng, lẽ ra nên đóng cửa sớm từ trước Tết Trung Quốc. Hiện giờ, nếu muốn theo dõi y tế với 300 nghìn người quay lại Hồng Kông, về cơ bản mà nói, là điều không thể. Do vậy hiện nay nên tập trung tài nguyên tương đối cho cư dân quay về Hồng Kông từ thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc.

Virus mới lây lan nhanh hơn SARS, 14 ngày then chốt trong tương lai

Ông Viên Quốc Dũng cũng nhấn mạnh, tốc độ lây lan của virus corona mới nhanh hơn SARS, khi chưa phát bệnh đã có thể lây nhiễm. Ông cho rằng thời gian 14 ngày này vô cùng quan trọng, nếu người Hồng Kông chưa từng tới Trung Quốc hoặc chưa từng tiếp xúc với người Vũ Hán bị lây nhiễm, hoặc không tìm được nguyên nhân lây nhiễm, thì rất có thể virus đã “hạ cánh, bén rễ” tại Hồng Kông, tình hình vô cùng nghiêm trọng.

“Nếu 14 ngày vẫn có thể trụ vững, không có thêm một trường hợp lây nhiễm nào nữa, thì chứng tỏ đã ngăn chặn virus thành công lại khu vực lây lan. Nếu không chỉ chứng tỏ rằng chuỗi lây lan này đã bắt đầu,” ông Viên Quốc Dũng nói.

Ông còn nói thêm, ban đầu khi bệnh viêm phổi Vũ Hán mới xuất hiện, chính phủ Hồng Kông đã đi trước dịch bệnh ba bước về chính sách. Nhưng ban đầu đã có người Đại lục tới Hồng Kông bị nhiễm, nên quyết sách lại không theo kịp. Về việc nhân viên y tế ấp ủ dự định bãi công, Viên Quốc Dũng nhấn mạnh rằng không phải họ “sợ chết”, mà là hiện giờ phòng bệnh khoa nội đã bão hòa. Tần suất sử dụng giường bệnh đã lên tới 120%-150%. Nếu chưa thể ngăn dịch bệnh lan tràn tại Hồng Kông, thì hệ thống y tế sẽ không thể gánh nổi.

Hà Bách Lương, giám đốc Trung tâm truyền nhiễm và bệnh truyền nhiễm thuộc trường Đại học Hồng Kông, khi trả lời phỏng vấn đài truyền hình, nhắc lại rằng việc phong tỏa toàn diện này mang “tính cấp bách”. Nếu không, hễ tỉnh Quảng Đông liền kề xuất hiện khu dịch bùng phát trong làn sóng thứ 2, “mỗi ngày có 10.000-20.000 người tới Hồng Kông, thì dẫu trong đó chỉ có một, hai người ẩn mình, liệu chúng ta có thể gánh chịu nổi hay không? Theo đánh giá của tôi vào lúc này, tình hình rất đáng lo ngại.”

Ông cũng hình dung hiện nay Hồng Kông và virus có “khoảng cách bằng 0”. Ông cũng đề xướng việc chính phủ Hồng Kông nên học theo Ma Cao, điều động cảnh sát tới các khách sạn tìm ra những du khách Vũ Hán ẩn nấp trong khách sạn, hỗ trợ họ quay về đại lục, cách ly trị liệu. Nếu không những trường hợp ẩn mình này sẽ trở thành những quả “bom hẹn giờ”.

Minh Tú

Xem thêm: