Mới đây, Giám đốc Tài chính Huawei Mạnh Vãn Châu đã đăng bài viết của mình trên tờ Tin tức Kinh tế Nhật Bản (Nihon keizai shinbun) để biện hộ cho việc Huawei đầu tư vào các trường đại học hàng đầu trên thế giới.

Bài viết nhấn mạnh Huawei chưa bao giờ nghĩ rằng sẽ giành lấy bản quyền hoặc thành quả nghiên cứu của đối tác, đồng thời cũng tiết lộ sức ảnh hưởng của Huawei đã tiến sâu vào hơn 100 trường đại học trên thế giới. Trước đó một ngày, truyền thông Mỹ tiết lộ một số trường đại học tại Mỹ đang giữ khoảng cách với Huawei vì Luật Ủy quyền Quốc phòng mà Tổng thống Trump ký hồi năm ngoái.

mạnh vãn châu
Bà Mạnh Vãn Châu – Giám đốc Tài chính của Huawei (Ảnh từ internet)

Trong bài viết của mình, bà Mạnh Vãn Châu nói, năm 2010, Huawei khởi động “Kế hoạch Nghiên cứu sáng tạo (HIRP)”, thành lập một quán cà phê ảo cho các trường đại học và các tổ chức nghiên cứu trên toàn thế giới, đồng thời “thông qua kế hoạch này sẽ cung cấp vốn cho các phương án khả thi nhất”.

Bà cho biết, thông qua kế hoạch này, Huawei đã có được sự hợp tác chặt chẽ với các học giả của 100 đại học và các tổ chức nghiên cứu cấp quốc gia của hơn 30 nước trên toàn thế giới, hỗ trợ hơn 1200 dự án. Nhiều dự án đã được thương mại hóa, ví dụ, dự án hợp tác với các trường đại học nổi tiếng như Đại học Munich ở Đức đã được ứng dụng trên các sản phẩm thương mại.

Trong bài viết được Tin tức Kinh tế Nhật Bản đăng hôm 25/1, bà Mạnh Vãn Châu không đề cập tới sự kiện bà bị bắt. Ngày 1/12/2018, do liên quan đến vi phạm lệnh cấp xuất khẩu của Mỹ đối với Iran, cũng như liên quan đến hành vi lừa đảo các tổ chức tài chính nên bà Mạnh Vãn Châu đã bị Canada bắt giữ, hiện giờ bà đã được bảo lãnh tại ngoại. Cũng vì vụ việc này mà quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Canada trở nên căng thẳng hơn.

Tin tức Kinh tế Nhật Bản nói, bài viết lần này của bà Mạnh Vãn Châu là chỉnh lý lại nội dung bài thuyết trình của bà tại Singapore hồi tháng 9/2018.

Đối với việc Đại học Oxford tại Anh không tiếp tục nhận tiền nghiên cứu của Huawei nữa, bà Mạnh nói trong bài viết rằng: “Có một bộ phận người dường như trong lòng có sự hoài nghi, nhưng Huawei chưa bao giờ nghĩ sẽ giành lấy bản quyền hoặc thành quả nghiên cứu từ đối tác. Đại học Oxford quyết định từ nay về sau sẽ không nhận trợ cấp nghiên cứu của Huawei cho dự án mới nữa, nhưng mục đích của chúng tôi chỉ là học tập những thành công và thất bại từ những nhà nghiên cứu.”

Hôm 24/1, Đại học Oxford cho biết, đã dừng nhận tài trợ từ công ty Huawei. Trong E-mail mà cơ quan chủ quản của đại học này gửi cho nghiên cứu sinh Tiến sĩ ngành Khoa học máy tính có nói, quyết định này được đưa ra trong tình hình vài tháng nay công chúng cảm thấy lo lắng vì sự hợp tác của Anh Quốc và Huawei.

Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng được ký bởi Tổng thống Mỹ Donald Trump vào tháng 8/2018 đang buộc một số trường đại học hàng đầu ở Mỹ phải giữ khoảng cách với Huawei – công ty tài trợ thiết bị công nghệ và tiền cho các đại học này.

Theo Reuters đưa tin hôm 24/1, Đại học California phân hiệu tại Berkeley đã loại bỏ hệ thống truyền hình hội nghị của Huawei. Đồng thời, Đại học California phân hiệu tại Irvine đang thay thế 5 thiết bị âm thanh và video do Trung Quốc sản xuất. Các trường đại học như Đại học Wisconsin cũng đang đánh giá các nhà cung cấp của họ.

Ngoài ra, sáu trường đại học, trong đó có Đại học California phân hiệu tại Davis, Los Angeles và Đại học Texas phân hiệu tại Austin đều đang tiến hành đánh giá thiết bị viễn thông hoặc đã hoàn thành đánh giá và xác định tuân thủ Luật Ủy quyền Quốc phòng.
Bản tin của Reuters cũng cho biết, một điều khoản trong đạo luật này cấm cơ quan có nhận tiền của Liên bang sử dụng các thiết bị viễn thông, thiết bị ghi hình và thành phần của Huawei, ZTE, Hikvision, Hytera, Dahua Technology và các công ty con của các công ty này. Nếu các trường đại học Mỹ không tuân thủ quy tắc này vào trước tháng 8/2020, họ sẽ phải đối mặt với nguy cơ mất nguồn tài trợ nghiên cứu của liên bang và tài trợ khác của chính phủ.

Trí Đạt

Xem thêm: