Jack Ma (Mã Vân) người sáng lập Tập đoàn Alibaba Trung Quốc cho biết ông sẽ nghỉ hưu sau một năm nữa tức vào tháng 9/2019. Thật trùng hợp khi hiện nay Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang gây khó khăn đối với các công ty công nghệ và đồng thời đang tìm lối thoát trong cuộc chiến thương mại của Mỹ.

jack ma
Jack Ma (Ảnh: Getty Images)

Tin xấu mới nhất đối với ĐCSTQ là Tổng thống Mỹ Trump không chỉ đòi hỏi thêm những điều khoản thương mại tốt hơn đối với Mỹ trong đàm phán, còn thúc đẩy cho các doanh nghiệp sản xuất rời khỏi Trung Quốc. Ông kêu gọi Apple chuyển dây chuyền lắp ráp về Mỹ.

“Do chúng ta có khả năng áp đặt mức thuế quan cực lớn đối với Trung Quốc nên giá của Apple khả năng sẽ tăng lên. Tuy nhiên, có một giải pháp dễ dàng là thuế quan bằng không, đây thực sự là một ưu đãi thuế. Sản phẩm sẽ ra đời tại Mỹ chứ không phải tại Trung Quốc. Hãy xây dựng một nhà máy mới ngay từ bây giờ!”, Trump cho biết trong một tuyên bố.

Con đường mù mịt của các công ty công nghệ Trung Quốc

Giới truyền thông nước ngoài đã đồng loạt suy đoán và lý giải về chuyện từ chức của Mã Vân. Một số người đã phân tích rằng trong bối cảnh ĐCSTQ tăng cường kiểm soát, động thái này cho thấy triển vọng không tốt của Alibaba và các công ty công nghệ Trung Quốc khác.

Tờ Nhật báo Phố Wall (WSJ) tại Mỹ có chỉ ra: “Không mấy ai muốn qua lại với các chính trị gia Cộng sản Trung Quốc, số người theo quan điểm này ngày càng nhiều hơn. Điều này có thể giúp giải thích tại sao Mã Vân lại muốn làm điều gì khác.”

Theo một ‘người trong cuộc’ chia sẻ, “Với tư cách là Chủ tịch điều hành, Mã Vân đã dành phần lớn thời gian của mình thay mặt cho Alibaba đối phó với các nhà quản lý Trung Quốc và các quan chức cấp cao tầng lãnh đạo quốc gia”.

Chuyên gia Internet tại Trung Quốc Duncan Clark chỉ ra rằng động thái của Mã Vân có thể là dấu hiệu cho thấy sự thay đổi môi trường của các công ty Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc đã tăng cường kiểm soát các công ty công nghệ, bao gồm cả việc thực thi Luật An ninh mạng vào năm ngoái. Mặc dù những hành động đàn áp này chủ yếu ảnh hưởng đến các công ty dựa trên nội dung, nhưng Công ty Dịch vụ Tài chính Ant của Mã Vân cũng vô cùng gian khổ trước áp lực của sự giám sát chặt chẽ này.

“Bây giờ phải chăng tất cả đều lo lắng oxy của các doanh nghiệp đang cạn kiệt?” Clark nói.

Việc bán tháo cổ phần tại Alibaba của Mã Vân cũng thu hút sự chú ý của các cổ đông. WSJ chỉ ra rằng trong hai năm qua Mã Vân đã bán ra 26,6 triệu cổ phiếu của Alibaba, trị giá 4,3 tỷ Đô la Mỹ, theo các tài liệu ông nộp cho Ủy ban Chứng khoán thì lý do ông bán tháo là “mục tiêu tài chính bình thường và thực hiện lời hứa làm từ thiện”. Nhưng qua động thái này giới đầu tư cũng thầm hiểu tương lai của Alibaba.

Có thể nói, các hành động độc đoán của ĐCSTQ nhằm kiểm soát công nghệ internet không dây 5G thế hệ tiếp theo đã phủ một bóng mờ đối với triển vọng của các công ty công nghệ Trung Quốc. Tại Mỹ, các công ty tư nhân đang đi đầu trong xu thế phát triển truyền thông băng thông rộng, nhưng ở Trung Quốc lại bị Chính phủ can thiệp.

Kể từ năm 2013, một Ủy ban do Chính phủ Trung Quốc đứng đầu đã tổ chức hợp tác với các nhà khai thác di động và các nhà sản xuất thiết bị Trung Quốc để tiến hành thử nghiệm và phát triển 5G. Những thử nghiệm này được điều phối bởi một tổ gồm kết hợp từ công ty công nghệ, trường đại học và viện nghiên cứu, dưới sự lãnh đạo của Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin.

Mã Vân ngửi thấy có mùi chính trị?

Một bài bình luận của tác giả Chỉ Phong Tranh (Zhi Fengzheng) đăng trên “Thời đại kỹ thuật số Trung Quốc” (China Digital Times) cho biết, chuyện nghỉ hưu của Mã Vân có thể là do ông ta đã sớm ngửi thấy có mùi chính trị. Như chúng ta đều biết, Trung Quốc dưới sự cai trị của ĐCSTQ là một quốc gia mà giới chính trị và kinh doanh liên minh với nhau, đi cùng mỗi biến động chính trị lớn là giới thương nhân hoặc là phá sản hoặc là vào tù để hoàn thành việc chuyển giao của cải.

Một khi nền kinh tế Trung Quốc suy sụp, tình hình tài chính của ĐCSTQ bắt đầu rơi vào gay go, ĐCSTQ sẽ “khai đao” đối với giới trung và thượng lưu. Ví dụ, ngay sau cơn bão Phạm Băng Băng là chính thức mở ra vào mùa thu hoạch đối với giới giải trí, thuế phòng làm việc của các ngôi sao từ ​​6% tăng vọt tới 42%.

Huệ Anh

Xem thêm: