Đại hội 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bế mạc ngày 22/10 đọng lại nhiều ấn tượng kỳ quặc và tin đồn tranh giành quyền lực. Biến cố “trục xuất” cựu lãnh đạo Hồ Cẩm Đào hôm bế mạc và danh sách thành viên Bộ Chính trị nói lên nhiều điều.

Screen Shot 2022 10 23 at 10.45.10
Hình ảnh cuộc họp bế mạc Đại hội 20 của ĐCSTQ vào ngày 22/10/2022. (Ảnh cắt từ video của CCTV)

“Biến cố” Hồ Cẩm Đào

Tại lễ bế mạc xảy ra “biến cố” hiếm thấy: Cựu lãnh đạo ĐCSTQ Hồ Cẩm Đào bị buộc phải rời hội nghị trước sự chứng kiến ​​của đám đông dẫn đến nhiều suy đoán khác nhau về lý do đằng sau sự kiện.

Từ đoạn video cho thấy ông Hồ Cẩm Đào đã bị nhân viên (có thể là an ninh) buộc đứng dậy, dường như miễn cưỡng và phải đứng dậy, trước khi rời đi dường như có hỏi ông Tập Cận Bình một câu gì đó, và sau đó vỗ vai ông Lý Khắc Cường. Cả ông Tập và ông Lý đều không đứng dậy, thái độ của ông Tập thờ ơ, chỉ có ông Lật Chiến Thư định đứng lên nhưng lại bị ông Vương Hộ Ninh bên cạnh ngăn lại. Điều này dường như cho thấy chí ít ông Tập nắm rõ lý do ông Hồ rời đi.

Lý do là gì? Vào tháng 10/2017 tại lễ bế mạc Đại hội 19 của ĐCSTQ, ông Hồ Cẩm Đào và ông Giang Trạch Dân đều tham dự và ngồi hai bên ông Tập, do đó không có vấn đề hạn chế cựu lãnh đạo không được tham gia lễ bế mạc. Vậy thì có phải lý do vì lo ngại ông Hồ Cẩm Đào sẽ bỏ phiếu chống lại danh sách hoặc báo cáo? Hoặc sẽ gây vấn đề làm ông Tập Cận Bình bẽ mặt?

Theo các nguồn tin, buổi bế mạc hội nghị đã thông qua danh sách các thành viên của Ban Chấp hành Trung ương và Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương, đã thông qua báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương cùng Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương khóa 19 và các sửa đổi trong Điều lệ ĐCSTQ mà không có trường hợp “không đồng ý” hoặc “phiếu trắng”. Đánh giá từ bức ảnh của AP cho thấy lúc biểu quyết thì ông Hồ Cẩm Đào đã không còn tham gia. Do đó, lý do có khả năng nhất khiến ông Hồ bị buộc phải rời đi có lẽ là nếu ông biểu quyết “phản đối” hoặc “bỏ phiếu trắng” thì sẽ thành vấn đề bẽ mặt đối với ông Tập Cận Bình – người đã phá bỏ quy tắc của ĐCSTQ để tiếp tục tại nhiệm nhiệm kỳ 3. Điều này phần nào cũng cho thấy những tin đồn trước Đại hội 20 của ĐCSTQ về nội đấu quyền lực [ngang hàng] là không xảy ra.

Nhìn vào danh sách, ngoài những nhân vật trong Ban Thường vụ Bộ Chính trị thì danh sách Bộ Chính trị có những điểm nổi bật sau:

1. Phe Tập dường như đã giành thắng lợi lớn

Ngoài “ông trùm” Vương Hộ Ninh, các thành viên cấp cao của phe Tập trong danh sách còn có: Đinh Tiết Tường (Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương), Trung Thiệu Quân (Chủ nhiệm Văn phòng Quân ủy Trung ương), Lý Cường (Bí thư Thượng Hải), Lý Hy (Bí thư Quảng Đông), Trần Mẫn Nhĩ (Bí thư Trùng Khánh), Mã Hưng Thụy (Bí thư Tân Cương), Lâu Dương Sinh (Bí thư Hà Nam), Thái Kỳ (Bí thư Bắc Kinh), Vương Ninh (Bí thư Vân Nam), Lâm Vũ (Bí thư Sơn Tây), Nghê Nhạc Phong (Bí thư Hà Bắc), Kham Di Cầm (Bí thư Quý Châu), Cảnh Tuấn Hải (Bí thư Cát Lâm), Viên Gia Quân (Bí thư Chiết Giang), Trương Khánh Vỹ (Bí thư Hồ Nam), Bộ trưởng Bộ Công an Vương Tiểu Hồng, Trưởng Ban Tuyên truyền Trung ương Hoàng Côn Minh, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Đường Đăng Kiệt, Bộ trưởng Bộ An ninh Trần Văn Thanh, Bộ trưởng Bộ Cựu chiến binh Bùi Kim Giai, Tổng thư ký Chính hiệp Trần Nhất Tân, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Vương Nghị, Đại sứ Tần Cương tại Mỹ, Thị trưởng Bắc Kinh Trần Kiết Ninh, Thị trưởng Thượng Hải Cung Chính, Tỉnh trưởng Quảng Đông Vương Vỹ Trung, Chủ nhiệm Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Hà Lập Phong, Phó Chủ tịch Quân ủy Trương Hựu Hiệp, Ủy viên Quân ủy Miêu Hoa, Tư lệnh Chiến khu Đông Lâm Hướng Dương, Phó Tham mưu trưởng Quân ủy Trung ương Từ Khởi Linh, Chính ủy Cảnh sát Vũ trang Trương Hồng Binh, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Tối cao Ứng Dũng…

Một số quan chức cấp cao khác như Bí thư Thiên Tân Lý Hồng Trung tuy có thể không được ông Tập tin tưởng, nhưng họ thuộc cấp cơ sở và cũng công khai bày tỏ ủng hộ ông Tập.

Có thể nói, những gì danh sách này thể hiện với thế giới bên ngoài là chức vụ của người được trao không liên quan đến nhân phẩm và tài năng mà là vấn đề thuộc phe nào.

2. Không rõ lý do không có Lý Khắc Cường và Uông Dương trong danh sách

Các ông Lý Khắc Cường, Lật Chiến Thư, Uông Dương và Hàn Chính của Ban Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ khóa 19 đã không còn có tên trong danh sách. Ông Lật Chiến Thư và Hàn Chính nghỉ hưu vì tuổi tác, còn ông Lý Khắc Cường và Uông Dương cùng tuổi với Vương Hộ Ninh nhưng họ không có tên trong danh sách có thể có 2 lý do: một là chủ động từ chức và không muốn tham gia tranh đấu, hai là thua cuộc.

3. Phó chủ tịch Quân ủy quá tuổi vẫn tại vị và khuyết hai Ủy viên Quân ủy Trung ương

Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trương Hựu Hiệp cũng sinh năm 1950 nằm trong danh sách Quân ủy Trung ương, trong khi ông Hứa Kỳ Lượng không được bầu. Trong số các thành viên của Quân ủy thì ông Ngụy Phụng Hòa và Lý Tác Thành giải nhiệm, trong khi 2 người khác cũng sinh năm 1950 là Miêu Hoa và Trương Thăng Dân vẫn trong danh sách. Ngoài ra, Chủ nhiệm Văn phòng Quân ủy Trung ương kiêm Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Thiệu Quân (sinh năm 1968) trở thành Ủy viên Trung ương, một lần nữa làm mới nhận thức vấn đề cho thấy tuổi tác hay thâm niên không phải là trở ngại, quan trọng là “theo người nào”.

Việc ông Trung Thiệu Quân là ủy viên trung ương mang lại cho ông này nhiều quyền lực hơn trong quân đội. Đồng thời việc ông Trương Hựu Hiệp giữ được chức vụ cũng là một sự sắp xếp của ông Tập nhằm tăng cường khả năng kiểm soát quân đội, và tất nhiên là không thể loại trừ việc chuẩn bị cho một cuộc tấn công vũ trang vào Đài Loan.

4. Thay người phụ trách vấn đề Đài Loan

Ủy viên Trung ương ĐCSTQ khóa 19 Lưu Kiết Nhất, hiện là người phụ trách vấn đề Đài Loan, đã không còn được vào ủy viên trung ương khóa 20, có nghĩa là trong thời gian tới quan chức phụ trách vấn đề Đài Loan sẽ bị thay thế. Liệu người mới này có kinh nghiệm ngoại giao và thái độ đối với các vấn đề Đài Loan như thế nào sẽ là yếu tố để đánh giá ông Tập Cận Bình giải quyết vấn đề Đài Loan ra sao cùng khả năng sử dụng vũ lực quân sự để tấn công Đài Loan.

5. Vương Nghị và Tần Cương đều tại vị, quan chức phụ trách Hồng Kông và Macao sẽ thay thế

Ngoại trưởng Vương Nghị lọt vào danh sách dựa vào “ngoại giao sói chiến” nên được thăng chức Ủy viên Quốc vụ thay thế ông Dương Khiết Trì phụ trách ngoại giao, trong khi đó ông Tần Cương là Đại sứ tại Mỹ sinh năm 1966 cũng có tên trong danh sách, mở ra khả năng thay thế ông Vương Nghị giữ chức ngoại trưởng.

Ngoài ra, danh sách ủy viên trung ương khóa 20 của ĐCSTQ không có ông Hàn Chính, Lạc Huệ Ninh và Hạ Bảo Long, cho thấy sẽ có người mới phụ trách vấn đề Hồng Kông và Macao.

6. Nguyên Tư lệnh Chiến khu phía Bắc tái nhiệm Ủy viên Trung ương, có thể vào Quân ủy Trung ương cho thấy khả năng không phải phe chống Tập như tin đồn

Có thể thấy từ danh sách thành viên ủy viên trung ương cho thấy dường như ông Tập đã đạt được chiến thắng rất lớn trong cuộc đấu quyền lực cấp cao, đã mở ra “vương triều Tập Cận Bình”, nhưng vấn đề “trong phúc có họa” nên cũng không thể nói đây là vinh quang của Tập Cận Bình!

Một mặt, việc ông Tập phá bỏ quy tắc của ĐCSTQ để tái nhiệm và chỉ trọng dụng thân tín chắc chắn sẽ gây bất mãn từ nội bộ Trung Quốc. Hơn nữa sau khi ông tái đắc cử, nếu Tập Cận Bình tiếp tục thanh trừng thành viên phe phái khác với danh nghĩa “chống tham nhũng”, thì không thể loại trừ khả năng nổ ra chính biến.

Mặt khác, sau khi ông Tập tái đắc cử, những khó khăn bên trong và bên ngoài mà ông phải đối mặt sẽ chỉ tiếp tục gia tăng, nếu ông Tập đẩy mạnh hướng cực tả qua đó từ bỏ con đường cải cách và mở cửa để đưa Trung Quốc theo hướng bế quan tỏa cảng, thì ông sẽ không chỉ tiếp tục bị cô lập trên trường quốc tế mà còn kéo theo xu thế chống đối trong nước leo thang do uất hận của người dân bị đè nén ngày càng cao, hệ quả sẽ càng có nhiều người hô hào: “Không cần axit nucleic mà cần lương thực, không muốn phong tỏa mà muốn tự do, không muốn dối trá mà muốn tôn nghiêm, không muốn Cách mạng Văn hóa mà muốn cải cách, không muốn lãnh đạo mà muốn bầu cử, không muốn làm nô lệ mà muốn làm công dân”…

Do đó, cái gọi là “chiến thắng” của phe Tập tại Đại hội 20 thực sự ẩn chứa nhiều nguy cơ, có khả năng khiến xu thế sụp đổ của ĐCSTQ diễn ra nhanh hơn.

Chu Hiểu Huy
(Bài viết thể hiện quan điểm riêng của cá nhân tác giả, được đăng trên Epoch Times.)