Phiên họp toàn thể lần 6 của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) khóa 19 được tổ chức tại khách sạn Jingxi (Kinh Tây) Bắc Kinh với bố trí an ninh nghiêm ngặt. Xưa nay, khách sạn này nổi tiếng là “sàn đấu chính trị” của ĐCSTQ, nhiều lần diễn ra những màn thanh trừng: Tôn Chính Tài – nhân vật từng được xem là người kế nhiệm quyền lực của ĐCSTQ đã “ngã ngựa” tại đây. Đây cũng là nơi cựu Bí thư Ban Chính pháp Chu Vĩnh Khang “nộp súng quy hàng” trước thời hạn, vụ án liên quan cựu Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương ĐCSTQ Lệnh Kế Hoạch cài thân tín tại khách sạn Jingxi.

Embed from Getty Images

Hình ảnh lối vào của khách sạn Jingxi (Nguồn: Getty Images)

Khách sạn bí ẩn quân sự “an toàn nhất”

Sáng ngày 8/11, kỳ họp toàn thể lần 6 kéo dài 4 ngày của Trung ương ĐCSTQ khóa 19 đã khai mạc tại khách sạn Jingxi Bắc Kinh. Xung quanh khách sạn được canh gác nghiêm ngặt với rất nhiều nhân viên an ninh mang thường phục tuần tra bên ngoài địa điểm và các con đường xung quanh. Nhiều xe công an và xe cảnh sát đặc nhiệm đã đóng quân, cấm xe cộ dân thường đến gần.

Khách sạn Jingxi tọa lạc tại Số 1, đường Dương Phường Điếm (Yangfangdian), quận Hải Định, thành phố Bắc Kinh. Đoạn đường này tọa lạc nhiều cơ quan chính quyền như Bảo tàng Quân đội, Bộ Quốc phòng và một số trại quân sự. Khách sạn thuộc quản lý của Bộ Tổng Tham mưu quân đội ĐCSTQ, có quân lính túc trực khắp nơi trong ba tòa nhà của khách sạn, và công tác an ninh trong suốt cuộc họp do Đội Cảnh vệ Trung ương phụ trách.

Vài năm gần đây, những nơi hay diễn ra các hội nghị quan trọng của ĐCSTQ như nhà khách Điếu Ngư Đài và Đại lễ đường Bắc Kinh đều đã được mở cửa rộng rãi cho thế giới bên ngoài, nhưng khách sạn Jingxi luôn là “khách sạn nội bộ lớn duy nhất không mở cửa cho thế giới bên ngoài”.

Nếu bạn mở các bình luận về khách sạn Jingxi trên trang “Đánh giá công luận” (dianping.com) của Trung Quốc, bạn sẽ bị ấn tượng bởi bình luận: “Bạn còn thực sự xem Jingxi như một khách sạn…”; cụm từ thường thấy nhất trong số ít ỏi bình luận là “An ninh nghiêm ngặt”.

Tướng Trương Lê (Zhang Li), cựu Phó tổng tham mưu trưởng của quân đội ĐCSTQ từng phụ trách khách sạn Jingxi, trong lời nói đầu của cuốn sách “Diễn biến sự kiện ở khách sạn Jingxi” xuất bản năm 2015, đã gọi đây là “khách sạn khó vào nhất” ở Bắc Kinh: an ninh bảo mật nghiêm ngặt nhất; kiểm tra chặt chẽ người ra vào, tấm thẻ duy nhất để vào được là thẻ tham gia hội nghị nhưng phải có “người nội bộ” ra tiếp đón mới vào được.

Cuốn sách cũng tiết lộ rằng khách sạn Jingxi có đội chuyên trách quản lý điện thoại: các nữ chiến sĩ liên lạc thuộc “Trạm quân ủy số 1”; tại “lưỡng hội” mỗi năm, khách sạn Jingxi đảm nhận đón đại biểu, những nữ quân nhân này có thể phân biệt được hơn chục phương ngữ, có thể nhận diện người qua nghe âm thanh.

Toàn bộ trang thiết bị của khách sạn đạt tiêu chuẩn 5 sao. Theo số liệu năm 2013, khách sạn có 1023 phòng khách, 1978 giường, và lễ đường lớn có thể chứa 1300 người. Đồ nội thất khách sạn chủ yếu là bằng gỗ xoan đào, những bức tranh trong phòng được cho là tác phẩm gốc của các danh họa, khách sạn có hơn 40 phòng ăn lớn nhỏ khác nhau; thực phẩm của khách sạn (đặc biệt là thực phẩm sống và đông lạnh) phải được kiểm tra theo quy chuẩn, dụng cụ ăn luôn phải được khử trùng hai lần.

Khách sạn quân sự bí ẩn này được mệnh danh là “an toàn nhất”, “khó vào nhất”, và “không bao giờ bị lộ bí mật”, luôn là “sàn đấu chính trị” của ĐCSTQ, là nơi nhiều lần chứng kiến ​​những màn thanh trừng của ĐCSTQ.

北京京西賓館 2010
(Nguồn: Wpcpey – Own work, CC BY-SA 4.0)

Tôn Chính Tài bị giam giữ tại khách sạn Jingxi

Ngày 15/7/2017, ông Tôn Chính Tài (Sun Zhengcai), khi đó là Bí thư Thành ủy Trùng Khánh, người từng được coi là một trong những ứng cử viên cho vị trí “người kế nhiệm” của ĐCSTQ, bất ngờ bị cách chức. Tờ Apple Daily của Hồng Kông đưa tin rằng Tôn Chính Tài đã bị giam trong phòng của khách sạn Jingxi sau khi ông ta đến Bắc Kinh ngày 14/7, và đã “ngã ngựa” sau một quá trình bị thẩm vấn.

Tôn Chính Tài bị đồn rằng là nhân vật kế vị ĐCSTQ do phe Giang (cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân) bồi dưỡng, trang BBC tiếng Trung dẫn bình luận cho rằng Tôn Chính Tài mang đậm màu sắc phe Giang, là ứng viên cho vị trí lãnh đạo tối cao được ông Giang Trạch Dân chọn.

Bài bình luận trên Oriental Daily của Hồng Kông cho biết, Tôn Chính Tài đã vào Bộ Chính trị tại Đại hội 18 của ĐCSTQ và được chuyển từ Cát Lâm sang Thành ủy Trùng Khánh nhờ “trợ lực” của ông Tăng Khánh Hồng – cựu Phó Chủ tịch Trung Quốc và là “thân tín” số 1 của  ông Giang Trạch Dân.

Tại Đại hội 19 của ĐCSTQ, ông Lưu Sỹ Dư (Liu Shiyu) khi đó là Chủ tịch Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc, đã cáo buộc Tôn Chính Tài “âm mưu chiếm đoạt quyền lực”. Lưu Sỹ Dư nói: “Bạc Hy Lai, Chu Vĩnh Khang, Lệnh Kế Hoạch, Từ Tài Hậu, Quách Bá Hùng, Tôn Chính Tài đều có uy quyền trong Đảng lại mưu đồ lên lãnh đạo tối cao. Những trường hợp này quả thực là quá nguy hiểm”.

Ngày 8/5/2018, Tôn Chính Tài bị kết án tù chung thân vì tội nhận hối lộ. Kể từ đó, chính quyền Bắc Kinh đã nhiều lần chỉ đích danh những người như Tôn Chính Tài, Chu Vĩnh Khang, Bạc Hy Lai “đầy dã tâm chính trị và hoạt động âm mưu”, đồng thời yêu cầu “làm sạch độc hại” từ Tôn Chính Tài và Chu Vĩnh Khang…

Chu Vĩnh Khang “quy hàng” tại khách sạn Jingxi

Chu Vĩnh Khang
Chu Vĩnh Khang tại tòa. (Nguồn: Ảnh chụp màn hình CCTV)

Không thể nghi ngờ vụ án Bí thư Thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai vào năm 2012 là sự kiện mang tính cột mốc trong lịch sử chính trị của ĐCSTQ. Ngày 6/2 năm đó, cựu Phó Thị trưởng kiêm Giám đốc Sở Công an Trùng Khánh là Vương Lập Quân đã trốn đến Lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô, vạch trần âm mưu đảo chính của Bạc Hy Lai và Chu Vĩnh Khang, dẫn đến xung đột mạnh trong giới chóp bu Trung Nam Hải.

Sau bùng nổ vụ Vương Lập Quân, trong chuyến thăm Mỹ của Phó Chủ tịch ĐCSTQ lúc bấy giờ là Tập Cận Bình, truyền thông Mỹ Washington Freedom Beacon đã nhân cơ hội phơi bày việc Vương Lập Quân chuyển tài liệu đến lãnh sự quán Mỹ có liên quan đến mưu đồ đảo chính của Bạc Hy Lai và Chu Vĩnh Khang trong kế hoạch hạ bệ Tập Cận Bình lên nắm quyền tại Đại hội 18 của ĐCSTQ.

Ngày 15/3 cùng năm, sau khi “lưỡng hội” của ĐCSTQ kết thúc thì Bạc Hy Lai lập tức bị cách chức. Nửa đêm ngày 19/3, có tin đồn tiếng súng đã nổ ở ngay Bắc Kinh liên quan đến “đảo chính quân sự” ở Trung Nam Hải.

Theo tin đồn từ nội bộ Trung Nam Hải, vào giữa đêm ngày 19/3, Chu Vĩnh Khang đã điều động cảnh sát vũ trang gần Bắc Kinh với quy mô rất lớn bao vây Tân Hoa Môn và Thiên An Môn, đã kiểm soát được Tân Hoa Môn của Trung Nam Hải.

Vào đêm hôm đó, một người làm truyền thông kỳ cựu ở Bắc Kinh là Lý Đức Lâm (Li Delin) đã mô tả trên Weibo rằng xe quân sự dày đặc trên Đại lộ Trường An của Bắc Kinh, mỗi ngã tư đều có nhiều người mặc thường phục, một số nơi còn có cả hàng rào sắt.

Sau đó xảy ra sự kiện tại khách sạn Jingxi: Bí thư Ban Chính pháp Trung ương ĐCSTQ Chu Vĩnh Khang đã “quy hàng” vì liên quan đảo chính quân sự.

Đầu tháng 5/2012, 200 quan chức cấp cao của ĐCSTQ đã dự một cuộc họp tại khách sạn Jingxi dưới chủ trì của ông Tổng Bí thư ĐCSTQ lúc bấy giờ là Hồ Cẩm Đào, nhằm xác định những vấn đề liên quan đến trường hợp Chu Vĩnh Khang và Bạc Hy Lai, chỉ chờ đến Đại hội 18 là tuyên bố chính thức. Ngày 15/11 cùng năm, ông Tập Cận Bình lên nắm quyền và 4 ngày sau, Chu Vĩnh Khang bị cách chức Bí thư Ban Chính pháp, bổ nhiệm người thay thế là ông Mạnh Kiến Trụ.

Năm 2014, án điều tra Chu Vĩnh Khang được lập. Ngày 11/6/2015, Chu bị kết án tù chung thân vì tội nhận hối lộ, lạm dụng quyền lực và cố ý làm rò rỉ bí mật quốc gia, phá bỏ quy tắc bất thành văn của ĐCSTQ là “án không tới Ban thường vụ Bộ Chính trị”.

Lệnh Kế Hoạch và thân tín tại khách sạn Jingxi

Khách sạn Jingxi không chỉ là nơi tổ chức các cuộc họp quan trọng của ĐCSTQ, mà còn là nơi lưu trú được chỉ định của các quan chức cấp cao khi đến Bắc Kinh.

Sau khi Lệnh Kế Hoạch bị “ngã ngựa” vào cuối năm 2014, một vụ bê bối chấn động đã nổ ra: vụ việc nghe lén điện thoại các quan chức cấp cao ĐCSTQ do ông Đại tá Lưu Tồn Thủy (Liu Cunshui) là giám đốc khách sạn thực hiện. Thông tin cho rằng Lưu Tồn Thủy là thân tín của Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương Lệnh Kế Hoạch, thực hiện theo âm mưu của Lệnh.

Một số trang tin của người Hoa ở nước ngoài chỉ ra, sau khi Lệnh trở thành Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương đã thường đến khách sạn Jingxi để dự tiệc, người vợ ông Lệnh là bà Cốc Lệ Bình (Gu Liping) cũng là thượng khách của khách sạn.

Sau khi Lưu Tồn Thủy được Bộ Tổng tham mưu bổ nhiệm làm giám đốc khách sạn Jingxi vào năm 2009, ông này đã xây dựng quan hệ thân với Lệnh Kế Hoạch và sắp xếp các hoạt động giải trí cho vợ chồng Lệnh. Biết Lệnh thích đồ cổ, Lưu đã bố trí trong khách sạn phòng đồ cổ với danh nghĩa phục vụ cho các hội nghị. Nhờ quan hệ thân thiết với Lệnh cũng giúp quan lộ của Lưu thuận lợi, được phong quân hàm Đại tá cho đến khi bị tạm giữ điều tra.

Vào trước thềm Đại hội 18 ĐCSTQ, Lệnh Kế Hoạch đã yêu cầu Cục Điện thoại Trung Nam Hải cho Văn phòng Lưu Tồn Thủy được lắp “điện thoại đỏ” – [một dạng điện thoại đặc biệt có thể kết nối trong nội bộ những lãnh đạo cấp cao nhất ĐCSTQ]. Lệnh Kế Hoạch cũng đích thân gọi điện cho Thành ủy Thượng Hải yêu cầu điều phối tài chính tài trợ cho khách sạn Jingxi 100 triệu nhân dân tệ để cải tạo Tòa nhà phía Đông và Tòa nhà phía Tây.

Tình hình chính trị của ĐCSTQ thời điểm trước sau giai đoạn Tập Cận Bình lên nắm quyền tại Đại hội 18 được xem là rất nhạy cảm. Đặc biệt sau khi Bạc Hy Lai bị hạ bệ, Chu Vĩnh Khang và Lệnh Kế Hoạch thường tổ chức những bữa tiệc bí mật tại khách sạn Jingxi. Khách sạn Jingxi được Lệnh Kế Hoạch coi là “căn cứ đảo chính đáng tin cậy nhất”.

Ngày 4/7/2017, Lệnh Kế Hoạch bị kết án tù chung thân vì tội nhận hối lộ, tội thu giữ trái phép bí mật nhà nước và lạm quyền.

Miêu Vi, Vision Times 

Xem thêm: