Một cuộc khảo sát mới nhất của Phòng Thương mại Liên minh châu Âu tại Trung Quốc cho thấy, gần ¼ các công ty châu Âu hoạt động tại Đại Lục đang xem xét chuyển dịch đầu tư, đây là tỷ lệ cao nhất trong một thập kỷ qua.

wuhanfeiyan 2021 12 14 1 1639490087957
Người dân ở Quảng Châu xếp hàng chờ làm xét nghiệm. (Ảnh cắt từ video).

Ngày 20/6, Phòng Thương mại Liên minh Châu Âu tại Trung Quốc đã công bố một báo cáo cho biết, so với các quốc gia và khu vực khác trên thế giới đã dần trở lại bình thường trước dịch bệnh, các chính sách phòng chống và kiểm soát dịch bệnh mới nghiêm ngặt của Trung Quốc (ĐCSTQ) đã làm trầm trọng thêm những thách thức kinh doanh cho các công ty. Điều này đã khiến nhiều công ty thành viên của Phòng Thương mại Liên minh châu Âu ở Trung Quốc bắt đầu suy nghĩ về việc họ cần giữ bao nhiêu “quân bài” ở Trung Quốc.

Về tổng quan, báo cáo viết rằng trong số 3 thách thức hàng đầu mà các doanh nghiệp ở Trung Quốc phải đối mặt vào năm 2021, 49% doanh nghiệp được khảo sát coi dịch bệnh virus corona mới (COVID-19) là vấn đề nan giải hàng đầu, và suy thoái kinh tế Trung Quốc đứng thứ hai với 24% doanh nghiệp phản ánh vấn đề này. 50% doanh nghiệp được khảo sát cho biết môi trường kinh doanh năm 2021 đã trở nên chính trị hóa hơn. 42% doanh nghiệp phản ánh các rào cản giám sát quản lý tiếp tục khiến các công ty bỏ lỡ cơ hội kinh doanh.

Từ khi ĐCSTQ đưa ra chính sách “zero COVID” đến nay, việc Trung Quốc đóng cửa biên giới nghiêm ngặt đã được thực hiện trong hơn 2 năm và sẽ tiếp tục kéo dài sang năm thứ 3. Chính sách “zero COVID” đã buộc hàng trăm triệu công dân phải đóng cửa một phần hoặc toàn bộ và gây ra sự gián đoạn chuỗi cung ứng trên diện rộng. Nền kinh tế Trung Quốc đứng trước bờ vực suy thoái.

Bà Bettina Schoen-Behanzin, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Liên minh Châu Âu tại Trung Quốc cho biết: “Điều duy nhất có thể đoán trước được về Trung Quốc (ĐCSTQ) ngày nay là tính không thể đoán trước, điều này không tốt cho môi trường kinh doanh. Ngày càng có nhiều công ty châu Âu đang chọn tạm dừng các khoản đầu tư của họ vào Trung Quốc và xem xét lại địa vị của họ trên thị trường. Các công ty đang chờ xem sự không chắc chắn này sẽ kéo dài bao lâu và nhiều người đang tìm kiếm các điểm đến đầu tư bên ngoài Trung Quốc cho các dự án trong tương lai.”

Chính sách “zero COVID” của ĐCSTQ có tác động lâu dài đến các doanh nghiệp quốc tế

Theo một báo cáo do Phòng Thương mại Liên minh Châu Âu tại Trung Quốc công bố hôm thứ Hai (ngày 20/6), khoảng 23% công ty trả lời cuộc khảo sát đã cân nhắc chuyển các khoản đầu tư hiện tại hoặc kế hoạch đầu tư của họ ra khỏi Trung Quốc Đại Lục. Cuộc khảo sát được tiến hành vào cuối tháng 4, khi Thượng Hải vẫn đang bị phong tỏa, và các biện pháp hạn chế ở những nơi như Cát Lâm, v.v, đã làm rối loạn các hoạt động kinh doanh bình thường.

Báo cáo của Phòng Thương mại Liên minh Châu Âu tại Trung Quốc cho biết: “Do lao động tại Trung Quốc (bao gồm cả lao động Trung Quốc và nước ngoài) không cách nào đến trụ sở chính (của doanh nghiệp) tại châu Âu để trao đổi thông tin, bồi dưỡng và chia sẻ kinh kiến thức chuyên ngành, nên hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc đang trở lên ngày càng cô lập.”

Báo cáo viết: “Những người ra quyết sách cấp cao của tổng bộ doanh nghiệp châu Âu cũng bị tước đoạt kinh nghiệm trực tiếp từ Trung Quốc, điều này dẫn đến việc họ hiểu ít hơn về Trung Quốc, do đó mức độ chịu đựng đối với Trung Quốc (ĐCSTQ) cũng giảm. Việc mất tính đa dạng của lực lượng lao động Trung Quốc cũng ảnh hưởng đến sáng tạo.” 

Cảnh báo của Phòng Thương mại Liên minh Châu Âu tại Trung Quốc cũng nhấn mạnh, chính sách “zero COVID” của ĐCSTQ gây ra ảnh hưởng lâu dài đến doanh nghiệp quốc tế, nhanh chóng phong tỏa, đóng cửa biên giới và xét nghiệm quy mô lớn một cách nghiêm ngặt đã dẫn đến chi phí kinh tế và chi phí xã hội tăng cao.

Mặt khác, do Bắc Kinh từ chối tham gia vào cùng cộng đồng quốc tế lên án Nga xâm lược Ukraine và ủng hộ Nga, đã dẫn đến ảnh hưởng kinh tế, khiến cho các doanh nghiệp châu Âu càng lo lắng hơn về căng thẳng địa chính trị tiếp tục xấu đi.

Khảo sát này cho thấy, có 7% doanh nghiệp châu Âu kinh doanh tại Trung Quốc cho biết do chiến tranh tại Ukraine, nên họ đang trực tiếp xem xét lại đầu tư, ⅓ người được hỏi cho biết, kể từ khi cuộc xâm lược của Nga vào tháng 2, sức hút của thị trường Trung Quốc đã giảm.

Phòng Thương mại Liên minh Châu Âu tại Trung Quốc cho biết, số lượng các doanh nghiệp châu Âu hiện đang đánh giá lại chiến lược đầu tư tại Trung Quốc Đại Lục đạt số lượng nhiều nhất trong các cuộc khảo sát trong 10 năm qua. Trong số các doanh nghiệp tham gia trả lời câu hỏi của cuộc khảo sát hồi tháng 2, có 11% doanh nghiệp cân nhắc rút khỏi Trung Quốc, chưa bằng một nửa so với kết quả cuộc khảo sát mới nhất (23%). Ngoài ra, chỉ có khoảng 372 doanh nghiệp trả lời câu hỏi khảo sát hồi tháng 2, còn trong tháng 4 có đến 620 doanh nghiệp tham gia khảo sát.

Doanh nghiệp châu Âu không có lựa chọn, chỉ có thể tìm địa điểm đầu tư khác

Tỷ lệ các doanh nghiệp châu Âu đang cân nhắc chuyển các khoản đầu tư hiện tại trong hoặc kế hoạch vào Trung Quốc Đại Lục, ra khỏi nước này đã đạt mức cao trong một thập kỷ qua. Các doanh nghiệp nhấn mạnh những điều không hài lòng trong thời dài như việc ĐCSTQ ép buộc chuyển giao công nghệ, bị đối xử bất lợi so với các đối thủ cạnh tranh trong nước cũng như các quy tắc và luật lệ mơ hồ.

Chính sách hiện tại của Chính phủ Trung Quốc là “zero COVID” vẫn chưa kết thúc, và các biện pháp phong tỏa và kiểm soát dịch thoắt ẩn thoắt hiện vẫn chưa thể nhìn thấy điểm cuối. Bà Bettina Schoen-Behanzin, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Liên minh Châu Âu tại Trung Quốc cho biết: “Điều này khiến tổng bộ của các doanh nghiệp châu Âu không còn lựa chọn nào khác, chỉ đành tìm kiếm các địa điểm đầu tư khác.”

Trong số các công ty đang xem xét chuyển địa điểm đầu tư, 16% cho biết họ đang xem xét chuyển đến Đông Nam Á và 18% cho biết họ đang tìm kiếm các quốc gia khác trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Khoảng 19% công ty cho biết họ sẽ chọn châu Âu, 12% cho biết họ sẽ chọn Bắc Mỹ và 11% cho biết họ sẽ chọn Nam Á.

Vào tháng 5, sản xuất công nghiệp của Trung Quốc bất ngờ tăng, trong khi chi tiêu của người tiêu dùng và thị trường nhà ở tiếp tục thu hẹp. Triển vọng trong thời gian còn lại của năm nay vẫn ảm đạm khi Bắc Kinh tiếp tục dựa vào các biện pháp phong tỏa và các biện pháp kiểm soát khác để kiểm soát sự lây lan của virus.

Các công ty nước ngoài đã phải vật lộn để tiếp tục hoạt động và sản xuất trong thời gian phong tỏa kiểm soát dịch. Lợi nhuận của các công ty nước ngoài hoạt động tại Trung Quốc Đại Lục giảm 16,2% từ tháng 1 đến tháng 4, mức giảm mạnh hơn nhiều so với mức giảm 0,6% của các công ty tư nhân Trung Quốc. Trong khi đó, khoảng thời gian này, lợi nhuận tại các doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc đã tăng 13,9%.

Bà Bettina Schoen-Behanzin cho biết, hiện vẫn chưa rõ khi nào lĩnh vực bất động sản và ô tô, hai động lực chính của nền kinh tế sẽ phục hồi.

Hơn 1/4 các công ty Mỹ chuyển dịch chuỗi cung ứng

Gần đây cũng có thông tin cho biết, các công ty Mỹ tại Trung Quốc Đại Lục cũng đang phải đối mặt với những thách thức. Một cuộc khảo sát do Phòng Thương mại Mỹ tại Thượng Hải công bố vào tuần trước cho thấy, hơn ¼ các nhà sản xuất Mỹ tại Trung Quốc đang chuyển việc sản xuất các sản phẩm toàn cầu của họ ra nước ngoài, đồng thời tăng tốc bản địa hóa chuỗi cung ứng của họ ở Trung Quốc.

9 trong số 10 công ty Mỹ trong lĩnh vực sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ đã hạ dự báo doanh thu của họ tại Trung Quốc trong năm nay.

Chỉ 31% các công ty sản xuất và dịch vụ được khảo sát cho biết họ đang hoạt động hết công suất. Trong số những công ty hoạt động không hết công suất, hầu hết cho biết nhân viên của họ gặp khó khăn trong việc đi làm.

Báo cáo của Phòng Thương mại Châu Âu tại Trung Quốc cũng cho thấy trong cuộc khảo sát tháng 4, gần 60% công ty được khảo sát đã hạ dự báo doanh thu của họ cho năm nay do chính sách “zero COVID” của ĐCSTQ; khoảng 78% số công ty được khảo sát cho rằng do chính sách “zero COVID” của ĐCSTQ khiến cho môi trường kinh doanh ở Trung Quốc Đại Lục đã trở nên kém hấp dẫn.