Gần đây Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tổ chức cuộc họp, một lần nữa nhấn mạnh “tập trung toàn lực vào công nghệ cốt lõi”. Điều này cho thấy họ đang tập trung toàn lực vào vấn đề chip. Chỉ trong 8 tháng đầu năm nay, 3.470 nhà sản xuất liên quan chip đã ngừng hoạt động.

shutterstock 2171952485
(Nguồn: William Potter/ Shutterstock)

Kỷ lục về số công ty liên quan đến chất bán dẫn phải đóng cửa

Tờ TMTPost của nhà nước Trung Quốc dẫn dữ liệu từ cơ quan điều tra thông tin doanh nghiệp quốc gia Trung Quốc cho thấy:

Từ năm 2017 – 2021, số doanh nghiệp liên quan đến chip của Trung Quốc đã bị thu hồi và hủy bỏ lần lượt là 461, 715, 1.294, 1.397 và 3.420. Trong 8 tháng đầu năm nay, số công ty liên quan đến chip đã bị thu hồi hoặc hủy bỏ tại Trung Quốc lên đến 3.470 công ty, vượt quá số lượng cả năm của những năm trước đây.

Hiện tại, ngành công nghiệp chip bán dẫn và vi mạch tích hợp của Trung Quốc đang ở thời điểm quan trọng “nội bất xuất, ngoại bất nhập”.

Những lo ngại của họ bao gồm vấn đề nhu cầu đối với chip tiêu dùng, sự lạc hậu về công nghệ và những thách thức kinh tế vĩ mô đã dẫn đến sự suy thoái của toàn bộ thị trường đầu tư và tài chính Trung Quốc. Theo báo cáo mới nhất về đầu tư mạo hiểm khu Đại Trung Hoa (Greater China: gồm các khu vực tập trung người dùng tiếng Trung Quốc như Đại Lục, Hồng Kông, Ma Cao, Đài Loan, một phần Đông Nam Á…), do công ty công nghệ tài chính Pitchbook của Mỹ công bố, trong nửa đầu năm 2022 vốn đầu tư mạo hiểm chỉ đầu tư 28,6 tỷ USD vào khu Đại Trung Hoa, so với 56 tỷ USD trong nửa đầu năm ngoái đã giảm gần 50%.

Vấn đề từ nước ngoài chủ yếu trong việc chia tách nhanh chóng giữa Mỹ và Trung Quốc: Mỹ hạn chế bán cho Trung Quốc thiết bị và vật liệu tiên tiến, chip trí tuệ nhân tạo (AI) hiệu suất cao, phần mềm EDA, và ngừng cho phép xuất khẩu tới Trung Quốc các sản phẩm chip có quy trình trên 14nm.

Gần đây, Mỹ đã liên tiếp mở rộng các hạn chế đối với chip CPU Trung Quốc, yêu cầu các nhà sản xuất chip liên quan tiêu biểu như Nvidia cắt nguồn cung cấp chip GPU (đơn vị xử lý đồ họa) hiệu năng cao cho khách hàng Trung Quốc. Những động thái này ngăn cản sự phát triển của điện toán đám mây và AI (trí tuệ nhân tạo) ở Trung Quốc, thậm chí còn lan sang lĩnh vực mạng internet.

SCMP dẫn lời giáo sư Zheng Lei tại Viện Tài chính Thâm Quyến thuộc Đại học Hồng Kông Trung Quốc, cho biết ngành bán dẫn là một ngành sử dụng nhiều vốn, cạnh tranh khốc liệt và thị trường khắc nghiệt, gây khó khăn cho hoạt động của các công ty bán dẫn mới đăng ký.

Đồng thời, với chính sách ngăn chặn dịch bệnh ‘Zero-COVID’ hà khắc và sự suy thoái kinh tế của Trung Quốc khiến người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu, thêm nữa là tình trạng thời tiết nóng khắc nghiệt bất thường gây vấn đề thiếu năng lượng (điện) làm các hoạt động sản xuất vi mạch (mạch tích hợp) đồng loạt suy sụp.

Theo dữ liệu do Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố vào ngày 16/9, sản lượng IC trong tháng Tám của Trung Quốc đã giảm 24,7% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 24,7 tỷ sản phẩm, đây là mức giảm hàng tháng lớn nhất kể từ kỷ lục năm 1997 và sản lượng hàng tháng đạt mức thấp mới kể từ tháng 10/2020. Đây cũng là tháng thứ hai liên tiếp sản lượng IC của Trung Quốc bị thu hẹp, với sản lượng giảm 16,6% xuống 27,2 tỷ trong tháng Bảy. Trong 8 tháng đầu năm nay, tổng sản lượng IC của Trung Quốc giảm 10% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 218,1 tỷ sản phẩm.

Ngoài ra, dữ liệu 8 tháng đầu năm này cũng cho thấy, sản lượng điện tử tiêu dùng như máy tính cá nhân, điện thoại thông minh, máy chơi game và các sản phẩm điện tử khác đã giảm 18,6% xuống 317,5 tỷ sản phẩm, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 12/2015.

Chỉ đạo của ông Tập Cận Bình

Trước tình hình đó, ngày 6/9 Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã chủ trì cuộc họp lần thứ 27 của Ủy ban Cải cách sâu rộng toàn diện Trung ương (Ủy ban Cải cách Thâm Quyến).

Tại cuộc họp, ông Tập Cận Bình nhấn mạnh “cần phát huy hết lợi thế tập trung vào đại sự…. hình thành lợi thế cạnh tranh trong một số lĩnh vực quan trọng và giành được thế chủ động chiến lược”.

Về vấn đề cơ chế để giải quyết thực trạng “công nghệ cốt lõi quan trọng”, ông Tập Cận Bình chỉ ra là kết hợp một cách hữu cơ giữa chính phủ, thị trường và xã hội tập trung vào nghiên cứu và phát triển “công nghệ then chốt có lợi thế đi trước và các công nghệ cơ bản tuyến đầu dẫn dắt sự phát triển của thế giới”.

Mặc dù truyền thông nhà nước Trung Quốc không đề cập rõ ràng đến “công nghệ cốt lõi quan trọng” là những gì, nhưng thực tế không khó hiểu chính là vấn đề con chip.

Kể từ năm 2018, Trung Quốc đã chi hơn 300 tỷ USD cho nhập khẩu chip và sau đó chi phí đã không ngừng tăng lên, đến năm 2021 con số này đã đạt khoảng 440 tỷ USD. Gần đây, chi tiêu hàng năm của Trung Quốc cho việc nhập khẩu chip đã vượt qua dầu, trở thành mặt hàng nhập khẩu lớn nhất.

Có nhóm chuyên gia đã chỉ ra rằng từ các sản phẩm trong cuộc sống hàng ngày như điện thoại di động, thiết bị gia dụng cho đến ô tô, tên lửa đạn đạo xuyên lục địa siêu thanh, vệ tinh, máy bay chiến đấu…, tất cả đều dựa vào thứ nhỏ bé này: con chip. Không phải vì chip của Trung Quốc mới bắt đầu phát triển nên họ tụt hậu so với các nước khác, vào ngày 4/10/1982 Chính phủ Trung Quốc đã thành lập nhóm chỉ đạo vấn đề mạch tích hợp và về máy tính điện tử. Mặc dù sau đó nhóm đã được cải tổ đổi tên và sáp nhập, nhưng các chức năng của nhóm vẫn luôn tồn tại. Hiện nay, tên của cơ cấu này là Ủy ban Thông tin và An ninh Mạng Trung ương, người phụ trách là ông Tập Cận Bình, các cấp phó là ông Lý Khắc Cường và ông Vương Hộ Ninh. Trong 40 năm qua, mặc dù Chính phủ Trung Quốc đã huy động sức mạnh toàn quốc đầu tư phát triển ngành công nghiệp chip nhưng vấn đề chip nội địa của họ đến giờ vẫn ở tình trạng tương đối lạc hậu so với các nước phát triển.