Hai ‘gã khổng lồ’ Internet Trung Quốc như Tencent và Alibaba đã chứng kiến ​​doanh thu giảm và tình trạng sa thải, đánh dấu sự kết thúc của thời kỳ hoàng kim kéo dài 20 năm đối với Internet Trung Quốc. Làn sóng lớn chia tách giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc cùng cơn bão thanh trừng của Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã cuốn trôi lợi nhuận lớn từ cổ phiếu của 2 công ty internet.

6296765381 75feef5bec b
CEO Tencent Mã Hóa Đằng. (Nguồn: TechCrunch/Flickr)

Doanh thu của ‘gã khổng lồ’ game online và truyền thông xã hội Trung Quốc Tencent trong quý II (từ tháng Tư đến tháng Sáu) đã giảm 3% so với một năm trước đó xuống còn 20 tỷ USD. Đây là lần sụt giảm doanh thu hàng quý đầu tiên của Tencent kể từ khi lên sàn vào năm 2004, chấm dứt chuỗi tăng trưởng kéo dài gần 20 năm.

Trùng hợp, doanh thu quý II của Tập đoàn Alibaba giảm 0,1% so với một năm trước đó xuống 30,7 tỷ USD. Đây là lần đầu tiên công ty này không tăng trưởng doanh thu kể từ khi niêm yết cổ phiếu vào năm 2014.

Điều khiến mọi người cảm nhận sâu sắc hơn về một mùa đông đang đến là tình trạng sa thải nhân viên. Vào tháng Năm năm nay, người trong cuộc của Tencent nói với truyền thông Đại Lục Financial Eleven rằng Tencent đang sa thải nhân viên ở nhiều bộ phận, bao gồm Tencent Cloud, mảng kinh doanh game, quảng cáo, nội dung, v.v. Những người thuộc bộ phận kinh doanh game của Tencent cho biết, trong số đó tỷ lệ sa thải nhân viên game khoảng 10%. Vào tháng Ba năm nay, mảng kinh doanh CSIG của Tencent đã sa thải khoảng 15% nhân viên.

Trong cùng tháng, Alibaba đưa ra một đợt sa thải “cuốn chiếu”. Báo cáo tài chính cho thấy tính đến ngày 30/6, tổng số nhân viên của Alibaba là 245.700 người. Trong khi cuối tháng Ba, con số này vẫn là 254.941 người, tương đương với mức giảm gần 10.000 nhân viên trong quý đầu tiên, và tổng số nhân viên trong nửa đầu năm giảm khoảng 13.000 người.

20 năm hoàng kim của Internet Trung Quốc

Internet xuất hiện ở Trung Quốc vào cuối những năm 1990, đến nay đã được hơn 20 năm. 20 năm này là thời kỳ hoàng kim của Internet Trung Quốc. Thời kỳ hoàng kim này đã sinh ra hàng chục ‘gã khổng lồ’ Internet. Tính đến tháng 5/2022, giá trị thị trường của Tencent là 427,6 tỷ USD, của Alibaba là 253,2 tỷ USD và Meituan đứng thứ ba với 137,9 tỷ USD.

Sự phát triển nhanh chóng của Internet ở Trung Quốc đã tạo ra một lượng lớn người giàu. Theo “Danh sách người giàu toàn cầu của Forbes năm 2021”, ông Mã Hóa Đằng – người sáng lập Tencent, với khối tài sản trị giá 50,4 tỷ USD, đứng thứ 29 trên thế giới; ông Jack Ma – người sáng lập Alibaba, khối tài sản trị giá 42,4 tỷ USD, đứng thứ 32 trên thế giới; ông Trương Nhất Minh – người sáng lập ByteDance, với khối tài sản trị giá 35,6 tỷ USD, đứng thứ 39 trên thế giới.

Vào ngày Baidu lên sàn năm 2005, Trung Quốc đã sinh ra 8 tỷ phú, 300 triệu phú (50 người có tài sản hàng chục triệu đô la và 250 người có tài sản hàng triệu đô la). 9 năm sau, Alibaba lên sàn đã tạo ra hơn 10.000 triệu phú.

Sự phát triển nhanh chóng của Internet Trung Quốc trong 20 năm qua bắt nguồn từ 2 lợi thế đặc biệt mà chúng hiện đang dần biến mất.

Vốn đô la Mỹ khai sinh ra Internet Trung Quốc

Lợi thế đầu tiên là dòng vốn USD ồ ạt đổ vào. Có thể nói, ngành công nghiệp Internet của Trung Quốc được nuôi dưỡng từ nguồn vốn đô la Mỹ.

Ví dụ, Naspers ở Nam Phi đầu tư vào Tencent, Son Masayoshi ở Nhật Bản đầu tư vào Alibaba, Sequoia Capital ở Hoa Kỳ đầu tư vào Meituan, và SIG ở Hoa Kỳ đầu tư vào ByteDance.

Trong số đó, Naspers đã đầu tư 32 triệu USD vào năm 2001 để mua 46,5% cổ phần của Tencent. 20 năm sau, tổng lợi nhuận của Naspers từ khoản đầu tư này là hơn 4.731 lần. Tập đoàn SoftBank đã đầu tư 20 triệu USD và 60 triệu USD vào Alibaba trong các năm 2000 và 2004. Sau nhiều vòng điều chỉnh, tập đoàn này đã từng nắm giữ tối đa 34,4% cổ phần của Alibaba. Trong 20 năm qua, tổng lợi tức đầu tư đã vượt 2.000 lần.

Sự tách biệt Mỹ-Trung ảnh hưởng đến ngành công nghiệp internet của Trung Quốc

Tuy nhiên, những người ủng hộ chủ nghĩa tách biệt Mỹ-Trung đang đẩy dòng vốn USD ra khỏi Trung Quốc.

Vào tháng 5/2020, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã gây áp lực buộc Ban Đầu tư Tiết kiệm Hưu trí Liên bang Hoa Kỳ (FRTIB) ngừng đầu tư vào thị trường chứng khoán Trung Quốc và rút 4,5 tỷ USD đã đầu tư vào thị trường này ra. Vào ngày 13/5, FRTIB thông báo hoãn vô thời hạn các khoản đầu tư vào các công ty Trung Quốc.

Vào tháng 8/2020, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo thông báo rằng chính quyền Trump sẽ mở rộng chương trình ‘Mạng lưới sạch’ (Clean Network) . Ông Pompeo nêu tên 7 công ty công nghệ Trung Quốc bao gồm Huawei, China Mobile, Baidu và Alibaba, đồng thời chỉ ra rằng các ứng dụng “không đáng tin cậy” của Trung Quốc, bao gồm TikTok và WeChat, nên bị cấm trên cửa hàng ứng dụng của Hoa Kỳ, đồng thời hạn chế thêm đối với Trung Quốc, yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ đám mây lưu trữ và xử lý dữ liệu nằm tại Hoa Kỳ.

Vào tháng 9/2020, Nhà Trắng thông báo rằng việc tải xuống ứng dụng TikTok hoặc WeChat đã bị cấm, Apple và Google sẽ không tiếp tục cung cấp tải xuống hai ứng dụng này nữa.

Trong bầu không khí bao vây mạnh mẽ của Chính phủ Hoa Kỳ đối với ĐCSTQ, vốn đô la Mỹ đã mất hứng thú với thị trường Trung Quốc.

Tháng Tư năm nay, phương tiện truyền thông Đại Lục Family Office Insight đưa tin, tại một cuộc họp thành viên góp vốn (Limited Partner, LP) ở nước ngoài, có một tổ chức đã tiến hành một cuộc khảo sát với bảng câu hỏi về chủ đề “sẵn sàng đầu tư vào Trung Quốc” để tránh rủi ro, hầu hết LP cho biết họ sẽ ngừng đầu tư vào thị trường chứng khoán sơ cấp.

Ngoài ra, một thành viên hợp danh (General partner, GP) Trung Quốc với thành tích rất tốt đã không thể gây quỹ bằng đô la Mỹ. Mặc dù GP này đã được bầu chọn bởi các ủy ban đầu tư của các quỹ tài trợ ở nước ngoài và các LP nền tảng, nhưng cuối cùng vẫn  không nhận được đầu tư, và kế hoạch gây quỹ hoàn toàn “vô ích”.

Điều ảnh hưởng hơn nữa đến mong muốn đầu tư vào các ngành công nghệ cao của Trung Quốc của các quỹ bằng đồng đô la Mỹ đó là triển vọng ảm đạm của các cổ phiếu khái niệm Trung Quốc.

Sau khi dung túng cho ĐCSTQ trốn tránh các cuộc kiểm toán trong nhiều năm, Hoa Kỳ sẽ mạnh tay áp dụng [Đạo luật Trách nhiệm Giải trình Doanh nghiệp Nước ngoài] vào năm 2020 và hơn 200 công ty niêm yết của Trung Quốc tại Hoa Kỳ có nguy cơ bị hủy niêm yết. Vào tháng Ba năm nay, chứng khoán Trung Quốc giảm mạnh. Trong số 323 cổ phiếu khái niệm của Trung Quốc, giá cổ phiếu của 156 công ty đã giảm hơn 90%. Các cổ phiếu khái niệm bấp bênh của Trung Quốc đã khiến nhiều quỹ đô la Mỹ và LP bi quan về sự ra đi của các công ty trên thị trường vốn Mỹ.

ĐCSTQ từ hỗ trợ đến thanh trừng các công ty Internet

Lợi thế khác của sự phát triển nhanh chóng Internet ở Trung Quốc trong 20 năm qua là các chính sách hỗ trợ của chính quyền Trung Quốc. ĐCSTQ đã chặn các công ty Internet nước ngoài như Facebook và Google thâm nhập thị trường này. Điều này đã cung cấp không gian rộng lớn cho các công ty trong nước phát triển. Đồng thời, Chính phủ Trung Quốc đã dành nhiều chính sách ưu đãi cho các công ty Internet bao gồm ưu đãi thuế và ưu đãi cấp giấy phép. Các chính quyền địa phương có xu hướng quan tâm nhiều hơn đến các công ty Internet lớn tại địa phương, chẳng hạn như Tencent hiếm khi thất bại trong các vụ kiện ở quận Nam Sơn, Thâm Quyến, còn Alibaba thì nhận được rất nhiều ưu đãi về đất đai và thuế ở Hàng Châu.

Tuy nhiên, vào năm 2020, tình hình đã thay đổi.

Vào ngày 11/12/2020, ĐCSTQ đã tuyên bố tại một cuộc họp của Bộ Chính trị của Ủy ban Trung ương rằng sẽ “tăng cường chống độc quyền và ngăn chặn sự bành trướng vô trật tự của tư bản.” 3 ngày sau, Cục Quản lý Thị trường Nhà nước đã ban hành 3 án phạt chống độc quyền đối với Alibaba và Tencent, tuyên bố rằng “ngành công nghiệp Internet không nằm ngoài luật chống độc quyền”.

Vào ngày 15/12/2020, ông Tôn Thiên Kì (Sun Tianqi), Giám đốc Cục Ổn định Tài chính của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, đã công khai tuyên bố rằng mô hình tiền gửi của nền tảng Internet là một hoạt động tài chính bất hợp pháp “lái xe mà không có giấy phép”. 3 ngày sau, Ant Group thông báo loại bỏ các sản phẩm tiền gửi Internet trên nền tảng này. Một số nền tảng tài chính Internet hàng đầu như JD Finance và Lufax đã nhanh chóng theo dõi và lần lượt loại bỏ các sản phẩm tiền gửi ngân hàng.

Vào tháng 4/2021, Cục Quản lý Nhà nước về Quy chế Thị trường của Đảng Cộng sản Trung Quốc cáo buộc Tập đoàn Alibaba “ép các thương nhân vừa và nhỏ phải chọn một trong hai” và đưa ra khoản tiền phạt khổng lồ 18,2 tỷ nhân dân tệ (khoảng 2,78 tỷ đô la Mỹ) cho Alibaba.

Vài ngày sau, Tencent cũng bị ‘trúng đạn’. Cơ quan quản lý giám sát nhà nước cáo buộc Tencent vi phạm “Luật chống độc quyền” trong việc mua lại quyền lợi cổ phần trong hai nền tảng ô tô trực tuyến của Trung Quốc, với tổng mức phạt hành chính là 1 triệu nhân dân tệ. Sau đó vào tháng Bảy và tháng Mười Một, Alibaba, Didi, Tencent, Suning, Meituan, Baidu, JD.com và các nền tảng trực tuyến khác đã đều bị ‘cho lên thớt’.

Didi bị tổn thất đặc biệt nặng nề. Công ty đã niêm yết tại Hoa Kỳ vào cuối tháng 6/2021, nhưng chưa đầy một tuần sau khi niêm yết, văn phòng thông tin Internet nhà nước của ĐCSTQ đã xóa tất cả các ứng dụng Didi với lý do “thu thập và sử dụng bất hợp pháp nghiêm trọng thông tin cá nhân”. Giá cổ phiếu của Didi giảm mạnh và giá trị thị trường bị giảm một nửa. Vào ngày 10/6 năm nay, Didi đã bị hủy niêm yết trên thị trường Chứng khoán New York.

Hàng loạt cuộc đàn áp của ĐCSTQ đã khiến chứng khoán Trung Quốc lao dốc. Trong nửa đầu năm 2021, tổng giá trị thị trường của các công ty Trung Quốc niêm yết ở nước ngoài đã bốc hơi hơn 1.200 tỷ USD. Trong số đó, giá trị thị trường của Alibaba đã giảm mạnh gần 44% so với mức đỉnh vào tháng 10/2020 và giá trị thị trường 344 tỷ USD của công ty đã biến mất. Giá cổ phiếu của Tencent cũng giảm 40% so với mức cao nhất vào đầu năm 2021, và giá trị thị trường 400 tỷ USD đã biến mất.

Theo dữ liệu do Bloomberg công bố vào tháng 9/2021, Alibaba và Tencent đều rơi khỏi top 10 công ty có giá trị vốn hóa thị trường lớn nhất thế giới. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2017, một công ty Trung Quốc không lọt vào danh sách 10 công ty hàng đầu theo giá trị vốn hóa thị trường trên thế giới. Vào tháng 6/2022, PwC  đã công bố 100 công ty toàn cầu hàng đầu theo giá trị vốn hóa thị trường vào năm 2022, và các công ty Trung Quốc lại một lần nữa trượt khỏi top 10.

Dưới bầu không khí lạnh lẽo của ĐCSTQ, những người sáng lập ra những ‘gã khổng lồ’ Internet đã ẩn mình sau hậu trường.

Vào tháng 9/2019, Jack Ma từ chức Chủ tịch hội đồng quản trị của Alibaba. Ông ấy nói trong một bức thư ngỏ rằng sẽ quay trở lại con đường dạy học.

Vào tháng 3/2021, ông Hoàng Tranh từ chức chủ tịch Pinduoduo, nói rằng ông sẽ cống hiến hết mình cho nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học thực phẩm và khoa học đời sống trong tương lai.

Vào tháng 5/2021, ông Trương Nhất Minh tuyên bố từ chức Giám đốc điều hành của ByteDance. Ông tuyên bố rằng thích nghiên cứu các nguyên tắc tổ chức và thị trường hơn là quản lý và xã hội hóa.

Từ bữa tiệc tối của Hội nghị Internet ở Ô Trấn (Wuzhen) có thể nhìn thấy “mùa đông” của mạng Internet Trung Quốc đã đến. Vào năm 2017, bữa tiệc ở Ô Trấn đã từng tập hợp những gã khổng lồ trong lĩnh vực Internet của Trung Quốc, bao gồm Mã Hóa Đằng (của Tencent), Lý Ngạn Hoành (Baidu), Lưu Cường Đông (JD.com), Trương Triều Dương (Sohu), Lỗi Quân (Xiaomi),  Trương Nhất Minh (ByteDance),  Trình Duy (Didi), Vương Hiểu Phong (Mobike) và  Chu Nguyên (Zhihu).

Tuy nhiên, vào năm 2019, chỉ có 3 người tại bữa tiệc tối Ô Trấn. Đến năm 2021, bữa tiệc Ô Trấn đã biến mất hoàn toàn.

Ông Trương Hiếu Vinh, Chủ tịch Viện nghiên cứu Khoa học và Công nghệ Deepin, nói với Time Finance: “Trời lạnh nên bạn phải giữ dáng thấp, bạn chỉ có thể ‘cẩm y dạ hành’ (mặc áo gấm mà đi ban đêm, không ai biết là áo gấm cả. Chỉ sự tốt đẹp không phô bày ra được), và bạn không thể phô trương nữa.”