Theo số liệu của Cục thống kê Trung Quốc công bố hôm thứ Hai (15/7), kinh tế Trung Quốc trong quý II/2019 có tốc độ tăng chậm nhất trong gần ba thập kỷ qua. Các nhà kinh tế học cho rằng kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm hơn là do tác động từ thương chiến Mỹ – Trung và nền kinh tế toàn cầu cũng đang đà tăng chậm.  

Embed from Getty Images

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc trong quý II/2019 tăng 6,2%, giảm 0,2% so với mức tăng 6,4% trong quý I. Con số tăng trưởng này là tương đồng với những dự đoán trước đó của các nhà phân tích. Tuy nhiên, con số này vẫn nằm trong kế hoạch tăng trưởng cả năm 2019 ở mức từ 6,0% đến 6,5% mà chính phủ Trung Quốc đặt ra từ đầu năm. Trong khi đó, tăng trưởng GDP của Trung Quốc cả năm 2018 đạt 6,6%.

Trong thông báo về số liệu GDP mới nhất, phát ngôn viên Cục Thống kê Trung Quốc Mao Shengyong cho hay: “Điều kiện kinh tế ở cả trong và ngoài nước vẫn khắc nghiệt, tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang chậm lại và sự bất ổn và không chắc chắn bên ngoài đang gia tăng.”

Nền kinh tế [Trung Quốc] đang chịu áp lực đi xuống mới,” ông Mao Shengyong nói.

Theo The Guardian, chế độ Bắc Kinh trong năm nay đã triển khai các biện pháp nhằm thúc đẩy nền kinh tế, nhưng chúng vẫn chưa đủ để bù đắp cho sự suy giảm bên trong và mềm hóa các yêu cầu bên ngoài đã trở nên tồi tệ hơn do chiến tranh thương mại với Mỹ – đối tác kinh tế lớn nhất của Trung Quốc.

Xuất khẩu của Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm nay chỉ tăng 0,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngoại giới dự đoán chính quyền Trung Quốc trong những tháng tới sẽ đưa ra các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế và triển vọng này cổ vũ các nhà đầu tư tại Trung Quốc, nơi cổ phiếu cũng đang tăng.

Tuy nhiên, The Guardian dẫn lời các nhà kinh tế học nhận định rằng các biện pháp sắp tới của giới chức Trung Quốc sẽ không có tác động quyết định tới nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Chuyên gia nghiên cứu kinh tế Trung Quốc tại Công ty tư vấn Capital Economics, ông Julian Evans-Pritchard nói với The Guardian rằng ông nghi ngờ chính sách tài khóa hỗ trợ kinh doanh sẽ đánh dấu sự khởi đầu của giai đoạn chuyển dịch sang hướng tích cực và các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ phải đối mặt với nền kinh tế thậm chí còn suy yếu hơn nữa.

Chúng tôi nghĩ rằng ngành xây dựng sẽ gặp áp lực trong những quý tới khi bong bóng tăng trưởng bất động sản gần đây vỡ,” ông Evans-Pritchard nói. “Kết hợp với việc gia tăng thuế quan từ Mỹ và tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm hơn, chúng tôi dự đoán điều này sẽ khiến tăng trưởng kinh tế [Trung Quốc] tiếp tục thấp và sẽ đạt mức thấp hơn nữa trong năm tới.

Chuyên gia kinh tế Edward Moya của OANDA nhận định: “Thương chiến [Mỹ – Trung] đang có tác động lớn tới nền kinh tế Trung Quốc. Khi các nhà đàm phán thương mại hai nước đang đấu tranh cho tiến triển có ý nghĩa, thì nền kinh tế của Trung Quốc có lẽ vẫn chưa chạm đáy.

Số liệu Cục Thống kê công bố hôm thứ Hai cũng có một số điểm sáng cho nền kinh tế Trung Quốc.

Sản lượng công nghiệp tăng 6,3% trong tháng Sáu, so với mực tăng 5,0% trong tháng Năm – mức tăng thấp nhất kể từ năm 2002.

Đầu tư tài sản cố định cũng tăng, tăng 5,8% trong nửa đầu năm nay. Trước đó tính từ tháng Một tới tháng Năm, chỉ số này tăng 5,6%.

Quy mô 1,3 tỷ người tiêu dùng đã tiếp tục nâng đỡ nền kinh tế Trung Quốc với doanh số bán lẻ tăng 9,8% trong tháng Sáu, cao hơn mức tăng 8,6% trong tháng Năm.

Dù vậy, một số mặt hàng giá trị cao như ôtô lại không giữ được đà tăng doanh số. Theo Hiệp hội Sản xuất Ôtô Trung Quốc, doanh số bán ngành này giảm 12,4% trong nửa đầu năm nay.

Tăng trưởng về đầu tư cơ sở hạ tầng cũng thoái trào sau nhiều năm tăng tới 20%. Trong 6 tháng đầu năm 2019, đầu tư cơ sở hạ tầng tại Trung Quốc chỉ tăng 4,1%. Doanh số xuất nhập khẩu trong tháng Sáu cũng giảm so với cùng kỳ năm trước.

Tỷ lệ thất nghiệp tại khu vực thành thị đã tăng lên mức 5,1% trong tháng Sáu, so với mức 5,0% hồi tháng Năm.

Tờ The Guardian nhận định rằng việc nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại sẽ khiến giới chức Trung Quốc gặp nhiều khó khăn hơn trong việc đáp trả mạnh mẽ Mỹ khi Washington đang sử dụng thuế quan làm đòn bẩy để ép chế độ Bắc Kinh mở cửa nền kinh tế hơn nữa.

Xuân Thành