Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mới đây đã có chuyến thăm cấp quốc gia đến Bắc Triều Tiên, đây cũng là lần đầu tiên ông Tập thăm Bắc Triều Tiên kể từ khi ông lên nắm quyền. Nguồn tin từ Bình Nhưỡng tiết lộ, đây là kế hoạch bố trí gấp rút của Bắc Kinh trước khi diễn ra “Hội nghị Trump – Tập” bên lề Thượng đỉnh G20 tại Nhật Bản vào tuần sau. Có bình luận chỉ ra, lần này ông Tập Cận Bình dùng “lá bài Bắc Triều Tiên”, có thể nói là đã phạm sai lầm nghiêm trọng, nó có tác dụng vô cùng nhẹ trong việc hoà hoãn chiến tranh thương mại, thậm chí có thể nói là dẫn đến tác dụng ngược.

tap can binh kim jong un
Ông Tập Cận Bình trong chuyến thăm Bắc Triều Tiên. (Ảnh cắt từ video)

Theo truyền thông bên ngoài Trung Quốc đưa tin, ngày 20 – 21/6, ông Tập Cận Bình có chuyến thăm cấp quốc gia đến Bắc Triều Tiên, đây là chuyến thăm Bắc Triều Tiên đầu tiên của ông, cũng là lần đầu tiên lãnh đạo Trung Quốc thăm Bắc Triều Tiên sau 14 năm. Năm 2005, đương nhiệm Tổng bí thư ĐCSTQ Hồ Cẩm Đào đã từng có chuyến thăm Bình Nhưỡng.

Một ngày trước khi thăm Bắc Triều Tiên,  ông Tập Cận Bình đã có một bài viết đăng trên tờ Rodong Sinmun (Lao động tân văn) của Bắc Triều Tiên. Ông Tập nói rằng sẽ nỗ lực hỗ trợ lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un và ủng hộ ông Kim trong quyết sách về đối thoại hoà bình trên bán đảo.

Thời điểm ông Tập Cận Bình thăm Bắc Triều Tiên cũng tương đối nhạy cảm. Quan hệ giữa Mỹ và Bắc Triều Tiên đang trong lúc căng thẳng, trong khi Bắc Kinh và Mỹ cũng lại đang rơi vào thế giằng co vì chiến tranh thương mại. Cân nhắc đến “Hội nghị Trump – Tập” bên lề Thượng đỉnh G20 tổ chức tại Nhật Bản từ 28-29/6, Tổng thống Mỹ Donald Trump từng nói, nếu không có “Hội nghị Trump – Tập” thì Mỹ sẽ lập tức tăng thuế quan đối với hàng hoá Trung Quốc. Do đó, lần thăm Bắc Triều Tiên này của ông Tập Cận Bình, rất khó khiến người ta tin rằng đơn giản chỉ là trùng hợp thời điểm mà thôi.

Ngày 17/6, tờ  Straits Time tại Singapore dẫn một nguồn tin từ Bình Nhưỡng nói, lần này là Bắc Kinh gấp rút sắp xếp để ông Tập Cận Bình thăm Bắc Triều Tiên trước khi có cuộc gặp với ông Trump tại Thượng đỉnh G20.

Nhiều quan chức Mỹ cho biết, ông Tập Cận Bình muốn lấy tiến triển trong đàm phán về vấn đề hạt nhân với ông Kim Jong-un để ảnh hưởng đến đàm phán thương mại Mỹ – Trung trong cuộc hội đàm với ông Trump.

Lá bài Bắc Triều Tiên là thủ đoạn quen dùng của Bắc Kinh dùng để kìm kẹp Mỹ và cộng đồng quốc tế, đây là điều mà rất nhiều người đã biết. Thời kỳ đầu ông Trump mới lên làm Tổng thống Mỹ, đã có ý nói với Trung Quốc, nếu Bắc Kinh có trợ giúp trong hoá giải vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên, thì ông sẽ “hạ thủ lưu tình” trong tranh chấp thương mại Mỹ – Trung.

Liên quan đến việc ông Tập Cận Bình vội thăm Bắc Triều Tiên trước khi diễn ra “Hội nghị Trump – Tập”, Giáo sư Yongwook Ryu chuyên gia về Quan hệ quốc tế  thuộc Đại học Quốc gia Singapore cho biết, nếu ông Tập Cận Bình dùng Bắc Triều Tiên làm nước cờ trong đàm phán với ông Trump, thì đây sẽ là một “sai lầm nghiêm trọng”, bởi vì ông Trump quen xử lý riêng rẽ vấn đề an ninh và vấn đề kinh tế.

Nhìn nhận của nhà bình luận thời sự Lâm Hoà Lập cũng tương tự, ông phân tích với tờ Apple Daily rằng, lần này ông Tập Cận Bình hăng say dùng “lá bài Bắc Triều Tiên”, thực ra có tác dụng rất nhẹ trong việc hoà hoãn tranh chấp thương mại Mỹ – Trung, thậm chí có thể dẫn đến tác dụng ngược.

Ông Lâm Hoà Lập cho rằng, thời kỳ đầu ông Trump mới nhậm chức, có lẽ vẫn chưa nắm rõ được rằng làm thế nào xử lý vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, do đó mới cầu cạnh ông Tập Cận Bình. Nhưng cùng với việc ông ngày càng nắm được cách đối phó với Bắc Triều Tiên, việc ông Tập Cận Bình dùng lá bài Bắc Triều Tiên vào thời điểm hiện tại, thì tác dụng đã không còn quá lớn nữa.

Thực ra, khi ông Trump xử lý vấn đề Bắc Triều Tiên, vẫn luôn chủ trương đẩy Bắc Kinh ra ngoài, nhưng hiện giờ Bắc Kinh lại lớn tiếng nhúng tay, nên làm vấn đề trở nên tương đối phức tạp, hoặc có thể khiến ông Trump bất mãn.

Dù vậy, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jea-in hôm 21/6 phát biểu tại Văn phòng Tổng thống cho biết, vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên cuối cùng sẽ do Bắc Triều Tiên và Mỹ phụ trách giải quyết, điều này ám thị không cho phép Trung Quốc lên tiếng về vấn đề bán đảo Triều Tiên.

Nhà nghiên cứu Triệu Thông thuộc Trung tâm Chính sách toàn cầu Carnegie-Tsinghua (Carnegie-Tsinghua Center for Global Polic) tại Bắc Kinh cho rằng, không có quá nhiều khả năng “Hội nghị Trump – Tập” sẽ có thảo luận thực chất về vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên, bởi vì Trung Quốc và Bắc Triều Tiên chưa có đủ sự tin tưởng lẫn nhau.

Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) tại Hồng Kông đăng bài viết có tiêu đề “Làm rõ ai là anh cả”, bài viết cho rằng, chuyến thăm Bắc Triều Tiên của ông Tập Cận Bình, một mặt là muốn hợp lý hoá mỗi quan hệ với Bắc Triều Tiên, một mặt là cũng muốn có được nhiều nước cờ hơn trong đàm phán với Mỹ.

Bài viết nói, mặc dù bị trừng phạt, nhưng trong 15 tháng qua, ông Kim Jong-un đã 4 lần thăm Trung Quốc. Còn ông Tập Cận Bình cũng đã thể hiện đầy đủ thực chất của mối quan hệ Trung – Triều: Bắc Triều Tiên cầu cạnh đảng Cộng sản Trung Quốc, còn đảng Cộng sản Trung Quốc lại yêu cầu có được vị trí anh cả.

Tuy nhiên quan sát cho thấy, e là Bắc Triều Tiên chưa chắc có thể ngoan ngoãn là “người em” biết nghe lời như mong muốn của ông Tập Cận Bình.

Trí Đạt

Xem thêm: