Ngày 19/12, sau cuộc tái cơ cấu, Hội đồng Lập pháp Hồng Kông đã tổ chức cuộc bầu cử đầu tiên. Hơn 1,35 triệu người đã bỏ phiếu tại 10 khu vực bầu cử, với tỷ lệ cử tri đi bầu là 30,2%, mức thấp kỷ lục kể từ khi Hồng Kông trở về với Trung Quốc Đại Lục. La Quán Thông (Nathan Law), cựu thành viên Hội đồng Lập pháp Hồng Kông hiện đang sống lưu vong, cho biết người Hồng Kông từ chối chấp nhận các cuộc bầu cử giả.

la quan thong
La Quán Thông, cựu chủ tịch tổ chức Demosistō Hồng Kông đang sống lưu vong tại Vương quốc Anh, được tạp chí TIME bình chọn là một trong 100 người có ảnh hưởng nhất năm 2020 (Ảnh: Cai Wenwen / Epoch Times).

Không có bầu cử tự do và công bằng ở Hồng Kông

Ngày 19/12, Hồng Kông đã tổ chức tổng tuyển cử Hội đồng Lập pháp. Bị ảnh hưởng bởi nguyên tắc “những người yêu nước cai trị Hồng Kông” của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), các ứng cử viên phải vượt qua một cuộc thẩm tra mới được tham gia cuộc bầu cử.

Theo thông báo của Ủy ban Bầu cử Hồng Kông, số cử tri tham gia kỳ này là 4.472.863 người, với 135.680 người đi bầu. Tỷ lệ cử tri đi bầu chỉ đạt 30,2%, thấp nhất từ ​​trước đến nay. Cuối cùng, tất cả các ứng cử viên phe kiến chế thân ĐCSTQ đều giành chiến thắng.

La Quán Thông cho rằng tỷ lệ cử tri đi bầu thấp trong các cuộc bầu cử trực tiếp cho thấy người dân đang “tẩy chay” các cuộc bầu cử. Đây là một tín hiệu mạnh mẽ đối với cộng đồng quốc tế, cho thấy người dân Hồng Kông không có một cuộc bầu cử tự do và công bằng.

Người Hồng Kông vẫn thẳng lưng không chịu quỳ

Ngày 20/12, La Quán Thông đã đăng một bài đăng trên Facebook và chỉ ra:

“Bắc Kinh dùng mọi cách tô vẽ cho việc giảm mạnh số ghế được bầu trực tiếp. Họ chỉ cho phép các ứng cử viên thân cộng tham gia. Việc cải cách bầu cử này khá “hoàn thiện”. Họ tiến hành các công tác tuyên truyền xưa nay chưa từng có, như cung cấp các chuyến xe miễn phí (kết quả là khôn quá hóa dại), quảng cáo rợp trời, lạm dụng MV của các ngôi sao nổi tiếng, gửi tin nhắn SMS khắp Hồng Kông, các công ty lớn cùng thúc đẩy bỏ phiếu và nhiều quan chức cấp cao quay những đoạn phim ngắn đáng xấu hổ.

Kết quả là, người Hồng Kông ai đi leo núi thì đi leo núi, ai ‘nằm ngửa’ thì vẫn ‘nằm ngửa’, hoàn toàn không để tâm tới cuộc bầu cử giả mạo này. Vào Chủ nhật, tất cả các trạm xe buýt ở Hồng Kông đều bận rộn hơn các trạm kiểm phiếu.”

“ĐCSTQ đã rất vất vả để tìm ra một nhóm B vô liêm sỉ tham gia bầu cử và mở các trạm bỏ phiếu ở biên giới, mới có thể miễn cưỡng đạt được mục tiêu số phiếu sắt cố định là 30% cử tri đi bầu. Cuối cùng, Đảng Bảo Hoàng đã chiếm toàn bộ 90 ghế.

(Đừng nói với tôi Địch Chí Viễn (Tik Chi-yuen) không phải người thuộc phe kiến chế thân cộng). Như Lư Văn Đoan từng nói: Toàn thắng tức là thua. Thông qua tỷ lệ cử tri đi bầu, truyền thông toàn cầu đã biết về ý chí phản kháng của người dân Hồng Kông. (Các cuộc phỏng vấn do chính quyền làm từ sáng đến tối, xuyên khu vực và múi giờ …) đã trực tiếp quất thẳng vào lập luận của chính quyền Hồng Kông về việc ‘chuyển từ hỗn loạn sang ổn định’.”

“Người Hồng Kông không thắng trận, mà chỉ tránh trở thành lá chắn cho Bắc Kinh một lần nữa. May mắn thay, liên tiếp có rất nhiều người ‘dội gáo nước lạnh’ nói rằng người Hồng Kông thích theo đuổi các ngôi sao, mua nhà và chỉ biết đến công việc, từ lâu đã quên mất giá trị của thể thao.

Kỳ thực mọi người vẫn luôn như vậy. Vào những thời điểm quan trọng, khi các nhà lãnh đạo chính trị bị bịt miệng và bị bắt vì tuyên truyền tẩy chay, người Hồng Kông vẫn tỉnh táo và kiên định, không chấp nhận bầu cử giả. Họ vẫn đứng thẳng lưng giữa gió lạnh. Dẫu không thể giơ cao nắm đấm của mình, nhưng họ cũng từ chối quỳ gối.”

Nhiều cư dân mạng đã để lại lời nhắn bên dưới rằng: “Người Hồng Kông sẽ không bao giờ quên ý định ban đầu của họ!” và thực hiện động tác nắm tay để khích lệ lẫn nhau.

Chế độ độc tài của ĐCSTQ là cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất

Trong một cuộc phỏng vấn với thời báo “Epoch Times” tiếng Anh gần đây, La Quán Thông nói làm thế nào để bảo vệ nền dân chủ là câu hỏi mà Hồng Kông đặt ra cho thế giới. Đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế xây dựng một hệ thống truy cứu trách nhiệm của ĐCSTQ.

Anh nói rằng trong những năm gần đây, cộng đồng quốc tế ngày càng nhận thức rõ hơn về việc ĐCSTQ đàn áp dân chủ và tự do của Hồng Kông, cùng tội ác diệt chủng ở Tân Cương, cũng như việc ĐCSTQ đàn áp tự do ngôn luận và tự do tín ngưỡng. Tất cả những điều này khiến xã hội dân chủ ý thức được rằng “sự mở rộng của chế độ độc tài là cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất mà nhân loại phải đối mặt.”

Hồng Kông là ví dụ về một chế độ độc tài làm xói mòn nền dân chủ

La Quán Thông lấy chính bản thân làm ví dụ. 7 năm trước, với tư cách là một nhà lãnh đạo trong cuộc biểu tình của sinh viên, anh được bầu làm thành viên trẻ nhất của hội đồng lập pháp ở Hồng Kông. Nhưng sau đó anh đã bị loại, thậm chí bị tống vào tù và hiện phải sống lưu vong ở nước ngoài.

Anh cho rằng Hồng Kông là một ví dụ thực tế cho thấy chế độ độc tài đang xói mòn tự do và dân chủ. Cộng đồng quốc tế nên rút ra bài học kinh nghiệm để ngăn chặn những điều tương tự sẽ tái diễn. “Điều này không chỉ liên quan đến người dân Hồng Kông và Tân Cương, mà còn liên quan đến cách chúng ta bảo vệ nền dân chủ.”

Sau đó, anh tuyên bố rằng thiện chí của cộng đồng quốc tế khi cho phép ĐCSTQ gia nhập WTO tương đương với việc rước sói vào nhà. “Sự giàu có và công nghệ mà cộng đồng quốc tế gửi đến ĐCSTQ đã khiến ĐCSTQ ngày càng độc đoán và chuyên quyền hơn … Trung Quốc Cộng sản ngày nay có lẽ tiến bộ hơn về công nghệ so với người anh cả (Liên Xô) của mình mà nhà văn George Orwell đã mô tả trong cuốn ‘1984’. Nhưng cộng đồng quốc tế lại không có cách nào truy cứu trách nhiệm của ĐCSTQ.”

Đường Phiêu / Vision Times