Sau khi cuộc biểu tình của nhân viên mới nổ ra tại Foxconn ở Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc, một số công nhân mới được tuyển dụng đang chờ nhận việc trong khách sạn cách ly đã biểu tình phản đối vì không hài lòng với số tiền trợ cấp ít ỏi. Cảnh sát đã dùng bạo lực trấn áp như xịt hơi cay.

id13872933 c992bc097a13a6e86c22c92721f52158
Ngày 24/11, một số công nhân Foxconn mới được tuyển dụng ở Trịnh Châu đang chờ nhận việc trong khách sạn cách ly đã biểu tình do không hài lòng với các khoản trợ cấp, cảnh sát đã xịt hơi cay để đuổi họ đi. (Ảnh chụp màn hình video)

Ngày 25/11, ông Lý (bút danh) đến từ Hàm Đan, tỉnh Hà Bắc tới làm việc tại Foxconn ở Trịnh Châu, nói với phóng viên Epoch Times rằng sau sự cố nhân viên mới biểu tình, thỏa thuận cuối cùng là cấp cho mỗi nhân viên 10.000 nhân dân tệ (NDT, khoảng 1.395 USD).

Ông Lý nói rằng nhận việc nghĩa là tất cả các chứng nhận đã được hoàn thành, như kiểm tra y tế, phỏng vấn và phân công công việc.

Phóng viên của Epoch Times đã hỏi trang web chính thức của công ty mẹ Foxconn, Tập đoàn Công nghệ Hồng Hải, nhưng trang web chính thức này không đưa tin về trợ cấp.

Tuy nhiên, ngày 23/11, APP đưa tin một số nhà tuyển dụng của Foxconn Trịnh Châu tiết lộ rằng công ty này đã trả 10.000 NDT (khoảng 1.395 USD) cho những nhân viên mới nghỉ việc và hồi hương, gồm nhiều khoản trợ cấp khác nhau như tiền lương, phí cách ly, trợ cấp thất nghiệp và vé xe buýt.

Sau khi quét mã đăng ký nghỉ việc, họ sẽ được trả 8.000 NDT (khoảng 1.116 USD) trước khi lên xe, và 2.000 NDT (khoảng 279 USD) trong vòng 4 giờ sau khi quét mã lên xe về nhà.

Cuộc biểu tình của nhân viên mới chỉ cuộc biểu tình của một lượng lớn nhân viên mới được tuyển dụng tại Foxconn ở Trịnh Châu từ tối ngày 22-23/11, và cảnh sát đã đến hiện trường đàn áp dữ dội.

Lý do họ phản đối là Foxconn đã sửa đổi hợp đồng của những người mới tuyển dụng, và cho phép nhân viên mới làm việc với những nhân viên cũ đã bị nhiễm virus viêm phổi Vũ Hán (COVID-19). Khi đó, công nhân của Foxconn nói rằng cảnh sát đã đánh đập và bắt họ bằng thanh sắt.

Vào cuối tháng Mười, tại Foxconn Trịnh Châu đã xảy ra cuộc đào thoát hàng loạt do dịch bệnh. Một lượng lớn công nhân rời khỏi nhà máy và đi bộ về nhà. Ngay sau khi vụ việc xảy ra, các quan chức địa phương đã giúp Foxconn tuyển dụng công nhân.

Những nhân chứng khác cho hay, mọi người đều là những người được tuyển dụng qua thúc đẩy từ các quan chức. Chính quyền địa phương công khai tuyển dụng Đảng viên, công chức và cựu chiến binh vào làm việc tại Foxconn, thậm chí còn giao chỉ tiêu tuyển dụng cho công chức.

Giới quan chức huyện thành địa phương kêu gọi “đáp lại kêu gọi của Chính phủ giúp các nhà máy tiếp tục sản xuất”. Họ đã lợi dụng Foxconn để đưa ra mức lương cao hơn nhằm thu hút nhiều công nhân hơn đến lắp ráp iPhone 14 tại nhà máy Trịnh Châu.

Nguồn tin chỉ ra, quảng cáo việc làm cho biết trước giữa tháng 11 năm nay, sau 30 ngày làm việc, người lao động sẽ được hưởng thêm khoản trợ cấp 3.000 NDT (khoảng 418 USD).

Điều đó cho thấy Foxconn đang rất cần nhân công. Nhiều người bị thu hút bởi thông tin tuyển dụng hấp dẫn nên bỏ việc đang làm và đổ xô đến Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, để rồi sau đó phát hiện ra mình đã bị lừa.

Công nhân mới tuyển dụng của Foxconn cũng đòi bồi thường 10.000 NDT

Ông Lý cho biết sau khi đạt được thỏa thuận, khoảng 60.000 người đã quay trở lại.

Tuy nhiên, sau khi vụ việc lắng xuống, một số công nhân mới tuyển chưa nhận việc đã bị cách ly trong khách sạn cách ly. Ngày 24/11, họ biểu tình vì không hài lòng với khoản trợ cấp.

Ông Triệu cho biết, đối với những người lao động chưa nhận việc, khoản trợ cấp là 1.000 NDT (khoảng 139 USD) trong vòng 3 giờ sau khi lên xe buýt để trở về nhà, và thêm 1.000 NDT nữa trong vòng 4 giờ sau khi xuống xe.

“Chúng tôi đã đi hơn 1.500 km từ Thâm Quyến. Khoản trợ cấp này chắc chắn rất vô lý. Họ vừa yêu cầu ký tên, nhưng chúng tôi không ký”.

Ông Triệu nói: “Rất nhiều người trong chúng tôi đều hết sạch tiền. Trở về Thâm Quyến cũng phải cách ly, ít nhất 7 ngày tự trả phí, phải đến vài nghìn nhân dân tệ, (phí cách ly) 300 – 400 NDT (42 – 56 USD)/ ngày.”

“Yêu cầu là để có được bồi thường hợp lý.”

“So với lô chúng tôi đến ngày hôm trước, họ có thể nhận được 10.000 NDT khi vào (nhà máy), sau đó rời đi. Chúng tôi chỉ đến chậm một buổi tối mà thôi.”

Đoạn video trực tiếp được đăng tải trên Internet cho thấy, những công nhân này đã xô xát với cảnh sát ở cổng tòa nhà chính quyền. Mọi người hét lên “cảnh sát đánh người”, cảnh sát đã dùng hơi cay để giải tán đám đông. Ngoài ra còn có video quay cảnh công nhân đập phá bàn ghế, kính… trong khách sạn bị cách ly.

Ông Triệu nói với phóng viên The Epoch Times rằng cuộc biểu tình trước tòa nhà chính quyền diễn ra ở quận Thông Hứa, “nhiều người đã bị đánh đập và một số bị xịt hơi cay.” “Khi đó, có lẽ có khoảng 400 người và 200 – 300 cảnh sát.”

Ông cho biết khoảng 4:00 hoặc 5:00 chiều ngày 24/11, đã có người biểu tình. Lúc đầu họ không hô khẩu hiệu, cho đến khi có người bị đánh vào ban đêm, họ mới bắt đầu la hét, khoảng 10:30 tối mọi người mới trở về khách sạn cách ly.

Hiện giờ đâu đâu cũng có người cách ly, mọi người đều làm loạn. Bên cạnh khách sạn cách ly của họ còn có một khách sạn khác, 2 khách sạn này đã cách ly gần 200 người, tất cả đều đến từ Quảng Đông.

Ông Triệu mô tả hiện giờ mọi điểm cách ly và mọi tầng đều được cảnh sát canh gác, không được phép ra ngoài.

Phóng viên của The Epoch Times đã gọi điện cho Foxconn Trịnh Châu nhiều lần, nhưng không ai trả lời.

Ông Lưu (bút danh) từ Côn Sơn, tỉnh Giang Tô đến Hà Nam, và bị cách ly trong một khách sạn ở huyện Hạ Bình Dư, thành phố Trú Mã Điếm, tỉnh Hà Nam. Họ là một nhóm từ 30 – 40 người, tất cả đều đến từ Côn Sơn. Họ đã bị cách ly đến ngày thứ 5, và giờ lại bị cưỡng bức đưa đi.

“Chúng tôi đứng trên nóc tòa nhà để bảo vệ quyền lợi của mình, hét lên ‘bảo vệ quyền lợi của chúng tôi’…có người bị thương,” ông Lưu nói.

id13873239 16693402788846092256819712377489 450x253 1
Những công nhân chưa nhận việc của Foxconn đến từ Côn Sơn, tỉnh Giang Tô đổ xô đến Hà Nam và bị cách ly trong một khách sạn ở huyện Hạ Bình Dư, thành phố Trú Mã Điếm, tỉnh Hà Nam. Họ đứng trên nóc tòa nhà khách sạn vào ngày 25/11, để bảo vệ quyền lợi của mình, với hy vọng được bồi thường hợp lý để trở về nhà. (Ảnh: Độc giả cung cấp)
id13873240 16693403168906459421799791571171 450x253 1
Những công nhân chưa nhận việc của Foxconn đến từ Côn Sơn, tỉnh Giang Tô đổ xô đến Hà Nam và bị cách ly trong một khách sạn ở huyện Hạ Bình Dư, thành phố Trú Mã Điếm, tỉnh Hà Nam.

Vào tối ngày 25/11, họ bị cưỡng chế rời khỏi khách sạn, “cưỡng chế, ai không nghe thì bị đánh”.

Ông Lưu cho biết: “Yêu cầu của chúng tôi là 10.000 NDT (khoảng 1.395 USD), vì phí kiểm dịch, chi phí đi lại, chi phí ăn uống trên đường và phí mất việc làm. “Rất nhiều người ở đây đã nhận được tất cả, nhưng chúng tôi thì không. Tôi đã lấy 1.840 NDT (khoảng 256USD).”

Tính đến thời điểm đăng bài này, ông nói rằng họ vẫn đang trên đường cao tốc.

Bình Minh (t/h)