Cuộc chiến chip Mỹ – Trung đã ảnh hưởng đến người Hoa có quốc tịch Mỹ tại các công ty Trung Quốc. Triển vọng đối với nhà sản xuất thiết bị bán dẫn hàng đầu của Trung Quốc “Advanced Micro-Fabrication Equipment Inc China” (AMEC), do ông Doãn Chí Nghiêu (Gerald Yin) sáng lập, đầy rẫy sự không chắc chắn.

shutterstock 2171952485
(Nguồn: William Potter/ Shutterstock)

Các biện pháp kiểm soát xuất khẩu chip do Hoa Kỳ áp đặt vào tháng trước có thể ảnh hưởng đến các giám đốc điều hành có quốc tịch Mỹ hàng đầu của công ty, cũng như hoạt động nhập khẩu linh kiện và vật liệu.

AMEC là một công ty thiết bị gia công vi mô cao cấp có trụ sở tại Trung Quốc. Khi Hoa Kỳ công bố lệnh cấm xuất khẩu vào tháng trước, công ty này đang thách thức các nhà lãnh đạo ngành ở Hoa Kỳ và Nhật Bản.

AMEC là nhà sản xuất thiết bị khắc và các công cụ khác của ngành công nghiệp bán dẫn Trung Quốc, đi sau các đối thủ hàng chục năm. Khách hàng của họ gồm công ty Bosch và nhà sản xuất chip GlobalFoundries của Mỹ. Thiết bị của AMEC được sử dụng trên hàng chục dây chuyền sản xuất ở Châu Âu và Châu Á.

Ngày 7/10, Hoa Kỳ đã công bố các biện pháp hạn chế xuất khẩu chip toàn diện và nghiêm khắc nhất đối với Trung Quốc.

Chính sách này không chỉ hạn chế xuất khẩu chip, mà lần đầu tiên còn mở rộng kiểm soát xuất khẩu, nhằm ngăn cản người Mỹ hỗ trợ phát triển hay sản xuất một số loại chip cao cấp cho Trung Quốc (Đảng Cộng sản Trung Quốc – ĐCSTQ) khi không có giấy phép.

Những con chip này có thể thúc đẩy các ứng dụng công nghệ của ĐCSTQ, được sử dụng trong quân sự, trí tuệ nhân tạo và siêu máy tính.

Đây là đòn giáng mạnh nhất vào ngành công nghệ của Trung Quốc tính đến thời điểm hiện tại. Chính quyền Biden cho biết các biện pháp này nhằm ngăn chặn việc sử dụng các con chip của Mỹ để thúc đẩy quân đội của Trung Quốc.

Trước tình hình kiểm soát xuất khẩu công nghệ cao ngày càng leo thang của Hoa Kỳ, công ty bán dẫn lớn của Hàn Quốc SK Hynix cho biết họ sẽ xem xét việc bán các cơ sở sản xuất chip của mình ở Trung Quốc trong trường hợp xấu nhất nếu việc hoạt động tại Trung Quốc trở nên quá khó khăn.

Tờ Wall Street Journal cho biết các hạn chế của Hoa Kỳ sẽ cản trở ngành công nghiệp chip rộng lớn hơn của Trung Quốc, khiến nỗ lực bắt kịp các đối thủ tiên tiến hơn của Hoa Kỳ và châu Á của Trung Quốc thụt lùi vài năm.

Sản phẩm đặc trưng của AMEC là công cụ khắc, giúp khắc các mẫu mạch trên tấm bán dẫn, một bước quan trọng trong quy trình sản xuất.

Theo cơ sở dữ liệu đăng ký doanh nghiệp của Trung Quốc, cổ đông lớn nhất của AMEC là cơ quan đầu tư của chính quyền Thượng Hải, cổ đông lớn thứ hai là một tổ chức được kiểm soát bởi Quỹ đầu tư bán dẫn quốc gia. AMEC cũng nhận được trợ cấp nghiên cứu từ Chính phủ Trung Quốc.

Tại Đại Lục, các nhà bình luận trên mạng xã hội đã gọi AMEC là một nhà vô địch quốc gia tiềm năng, sẽ giúp ngành công nghiệp chip của Trung Quốc tự cung tự cấp.

Các quy tắc mới đe dọa AMEC theo nhiều cách khác nhau, bắt đầu từ cấp lãnh đạo cao nhất. Theo báo cáo hàng năm mới nhất của công ty, trong số 20 giám đốc điều hành và kỹ sư cấp cao của công ty có trụ sở tại Thượng Hải này, ông Doãn Chí Nghiêu (Gerald Yin) và 6 người khác là công dân Hoa Kỳ.

Quy định mới hạn chế người Mỹ hỗ trợ các nhà máy Trung Quốc phát triển hoặc sản xuất chip tiên tiến. Hàng trăm kỹ sư người Mỹ gốc Hoa, những người từng là nhân vật chủ chốt trong các công ty bán dẫn Trung Quốc, đã chọn giữ lại quốc tịch Mỹ và vội vã từ chức trước khi lệnh cấm có hiệu lực.

Việc ông Doãn Chí Nghiêu và những người khác sẽ giải quyết hạn chế này như thế nào đã thu hút nhiều sự chú ý.

Ngày 13/10, tờ “Hoa Nam Tảo Báo” đưa tin, Naura Technology, công ty sản xuất thiết bị chip của Trung Quốc, đã yêu cầu các nhân viên người Mỹ của họ ngừng tham gia phát triển linh kiện và máy móc, do các hạn chế của Hoa Kỳ đối với việc công dân Hoa Kỳ tham gia vào các dự án quan trọng tại Trung Quốc.

Nguồn tin cho biết, trong một thông báo nội bộ, công ty có trụ sở tại Bắc Kinh này đã yêu cầu các kỹ sư Mỹ của họ ngay lập tức dừng các dự án nghiên cứu và phát triển.

Ngoài sự không chắc chắn về các giám đốc điều hành hàng đầu, Wall Street Journal cho biết hoạt động sản xuất tại AMEC cũng có thể bị cản trở, do thiếu khả năng tiếp cận các linh kiện và vật liệu từ Hoa Kỳ hoặc các quốc gia khác. Khách hàng không phải là người Trung Quốc có thể sẽ tránh xa các thiết bị do công ty này sản xuất.

Trong một cuộc họp báo cáo tài chính qua điện thoại gần đây, ông Doãn Chí Nghiêu cho biết khoảng 60% thành phần và vật liệu mà AMEC sử dụng trong các sản phẩm chính của mình được sản xuất tại Trung Quốc, nghĩa là khoảng 40% phụ thuộc vào nhập khẩu.

Trong báo cáo thường niên năm 2021, AMEC cho biết rằng thu mua một số nguyên liệu từ Hoa Kỳ, nhưng chiếm tỷ lệ thấp hơn so với tổng số.

AMEC và ông Doãn Chí Nghiêu không trả lời yêu cầu bình luận của Wall Street Journal. Ngày 25/10, công ty này cho biết trên mạng xã hội Trung Quốc rằng đến nay họ vẫn hoạt động bình thường.

Theo trang web của AMEC, ông Doãn Chí Nghiêu thành lập AMEC vào năm 2004. Trước đó, ông đã làm việc cho Công ty Applied Materials (Vật liệu Ứng dụng) tại Hoa Kỳ trong 13 năm.

Ông từng giữ chức vụ Phó chủ tịch, Tổng giám đốc nhóm kinh doanh sản phẩm thiết bị khắc plasma, kiêm Giám đốc công nghệ của Applied Materials tại Châu Á.

Năm 2007, Applied Materials đã đệ đơn kiện lên tòa án liên bang California, cáo buộc AMEC chiếm đoạt bí mật thương mại. Ông Doãn Chí Nghiêu, người bị liệt vào danh sách bị đơn, nói với truyền thông Trung Quốc rằng ông không làm gì sai. Hai công ty đã hòa giải vào năm 2010.

Bình Minh (t/h)