Tháng Ba năm nay, Bộ Giáo dục của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã ban hành hướng dẫn đánh giá việc giảng dạy của các trường học, bao gồm các trường quốc tế tư thục dạy song ngữ. Theo hướng dẫn, mọi trường có sinh viên Trung Quốc bản địa phải tuân theo các quy định của ĐCSTQ. Nhiều trường quốc tế tư thục lo ngại giáo dục bị chính trị cưỡng bức, khiến họ có ý định chuyển sang các nước khác như Việt Nam, Ai Cập….

shutterstock 613195298
(Ảnh minh họa: imtmphoto/ Shutterstock)

Bắt buộc thống nhất chương trình sách giáo khoa trên toàn quốc

Nguồn tin dẫn từ Hãng thông tấn Trung ương Đài Loan (CNA) chỉ ra, do thị trường giáo dục rộng lớn và nhu cầu của người dân Đại Lục khiến 10 năm qua, nhiều tổ chức giáo dục nước ngoài đã đầu tư mở trường quốc tế ở Trung Quốc, từ cấp độ mẫu giáo đến đại học. Trong đó, nước Anh có số lượng cơ sở giáo dục nhiều nhất.

Nguồn tin dẫn từ tờ Times của Anh đưa tin, hiện có khoảng 50 trường quốc tế ở Trung Quốc do các tổ chức giáo dục của Anh mở. Ban đầu, những trường này chỉ nhận học sinh có hộ chiếu nước ngoài, nhưng sau đó do thị trường cạnh tranh cao nên họ bắt đầu tuyển học sinh Trung Quốc. Tuy nhiên, họ phải tuân thủ chương trình giảng dạy theo yêu cầu của Chính phủ ĐCSTQ, không được có nội dung chính trị nhạy cảm như vụ thảm sát Thiên An Môn ngày 4/6/1989; cũng không cho học sinh Trung Quốc dưới 15 tuổi tiếp cận với sách giáo khoa nước ngoài.

Về vấn đề này, thông tin dẫn ý kiến của biên tập viên Juliet Fairclough thuộc tạp chí Good Schools Guide (Anh) cho biết, do ảnh hưởng của các chính sách như vậy nên nhiều trường học ở Anh thậm chí không muốn thừa nhận rằng họ có trường học ở Trung Quốc vì sẽ ảnh hưởng đến danh tiếng của trường trong lòng phụ huynh ở các nước phương Tây. Hiện nhiều trường quốc tế cân nhắc chuyển đến các nơi khác để phát triển như Việt Nam, Ai Cập…

Nghị sĩ Anh Andrew Lewer cũng cho rằng việc rút khỏi Trung Quốc là quyết định khôn ngoan, bởi vì trong điều kiện môi trường hiện nay việc mở trường ở Trung Quốc sẽ rất rủi ro trong kinh doanh, do học sinh và phụ huynh thế hệ mới ở các nước khác hiện không muốn dính líu đến Trung Quốc, cũng không muốn đến các trường có vốn đầu tư ở Trung Quốc. Do đó mà nhiều cơ sở giáo dục từng cân nhắc thành lập trường học ở Trung Quốc thì hiện đang tìm kiếm các thị trường khác, hoặc phát triển việc giảng dạy từ xa.

 

Thúc đẩy “gien Đỏ” khắp hệ thống giáo dục

Vào tháng Ba năm nay, Bộ Giáo dục của ĐCSTQ đã ban hành “Hướng dẫn Đánh giá chất lượng giáo dục”, trong hướng dẫn đó liệt kê những tiêu chuẩn đầu danh sách là những nội dung tư tưởng quán triệt gồm: ĐCSTQ, chủ nghĩa xã hội, Tập Cận Bình.

Không chỉ vậy, trong “chỉ số đánh giá chất lượng”, trước hết yêu cầu học sinh phải “hiểu biết về lịch sử ĐCSTQ và bối cảnh đất nước”, “Hướng theo ĐCSTQ”…

Ngày 18/4 vừa qua, các tổ chức giáo dục hàng đầu Trung Quốc như Sina Education, Weibo Education và Points Education cùng tổ chức “Triển lãm Trường chọn Mùa xuân Trường quốc tế Sina & Weibo 2021”. Tại buổi triển lãm, Giám đốc điều hành của Tập đoàn Giáo dục Yijin Thượng Hải công khai tuyên bố rằng các trường quốc tế nên “tích hợp Trung Quốc và phương Tây”, cần tổ chức các khóa học văn hóa như các trường trung học công lập Trung Quốc, sau khi học xong được cấp chứng chỉ làm cơ sở xin vào các trường đại học hạng nhất của Trung Quốc.

 

Loại bỏ sách phương Tây, tập trung học tư tưởng Tập Cận Bình

Thông tin dẫn từ Nikkei (Nhật Bản) đưa tin vào ngày 18/4, vào đầu tháng Tư, Bộ Giáo dục Trung Quốc lệnh cho các thư viện trường tiểu học và trung học phải loại bỏ hoàn toàn những cuốn sách bị cho là trái với chính sách và tuyên truyền của ĐCSTQ, đặc biệt là những cuốn sách truyền tải các vấn đề chính trị, kinh tế và văn hóa của các nước dân chủ phương Tây và Nhật Bản. Ngay cả những cuốn sách được những người nổi tiếng như Bill Gates và Steve Jobs khuyến khích đọc cũng có thể bị ảnh hưởng. Lệnh này ảnh hưởng đến 240 triệu học sinh tiểu học và trung học, thậm chí cả trường mẫu giáo.

Thông tin còn dẫn ví dụ về cuốn sách châm biếm của Anh “Gulliver du ký” (Gulliver’s Travels) từng được Bộ Giáo dục Trung Quốc khuyến khích học sinh tiểu học và trung học cơ sở đọc, nhưng nay phát hiện “sai sót khoa học” nên có thể trở thành sách cấm. Vấn đề khiến có giáo viên tiểu học ở tỉnh An Huy than thở: “Việc chọn sách cho trẻ ngày càng khó khăn hơn”, “Trong tương lai, thư viện chỉ có thể cung cấp những cuốn sách liên quan đến tư tưởng Tập Cận Bình”.

Truyền thông nước ngoài có phân tích cho rằng lý do khiến chính quyền ĐCSTQ xem trọng việc giáo dục lịch sử ĐCSTQ và bài trừ toàn diện sách vở phương Tây là do ĐCSTQ lo ngại lặp lại những sai lầm của Liên Xô cũ dẫn đến sụp đổ thể chế. Từ năm 2013, ông Tập Cận Bình đã nhấn mạnh rằng một trong những nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của Liên Xô là do phủ nhận lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô, phủ nhận Lenin và Stalin, thúc đẩy chủ nghĩa hư vô lịch sử, khiến vai trò của các tổ chức Đảng ở các cấp địa phương không thể phát huy được tác dụng.

“Chủ nghĩa hư vô lịch sử” đặt trong bối cảnh của ĐCSTQ hiện nay là chỉ xu hướng tư tưởng phủ nhận hệ thống xã hội chủ nghĩa và sự lãnh đạo của ĐCSTQ.

Lê Tiểu Quỳ, Vision Times

Xem thêm: