Có người trở về Hồng Kông từ tỉnh Hồ Bắc đã phê phán biện pháp phòng chống dịch “viêm phổi Trung Cộng” (viêm phổi Vũ Hán, COVID-19) bất cẩn của cơ quan chức năng Hồng Kông. Cũng có lo ngại rằng sau khi Vũ Hán gỡ bỏ phong tỏa sẽ trở thành “mồi lửa” gây cao trào bùng phát lây nhiễm tại Hồng Kông.

San bay HK
Hình ảnh sân bay Hồng Kông (Nguồn: Vision Times tiếng Trung)

Kể từ tuần trước, Chính phủ Hồng Kông đã yêu cầu tất cả những người từ bên ngoài Trung Quốc vào Hồng Kông phải được cách ly trong 14 ngày. Tuy nhiên, hôm thứ Hai lại có thông báo rằng bắt đầu từ ngày 25/3, sẽ từ chối nhập cảnh đối với người không phải cư dân Hồng Kông ở vùng bên ngoài Trung Quốc Đại Lục, Macao và Đài Loan. Có người Hồng Kông trở về từ tỉnh Hồ Bắc đã cho rằng biện pháp kiểm dịch của giới chức Hồng Kông đối với người ra từ Đại Lục như vậy là quá sơ xuất.

Người trở về từ tâm dịch phê bình cách kiểm dịch của Hồng Kông

Nhật báo Apple (Hồng Kông) dẫn câu chuyện về ông Lương (Liang) người Hồng Kông, hồi tháng Một ông cùng vợ tại Đại Lục đến thăm người thân tại thành phố Hoàng Cương tỉnh Hồ Bắc, sau đó bị mắc kẹt trong thành phố vì lệnh phong tỏa. Do vị trí nơi ở của ông thuộc vùng xa xôi nên ông đã không được chọn trong cả hai chuyến bay đầu tiên đón người của Chính phủ Hồng Kông.

Gần đây, khi chính quyền Đại Lục tuyên bố dịch bệnh địa phương đã được kiểm soát, các thành phố ở tỉnh Hồ Bắc đã lần lượt bỏ phong tỏa, vậy là sau thời gian dài bị mắc kẹt ở Hồ Bắc ông Lương đã rời đi được. Ông tiết lộ rằng miễn là người dân Hồng Kông hoặc người Đại Lục có “Công văn tiếp nhận” (chứng minh công tác) là có thể nộp đơn cho tổ chức liên quan ở Đại Lục để được rời khỏi tỉnh Hồ Bắc đến khu vực chịu tiếp nhận. Tuy nhiên, theo như ông biết, có khoảng 50 người Hồng Kông ở thành phố Hoàng Cương đã nộp đơn xin rời khỏi thành phố nhưng không được, theo thông báo của giới chức là vì phía Hồng Kông có lệnh “vì không có nơi tiếp nhận nên không cho họ về”. Nhưng khi họ liên lạc với Cục quản lý xuất nhập cảnh Hồng Kông thì được cho biết không có hạn chế như vậy. Tình cảnh này khiến người dân Hồng Kông như “quả bóng” bị Chính phủ Hồng Kông và cơ quan chức năng Đại Lục đá qua lại cho nhau.

Trước tiên ông Lương nhận được giấy chứng nhận sức khỏe từ ủy ban thôn, sau đó nhờ một người bạn lấy giúp “Giấy tiếp nhận” từ Thâm Quyến, đến tối ngày 21/3 ông được người thân đón ra khỏi tỉnh Hồ Bắc, ông đến Thâm Quyến vào ngày 22/3 và trở về Hồng Kông qua cảng Thâm Quyến vào ngày 23/3. Ông tự biết rằng việc trở về từ Hồ Bắc là thuộc đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao, vì vậy ông đã chuẩn bị tinh thần để sẵn sàng vào một trại cách ly. Nhưng thật bất ngờ, bác sĩ của cơ quan y tế cửa khẩu Hồng Kông nói ông được về nhà cách ly mà không phải vào trại cách ly. Ông cảm thấy rất hoảng sợ, nhưng được bác sĩ giải thích rằng đây là một biện pháp mới trong hai ngày qua, theo đó chỉ những người trở về Hồng Kông từ Vũ Hán mới bị buộc phải vào trại cách ly.

Hiện tại, những người trở về Hồng Kông từ nước ngoài đều phải đeo băng theo dõi điện tử, nhưng ông Lương lại không được phát băng tay theo dõi, cũng không thực hiện xét nghiệm nước bọt cổ họng sâu. Ông cho biết bản thân trở về Hồng Kông từ Hồ Bắc nên thuộc dạng nguy cơ khá cao, nhưng các biện pháp của Chính phủ Hồng Kông làm như trò đùa.

Chính phủ Hồng Kông đang lên kế hoạch cho một chuyến bay nữa đến Hồ Bắc để đón người Hồng Kông. Ông Patrick Nip phụ trách vấn đề Đại Lục của Chính phủ Hồng Kông đã tuyên bố vào ngày 21/3 rằng trong chuyến bay đón người Hồng Kông đợt hai này không cần đưa người vào trại cách ly, chỉ cần tiến hành cách ly 14 ngày tại nhà, còn Chính phủ sẽ tiến hành kiểm tra nước bọt cổ họng cho mọi người.

 

Nghị sĩ Hồng Kông lo ngại sau khi Hồ Bắc hủy bỏ phong tỏa

Ngoài ra, tỉnh Hồ Bắc cũng tuyên bố rằng từ ngày 25/3 sẽ hủy phong tỏa đối với các khu vực ngoài trung tâm dịch, còn trung tâm dịch Vũ Hán thì bỏ phong tỏa từ ngày 8/4. Bác sĩ Lương Gia Kỳ (Kwok Ka-ki) là ủy viên Hội đồng Lập pháp Hồng Kông thuộc đảng Công dân cho biết, theo quy định của Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc thì dù xét nghiệm axit nucleic của bệnh nhân là dương tính nhưng nếu người xét nghiệm không có triệu chứng nào thì được xem như không bị nhiễm, chỉ khi có triệu chứng mới có thể phân loại là trường hợp bị nhiễm. Động thái này có thể dẫn đến ở Trung Quốc Đại Lục có nhiều “bệnh nhân vô hình” lây lan virus trong cộng đồng, khiến nguy cơ “dịch bệnh tiềm ẩn” sẽ bùng phát trở lại, đề nghị Chính phủ Hồng Kông triệt để phong tỏa, tạm ngừng cho người từ Đại Lục vào Hồng Kông, nếu không sẽ là hiểm họa bùng phát dịch bệnh tại Hồng Kông.

Ông cũng cho biết theo số liệu nhập cảnh từ ngày 8/2 đến 23/3, có gần 41.000 hành khách từ Đại Lục đã vào Hồng Kông, nhưng hệ thống y tế Hồng Kông gần như không thể đủ khả năng ứng phó xử lý, cơ sở vật chất y tế không thể đáp ứng nổi trước số lượng khổng lồ hành khách từ Đại Lục, vì vậy hy vọng Chính phủ sẽ có biện pháp giảm áp lực đối với hệ thống y tế.

Ngoài ra, Chủ tịch Hiệp hội Bác sĩ Chính phủ (The Government Doctors’ Association) của Hồng Kông cũng đã dẫn khiếu nại y tế làm việc tại sân bay, lên án Trưởng quan trợ lý của Sở Y tế cửa khẩu Hồng Kông không cho phép y bác sĩ tuyến đầu đeo khẩu trang, vì như vậy sẽ làm mọi người lo lắng sợ hãi. Nghị sĩ Lương Gia Kỳ đã phản hồi rằng cách làm của quan chức y tế này là “mù quáng”, vì các y bác sĩ là tuyến đầu phòng chống dịch bệnh phải được trang bị tiêu chuẩn cao, tối thiểu cũng phải đeo khẩu trang N95 và mặc quần áo bảo hộ để giảm nguy cơ bị nhiễm virus.

Lý Gia Hoành

Xem thêm: