Đã qua 2 tháng đầu năm 2021, đại dịch COVID-19 đã có những dấu hiệu thuyên giảm tại Hồng Kông, nhưng làn sóng xung kích chính trị do Luật An ninh quốc gia gây ra vẫn tiếp tục mạnh mẽ.

Embed from Getty Images

Được Bắc Kinh áp đặt vào tháng Sáu năm ngoái, Đạo luật cấm các hành vi ly khai, lật đổ, khủng bố và can thiệp của các lực lượng nước ngoài vào công việc nội bộ của thành phố. Ngay từ đầu năm 2021, luật đã được viện dẫn trong hàng loạt các vụ bắt bớ và trấn áp các nhà hoạt động đối lập.

Bắc Kinh đã nói rõ rằng Hồng Kông cần cải cách bầu cử để ngăn chặn các cá nhân “không yêu nước” nắm giữ các vị trí then chốt trong các cơ quan quyền lực chính trị của thành phố. Chính quyền đặc khu đã tuân theo mệnh lệnh của Bắc Kinh.

Các toà án cũng đã vào cuộc. Phiên tòa đầu tiên theo luật mới sẽ được tổ chức ở Toà tối cao mà không có bồi thẩm đoàn, đây là lần đầu tiên một phiên tòa như vậy được diễn ra. 

Trong một diễn biến khác, Đại học Trung Hoa của Hồng Kông đã cắt đứt liên hệ với Hiệp hội sinh viên vì những cáo buộc chống đối nhà trường và các tuyên bố có thể vi phạm Luật An ninh.

Dưới đây là những sự kiện nổi bật trong tháng 1 và tháng 2 liên quan đến việc thực thi Luật An ninh tại Hồng Kông: 

Các nhà hoạt động đối lập bị vây bắt

Trong một đợt vây ráp rạng sáng ngày 6/1, gần 1.000 cảnh sát đã triển khai lực lượng khắp thành phố trong cuộc đàn áp lớn nhất kể từ khi Luật An ninh quốc gia được ban hành, bắt giữ 53 người với cáo buộc “lật đổ chính quyền” và khám xét 72 cơ sở. Cuộc vây bắt đã tạo ra những cơn sóng xung kích trong phe đối lập và các nhóm dân sự.

Trong số những người bị bắt có những cá nhân đầy triển vọng cho cuộc bầu cử. Những người này đã tham gia vòng bầu cử sơ bộ không chính thức được tổ chức hồi năm ngoái cho vị trí trong Hội đồng Lập pháp địa phương. Cuộc bầu cử đã bị hoãn vào tháng 9.

Hai nhà hoạt động xuất sắc là Hoàng Chi Phong và Đàm Đắc Chí đã bị bắt trong cuộc đàn áp. Luật sư nhân quyền John Clancey, từng làm quản lý ngân quỹ cho nhóm tổ chức cuộc bầu cử sơ bộ, trở thành người Mỹ đầu tiên bị bắt theo luật này.

Những cải cách nhằm  đưa “những người yêu nước” lên nắm quyền

Xia Baolong, Giám đốc Văn phòng Các vấn đề Hồng Kông và Ma Cao của Quốc vụ viện, hôm 22/2 nói rằng hệ thống bầu cử của thành phố cần được cải cách để bảo đảm thực hiện đầy đủ việc “những người yêu nước sẽ cai quản Hồng Kông” – một ý tưởng mà Chủ tịch Tập Cận Bình trước đó đã nói với lãnh đạo thành phố Lâm Trịnh Nguyệt Nga.

Là quan chức cao cấp của Bắc Kinh theo dõi Hồng Kông, ông Xia cho biết cần có những cơ chế chủ chốt để bảo đảm các vị trí then chốt trong các nhánh hành pháp, lập pháp và tư pháp, cũng như việc bổ nhiệm vào những cơ quan pháp định quan trọng, không bị nắm giữ bởi bất cứ ai “chống lại Trung Quốc và gây rối loạn Hồng Kông”.

Ông Xia không nêu rõ những thay đổi cần thiết, nhưng các nguồn tin từ nhóm ủng hộ chính thể tiết lộ rằng Bắc Kinh đang suy tính những kế hoạch để cải tổ cuộc bầu cử vào Hội đồng Lập pháp gồm 70 ghế. Một ý tưởng trong số đó là chia 5 khu bầu cử theo địa lý hiện thời thành 18 khu để ngăn chặn phe đối lập giành thắng lợi lớn.

Một đề xuất khác liên quan đến Uỷ ban bầu cử bao gồm 1.200 thành viên để lựa chọn trưởng đặc khu. 117 ghế trong uỷ ban dự kiến thuộc về các uỷ viên hội đồng đối lập của thành phố hiện có thể bị thay thế trước khi các thành viên của uỷ ban bầu cử được bầu vào cuối năm nay. Cuộc bầu trưởng đặc khu sẽ diễn ra vào năm sau. 

Thay thế các uỷ viên hội đồng đồng quận

Sau ngày ông Tập đọc diễn văn, chính quyền thành phố đã giới thiệu một dự luật đưa ra quy định rằng việc Tuyên thệ và Khai báo phải phù hợp với Luật An ninh quốc gia, mở rộng yêu cầu tuyên thệ tới các uỷ viên hội đồng cấp quận.

Dự luật đề xuất trao cho nhà cầm quyền Hồng Kông quyền lực lớn hơn để loại bỏ những người nắm chức vụ công “không đủ lòng yêu nước” và cấm họ tham gia bầu cử trong 5 năm.

Một công chức công được coi là không ủng hộ Luật Cơ bản, bản hiến pháp mini của thành phố, nếu anh ta hoặc cô ta làm bất cứ điều gì gây nguy hiểm đến an ninh quốc gia hoặc “thực hiện các hành động phá hoại hoặc có xu hướng làm suy yếu lợi ích chung” của Hồng Kông. Các uỷ viên hội đồng cấp quận – phần lớn là những nhà hoạt động đối lập nhậm chức sau chiến thắng vang dội tại cuộc biểu tình chống chính phủ năm 2019 – sẽ sớm phải thực hiện lời thề trung thành. Bốn uỷ viên hội đồng đã bị cấm tranh cử trong cuộc bầu cử Legco (bầu cử hội đồng lập pháp HK) sắp tới có thể mất ghế hội đồng quận một khi đạo luật được thông qua, Bộ trưởng phụ trách các công việc Hiếp pháp và Đại lục  Eric Tsang Kwok cho biết.

Các chuyên gia pháp lý và các nhà hoạt động đối lập đã cảnh báo rằng ngôn ngữ mập mờ dùng trong dự luật đã đem lại cho Bắc Kinh một con đường khác để dập tắt bất đồng, ngay cả việc tổ chức một cuộc biểu tình cũng có thể bị miêu tả là “phá hoại lợi ích chung” của Hồng Kông.

Xét xử không có ban hội thẩm

Chỉ ba ngày sau khi Luật An ninh quốc gia được đưa ra vào ngày 30/6 năm ngoái, Tong Ying-kit, 23 tuổi, đã bị buộc tội có âm mưu lật đổ và khủng bố khi lao xe máy vào một nhóm sĩ quan cảnh sát trong cuộc biểu tình ngày 1/7 năm ngoái. Anh trở thành người đầu tiên bị kết án theo luật mới.

Tờ SCMP đưa tin hôm 9/2 rằng sẽ không có bồi thẩm đoàn trong phiên xử anh Tong tại tòa án cấp cao. Thay vào đó, anh phải đối mặt với ba quan toà do lãnh đạo thành phố Lâm Trịnh Nguyệt Nga chỉ định.

Một nguồn tin pháp lý cho biết Bộ trưởng Tư pháp Teresa Cheng Yeuk-Wah đã đưa ra quyết định này. Theo Điều 46 của Luật An ninh, Bộ trưởng Tư pháp có quyền đưa ra một văn bản ra lệnh thay thế hội thẩm đoàn bằng một hội đồng ba thẩm phán. Các chuyên gia tư pháp gọi vụ xử anh Tong không có bồi thẩm đoàn là điều chưa từng xảy ra. 

Không bảo lãnh tại ngoại cho ông trùm truyền thông Jimmy Lai

Jimmy Lai Chee-ying, người sáng lập tờ Apple Daily đã trở lại sau song sắt sau khi Tòa chung thẩm tuyên bố hôm 18/2 rằng toà án cấp thấp hơn đã sai trong việc cho phép ông tại ngoại hồi tháng 12. Ông đã được tại ngoại 8 ngày trước khi bị đưa trở lại nhà tù để chờ xử án.

Theo Luật An ninh, ông Lai bị buộc tội thông đồng với các lực lượng nước ngoài và phiên toà xử ông được định vào ngày 16/4.

Tòa án tối cao cho biết toà cấp thấp hơn đã áp dụng một phương pháp suy luận không đúng và đã hiểu sai Khoản 42 của Luật An ninh quốc gia, quy định rằng “không cho phép bảo lãnh tại ngoại một tội phạm hoặc bị cáo nào trừ phi quan toà có đủ bằng chứng để tin rằng đối tượng nghi ngờ tội phạm hoặc bị đơn sẽ không tiếp tục thực hiện hành những hành vi nguy hại đến an ninh quốc gia.”

Cuộc tranh cãi Anh – Trung ngày càng tồi tệ hơn

Chính phủ Anh tuyên bố cấp cho người Hồng Kông visa mới (BNO), mở đường cho việc được chấp thuận tư cách công dân từ 31/1 – một động thái mà London nói là nhằm mục đích hoàn thành cam kết lịch sử và đạo đức của họ với người dân thuộc địa cũ sau khi Bắc Kinh áp đặt Luật An ninh đối với thành phố.

Để trả đũa, chính quyền Bắc Kinh và Hồng Kông nói họ sẽ không tiếp tục công nhận BNO như một giấy tờ để đi lại hay nhận dạng có giá trị.

Cuộc tranh cãi ngoại giao mở rộng sang các cơ quan truyền thông chính thức của cả hai nước. Sau khi Cơ quan Quản lý truyền thông Anh Quốc thu hồi giấy phép của Mạng truyền hình toàn cầu Trung Quốc (CGTN) phát sóng ở Anh, Trung Quốc đã cấm hãng tin Thế giới BBC phát sóng tại nước họ. Đài truyền hình công của Hồng Công RTHK làm theo lập tức, nói rằng họ sẽ dừng các chương trình của BBC. Các hãng truyền hình tư nhân của thành phố vẫn cung cấp các chương trình phát trực tuyến của BBC.

Anh cũng phản đối khi Hồng Kông quyết định các tù nhân có hai quốc tịch phải chọn một quốc tịch, hoặc họ sẽ không được trợ giúp về pháp lý hoặc lãnh sự. Lãnh đạo thành phố Carrie Lam nói rằng chính quyền của bà sẽ thực thi nghiêm khắc chính sách gây ảnh hưởng đến các cư dân Hồng Kông gốc Trung Quốc có hai quốc tịch. Canada cũng phản đối động thái này.

8 tỷ đôla Hồng Kông dành cho an ninh quốc gia

Bộ trưởng Tài chính Paul Chan Mo-po đã gây sốc khi bản công bố ngân sách hàng năm mới nhất dành tới 8 tỷ đôla HK (1 tỷ đôla Mỹ) để bảo vệ an ninh quốc gia. Ông rất kín tiếng khi được chất vấn, chỉ nói rằng việc phân bổ sẽ được sử dụng trong “một vài năm”.

Đề cập đến thực tế ở các nước khác, ông nói chi tiêu cho an ninh quốc gia có thể được bảo mật ở một mức độ nhất định. Chính quyền đã nói rõ trong một tuyên bố rằng không một đồng ngân quỹ nào sẽ được sử dụng để trang trải cho chi phí của Văn phòng Bảo đảm an ninh quốc gia của Chính quyền Trung ương Nhân dân, được lập tại thành phố tháng 7 năm ngoái.

Trường đại học cắt đứt quan hệ với hiệp hội sinh viên

Ngày 25/2, Đại học Trung Quốc thông báo cắt đứt quan hệ với Hiệp hội sinh viên. Họ cũng áp dụng một loạt biện pháp cứng rắn đối với nhóm sinh viên, phê bình gay gắt các lãnh đạo sinh viên không làm rõ “những tuyên bố sai lầm” về trường đại học – điều có thể vi phạm Luật An ninh.

Trường lên án 12 thành viên ban chấp hành hội sinh viên về việc đưa ra những cáo buộc sai trái có khả năng vi phạm luật trong một tuyên bố dài 80 trang. Trường cũng bị cáo buộc đã làm việc với cảnh sát để bắt bớ sinh viên sau một cuộc tấn công các nhân viên an ninh trong khuôn viên trường. Tài liệu của Hội sinh viên cho biết luật này đã xâm phạm quyền và tự do cơ bản và là một sự nhục nhã cho phẩm giá người Hồng Kông.

Ngoài ra, trường sẽ dừng thu phí cho Hiệp hội, từ chối hỗ trợ hành chính và ngừng cung cấp địa điểm cho các hoạt động của họ. Trường yêu cầu các lãnh đạo sinh viên đăng ký Hiệp hội như một hội hay công ty độc lập có trách nhiệm pháp lý riêng. 

Hành động mạnh mẽ này đã gây phản ứng kịch liệt từ các sinh viên và cựu sinh viên. Chủ tịch sắp tới của hiệp hội Isaac Lam Yui-hei nói Hiệp hội sinh viên rất chấn động, và bày tỏ sự “nuối tiếc sâu sắc” là họ đã bị tước đoạt quyền phục vụ những sinh viên đã bầu họ lên. Các lãnh tụ sinh viên đã chùn bước và thông báo họ rút lại tuyên ngôn bầu cử gây tranh cãi cùng những tuyên bố khác của các ứng cử viên trong chiến dịch.

Lê Vy (theo SCMP)

Xem thêm: