Một ủy viên của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc tham gia “lưỡng hội” nhấn mạnh rằng “giết người giàu” không nhất định có thể cứu giúp được người nghèo, mà cuối cùng sẽ chỉ dẫn đến “nghèo chung”.

THỊNH VƯỢNG CHUNG
(Ảnh minh họa: Ghép từ ảnh của Shutterstock)

Theo báo cáo của “Dịch vụ Tin tức Trung Quốc” (China News Service), ông Lưu Thế Cẩm (Liu Shijin), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân toàn quốc Trung Quốc, đã chỉ ra rằng có hai điểm mấu chốt trong việc giải quyết vấn đề “thịnh vượng chung” tại kỳ họp “lưỡng hội” (Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc và Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Toàn quốc). Thứ nhất là coi trọng tầm quan trọng của yếu tố mắt xích, nhất là nguồn nhân lực; thứ hai là tăng tỷ trọng của nhóm thu nhập thấp và trung bình và tăng gấp đôi số người trong nhóm có thu nhập trung bình. Ông cho rằng người Trung Quốc muốn hướng đến “thịnh vượng chung” thì điều quan trọng nhất là cần giúp đỡ những người có thu nhập thấp.

Ông Lưu Thế Cẩm cũng cho rằng việc thúc đẩy thịnh vượng chung đòi hỏi phải cải cách hệ thống phân phối, trong đó phân phối lần 3, tức là từ thiện xã hội và phúc lợi công cộng, phải kiên trì thực hiện theo nguyên tắc tự nguyện và không thể “giết người giàu để giúp người nghèo”. Bởi vì, một mặt, nếu “giết người giàu” thì sẽ ảnh hưởng đến tinh thần của nhóm người tự khởi nghiệp vươn lên làm giàu; mặt khác việc “giết người giàu” đối với tầng lớp có thu nhập thấp mà nói thì trong thời gian dài cũng không thể giàu lên được, và kết cục cuối cùng chỉ có thể là “nghèo chung”.

Tuy nhiên, ông Lý Đạo Quỳ (Li Daokui), ủy viên Ban Thường vụ Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc, kiêm Giám đốc Viện Nghiên cứu Tư tưởng và Thực hành Kinh tế Trung Quốc tại Đại học Thanh Hoa Bắc Kinh, nói rằng có một số hiểu lầm trong xã hội, đó là cho rằng Trung Quốc nên ngay lập tức áp dụng thuế thừa kế tài sản hoặc tăng thuế bất động sản sau khi mục tiêu thịnh vượng chung được đề ra. Nhưng để đạt được sự thịnh vượng chung là một mục tiêu dài hạn không thể hoàn thành trong vòng một hoặc hai năm, hoặc thậm chí trong ‘kế hoạch 5 năm’.

Ông Lý Đại Quỳ cho rằng hiện tại và cả trong một khoảng thời gian tương đối dài trong tương lai, một trong những biện pháp quan trọng nhất để đạt được mục tiêu thịnh vượng chung là cho phép các nhóm thu nhập thấp và trung bình được hưởng nhiều lợi ích hơn trong quá trình phát triển kinh tế.

Kể từ khi ông Tập Cận Bình đưa ra khẩu hiệu “thịnh vượng chung” vào năm ngoái, đã làm dấy một trận khủng hoảng nhỏ ở Trung Quốc. Người ta đồn đại rằng động thái này của chính quyền là ám thị “giết người giàu để giúp người nghèo”, lấy người giàu ra “khai đao”, điều này cũng khiến nhiều doanh nhân Trung Quốc cảm thấy bất an.

Tờ Fox News của Mỹ từng đưa tin, thuật ngữ “thịnh vượng chung” do cựu lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Mao Trạch Đông đề xuất lần đầu tiên vào năm 1953. Kể từ đó, trong những năm 1980, ông Đặng Tiểu Bình đã nhiều lần đề cập đến “thịnh vượng chung“. Ông đề xướng để cho một số khu vực và một bộ phận người có điều kiện sẽ giàu lên trước, để kéo theo và giúp đỡ khu vực và người dân lạc hậu, và cuối cùng là đạt được sự thịnh vượng chung.

Tuy nhiên, liệu những người ở Trung Quốc Đại Lục sống dưới thể chế của ĐCSTQ có thể thực sự “thoát khỏi nghèo đói một cách toàn diện” hoặc “cùng thịnh vượng” hay không, vẫn luôn là điều mà thế giới bên ngoài đặt câu hỏi.

Vào trước kỳ “lưỡng hội” ở Bắc Kinh năm 2021, chính quyền ĐCSTQ từng thống nhất tuyên bố ra ngoài rằng có 98,99 triệu người nghèo nông thôn, 832 huyện nghèo và 128.000 làng nghèo của Trung Quốc đã “thoát nghèo hoàn toàn”. Ông Tập Cận Bình thậm chí còn mô tả “công cuộc xóa đói giảm nghèo tạo ra ‘kỳ tích nhân gian'”.

Tuy nhiên, vào tháng Ba cùng năm, khi trả lời các câu hỏi của giới truyền thông tại cuộc họp báo bế mạc Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc tại Bắc Kinh, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã đề cập rằng “năm nay áp lực về vấn đề việc làm vẫn rất cao”. Khoảng 14 triệu lao động thành thị mới, trong đó có 9,09 triệu người tốt nghiệp giáo dục bậc cao, đây là một con số cao kỷ lục, và còn cần đảm bảo việc làm của các quân nhân xuất ngũ, “và cung cấp cơ hội việc làm cho 270 – 280 triệu lao động nhập cư từ nông thôn”. Ông chỉ ra rằng “việc làm linh hoạt” hiện đang gia tăng ở Trung Quốc, với hơn 200 triệu người.

Vào cuối năm 2021, ông Lý Đạo Quỳ đưa ra cảnh báo rằng vài năm tới có thể là giai đoạn khó khăn nhất đối với nền kinh tế Trung Quốc kể từ khi cải cách mở cửa. Về vấn đề này, ông Tạ Kim Hà (Xie Jinhe), chủ tịch SEEC Media, phân tích rằng ngay cả các nhà kinh tế của chính quyền Trung Quốc cũng nói điều này, và nó cũng được công bố bởi các kênh truyền thông do chính quyền trung ương giám sát. Động thái này có thể cho thấy Bắc Kinh có ý cảnh báo trước cho người dân, “những ngày khó khăn đang đến”.

Theo thông tin công khai, ông Lý Đạo Quỳ là một trong những nhà kinh tế học uy tín ở Trung Quốc, được chính quyền ĐCSTQ trong dụng. Trong những năm gần đây, ông đã được mời cố vấn cho Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường tại các hội thảo của Trung Nam Hải.