Trưởng khoa Y của Đại học Hồng Kông Lương Trác Vỹ (Gabriel Leung) nói với tờ Guardian rằng, nếu không thể kiểm soát được virus corona mới (nCoV) thì 60% dân số thế giới có thể bị nhiễm bệnh. Sự bùng phát bệnh viêm phổi do nCoV trên thế giới có thể muộn hơn so với Trung Quốc, chủ yếu là do không thể ngăn chặn những bệnh nhân vẫn còn trong thời kỳ ủ bệnh di chuyển. Điều quan trọng nhất hiện tại là xem xét chính sách cách ly ở Trung Quốc có thực sự hiệu quả hay không.

Viêm phổi do nCoV
Trưởng khoa Y của Đại học Hồng Kông Lương Trác Vỹ lo lắng nếu dịch bệnh virus corona không thể kiểm soát được, 60% dân số thế giới có thể bị nhiễm bệnh. (Ảnh: FDA)

Ngày 10/2, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh rằng các trường hợp được xác nhận nhiễm virus corona mới bên ngoài Trung Quốc chỉ là “phần nổi của tảng băng trôi“. Hiện tại tình trạng nhiễm bệnh đang dần dần tăng lên ở ngay cả những trường hợp chưa từng tới Trung Quốc Đại Lục du lịch.

Ông Lương Trác Vỹ cũng nói, điều quan trọng nhất là làm sao xác định được chính xác kích thước và hình dạng của tảng băng này. Hầu hết các chuyên gia tin rằng mỗi người nhiễm bệnh sẽ có thể truyền virus cho khoảng 2,5 người khác, khiến “tỷ lệ tấn công” lên đến 60%- 80%.  “60% dân số thế giới là một con số cực kỳ lớn. Ngay cả khi tỷ lệ tử vong dưới 1%, nhưng một khi các trường hợp nhẹ hơn được tính đến, thì đó vẫn là một điều hết sức khủng khiếp.”

Trước đó, hôm 7/2, ông Lương Trác Vỹ khi tham gia chương trình của Đài phát thanh thương mại Hồng Kông còn giải thích rằng, virus corona mới “xảo quyệt hơn rất nhiều” so với SARS. Ngay khi có triệu chứng nhẹ hoặc thậm chí người không có triệu chứng bệnh cũng đã có thể lây nhiễm cho người khác, “rất có thể vào thời kỳ ủ bệnh, thậm chí những triệu chứng dường như rất nhẹ, cũng khiến số lượng virus lây lan khá nhiều”.

Lương Trác Vỹ chỉ ra rằng nhiệm vụ hàng đầu của WHO là xác định xem liệu biện pháp “cách ly, đóng cửa thành phố và quản lý khép kín” đang được thực thi ở Trung Quốc Đại Lục có hiệu quả hay không. Nếu như có hiệu quả, có thể kiến nghị các quốc gia khác cũng áp dụng theo.

Hồi tháng 1, Lương Trác Vỹ đã từng có một bài báo trên tạp chí Y học quốc tế “The Lancet”, trong đó sử dụng mô hình máy tính để ước tính, mỗi bệnh nhân viêm phổi Vũ Hán có thể lây nhiễm cho 2-3 người khác, cứ khoảng 6 ngày lại tăng lên gấp bội. Theo cách tính này, sẽ có khoảng 60% – 80% dân số thế giới có thể nhiễm bệnh, cho dù không cùng một thời điểm, nhưng diễn ra theo các đợt bùng phát khác nhau.

Lương Trác Vỹ còn nói, các chuyên gia cần phải nghiên cứu xem biện pháp phong tỏa ở Vũ Hán và các thành phố khác có làm giảm tỷ lệ nhiễm bệnh hay không. Nếu thực có hiệu quả, thì khi khôi phục lại sinh hoạt bình thường, có thể khiến người dân tránh xa những điểm tập trung đông người trong bao lâu? Có thể chắc chắn rằng virus sẽ không quay trở lại hay không?

Cho dù biện pháp cách ly vẫn là quan trọng nhất hiện nay nhưng Lương Trác Vỹ cho rằng trên thực tế, vấn đề lớn nhất là thời gian ủ bệnh. Việc cách ly là cần thiết, nhưng để đảm bảo chắc chắn không bị nhiễm bệnh, tốt nhất cứ vài ngày lại nên tiến hành kiểm tra một lần. Nếu có bất kỳ cá nhân nào trong cộng đồng người bị cách ly xác nhận là nhiễm bệnh, những người còn lại nên được gia hạn thời gian cách ly kiểm dịch thêm 14 ngày nữa.

WHO: Toàn cầu đang phải đối mặt mới một mối đe dọa nghiêm trọng

Ngày 11/1, Diễn đàn Toàn cầu của WHO về bệnh ‘viêm phổi Vũ Hán’ đã được tổ chức tại Geneva, Thụy Sỹ với hơn 400 nhà nghiên cứu và đại diện chính quyền các quốc gia tham gia, bao gồm cả các chuyên gia Đài Loan và Trung Quốc Đại Lục tham gia hội nghị qua video.

Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus phát biểu tại buổi khai mạc diễn đàn rằng “với 99% ca nhiễm bệnh hiện nay đều được phát hiện ở Trung Quốc, thì ngoài việc là vấn đề vô cùng khẩn cấp đối với Trung Quốc, dịch bệnh này còn là mối đe dọa nghiêm trọng đối với phần còn lại của thế giới.”

Diễn đàn dự kiến ​​sẽ tiến hành trong 2 ngày. Mục đích chính của diễn đàn nhằm thúc giục cộng đồng quốc tế hành động chống lại virus corona mới và mời các nhà khoa học, tổ chức nghiên cứu, tổ chức y tế công cộng và các sở y tế cùng tham gia thảo luận các vấn đề như phát triển vắc-xin, trị liệu và các công cụ chẩn đoán.

Minh Ngọc