Kể từ tối ngày 22/11, biểu tình quy mô lớn đã diễn ra tại nhà máy lắp ráp iPhone lớn nhất thế giới của Apple tại Trung Quốc: nhà máy Foxconn Trịnh Châu. Hoạt động biểu tình này được cho là làm nổi lên vấn đề chính sách ‘Zero COVID’ của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

p3249411a71563247
Nhà máy Foxconn ở Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam đã nổ ra một cuộc biểu tình của nhân viên mới. (Ảnh chụp màn hình video)

Những nguồn tin cho thấy Foxconn đang gặp khó khăn trong việc tuyển dụng nhân lực cần thiết để đáp ứng các đơn đặt hàng iPhone 14 của Apple, sau khi vào tháng trước hàng ngàn công nhân rời nhà máy ở Trịnh Châu – tỉnh Hà Nam vì cho rằng công ty không bảo đảm được điều kiện công việc.

Một phần lý do là ĐCSTQ đang cố gắng kiểm soát làn sóng bùng phát mới nhất mà không đóng cửa các nhà máy và các lĩnh vực khác của nền kinh tế như đã làm vào đầu năm 2020, theo đó thúc đẩy cách “quản lý khép kín”. Hệ quả giới công nhân phải sinh sống làm việc ngay trong các nhà máy mà không có tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Trong khi đó đối với công ty Foxconn có vốn đầu tư của Đài Loan chuyên sản xuất cho Apple này, gần đây họ đã gặp phải nhiều vấn đề trong hoạt động ở Trung Quốc, đầu tiên là bị phong tỏa bởi chính sách ‘Zero COVID’, sau đó là tình trạng thiếu công nhân khiến Foxconn gặp khó khăn trong đáp ứng các lô hàng iPhone dự kiến.

Nhân viên mới tức giận vì Foxconn thay đổi điều khoản lương

Các cuộc biểu tình nổ ra vào cuối ngày 22/11 sau khi các công nhân mới được đưa đến từ các tỉnh khác phàn nàn rằng Foxconn đã thay đổi các điều khoản về lương.

Trong một cuộc phỏng vấn với Epoch Times, một công nhân họ Zhao tiết lộ rằng khi tuyển dụng mọi người được hứa nếu ai làm việc toàn thời gian 7 ngày trong tuần và 30 ngày trong tháng thì sẽ được thưởng 3000 nhân dân tệ; sau 60 ngày sẽ thưởng 6000 nhân dân tệ (tiền thưởng nghĩa là ngoài tiền lương). Nhưng sau khi họ đến làm việc thì hợp đồng đã bị thay đổi, yêu cầu nhân viên mới phải làm cho đến tháng 3 năm sau mới trả 6000 nhân dân tệ, nhưng hợp đồng họ đã ký là làm thời vụ hết hạn vào tháng 2 nên mọi người hiểu rằng sẽ không thể nhận được khoản tiền thưởng khi tiêu chuẩn tiền thưởng là làm đến tháng 3.

Người này cho hay, nhiều công nhân bất bình biểu tình là vì thế. Một số muốn bảo vệ quyền lợi đã đối đầu với cảnh sát được huy động đến, một số muốn được bồi thường trước khi rời đi.

Những nhân chứng khác cho hay, mọi người đều là những người được tuyển dụng qua thúc đẩy từ các quan chức. Chính quyền địa phương công khai tuyển dụng Đảng viên, công chức và cựu chiến binh vào làm việc tại Foxconn, thậm chí còn giao chỉ tiêu tuyển dụng cho công chức. Giới quan chức huyện thành địa phương kêu gọi “đáp lại kêu gọi của Chính phủ giúp các nhà máy tiếp tục sản xuất”. Họ đã lợi dụng Foxconn để đưa ra mức lương cao hơn nhằm thu hút nhiều công nhân hơn đến lắp ráp iPhone 14 tại nhà máy Trịnh Châu.

Nguồn tin chỉ ra, quảng cáo việc làm cho biết trước giữa tháng 11 năm nay sau 30 ngày làm việc người lao động sẽ được hưởng thêm khoản trợ cấp 3.000 nhân dân tệ. Điều đó cho thấy Foxconn đang rất cần nhân công. Nhiều người bị thu hút bởi thông tin tuyển dụng hấp dẫn nên bỏ việc đang làm và đổ xô đến Trịnh Châu, để rồi sau đó phát hiện ra mình đã bị lừa. Một công nhân họ Li được hãng tin AP phỏng vấn nói rằng anh nghỉ việc ở nhà hàng vì anh ta có thể kiếm được 25.000 nhân dân tệ trong hai tháng, đó là mức thù lao rất hấp dẫn đối với anh.

id13868840 1119 2 450x374 1
Nhiều nơi ở Hà Nam ban hành chỉ tiêu và chính sách ưu đãi, triệu tập cán bộ cấp cơ sở đến Foxconn làm việc. (Hình từ MXH)

Mâu thuẫn giữa lo ngại dịch bệnh và mong muốn nới lỏng kiểm soát

Ngoài ra cuộc biểu tình cũng được cho là có liên quan đến những nhân viên trong khu vực nhà máy có kết quả kiểm tra dương tính đối với COVID-19. Theo đó, những người không bị nhiễm mới đến phải làm việc chung những nhân viên cũ đó đã bị nhiễm COVID-19.

Một nhân viên khác họ Qin đang bị cách ly nói với Epoch Times rằng tất cả những người sống trong khu tôi đều là những người bị cách ly, với số lượng ước tính khoảng 50.000 đến 60.000 người. Anh nói: “Tôi đến đây để kiếm tiền bảo đảm sinh kế gia đình, bây giờ làm việc ở đây cùng những người xa lạ quá khó khăn và quá nguy hiểm vì lây nhiễm COVID-19…  Không còn cách nào khác, chúng tôi chỉ còn cách ra đi, nhưng bây giờ phải cách ly thêm”.

Anh cho biết khi tuyển dụng, người ta nói nhân viên mới và cũ sẽ làm việc trực tuyến riêng, nhưng giờ nhân viên mới được phép làm việc cùng với nhân viên cũ là những người bị dương tính với COVID-19. “Tôi không thể đi làm chung với những người dương tính, tôi sợ bị nhiễm bệnh”, anh Qin nó. “Nếu không làm thì phải về nhà, về đến nhà còn phải tự chịu chi phí cách ly”.

Tuyên truyền sai lệch của ĐCSTQ trong quá khứ và chính sách nới lỏng dưới áp lực của thực tế bắt đầu xảy ra xung đột mạnh. Nhà chức trách nhiều nơi trấn an mọi người không nên lo sợ COVID-19, nhưng vài năm qua mọi người cũng lại luôn bị yêu cầu cảnh giác phòng chống dịch bệnh, vì vậy nhiều người bối rối trước những lần bỏ phong tỏa trở lại gần đây đối với chủng Omicron hiện đã suy yếu.

Chuyên gia Yanzhong Huang về sức khỏe toàn cầu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (tổ chức tư vấn có trụ sở tại New York) cho biết, chiến dịch đưa thông tin sai lệch của bộ máy truyền thông nhà nước Trung Quốc cùng với việc người dân Trung Quốc không được tiếp cận thông tin độc lập, đã khiến nhiều người tin rằng chính sách ‘Zero COVID’ có thể ngăn chặn được virus.

Foxconn hỗ trợ phí thôi việc và xin lỗi sau vụ biểu tình lớn

Hôm thứ Năm, thông tin từ nhiều nguồn cho thấy Foxconn đã hỗ trợ 10.000 nhân dân tệ tiền trợ cấp thôi việc cho những nhân viên chọn nghỉ việc (trả làm hai đợt, hiện tại trả trước 8.000 nhân dân tệ) để giúp họ thuận lợi về nhà.

Bloomberg đưa tin, quyết định bất thường này được Foxconn công bố sau các cuộc biểu tình rầm rộ làm rung chuyển nhà máy sản xuất iPhone lớn nhất thế giới.

Khoản phí thôi việc 10.000 nhân dân tệ là hơn một tháng lương của các nhân viên cổ cồn xanh của Foxconn, và nó có thể nhằm xoa dịu nhân viên. Cảnh đối đầu hiếm hoi giữa công nhân và cảnh sát vào thứ Tư đã thu hút sự chú ý mới đến thiệt hại kinh tế và xã hội do chính sách “zero COVID” của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) gây ra.

Ngoài ra, Foxconn cho biết đã có “trục trặc kỹ thuật” liên quan đến tiền lương hôm 24/11 và công ty đã đưa ra lời xin lỗi đến công nhân.

“Chúng tôi xem xét vấn đề và phát hiện ra một lỗi kỹ thuật xảy ra trong quá trình giới thiệu,” Foxconn nhấn mạnh trong một tuyên bố, đề cập đến việc thuê công nhân mới.

“Chúng tôi xin lỗi vì lỗi nhập liệu trong hệ thống máy tính và đảm bảo mức lương thực tế giống như đã thỏa thuận và như thông báo tuyển dụng chính thức.” Tuy nhiên, công ty không giải thích cụ thể về “lỗi nhập liệu” này.

Lời xin lỗi này cho thấy sự thay đổi so với một ngày trước đó, khi Foxconn tuyên bố họ đã hoàn thành các hợp đồng thanh toán của mình.

Mộc Vệ (t/h)