Ở Trung Quốc ngày nay, sau 3 năm Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) phong tỏa xã hội cực đoan nhằm kiểm soát COVID-19 được dỡ bỏ, ngày càng có nhiều người sống trong tuyệt vọng. Mới đây xã hội Trung Quốc lại chấn động về thảm kịch 4 thanh niên hẹn nhau cùng chết.

shutterstock 1408374896
Du khách trên núi Thiên Môn ở Trương Gia Giới. (Nguồn: Tatiana Popova/ Shutterstock)

Tại Trung Quốc ngày 6/4, ở khu du lịch danh lam thắng cảnh nổi tiếng Thiên Môn Sơn thuộc Trương Gia Giới xảy ra vụ tự tử gây chấn động khi 4 thanh niên “hẹn nhau chết” bằng cách nhảy xuống vách đá sườn núi. Cơ quan chức năng xác nhận có 3 người thiệt mạng khi rơi xuống, còn 1 người được du khách kéo lại nhưng cũng thiệt mạng vì đã uống thuốc độc trước đó. Họ có độ tuổi từ 23 – 33, trong đó người trẻ nhất sinh sau 2000 còn người lớn nhất sinh năm 1989.

Điều gây khó hiểu là không rõ lý do gì khiến họ quyết định kết liễu đời mình bằng cách tự sát tập thể?

Có chuyên gia y tế Trung Quốc cho rằng 4 thanh niên này rất có thể là những bệnh nhân trầm cảm điển hình, chịu áp lực tinh thần trong thời gian dài trước khi đi đến quyết định như vậy.

Cũng có phương tiện truyền thông đưa tin rằng 4 thanh niên này đều xuất thân nghèo khó, áp lực cuộc sống đè nặng và không thấy tương lai, cuối cùng mất hết hy vọng sống.

Tuy nhiên cũng có bình luận lên án gay gắt “Làm sao một người có mức lương hàng tháng 8000 tệ lại nghèo đến không muốn sống?” Cái gọi là mức lương hàng tháng là 8000 nhân dân tệ này (khoảng 20 triệu đồng) đến từ một cơ quan truyền thông Trung Quốc, theo tính toán thì đó có thể được coi là tầng lớp có thu nhập trung bình và cao ở Trung Quốc.

Nhưng thực tế đằng sau con số đó lại ẩn chứa nhiều vấn đề đáng thương.

Trong một bài viết liên quan, tài khoản công cộng WeChat “Kiến thức phổ thông cơ bản” (jibenchangshi) đã đề cập đến 6 vấn đề của người lao động nhập cư.

Thứ nhất, cường độ làm việc là không thể chịu đựng được đối với người trẻ Trung Quốc. Mức lương chính thức hàng tháng 8.000 nhân dân tệ là số tiền có thể kiếm được khi thu nhập hàng tháng cao nhất, thông thường mức lương này chỉ đạt được khi làm việc hơn 25 ngày một tháng và mỗi ngày lao động chân tay nặng hơn 10 tiếng. Cường độ làm việc nặng như vậy thì chỉ những người hàng ngày trong đời làm công việc đồng áng mới có thể còn chịu được, nhưng với thế hệ lao động trẻ sinh ra từ những năm 1990 và thậm chí 2000 thì thường quá sức. Do đó có thể tóm tắt đơn giản bằng câu nói “giới trẻ Trung Quốc ngày nay không chịu được khó khăn”.

Thứ hai, tình trạng khó khăn về việc làm. Hiện tại ở Trung Quốc, đại đa số công nhân xây dựng và lao công là những người từ quê nhập cư thành thị đều trong tình trạng thường xuyên thiếu việc làm, hầu như không thể làm việc 8 tháng một năm, thực trạng đó không phải do họ lười biếng mà do tính chất công việc của họ. Giữa công nhân xây dựng và chủ thầu hầu như không có hợp đồng lao động, không có mối quan hệ làm ăn lâu dài, công nhân chỉ được tuyển dụng thời vụ trong những dự án mới.

Thứ ba, nợ lương hàng năm. Thu nhập của người lao động nhập cư làm thời vụ theo dự án rất thất thường. Khác với người lao động thành thị làm công ăn lương tháng, hầu hết lao động nhập cư làm thời vụ nhận lương theo từng dự án hoặc theo năm, mỗi năm họ có được bao nhiêu phụ thuộc vào đến cuối năm họ gặp chủ đầu tư thương thảo mới có được. Nhưng những năm gần đây, nhiều công ty bất động sản ở Trung Quốc phá sản khiến hàng triệu người lao động nhập cư làm như không công, lâm cảnh điêu đứng.

Thứ tư, thiếu an sinh xã hội trầm trọng. An sinh xã hội của lao động nhập cư và lao động thành thị làm công ăn lương rất khác nhau. Về mặt lý thuyết, lao động nhập cư có thể tham gia cơ sở y tế hợp tác ở nông thôn, nhưng trên thực tế do phần lớn thời gian họ làm việc ở các tỉnh và thành phố khác nên khi ốm đau rất khó được hưởng chế độ chi trả của cơ sở y tế hợp tác ở nông thôn.

Sự khác biệt lớn hơn là về lương hưu. Những người lao động thành thị làm công ăn lương còn chút hy vọng về lương hưu, nhưng những người lao động nhập cư thậm chí không có hy vọng này. Điều mà họ có thể hy vọng là nuôi con cái để về già nương tựa, con cái tốt và có điều kiện thì ổn, nhưng nhiều trường hợp con cái không đủ điều kiện thậm chí còn hành lại cha mẹ. Vì vậy, với cùng một mức thu nhập và số tiền tiết kiệm, lao động di cư có kỳ vọng về tương lai thấp hơn nhiều so với người lao động thành thị làm công ăn lương.

Thứ năm, không có phát triển nghề nghiệp. Hầu hết lao động nhập cư, lao động thời vụ và lao công ở Trung Quốc không có cơ hội phát triển nghề nghiệp.

Thứ sáu, gánh nặng chồng chất để lại. Đối với thanh niên nông thôn ở Trung Quốc, không nên nhìn vào khả năng lao động và thu nhập của cá nhân anh ta mà nên đặt anh ta vào một gia đình và vào môi trường nông thôn. Đằng sau anh ta chắc còn nhiều người thân già yếu bệnh tật, nợ nần  từ đời cha ông để lại, áp lực kết hôn và xây dựng nhà cửa…

Cũng có thể nói, do bị hạn chế bởi nền tảng giáo dục và môi trường phát triển, những người lao động nhập cư Trung Quốc này khó có cơ hội tăng thu nhập và thay đổi vị thế xã hội, vì vậy tương lai đối với họ hoàn toàn là khoảng trống mênh mông.