Nằm ở góc tây nam Trung Quốc, thị trấn Ruili hẻo lánh được cho là có chính sách chống đại dịch COVID-19 khắc nghiệt nhất từng thấy.

Ruili đã phong toả 280.000 cư dân của mình bốn lần trong năm qua. Với tổng thời gian phong toả hơn 200 ngày, thành phố đã gần như tê liệt.

Phần lớn cuộc sống bình thường hàng ngày đã bị ngưng trệ khi các quan chức thành phố vật lộn để ngăn chặn mỗi ca lây nhiễm, một chủ trương được Trung Quốc kiên quyết áp dụng ngay cả khi phần lớn thế giới đã chuyển sang các biện pháp sống chung với COVID.

Một người cha ở Ruili đã đăng clip ngắn về con trai nhỏ gần 2 tuổi của mình lên mạng với những biểu cảm khi phải xét nghiệm COVID-19, và đoạn video này đã trở thành tin nóng của truyền thông trong nước .

Cậu bé sinh ra vào tháng khởi đầu của đại dịch (tháng 1/2020), và từ 3 tháng tuổi, bé đã bị xét nghiệm virus nhiều lần. Tính đến tháng 10, bé đã xét nghiệm 74 lần – ba ngày một lần trong những tháng gần đây – ngay cả khi phần lớn thời gian cậu bé chỉ ở nhà và tiếp xúc rất ít với thế giới bên ngoài.

Quá trình này thường xuyên đến nỗi cậu bé không còn khóc khi nhìn thấy bóng dáng nhân viên y tế, mà sẵn sàng há mồm, dù việc ngoáy họng rõ ràng làm cậu buồn nôn.

Ruili chỉ là một điển hình ở Trung Quốc.

Trong lễ Haloween, khoảng 34.000 du khách đã bị chặn tại Disneyland Thượng Hải tới tận nửa đêm để xét nghiệm CoOVID-19 chỉ vì 1 ca dương tính mới phát hiện. Vũ Hán, Bắc Kinh và Thượng Hải đã hoãn các cuộc thi marathon khi biến chủng Delta xuất hiện. Zhuanghe, một quận ở đông bắc Trung Quốc, vào ngày 4/12 đã bật tất cả đèn tín hiệu giao thông màu đỏ để cấm người dân đi qua một khu vực được báo cáo có 1 ca nhiễm bệnh. Tại Nội Mông, một vụ phong toả đột ngột đã khiến gần 10.000 khách du dịch mắc kẹt tại một thành phố chỉ có 35.000 cư dân.

Tại Thành Đô, thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên, hồi đầu tháng 12 cảnh sát đã gửi tin nhắn văn bản tới 82.000 cư dân cảnh báo họ không được rời khỏi nhà. Những người này được hệ thống “trùng lặp thời gian – không gian” xác định là ở cùng một khu vực trong hơn 10 phút với một ca dương tính COVID-19, hoặc tổng cộng 30 giờ trong vòng hai tuần.

Mặc cho tất cả nỗ lực của nhà chức trách, virus vẫn ngoan tồn tại. Đợt bùng phát mới nhất từ 17/10 tới nay liên quan tới 1.000 ca nhiễm tại 20 tỉnh thành – số lượng lớn nhất được Trung Quốc báo cáo trong năm nay. Trong khi số lây nhiễm ở đất nước tới nay dường như thấp một cách kỳ lạ so với phần còn lại của thế giới, cư dân và các chuyên gia đã chất vấn về số liệu chính thức của Bắc Kinh, viện dẫn việc chế độ che giấu về đợt bùng phát đầu tiên và các đợt khác trên khắp đất nước, cũng như thực tế của việc giảm nhẹ các tin xấu để bảo vệ hình ảnh của họ.

Chung Nam Sơn, nhà dịch tễ học hàng đầu của Trung Quốc thừa nhận rằng chính sách Zero COVID đi kèm với chi phí cao, nhưng quả quyết rằng việc mở cửa sẽ trả giá đắt hơn.

Thành phố chết”

Có lẽ không nơi nào có cảm giác về trạng thái căng thẳng nhiều hơn ở Ruili.

Các rạp chiếu phim, phòng tập thể hình, cửa hàng trang sức, và tiệm cắt tóc lần lượt bị đóng cửa, trong khi dân địa phương bị cấm rời khỏi thành phố.

He Xiuli (bí danh) là một gia sư, đã phải sống bằng tiền tiết kiệm hơn nửa năm nay trong khi phải trả tiền vay mua nhà. Trường dạy thêm của cô sẽ có thể không hoạt động trở lại ngay cả sau khi đợt dịch bùng phát qua đi.

Vào tháng Ba, các quan chức địa phương đã ra lệnh cấm đối với các cửa hàng tạp hoá, chợ đầu mối, và thậm chí các quầy hàng trên phố. Cho đến hiện tại, họ vẫn không được phép mở lại. Do đó, chợ đen rau quả nở rộ. Nông dân dựng quầy hàng vào ban đêm để bán rau, và biến mất trước rạng đông khi các cán bộ quản lý đô thị địa phương bắt đầu đi làm và xua đuổi họ.

Khi He liều mạng đi ra ngoài vào ban ngày, phần lớn các cửa hàng cô thấy đều tối đen. Mỗi con  phố đều có những ngôi nhà bị quây kín bằng lưới để mọi người tránh xa. “Toàn thành phố đã chết. Bạn không gặp một ai cả,” cô nói.

Bạn trai của He sống ở làng khác. Không có việc làm và tại nhà cũng không có gì để làm, anh đã chơi trò chơi điện tử để giết thời gian.

Chị gái của He là một giáo viên trung học, dạy tại quận bên. Cô phải sống tại trường kể từ khi học sinh trở lại trường vào tháng Tám, mặc dù nhà cô chỉ cách đó hai mươi phút chạy xe và con cô chưa đầy hai tuổi. Chồng cô bị cách ly tại thành phố biên giới Ruili, nên đứa trẻ bị bỏ lại cho bà chăm sóc.

Khi chị của He nói chuyện với con qua video, đứa trẻ không để ý đến cô, thay vào đó nó theo bà và gọi bà là “mẹ”.

“Cứ vài ngày cô ấy lại bị suy sụp tinh thần và nói cô  ấy nên bỏ nghề và trở về nhà,” He nói về người chị.

Các cư dân cho biết chính phủ hầu như không làm gì để giảm nhẹ nỗi đau của họ. Với He, sự giúp đỡ từ nhà nước tới nay chỉ gồm một bao gạo 11 cân, hai thùng dầu ăn, một chục trứng, và hai gói mì. Bạn trai của He nhận được 1.000 nhân dân tệ, tương đương 157 đôla.

“Ngày ngày sống một mình trong nhà là một nỗi thống khổ,” Lin Quan, người quản lý một doanh nghiệp trang sức ở Ruili và có con gái học đại học, nói với The Epoch Times.

“Nếu tôi ở trong tù, ít nhất tôi biết ngày nào có thể được ra, đúng không? Và tôi không phải lo lắng về tài chính,” anh nói. “Còn khi bị phong tỏa, bạn phải lo đủ thứ – người già, con cái, thực phẩm, các khoản vay mua ô tô, mua nhà … bạn không kiếm được xu nào khi bị nhốt trong phòng.”

Mắc kẹt

Ngày 26/10, một người đàn ông họ Jin đã nhảy từ tầng bốn một khách sạn ở Ruili. Sau đó, các quan chức cho biết người đàn ông tự tử vì những rắc rối trong công việc, mặc dù trên phương tiện truyền thông xã hội Trung Quốc và ngoài đời, nhiều người tỏ ra không bị thuyết phục.

“Thật nực cười,” He nói. “Chúng tôi không có việc làm, làm sao có vấn đề liên quan đến công việc được”.

Ngày càng nhiều người có cảm giác rằng họ đã bị mắc kẹt, không biết khi nào những điều này mới đi đến hồi kết.

Cheng Hao (bí danh), chủ cửa hàng cắt tóc, hiện chỉ còn một phần ba lượng khách, tin rằng chính phủ cũng không có câu trả lời. “Chúng tôi giống như đang chờ chết,” anh nói với The Epoch Times.

Thành phố chỉ ghi nhận 48 ca nhiễm bệnh từ 1/10 tới 13/11 – một giọt nước trong đại dương so với bất cứ nơi đâu trên thế giới. Nhưng ở Trung Quốc, con số như vậy là không chấp nhận được.

Tình trạng khó khăn của thành phố khiến Dai Rongli, người từng là phó Thị trưởng tới năm 2018, tháng trước đã đưa ra kiến nghị trên blog cá nhân, được coi là một hành động can đảm vì các quan chức Trung Quốc thường cẩn thận không bao giờ làm trái đường lối của đảng.

Trong một bài viết ngay thẳng có nhan đề “Ruili Cần Mẹ Tổ quốc Chăm sóc,” Dai đã gây áp lực với nhà chức trách, đề nghị khởi động lại hoạt động sản xuất và thương mại và đưa các chuyên viên tư vấn về sức khoẻ tâm thần vào.

 Ông viết, “Mỗi đợt phong toả lại dẫn đến những tổn thất tinh thần và vật chất to lớn; mỗi trận chiến chống virus lại chất thêm một tầng bất bình.”

Bài viết của Dai đã lan truyền nhanh chóng và làm Ruili trở nên nổi tiếng. Thị trưởng thành phố hiện tại, Shang Labian, nhanh chóng gạt bỏ, coi đó quan điểm cá nhân của Dai, và nói với truyền thông nhà nước rằng “hiện tại Ruili không cần” sự hỗ trợ nào từ bên ngoài.

Tự lừa dối”

Còn chưa đầy 100 ngày nữa đến Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh, chế độ không cho thấy dấu hiệu nào sớm nới lỏng chính sách “không khoan nhượng” với COVID của mình.

Một chiến dịch toàn quốc tiêm vắc-xin cho trẻ em từ ba tuổi đang diễn ra. Một  lệnh hạn chế đi lại mới từ Bắc Kinh hôm 13/11 cấm cho bất cứ ai vào nếu quận của họ phát hiện dù chỉ một ca nhiễm bệnh trong thời gian hai tuần.

Thủ đô gần đây đã khởi tố 19 người được cho là “gây nguy hại cho việc ngăn chặn dịch bùng phát,” một tội hình sự tại Trung Quốc có thể bị phạt tới 7 năm tù.

Những bất ổn của việc bùng phát dịch đã gây ra hiện tượng mua bán hoảng loạn tại những đại đô thị lớn của Trung Quốc, gây nên cảnh tượng khách hàng chen lấn tranh giành các mặt hàng khan hiếm, mất hàng giờ chờ thanh toán và những xe hàng chất đầy thịt lợn.

“Đó là những dân thường đang phải chịu hậu quả của việc này,” Feng Chongyi, giáo sư về nghiên cứu Trung Quốc tại Đại học Công nghệ ở Sydney, nói. Các quan chức muốn loại các ca nhiễm bệnh “bằng mọi giá” vì quyền lợi của họ, ông nói với The Epoch Times.

“Bất cứ khu vực nào virus bùng phát, quan chức địa phương có nguy cơ mất việc,” ông cho biết thêm.

Ngay một số chuyên gia Trung Quốc gần đây cũng thừa nhận rằng cách tiếp cận của chính quyền với đại dịch dường như không thực tế.

Guan Yi, một nhà virus học tại Đại học Hồng Kông, gần đây đã nói với mạng truyền thông Trung Quốc ifeng rằng “Giống như virrus cúm mùa A, dù cho con người có muốn hay không, nó vẫn tràn lan trong chúng ta trong thời gian dài.”

Khi đất nước bước sang năm đại dịch thứ ba, một số cư dân dường như đã không chịu nổi với sự kiểm soát ngày càng thắt chặt của nhà nước độc đảng.

“Cái gọi là chính sách Zero COVID về cơ bản là tự lừa dối,” ông Lin từ thành phố Trịnh Châu trung tâm miền đông nói với The Epoch Times. “Trong đợt bùng phát tháng 8 ở Trịnh Châu, bí thư thành phố đã thề đưa các ca nhiễm virus về 0 vào cuối tháng… nhưng ngay cả sau khi họ tuyên phố thành phố không còn virus, các quy định vẫn thắt chặt như trước.”

Ngân Hà lược dịch (theo The Epoch Times)

Xem thêm: