Thảm họa lũ lụt tại tỉnh Hà Nam Trung Quốc khiến cả thế giới chú ý với số người tử vong liên tục gia tăng, đồng thời mạng internet và tín hiệu điện thoại tại khu vực này cũng bị gián đoạn. Điều này khiến người dân Trung Quốc quá phụ thuộc vào thanh toán di động cảm thấy sững sờ.

shutterstock 1189321624
Thanh toán qua di động ở Trung Quốc (Nguồn: Humphery/ Shutterstock)

Theo tờ “Nhật báo Hà Nam” đưa tin, đến 12:00 ngày 23/7, lũ lụt và thảm họa thứ cấp ở Trịnh Châu đã khiến 51 người gặp nạn. Theo thống kê ban đầu, thành phố Trịnh Châu đã di chuyển và bố trí nơi ở khẩn cấp cho 390.000 người, diện tích cây trồng bị thiệt hại lên đến 44.200 ha, thiệt hại kinh tế trực tiếp là 65,5 tỷ nhân dân tệ (gần 10,1 tỷ USD). Tối ngày 23/7, tờ “Tin tức Kinh tế Mỗi ngày” đưa tin, Hà Nam vẫn còn gần 1 triệu người mất tín hiệu điện thoại.

Một người trong ngành viễn thông tiết lộ, lần mưa lớn này tại Hà Nam đã xuất hiện rất nhiều tình huống khó khăn, là điều mà trước đây không thể nào dự liệu được, dẫn đến việc khôi phục thông tin ở một bộ phận khu vực tương đối chậm. “Nhà khai thác viễn thông đã xây dựng hệ thống thông tin khẩn cấp đa chiều, nhưng đối mặt với mưa lớn đột nhiên ập đến, và trên mặt đường toàn bộ đều là nước ngập, tình trạng cắt điện khó có thể được khôi phục nhanh chóng, việc đảm bảo thông tin ứng cứu khẩn cấp ở một số khu vực gặp khó khăn.”

Đường truyền cáp quang ở nhiều nơi thuộc tỉnh Hà Nam và các trạm cơ sở bị gián đoạn. Lũ lụt khiến cho phòng máy của các nhà khai thác bị nước tràn vào, thiết bị không thể hoạt động bình thường, điện thoại của một bộ phận người dùng bị mất mạng và mất liên lạc. Khi đường điện bị hư hại thời gian dài, không thể cung cấp điện và điện dự phòng cũng sử dụng hết, người dùng mạng China Telecom thậm chí không thể gọi vào số chăm sóc khách hàng, tổng đài 10000 của Viễn thông Hà Nam cũng bị mất điện. 

Một người dân Hà Nam cho biết, không có tín hiệu điện thoại, WeChat không thể dùng được, thanh toán di động cũng không dùng được, giống như quay trở về thời đại không có mạng internet. “Hai ngày rồi, ra khỏi nhà mà lại giống như cách biệt với thế giới, ngày nào cũng là trạng thái không có dịch vụ, đến lúc nào mới sửa được đây?”

Một bài viết trên mạng có tựa đề “Khi một thành phố mất mạng internet” cũng đã thu hút được sự thảo luận của đông đảo cư dân mạng, “Thành phố Trịnh Châu sau thảm họa lũ, một người đồng thời có nước, có điện, có mạng internet là vô cùng may mắn.”

Bài viết kể:

Một siêu thị đồ tươi ở bên sông Thất Lý, ông chủ buồn rầu ngồi ở cửa, một người đàn ông trung niên đi ra từ cửa hàng tối om, trên tay xách một túi hành tây và bí đao nhỏ, sau khi cân xong, tổng trị giá khoảng 20 tệ.

“Chỉ được trả tiền mặt.”
“Không thể trả bằng Alipay ư?”, khách hàng hỏi.
“Ông có thể mở được Alipay không?”

Người đàn ông trung niên không có tiền mặt. Tìm trong túi da màu đen một hồi lâu, ông chỉ có thể đưa cho ông chủ cửa hàng một gói thuốc lá Huyên Hách Môn (Xuan He Men) vỏ màu xanh da trời, giá thị trường khoảng 19 tệ. (Điều này khiến người ta không khỏi nghĩ đến nước Đức với nền kinh tế sụp đổ sau Thế chiến thứ Hai, người ta coi thuốc lá có thể cất giữ được lâu và dễ phân chia thành “tiền tệ”).

Công nghệ mạng internet cho thành phố trật tự đã thất bại. Thành phố Trịnh Châu chỉ trong một đêm mà dường như đã quay trở lại khoảng thời gian của năm 2000. Phần lớn công ty công nghệ internet đã đưa vào các thiết kế ngày càng phức tạp trên nền tảng truyền thông mạng, nhưng nếu không trải qua một lần, ai có thể biết được sẽ như thế nào khi những nền tảng đó không còn nữa?

Dùng từ khóa “sự lạc hậu của thanh toán di động nước ngoài” để tiến hành tìm kiếm trên mạng, sẽ có rất nhiều các cuộc thảo luận trên các kênh truyền thông của Trung Quốc Đại Lục và mạng xã hội. Đa số là chế giễu thanh toán di động của các nước khác trình độ không bằng Trung Quốc. Người Trung Quốc từng phổ biến cho rằng thị trường thanh toán di động của Trung Quốc xếp vị trí dẫn đầu toàn cầu. Ngay cả những gian hàng di động đơn giản bên đường, mã QR thanh toán Alipay là tiêu chuẩn bắt buộc có.

Ngày 8/7, tại cuộc họp chính sách thường kỳ của Quốc vụ viện Trung Quốc, Phó thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc Phạm Nhất Long cho biết, vài năm qua, ngành thanh toán phát triển tốc độ rất nhanh, giữ được tỷ lệ tăng trưởng trên 50% 

Số liệu cho thấy, năm 2020 hệ thống thanh toán xử lý 8195 nghìn tỷ nhân dân tệ trong các giao dịch thanh toán, ngân hàng xử lý 235,2 tỷ nhân dân tệ giao dịch thanh toán điện tử. Các tổ chức thanh toán xử lý 827,3 tỷ nhân dân tệ các giao dịch thanh toán qua mạng, số lượng thanh toán di động được xử lý dựa trên đầu người là 615. 

Chính phủ Trung Quốc nhiều năm qua đã ra sức thúc đẩy thanh toán di động và công nghệ internet, các dịch vụ liên quan bao trùm trên khắp lãnh thổ Trung Quốc và tạo ra trật tự mới, ngoài việc nắm toàn diện thông tin cá nhân của người dân và tình hình dòng tiền lưu động để tiện cho việc thực thi giám sát, đồng thời cũng cố gắng thúc đẩy những công nghệ này ra nước ngoài. Tuy nhiên, sau thảm họa lũ lụt lần này, trật tự mà họ đưa ra đã bị tan rã toàn diện. Điều này khiến người ta phải suy nghĩ sâu thêm, quá phụ thuộc vào thanh toán di động và công nghệ mạng internet, thực sự có tốt hay không?

Văn Long, Vision Times

Xem thêm: