Matthew Kutolowski từng là nghiên cứu sinh tiến sĩ của Đại học Columbia, New York, chuyên ngành tôn giáo và văn hóa Trung Quốc. 22 năm về trước, khi Kutolowski đang thực hiện nghiên cứu của mình tại Thanh Hoa, trường đại học danh giá nhất của Trung Quốc, anh đã tự mình trải nghiệm không khí khủng bố của cuộc đàn áp Pháp Luân Công mới bắt đầu, thậm chí chứng kiến quân đội tràn vào khuôn viên trường với những nòng súng. Với anh, đây là một “mùa hè đen tối” hay “mùa hè câm lặng” tại Trung Quốc. Dưới đây là hồi ức của Kutolowski về quãng thời gian đó.

*

Mùa hè câm lặng

Tôi sững sờ đứng nhìn một tờ thông báo màu trắng độc nhất ở ngang tầm mắt, được dán lên thân cây thường xanh nhỏ, và là dấu vết duy nhất cho thấy có hoạt động của con người trong công viên có phần nhếch nhác tại Bắc Kinh này.

Dù khả năng tiếng Trung của tôi còn kém và việc “giải mã” thông điệp này là một thách thức, nhưng không khí “quan liêu” của nó, cũng như cách nó hiện diện trên cây, đã báo hiệu một điều gì đó đáng ngại.

Buổi sáng hôm đó, điều từng khiến mảnh đất khô cằn với những rặng thông và bụi bẩn trở nên sống động đã biến mất. Điều ấy là những con người, là sự sống mà họ mang tới – những tiếng nói cười và tình bạn của họ.

Hai ba chục con người từng xuất hiện mỗi buổi sáng tại công viên đã vắng mặt một cách đáng lo ngại vào sáng nay. Không có một ai. Không nghe thấy ai cả. Mặc dù ký ức này là vào năm 1999, cách đây đã lâu, tôi vẫn còn nhớ như in sự im lặng đã bao trùm không gian ra sao. Tôi cũng không nghe thấy cả tiếng chim hót và tiếng đạp xe cót két gần đó như thường lệ nữa.

Mọi người đã đi đâu? Điều gì đã thay đổi công viên này một cách đột ngột và nhanh chóng như vậy?

Có thể nói đây là một sự im lặng bất thường. Trước đó vào mỗi buổi sáng, công viên sẽ trở thành một “nhà thể thao văn hóa”, nơi những người tập Pháp Luân Công cùng nhau thiền định và tập các động tác giống như Thái Cực quyền.

Hơn 70 triệu người tập mỗi ngày

Đó là vào tháng 7 năm 1999, và công viên này là một trong số những công viên nằm trong khuôn viên trường Đại học Thanh Hoa, nơi tôi đang sinh sống và học tập. Sinh viên, giảng viên và nhân viên cùng nhau tập Pháp Luân Công tại nhiều công viên như thế mỗi ngày, dù già hay trẻ, dù là giáo sư hay nhân viên bảo vệ. Việc họ tập hợp với nhau đã trở thành một sự kiện cộng đồng đáng chú ý nhất.

Từ lâu tôi đã biết rằng ở Trung Quốc có một làn sóng văn hóa, và làn sóng này giúp kết nối và tập hợp những con người vốn không có liên hệ với nhau. Các môn khí công cổ truyền, trong đó có Pháp Luân Công, đã thu hút quần chúng vào những năm 1980 và đầu những năm 1990 tại Trung Quốc. Có hàng triệu – hay hàng trăm triệu công dân theo một số ước tính – đã đến các công viên để có không khí trong lành và tập khí công.

Điều này đã hấp dẫn tôi, một sinh viên học về văn hóa và tôn giáo Trung Quốc.

đàn áp Pháp Luân Công
Người tập Pháp Luân Công tại một công viên ở Bắc Kinh vào năm 1998. (Ảnh: Faluninfo.net)

Có vẻ như mỗi người học khí công đều có thể kể các câu chuyện về việc chữa bệnh, tiếp xúc với những nguồn năng lượng vô hình, hoặc những điều kỳ diệu khác.

Nhiều người Mỹ có thể đã biết chút ít về chuyện này vào năm 1993, khi loạt phim tài liệu “Trị liệu và Tâm trí” của Bill Moyers có kể về một “khí công sư” và những người đi theo ông thông qua chuyến viếng thăm Tử Trúc Viện tại Bắc Kinh. Tuy nhiên có lẽ không mấy khán giả có thể thật sự cảm nhận được phạm vi, tầm cỡ hay sức hút của làn sóng này tại Trung Quốc.

Phần lớn hiểu biết của tôi về phong trào khí công tại Trung Quốc đến từ quá trình nghiên cứu những năm cuối đại học và quá trình thực tập, chủ yếu là qua khóa học nhân chủng học y khoa với một khí công sư người Hoa tại Philadelphia.

Nhưng rất ít người Mỹ nghe nói về Pháp Luân Công, mặc dù thực tế là vào năm 1999, môn khí công này trở thành môn tập lớn nhất và quan trọng nhất trong tất cả các môn khí công tại Trung Quốc. Môn tập này đã thu hút khoảng hơn 70 triệu người chỉ trong 7 năm và có thể bắt gặp người tập Pháp Luân Công ở hầu như bất kỳ công viên nào trên khắp Trung Quốc. Pháp Luân Công là một cái tên quen thuộc tại Trung Quốc giống như Pilates hay Yoga tại phương Tây.

Tuy nhiên cho đến tháng 1 năm 1999, khi tôi lên kế hoạch tới Trung Quốc, không có một thông tin nào về Pháp Luân Công trong tài liệu học thuật, và không có một câu chuyện nào về môn tập này trên báo chí phương Tây. Đây quả thật là một “điểm mù văn hóa”.

Sự hiện diện của Pháp Luân Công nhanh chóng trở nên rõ ràng hơn sau khi tôi đến Bắc Kinh và ổn định chỗ ở. Chỉ cần đạp xe đến các lớp học ngoại ngữ, tôi sẽ bắt gặp từ một đến ba nhóm tập Pháp Luân Công, với các tư thế và đội hình đặc trưng của họ.

Các nhà khoa học và trí thức tập Pháp Luân Công

Pháp Luân Công đã bén rễ vào khuôn viên Đại học Thanh Hoa, nơi tập trung giới tinh hoa khoa học của Trung Quốc, tương tự như điều đã xảy ra trên khắp Trung Quốc. Thực tế là tới mùa hè năm 1999, có hơn 300 cá nhân tại Thanh Hoa đã xem Pháp Luân Công là một phần cuộc sống của họ. Trong đó có một số nhà vật lý học, nhà hóa học và nghiên cứu sinh hàng đầu Trung Quốc.

Không khó để nhận ra rằng Pháp Luân Công không thể nhanh chóng bị coi như “mê tín dân gian” hay trò bịp bợm – như một số người phản đối khí công thời điểm đó đã khẳng định. Bản thân khí công đã là một vấn đề gây tranh cãi vì chắc chắn không thể phản bác được rằng khí công là truyền thống cổ xưa, tuy nhiên phong trào này lại đột nhiên nảy nở bên trong một Trung Quốc đương đại đang bị ám ảnh bởi hiện đại hóa và không thoải mái với những điều đến từ quá khứ.

Phong trào khí công nằm ở đâu đó trong khoảng không giữa quá khứ và hiện tại, giữa thần bí và lý trí. Nó là điều khiến người ta ngạc nhiên tò mò. Việc một người lựa chọn đứng về phía nào trong cuộc tranh luận khí công là phụ thuộc vào cách họ nhìn nhận tương lai của Trung Quốc.

Mặc dù phần lớn di sản văn hóa Trung Hoa đã bị phá hủy dưới thời Mao Trạch Đông cùng các cuộc vận động “cách mạng” của ông ta, rất nhiều tàn tích vẫn tồn tại – ngay cả khi chúng đã bị đập phá tơi tả. Và nhiều điều, cũng như khí công, đang xuất hiện trở lại.

Pháp Luân Công hấp dẫn tôi ở chỗ môn này thấm đẫm di sản văn hóa Trung Hoa, và bao hàm di sản đó, không có vẻ gì đó “không yên tâm” giống như những môn khí công khác. Và mặc dù có tính truyền thống như vậy, rất nhiều người cho rằng Pháp Luân Công vẫn “khoa học” và hài hòa với quan niệm hiện đại. Do đó môn tập này rất phổ biến, kể cả tại Đại học Thanh Hoa, ngôi trường được xem là “MIT của Trung Quốc”.

Ánh mặt trời trước bóng tối

Thời điểm tôi đến Thanh Hoa là tốt nhất và cũng là tồi tệ nhất.

Về mặt tích cực, đó là một thời kỳ tương đối thoải mái và cởi mở. Tôi có thể dễ dàng làm quen với những người tập Pháp Luân Công địa phương, và tôi đã nhanh chóng tham gia cùng họ ở công viên. Vào buổi tối, họ mời tôi cùng họ đọc và thảo luận về những bài giảng của môn tập. Đó là cách tôi làm quen với một cựu sinh viên của trường đại học, Zhao Ming. Chúng tôi thường tới căn hộ nhỏ, trơ trọi của anh ấy ngay bên ngoài cổng trường phía bắc.

Mọi người có thể chia sẻ thân mật về trải nghiệm với Pháp Luân Công của họ trong những ngày đó. Sau khi thiền định xong, chúng tôi luôn dành thời gian chia sẻ cùng nhau trong công viên, về việc làm sao để vượt qua những khó khăn của bản thân mỗi người.

Có hai người tôi quen biết khá thân thiết – một nghiên cứu sinh tên là Huang Kui và một giảng viên tên là Jun. Họ rất hào phóng và chân thành, từ nụ cười cho đến cách họ giúp đỡ tôi, một người nước ngoài vụng về gặp khó khăn ở một thành phố mới.

Tôi không chỉ cảm thấy tác dụng về mặt thể chất của Pháp Luân Công một cách quá hiển nhiên, mà còn trân trọng thế giới quan của môn tập này – dù điều đó lúc đầu khá xa lạ với một người nước ngoài như tôi. Thỉnh thoảng, tôi thậm chí có thể trải nghiệm việc ở trong thế giới quan ấy.

“Cái gì thật sự là của bạn thì bạn sẽ không mất nó”

Chẳng hạn có một lần tôi khóa xe đạp – một việc cần làm ở một thành phố đầy rẫy nạn trộm cắp – tại công viên trước khi tập luyện. Một người tập Pháp Luân Công nhìn thấy và anh đã cười một chút rồi chia sẻ với tôi rằng tôi không cần phải làm vậy ở đây.

Tôi cười và đảm bảo với anh ấy rằng tôi không lo lắng về việc anh hay bất kỳ người nào trong số những người tập Pháp Luân Công khác sẽ lấy trộm nó. Tôi chỉ là không muốn bị những người khác lấy trộm mà thôi. Câu trả lời của tôi đã gặp phải những nụ cười ấm áp từ cả anh ấy và một vài người khác, những người bắt đầu quan tâm tới cuộc nói chuyện giữa hai chúng tôi.

“Không, ý tôi là anh không cần phải lo lắng về việc có ai lấy trộm nó”, anh nói. “Nếu nó thật sự là của anh, anh sẽ không mất nó; nếu nó không phải là của anh, anh sẽ không thể giữ nó, tuy nhiên nếu muốn anh có thể cứ cố thử giữ lấy nó.”

Tôi không thể hiểu được logic này nhưng tôi biết rằng có một phép ẩn dụ siêu hình ở đây và có lẽ nó bắt nguồn từ các bài giảng của Pháp Luân Công – những bài giảng mà tôi rõ ràng là chưa nắm vững.

Tuy nhiên một tuần sau, lời khuyên của anh ấy trở nên đáng tin hơn, khi một người bạn cùng lớp tôi bị mất xe đạp dù đã khóa rất kỹ. Trong khi đó, chiếc xe đạp của tôi vẫn còn nguyên vẹn ở ngay bên cạnh – mặc dù tôi đã quên khóa xe.

Trong khoảnh khắc đó, dường như tôi cảm thấy được một trật tự vũ trụ vô hình nào đấy đang hoạt động. Tôi cảm thấy nhỏ bé, cảm thấy có lẽ mình đã hiểu biết quá ít về nhân sinh, nhân quả và số phận. Phải chăng những người bạn Pháp Luân Công của tôi đang muốn nói điều gì? Có phải là họ cũng đã tiếp cận với một cảnh giới tồn tại cao hơn như vậy?

Càng tiếp xúc với họ, tôi càng hiểu thêm lý do vì sao Pháp Luân Công lại phổ biến như vậy. Hoặc là môn tập này bằng một cách nào đó đã thu hút được những con người như vậy, hoặc là môn tập này đã bằng một cách nào đó tạo nên những con người như thế.

Thời gian trôi qua và tôi kết luận rằng vế sau của câu nói trên mới là đúng.

00 3 image
Người tập Pháp Luân Công tại một thành phố Trung Quốc trước tháng 7/1999. (Ảnh: Minghui.org)

Sự câm lặng đột ngột

Tôi không hề nhận ra rằng tôi đã may mắn tới mức nào, cả trên phương diện cá nhân hay với tư cách là một sinh viên lịch sử văn hóa, khi được cùng chia sẻ với họ. Sau này tôi mới biết rằng mình là người phương Tây duy nhất ở Trung Quốc tiếp xúc với Pháp Luân Công tại thời điểm đó, dù là ở vai trò người tập hay là người quan sát.

Mặt khác, tôi cũng nhận thức được thời điểm ấy là tệ đến mức nào.

Tôi đã đến Bắc Kinh ngay trước thời điểm bắt đầu một cuộc đàn áp được cho là có hệ thống nhất trong suốt 50 năm cầm quyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Đó là điều mà tờ yết thị trong công viên đã báo hiệu vào buổi sáng mùa hè oi bức hôm đó.

Tôi đã trở thành chứng nhân khi một chiến dịch đàn áp kiểu Mao do nhà nước lên kế hoạch bắt đầu, một chiến dịch chưa từng thấy kể từ sau thảm sát Thiên An Môn tại Trung Quốc.

“Pháp Luân Công đã bị Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa cấm”, tờ yết thị viết một cách chính thức.

“Theo đó, việc tụ tập hay lan truyền các bài giảng của Pháp Luân Công là phi pháp, việc phổ biến bất kỳ tài liệu nào tương tự cũng như vậy.” Tôi tiếp tục đọc, nhưng những câu từ tiếp theo không thể đọng lại trong não tôi được nữa.

Đó là ngày 22 tháng 7 năm 1999, và Pháp Luân Công chính thức bị xem là bất hợp pháp.

Tôi đã sốc khi cố gắng hiểu rằng cách sống, nếu không muốn gọi là bản sắc, của bạn bè và người quen của tôi tại đây đã bị đặt ra ngoài vòng pháp luật chỉ sau một đêm. Theo nghĩa đen, chỉ sau một đêm.

Tôi tìm kiếm những người bạn thân thiết nhất của mình tại Đại học Thanh Hoa trong vô vọng. Huang Kui và Jun đã biến mất. Zhao Ming hay những người khác cũng vậy.

Tôi không thể tìm thấy họ. Tôi cũng không thể biết được bất cứ điều gì về sự kiện đang diễn ra.

Truyền thông nhà nước và chuyện đốt sách

Hiển nhiên, tin tức về việc cấm Pháp Luân Công là vô cùng nhiều. Nhưng những tin tức đó chẳng có gì hơn những lời công kích không mấy giấu diếm, và giống nhau một cách kỳ lạ trên các phương tiện truyền thông do nhà nước kiểm soát. Tất cả đều giả vờ khách quan nhưng đều thuận theo lệnh để làm mất uy tín của Pháp Luân Công. Họ miêu tả những người theo tập như những kẻ mất lý trí, kỳ dị và nguy hiểm. Điều này là để mở đường cho những chính sách bạo lực tiếp sau.

Hết tháng đầu tiên của cuộc đàn áp, chỉ riêng tờ Nhân dân Nhật báo đã đăng 347 bài viết chỉ trích Pháp Luân Công. Về phần mình, các phương tiện truyền thông đạt đến trạng thái “bão hòa” bởi những tin tức khô khan lặp đi lặp lại với cùng một giọng điệu. Ở ngoài đường, người dân bàn tán xôn xao về lệnh cấm.

Tuy nhiên có một tiếng nói không hề hiện diện, đó là tiếng nói của chính những người tập Pháp Luân Công.

Tất nhiên nó phải là như thế, bởi Đảng – nhà nước đã muốn thế. Bịt miệng là bước đầu tiên để đàn áp. Và chỉ khi Pháp Luân Công không có tiếng nói thì Đảng Cộng sản Trung Quốc mới có thể “định nghĩa lại” môn tập này.

Việc đốt sách công cộng được dàn dựng cẩn thận đã sớm diễn ra sau đó.

Vì Pháp Luân Công được lòng người

Thanh Hoa đã bị giáng một đòn nặng nề vì trường đại học này trở thành một ví dụ đi ngược lại với đường lối của Đảng: tại đây, nơi tập trung những nhà trí thức và khoa học lỗi lạc của Trung Quốc, lại có người tập thứ bị dán nhãn “phản động” như Pháp Luân Công. Đảng đã rất nghiêm túc đối với thách thức này, quân đội tiến vào khuôn viên trường và giương cao nòng súng máy.

Tuy nhiên, đây không phải là một cuộc tắm máu như Thiên An Môn. Pháp Luân Công là một mối đe dọa đạo đức hơn là một mối đe dọa chính trị. Môn tập đại diện cho một mối đe dọa, một điều gì đó tiềm tàng mà Đảng Cộng sản Trung Quốc không thể chấp nhận cho phép tồn tại: Đảng không thể cho phép người dân tự tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống mà không phải do Đảng mang tới hay không phải do nền kinh tế vật chất khô khan của Đảng tạo nên. Pháp Luân Công đại diện cho một lựa chọn mới, hay dễ hiểu hơn, một “nền kinh tế tinh thần mới”. Và như vậy, môn tập không hoàn toàn phù hợp với tầm nhìn hiện đại do Đảng lãnh đạo mà một số quan chức muốn, hoặc cần.

Con đường siêu hình dẫn đến sức khỏe và hạnh phúc của nhóm người thiền định này đã vô tình làm được điều mà những thứ như “học tập chính trị”“giáo dục lòng yêu nước” của Đảng không thể làm được. Pháp Luân Công đã có được điều mà đảng muốn nhưng không có được: trái tim của người dân.

Vậy nên, lệnh cấm Pháp Luân Công đã được thực thi với cường độ đáng kinh ngạc.

Theo dõi, bắt giữ, hành quyết

Một số người tập Pháp Luân Công đã nhanh chóng bị bắt và bị đưa khỏi nơi cư trú, đặc biệt là những người “có tầm ảnh hưởng” trong mắt công chúng. Một số bị đẩy ra bên lề xã hội, như trường hợp của hàng chục học sinh Thanh Hoa bị đuổi khỏi trường. Những người khác phải sống ẩn nấp để tránh bị bắt.

Bản thân tôi cũng trở thành đối tượng bị theo dõi. Thường xuyên có cảnh sát ngầm theo dõi tôi, hoặc thậm chí quay phim tôi. Một người đã tiết lộ rằng điện thoại của tôi đã bị nghe trộm và các email của tôi đang được đọc. Một nguồn đáng tin cho tôi biết rằng các vụ hành quyết đã bắt đầu.

Kỳ nghỉ dự kiến kéo dài một năm đã kết thúc sau hai tháng. Tôi miễn cưỡng từ bỏ học bổng mà tôi đã giành được và trở về nhà. Vì Bắc Kinh đã không còn an toàn để ở lại.

Trước khi rời đi, tôi không thể tìm thấy những người bạn Pháp Luân Công thân thiết nhất của mình vào mùa hè năm đó. Chỉ hai năm sau, tôi mới biết được tình hình của họ. Kui và Jun đã bị bắt, bị lãnh án 5 và 7 năm tù. Jun đã phạm “tội” in một tờ rơi thông tin về Pháp Luân Công từ Internet. Kui đã cố gắng cùng thành lập một tờ báo độc lập. Tờ báo đó thực tế là The Epoch Times phiên bản tiếng Trung.

Sau này tôi được biết cả hai người đều bị tra tấn trong quá trình giam giữ. Một người cho đến hôm nay vẫn bặt vô âm tín. Người còn lại đã trốn thoát khỏi Trung Quốc và đang cố gắng thiết lập cuộc sống mới trên đất Mỹ.

Trong khi đó, Zhao Ming bị đưa đến một trại lao động ở ngoại ô Bắc Kinh, nơi anh bị hành hạ dã man bằng dùi cui điện trong nhiều tháng.

Những câu hỏi về tương lai

Mặc dù đến Bắc Kinh vào mùa hè năm 1999 với mục đích chủ yếu là học ngôn ngữ và tìm hiểu lịch sử-xã hội của văn hóa Trung Hoa, tôi đã rời đi với một cái nhìn rất khác và phức tạp về Trung Quốc ngày nay.

Những trải nghiệm của tôi với Pháp Luân Công, và cuộc đàn áp đặc biệt đối với môn tập này, đã khiến tôi suy nghĩ lại nhiều về Trung Quốc và tình trạng của miền đất này.

Điều gì tạo nên một thực thể cầm quyền có thể sử dụng quyền lực một cách tùy tiện như thế? Nó thậm chí đã cố gắng tạo ra cả luật lệ dành cho đời sống nội tâm, riêng tư và tín ngưỡng của công dân? Và một quốc gia sẽ đứng trên phương diện nào để bước vào tương lai nếu họ quá bất an hoặc phân vân về quá khứ truyền thống của mình?

Tôi cũng tin rằng, dù ít rõ ràng hơn, chúng ta sẽ tiếp tục nhìn thấy hậu quả trực tiếp của tất cả những điều này. Trước khi rời Trung Quốc, tôi thường tự hỏi mình rằng đất nước này sẽ ra sao khi các nhà lãnh đạo của nó bắt giữ và tra tấn những công dân theo đuổi các giá trị như trung thực và nhân ái? Điều gì sẽ xảy ra khi bạn hình sự hóa việc trở thành một người tốt?

Việc hàng hóa bị nhiễm độc (chẳng hạn như melamine trong sữa bột trẻ em) xuất phát từ Trung Quốc là một câu trả lời đáng buồn cho những câu hỏi ấy. Tôi không chắc các nhà cầm quyền Trung Quốc có hiểu mối liên hệ ấy không. Họ có lẽ đã đang quá bận rộn trong việc bịt miệng những lời chỉ trích.

Mặc dù tôi đã không trở lại Thanh Hoa một thời gian, nhưng tôi được biết công viên vẫn không thay đổi. Và sự câm lặng cũng vậy.

Theo “Silent Summer”, Faluninfo.net
Tác giả: Matthew Kutolowski

Thanh Nhã biên dịch

Xem thêm:

Mời xem video: