Năm nay có 11,58 triệu sinh viên tốt nghiệp đại học ở Trung Quốc đang tuyệt vọng tìm kiếm việc làm, đạt mức cao kỷ lục mới.

shutterstock 2146108599
Năm nay Trung Quốc có khoảng 11,58 triệu sinh viên tốt nghiệp đại học đang tuyệt vọng tìm kiếm việc làm, đạt mức cao kỷ lục mới. Hình ảnh ngày 16/2/2022, người tìm việc tham gia ngày hội việc làm tại Loan Nam, thành phố Đường Sơn, tỉnh Hà Bắc. (Ảnh: chinahbzyg / Shutterstock)

Dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) kéo dài 3 năm ở Trung Quốc đã gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế. Một số kênh truyền thông nước ngoài phát hiện ra rằng gần đây có hàng dài người xếp hàng vài trăm mét quanh các ngôi chùa ở Trung Quốc. Nhiều người trong số họ là những người trẻ tuổi đang cầu xin Thần Phật giúp họ tìm được việc làm.

Vương Tiểu Ninh, 22 tuổi, cho biết: “Tôi hy vọng tìm được chút bình yên từ ngôi chùa.” Cô cho biết mình bị ngợp vì không tìm được việc làm và chi phí nhà ở đắt đỏ. Vương Tiểu Ninh là một người trong con số kỷ lục 11,58 triệu sinh viên tốt nghiệp đại học ở Trung Quốc trong năm nay.

Năm ngoái, chính sách phòng chống và kiểm soát dịch bệnh zero-COVID nghiêm ngặt đã ảnh hưởng liên tiếp đến thị trường việc làm, và tác động đến ngành công nghệ và giáo dục, vốn tuyển dụng nhiều nhân sự nhất.

Theo số liệu từ Trip.com, một trang web du lịch lớn, từ đầu năm nay, số lượng vé tham quan các danh lam thắng cảnh liên quan đến đền chùa đã tăng 310% mỗi năm. Thế hệ 9X và 10X đã trở thành nhóm khách du lịch đông đảo, chiếm gần một nửa số người đặt vé.

Tờ “Tuần báo mới” của Trung Quốc Đại Lục cũng đưa tin, từ góc độ tìm kiếm từ khóa phổ biến, gần đây, các ngôi chùa và danh lam thắng cảnh nhận được nhiều sự chú ý là Chùa Linh Ẩn tại Hàng Châu, Khu thắng cảnh núi Phổ Đà, Chùa Hàn Sơn, Chùa Lạt Ma (Lama), Chùa Phật Quang, Bạch Mã Chùa, chùa Bạch Mã, chùa Thiếu Lâm, cung điện Potala …

Trên thực tế, từ đầu năm ngoái, việc đi chùa lễ Phật đã trở nên phổ biến trong giới trẻ. Tháng 10/2022, tài khoản công cộng WeChat “ONE Văn học và Nghệ thuật Đời sống” đã đăng bài có tiêu đề “Những người trẻ tuổi không lên được bờ (không tìm được việc làm) đang nghiện nhang”.

Bài viết chỉ ra rằng trong kỳ nghỉ lễ dài “quốc khánh” 1/10/2022, chùa Giới Đài ở Bắc Kinh rất đông thanh niên, và có rất nhiều bài viết liên quan đến các ngôi chùa trên nền tảng mạng xã hội Xiaohongshu (Tiểu Hồng Thư) của Trung Quốc.

“Lên bờ” nghĩa là được nhận vào viện nghiên cứu hoặc thi đỗ công chức, hoặc đạt mục tiêu thành công.

Về việc giới trẻ hiện nay nhiệt tình đi chùa dâng hương lễ Phật, một nữ sinh viên đại học 19 tuổi họ Trần thở dài: “Ngưỡng tuyển dụng không ngừng tăng cao, áp lực khiến người ta không thể chịu nổi”, nên chỉ biết đến chùa dâng hương và cầu nguyện cho tương lai tìm việc thuận lợi hơn.

Theo số liệu của chính phủ, 1/5 thanh niên Trung Quốc từ 16 – 24 tuổi thất nghiệp, tình trạng xưa nay hiếm có. Khi Đại Lục phải đối mặt với tỷ lệ thanh niên thất nghiệp cao nhất trong nhiều thập kỷ, truyền thông nhà nước đã đổ lỗi cho những sinh viên tốt nghiệp có nguyện vọng quá cao, chỉ trích họ không muốn làm những công việc lao động chân tay.

Nói cách khác, xu hướng hiện tại của dư luận trong xã hội này và định hướng của truyền thông đảng đang khuyến khích giới trẻ, sinh viên đại học, và những sinh viên đạt thành tích cao đến nhà máy bắt ốc vít, thậm chí làm người quét dọn trong nhà máy.

shutterstock 1881580471
Ngày 24/12/2020, người dân thành phố Hoài An, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc xếp hàng nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp. (Ảnh: He jinghua / Shutterstock)

Gần đây, trên cộng đồng mạng, giới trẻ Trung Quốc lại rộ lên phong trào “Nhân vật văn học Khổng Ất Kỷ”. Họ bắt chước những câu danh ngôn của Khổng Ất Kỷ do Lỗ Tấn viết, để cười nhạo bản thân vì nhiều năm khổ học nhưng lại không thể tìm được một công việc tốt. Một cách nhằm bày tỏ sự bất mãn với thực trạng xã hội.

Mới đây, tại một hội chợ việc làm do Đại học Kinh tế Luật Hà Nam Trung Quốc tổ chức đã đăng tuyển các vị trí bồi bàn, đầu bếp, lễ tân, rửa bát đĩa với mức lương thấp nhất chỉ 2.000 nhân dân tệ (khoảng 287 USD).

Điều này khiến người ta vô cùng bất ngờ: Chẳng lẽ sinh viên của trường Đại học Kinh tế Luật, được mệnh danh là “trường Đại học Kinh tế Luật tốt nhất Hà Nam” lại bị phá giá đến mức như vậy? Nhân viên văn phòng có bằng thạc sĩ, nhân viên thu ngân có bằng cử nhân, nhân viên bảo vệ có bằng cao đẳng ngày càng nhiều…

Trong một bài xã luận vào tháng Ba, Nhật báo Bắc Kinh, kênh truyền thông chính thức của chính quyền Bắc Kinh, cho biết lo lắng về việc làm và học thuật là “có thể hiểu được”, nhưng “những người trẻ tuổi đang chịu áp lực đã thực sự đặt hy vọng vào Thần Phật, rõ ràng là đang lạc lối.”

Tuy nhiên, những nhận xét này đã gây ra tranh cãi không nhỏ. Một số cư dân mạng chỉ trích các quan chức vơ đũa cả nắm. Một số người tin rằng những người trẻ tuổi thích đến chùa dâng hương “vì ngày càng có ít những thứ có thể thay đổi được nhờ sự nỗ lực, những thay đổi mà giáo dục có thể mang lại cũng ngày càng ít đi.”

Theo dữ liệu kinh tế của Trung Quốc trong quý đầu tiên của năm nay do Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố, tỷ lệ thất nghiệp chung của Trung Quốc dao động quanh mức 5%. Với con số kỷ lục 11,58 triệu sinh viên tốt nghiệp đại học tham gia thị trường việc làm trong năm nay, tỷ lệ thất nghiệp của Trung Quốc dự kiến ​​sẽ đạt mức cao kỷ lục mới.

Theo một cuộc khảo sát với 100 nhà tuyển dụng Trung Quốc của trang web tuyển dụng “51job” vào tháng 11/2022, hơn một nửa số người được hỏi có kế hoạch giảm tuyển dụng vào năm 2023. Điều này chắc chắn sẽ đóng lại cánh cửa hẹp cho những sinh viên tốt nghiệp không tìm được việc làm.

Bộ Nhân sự và An sinh xã hội Trung Quốc không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận. Lần đầu tiên trong năm nay, số lượng sinh viên tốt nghiệp thạc sĩ và tiến sĩ ở Bắc Kinh nhiều hơn sinh viên tốt nghiệp đại học, cơ quan giáo dục cho biết.

Bình Minh (t/h)