Mực nước tại trạm Tinh Tử, trạm đại diện của hồ Bà Dương – hồ nước ngọt lớn nhất Trung Quốc, đã tụt xuống 7,99 m, được biết đến là kỷ lục mới (dưới 8 m) trong kỳ khô hạn đến sớm nhất so với các cùng kỳ từ kỷ lục vào năm 1951.

Hồ Poyang 2
Hồ Bà Dương. (Ảnh chụp màn hình video)

Trung Quốc đã hứng chịu nhiệt độ cao và hạn hán kéo dài liên tục trong mùa hè này, khiến mực nước của hồ Bà Dương bị giảm nhanh chóng.

Ngày 6/9 vừa qua, mực nước hồ Bà Dương đã lập kỷ lục mới khi xuống mức dưới 8 m. Các kỷ lục khô hạn mới trước đó là ngày 6/8 (dưới 12 m) và ngày 19/8 (dưới 10 m). So với thời điểm mực nước xuống thấp nhất vào ngày 30/11/2019, mực nước cạn kỷ lục năm nay (vào ngày 6/9) đến sớm hơn 85 ngày. Hơn nữa, chỉ mất 31 ngày để mực nước rút từ 12 m cạn xuống còn 8 m, đây là điều hiếm thấy.

Trung tâm Theo dõi Tài nguyên Thủy văn hồ Bà Dương đã đưa ra cảnh báo hạn hán màu xanh lam vào lúc 10:17 sáng ngày 6/9. Theo cảnh báo, kể từ tháng Bảy, tỉnh Giang Tây tiếp tục xảy ra tình trạng nhiệt độ cao và ít mưa, lượng mưa ít hơn 60% so với cùng kỳ năm trước. Dưới ảnh hưởng đó, mực nước của dòng chính – sông Dương Tử, và mực nước của hồ Bà Dương tiếp tục giảm. Hôm 7/9, mực nước của trạm Tinh Tử giảm xuống 7,99 m, cho thấy kỳ khô hạn nghiêm trọng, đạt mức cảnh báo màu xanh lam về nước cạn. Dự kiến mực nước sẽ còn xuống thấp hơn trong thời gian tới.

Trung tâm quan trắc thủy văn tỉnh Giang Tây Trung Quốc cho biết, trong tuần tới tỉnh này vẫn phải hứng chịu tình trạng nhiệt độ cao và ít mưa, nên mực nước hồ Bà Dương sẽ tiếp tục giảm.

Ngày 2/9, Nhật báo Nông Dân của nhà nước Trung Quốc đưa tin, kể từ tháng Bảy lượng mưa tại tỉnh Giang Tây đã thấp đi thấy rõ, nhiệt độ cao kéo dài khiến hạn hán xảy ra khắp tỉnh.

Mực nước hồ Bà Dương rút từ 12 m xuống 8 m chỉ trong 31 ngày được cho là điều hiếm thấy trong lịch sử. Mực nước rút trung bình hàng ngày của hồ Bà Dương là 0,13 m, và mực nước rút tối đa hàng ngày là 0,33 m. Theo đó, năm 2022 là năm mực nước rút nhanh nhất được biết đến.

Trước đó vào ngày 6/8, mực nước của trạm Tinh Tử rút xuống còn 11,99 m, được xem là mực nước thấp kỷ lục trong các cùng kỳ trước đây. Điều này khiến năm 2022 được xem là năm sớm nhất hồ Bà Dương bước vào kỳ khô hạn (mực nước dưới 12 m) kể từ kỷ lục năm 1951. Tuy nhiên, ngày 19/8 mực nước của trạm Tinh Tử lại lập mức thấp kỷ lục mới khi xuống 9,99 m, khiến hồ Bà Dương bước vào kỳ cạn nước thấp nhất (dưới 10 m).

Phát hiện xác cá heo mắc cạn

Trước tình trạng mực nước hồ Bà Dương xuống thấp kỷ lục, mới đây người dân địa phương lại phát hiện thêm xác cá heo không vây dưới đáy hồ khô cạn, nghi chết vì mắc cạn. Sau khi các bức ảnh được cộng đồng mạng chia sẻ đã làm dấy lên tranh luận về môi trường sống của sinh vật do hạn hán ở lưu vực sông Dương Tử.

Trả lời câu hỏi từ truyền thông, chính quyền tỉnh Giang Tây cho biết dù không thể xác định cái chết của cá heo không vây có liên quan đến hạn hán ở hồ Bà Dương, nhưng thừa nhận hạn hán có tác động tiêu cực đáng kể đến cá heo không vây. Kể từ đầu năm nay, các nhà chức trách đã vài lần phát hiện cá heo không vây chết ở hồ Bà Dương, cơ quan chức năng xác định một số con chết do nguyên nhân phi tự nhiên nhưng hầu hết là do mắc cạn.

Từ tháng Bảy năm nay, mực nước hồ Bà Dương liên tục giảm. Thêm vào đó, mùa khô bắt đầu trước thời gian vào đầu tháng Tám, đã khiến không gian sống và tài nguyên bị đe dọa nghiêm trọng, tác động tiêu cực đến môi trường sống của các sinh vật trong hồ.

p3210681a79007657
Đáy sông khô cằn của hồ Bà Dương lộ ra, phát hiện xác con cá heo không vây. (Nguồn: MXH)

Cầu đá thời nhà Minh bị chìm dưới nước từ lâu nay “lộ diện”

p3210691a189436738
Cây cầu đá thời nhà Minh chìm trong nước hồ Bà Dương từ lâu nay đã “lộ diện”. (Nguồn: MXH)

Tại hồ Bà Dương khúc qua huyện Đô Xương, hạn hán nghiêm trọng khiến diện tích vùng nước không ngừng rút xuống, làm cho cây cầu đá được xây từ thời nhà Minh vốn chìm dưới nước đã lâu nay “lộ diện”. Cây cầu là di tích văn hóa trọng điểm được bảo vệ ở tỉnh Giang Tây, từ xa xưa nó đã là con đường chính của người dân hai bên hồ. Cây cầu dài 2.930 mét, mặt cầu rộng khoảng 0,8m, có 1.100 lỗ nên được ví là “cầu ngàn mắt”.

Mặc dù trong nhiều năm, cây cầu được ngâm trong nước hồ Bà Dương, nhưng mỗi khi mực nước của hồ rút xuống từ 10,5 m là cầu sẽ “lộ diện”.

Hạn hán đã khiến mực nước của hồ không ngừng xuống thấp, làm diện tích hồ Bà Dương và các vùng nước xung quanh theo đó không ngừng bị thu hẹp từ 3.331 km2 xuống chỉ còn 600 km2, được xem là mức nhỏ nhất trong 10 năm qua.