Giới hoạch định kinh tế của Trung Nam Hải không thể đạt được mục tiêu “ổn định đầu tư nước ngoài” khi xu thế suy thoái kinh tế và môi trường kinh doanh của Trung Quốc trở nên không ngừng tồi tệ hơn. Trong bài phát biểu gần đây, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng đã mời gọi đầu tư nước ngoài, nhưng tình hình thực tế là đáng lo ngại.

p3006471a90062544 ss
Nhà máy đóng tàu Samsung Ninh Ba đóng cửa, hàng nghìn nhân viên kháng nghị yêu cầu bồi thường hợp lý. (Ảnh weibo).

Thông báo quyết định chấm dứt sản xuất của Canon Nhật Bản tại Chu Hải (tỉnh Quảng Đông – Trung Quốc) vào tuần trước đã gây náo động dư luận Trung Quốc, lý do được đưa ra là họ gặp những khó khăn lớn trong hoạt động do sự tàn phá lâu dài của COVID-19 (viêm phổi Vũ Hán).

Sau đó ban quản lý Khu phát triển công nghiệp công nghệ cao Chu Hải xác nhận với một số phương tiện truyền thông ở Trung Quốc rằng nhà máy Canon đã ngừng sản xuất, hiện công ty đang thảo luận với nhân viên về việc khắc phục hậu quả.

Năm 1990, công ty Canon của Nhật Bản xây dựng dây chuyền sản xuất máy ảnh tại Chu Hải tỉnh Quảng Đông với hệ thống dây chuyền sản xuất kiện toàn các khâu từ mài kính đến lắp ráp máy ảnh. Máy ảnh kỹ thuật số và máy quay video kỹ thuật số của Canon được sản xuất tại đây đã được bán trên khắp thế giới. Nhà máy Chu Hải của Canon vào thời kỳ đỉnh cao có gần 10.000 nhân viên, là một trong số ít nhà máy lớn ở Chu Hải và là một trong những cơ sở sản xuất quan trọng nhất ở nước ngoài của Canon.

Phóng viên Nhật báo Kinh doanh Trung Quốc (NBD), đã đi gặp trực tiếp những nhân viên Canon và được nghe họ chia sẻ rằng họ không phàn nàn gì về công ty, còn ca ngợi công ty Canon luôn đối xử rất tốt với nhân viên. Khi được hỏi về việc nhà máy ngừng hoạt động, nhiều nhân viên không giấu được thất vọng nhưng họ ngại tiết lộ quá nhiều thông tin.

Về phương án bồi thường cho nhân viên của công ty Canon tại Chu Hải, một nguồn tin của Canon (Trung Quốc) cho biết: “Chúng tôi chắc chắn sẽ căn cứ vào luật lao động của Trung Quốc và trên cơ sở đóng góp của nhân viên cho công ty, đồng thời xem xét đầy đủ nhu cầu của từng nhân viên để đưa ra quyết định cuối cùng”.

Ngày 17/1, Đài Á châu Tự do (RFA) dẫn lời giáo sư Yang Haiying tại Đại học Shizuoka Nhật Bản cho biết, rất nhiều nhiếp ảnh gia và nhà báo trên thế giới sử dụng máy ảnh Canon, nhưng doanh nghiệp Nhật Bản rút khỏi Trung Quốc đã là xu thế chung: “Một số công nghệ của Canon đã bị Trung Quốc lạm dụng, sử dụng để giám sát và thậm chí sử dụng ở Tân Cương, Nội Mông và Đại Lục để trấn áp những người bất đồng chính kiến nên họ cũng đã phải chịu áp lực từ Chính phủ Mỹ và Nhật Bản. Vì nhiều lý do khác nhau, một là lý do thị trường, cộng thêm lý do chính trị nên hãng quyết định rút khỏi thị trường Trung Quốc”.

Trong trả lời phỏng vấn của RFA, học giả Sun Qiang người Hà Bắc Trung Quốc cho rằng Nhật Bản từng là nước hỗ trợ lớn nhất cho sự phát triển kinh tế của Trung Quốc. Trước đây doanh nghiệp Nhật Bản đi tiên phong vào thị trường Trung Quốc và thỏa mãn những điều kiện khắc nghiệt của giới chức Trung Quốc khi chấp nhận thành lập công ty liên doanh với phía đối tác Trung Quốc, nhưng cuối cùng thì hầu hết đã bỏ cuộc. Các công ty dự định rời khỏi Trung Quốc không chỉ có máy ảnh Canon, sẽ có thêm nhiều công ty nước ngoài chọn ra đi vì đại dịch COVID-19: “Cũng có một số công ty ở châu Âu đang chuẩn bị rời đi và đóng cửa các nhà máy ở Trung Quốc, lý do của họ là do dịch bệnh và tình hình kinh tế hiện nay”.

Hàng loạt doanh nghiệp trong Top 500 thế giới đã lần lượt tuyên bố rút khỏi Trung Quốc, chuyển dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc như Apple, Microsoft, Google, Dell và Hewlett-Packard. Năm 2021, nhà máy đóng tàu Samsung Heavy Industries của Tập đoàn Samsung ở Ninh Ba cũng đã đóng cửa, bộ phận quản lý Tập đoàn Toshiba của Nhật Bản tại Đại Liên cũng thông báo đóng cửa nhà máy, nhà sản xuất thiết bị viễn thông Ericsson của Thụy Điển cũng đã thông báo sẽ ngừng hoạt động trung tâm R&D ở Nam Kinh tỉnh Giang Tô…

Việc liên tục rút vốn nước ngoài đã ngăn cản các nhà hoạch định kinh tế của Trung Nam Hải không thể đạt được mục tiêu “ổn định đầu tư nước ngoài”.

Mời chào hấp dẫn và thực tế khắc nghiệt

Ngày 30/7/2018, Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) lần đầu tiên đề xuất “6 ổn định”: ổn định việc làm và ổn định tài chính, ổn định ngoại thương, ổn định đầu tư nước ngoài, ổn định đầu tư, và ổn định kỳ vọng.

Ngày 17/1, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tham dự Hội nghị trực tuyến Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2022 tại Bắc Kinh và có bài phát biểu, nói rằng về tổng quan thì xu thế phát triển của nền kinh tế Trung Quốc là tốt; chào đón các nhà đầu tư hoạt động hợp pháp tại Trung Quốc và đóng vai trò tích cực trong sự phát triển của Trung Quốc. Chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng mở cửa cấp cao và thực hiện đãi ngộ đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Nhà bình luận đặc biệt Đường Tân Nguyên (Tang Xinyuan) đã viết cho Vision Times bài “Tập Cận Bình trở thành nhà tiếp thị thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc, xin mời vào bẫy?”. Qua đó, ông cảnh báo trò quen thuộc của ĐCSTQ là: nuôi, bẫy, xẻ thịt. Đầu tiên sử dụng nhiều thủ đoạn để thu hút đầu tư, sau đó cung cấp các yếu tố sản xuất như đất đai, ưu đãi tín dụng và giá nhân công thấp để ổn định đầu tư, cuối cùng là tịch thu khi không còn giá trị lợi dụng. Trò này đã luôn diễn ra từ khi thành lập ĐCSTQ đến nay. Ngay từ những năm 1950 đã có những trường hợp liên doanh công tư, còn gần đây như Tập đoàn Anbang và Tập đoàn HNA đã bị ĐCSTQ trấn áp “hút máu”, trong năm ngoái nhiều doanh nghiệp lớn khác như Tập đoàn Alibaba cũng bị ĐCSTQ “rút xương”.

​​Về vấn đề này, Tiến sĩ Tạ Điền (Xie Tian) tại Trường Kinh doanh Aiken thuộc Đại học Nam Carolina, nói với Vision Times rằng “Nhiều doanh nhân nổi tiếng thế giới đang rời khỏi Trung Quốc, đặc biệt là nhiều doanh nhân người Đài Loan làm ăn ở Trung Quốc bị ĐCSTQ chèn ép chỉ biết nuốt nước mắt vào trong. Khi tôi đến Đại học Quốc gia Đài Loan diễn giảng, tôi gặp một chủ doanh nghiệp Đài Loan có một công ty rất lớn. Ông ta nói với tôi rằng dù kiếm được nhiều tiền ở Trung Quốc, nhưng chỉ là tiền nhân dân tệ, không thể mang tiền này để đổi sang Đô la Mỹ hoặc tiền Đài tệ để đưa trở lại Đài Loan, đây là một điều rất khó chịu, vì ĐCSTQ chỉ cho phép dùng nhân dân tệ và yêu cầu họ tiếp tục đầu tư vào Trung Quốc Đại Lục.… Sau khi các doanh nghiệp này rời Trung Quốc thì thế mạnh xuất khẩu của Trung Quốc sẽ sụt giảm”.

Văn Long, Vision Times

Xem thêm: