Ngày 16/12, có nguồn tin chỉ ra, Mỹ và Trung Quốc đã khởi động đàm phán thương mại quy mô nhỏ. Mặc dù Trung Quốc dường như đang cẩn thận lời nói trong phát triển kế hoạch “Made in China 2025”, nhưng một số chuyên gia kinh tế cho rằng, đàm phán thương mại sẽ không có kết quả, và việc tăng thu thuế quan dường như đã không thể tránh khỏi.

Đàm phán thương mại Mỹ Trung
(Ảnh: ShutterStock)

Theo Đài phát thanh Quốc tế Pháp (RFI) đưa tin hôm 16/12, hai nước Trung – Mỹ đã triển khai đàm phán về cam kết thương mại, Washington và Bắc Kinh dường như lần đầu tiên biểu thị quyết tâm muốn thực hiện mục tiêu đạt được cam kết, tạm thời gác qua một bên những việc ngoại giao có thể ảnh hưởng đến kết quả đàm phán.

Về tình hình hiện tại giữa Trung – Mỹ, Edward Alden – chuyên gia về vấn đề thương mại quốc tế thuộc Hiệp hội Ngoại giao Mỹ cho rằng, hai nước cuối cùng đã bước vào giai đoạn đàm phán nghiêm túc.

Ngày 14/12, Tổng thống Mỹ Donald Trump chia sẻ trên Twitter cho biết: “Trung Quốc hy vọng đạt được một thỏa thuận quan trọng và toàn diện. Việc này là có thể thực hiện được, hơn nữa có thể tương đối nhanh!”

Cùng ngày, Bộ Tài chính Trung Quốc công bố “Báo cáo của Ủy ban Quy định Thuế quan Quốc vụ viện về việc tạm dừng thu thuế quan đối với xe ô tô và phụ kiện ô tô sản xuất tại Mỹ”, theo đó, từ ngày 1/1/2019 đến ngày 31/3/2019, đối với 28 danh mục sản phẩn thu thuế sẽ tạm dừng thu thuế 25% theo “Báo cáo của Ủy ban Quy định Thuế quan về việc thu thêm thuế quan sản phẩm nhập khẩu sản xuất từ Mỹ có trị giá 50 tỷ Đô la Mỹ”.

Trước khi Bộ Tài chính Trung Quốc công bố thông tin, Trung Quốc đã bắt đầu mua đậu tương từ Mỹ, đây là lần đầu tiên Trung Quốc mua đậu tương của Mỹ với lượng lớn kể từ khi bùng nổ chiến tranh thương mại. Hành động này được giới quan sát cho là thành quả cụ thể đầu tiên sau cuộc gặp cấp cao giữa Trung Quốc và Mỹ tại Hội nghị G20 diễn ra vào ngày 01/12.

Tuy nhiên, Chính phủ Mỹ tuyên bố, chính thức thay đổi thời gian thu thuế quan hàng hóa Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD thành 12:01 đêm ngày 2/3/2019 theo giờ miền Đông nước Mỹ. Đại diện Văn phòng Thương mại Mỹ (USTR) đã chia sẻ về việc thay đổi này trên tờ Federal Register hôm 14/12.

Trước đó, kế hoạch ban đầu của Mỹ là bắt đầu từ ngày 1/1/2019, sẽ tăng thuế đối với sản phẩm Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD từ 10% lên 25%.

Thái độ của Bắc Kinh cũng thay đổi mềm mỏng hơn, theo Reuters, chính quyền trung ương đã ra thông báo mới nhất cho chính quyền các địa phương, trong thời gian Trung – Mỹ đang tiến hành đàm phán giải quyết chiến tranh thương mại, cần phải cẩn thận khi nói về phát triển kế hoạch “Made in China 2025”.

Kế hoạch được Trung Quốc đề xuất năm 2015, dự tính đến 2025, Trung Quốc sẽ từ một “nước sản xuất lớn” trở thành “cường quốc sản xuất chế tạo”, còn đến năm 2035, ngành sản xuất chế tạo của Trung Quốc sẽ vượt qua các nước có ngành công nghiệp phát triển như Đức và Nhật Bản. Cuối cùng là thực hiện mục tiêu trọng tâm trở thành cường quốc sản xuất chế tạo của thế giới thách thức các nước phát triển trong lĩnh vực bán dẫn, robot, hàng không vũ trụ, xe ô tô dùng năng lượng mới và trí tuệ nhân tạo.

Mặc dù Trung Quốc không còn nhấn mạnh đến “Made in China 2025”, nhưng Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross nói, “điều này không có nghĩa là họ đã từ bỏ nó”. Ông nói với Đài CNBC rằng dự tính Trung Quốc sẽ phát triển công nghệ tiên tiến hơn, và ông không phản đối vấn đề này.

Hai nước Trung – Mỹ đều tuyên bố, hiện tại đàm phán thương mại đang có tiến triển thuận lợi, nhưng từ khi nguyên thủ 2 nước gặp nhau tại Hội nghị G20 đến nay, hai bên đều không nhắc đến việc Trung Quốc có biện pháp nào để thay đổi các vấn đề như cưỡng chế chuyển giao công nghệ cũng như bảo hộ sở hữu trí tuệ.

Chuyên gia kinh tế thuộc Ngân hàng Goldman Sachs cho rằng chỉ e là hai nước Trung – Mỹ khó đạt được thỏa thuận trong thời hạn dự định, việc Mỹ tăng thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc là khó tránh khỏi. Chuyên gia này cho biết thêm, hai bên cần phải công bố nhiều tiến triển trước thời hạn đàm phán cuối cùng, nhưng đàm phán chưa chắc đã thành, khả năng thất bại có thể cao hơn.

Ngày 13/12, Cố vấn Thương mại Nhà Trắng Peter Navarro trả lời phỏng vấn của Fox News đã nói về khó khăn trong đàm phán thương mại Trung – Mỹ: Đàm phán thương mại không chỉ bao gồm tiếp cận thị trường, Trung Quốc còn cần giải quyết vấn đề mang tính kết cấu trong đó có việc đánh cắp sở hữu trí tuệ.

Ông Peter Navarro nói: “Trung Quốc biểu hiện thái độ tích cực, bao gồm khôi phục việc mua đậu tương và đưa tin có ý nói từ bỏ “Made in China 2025″, đều không nên chuyển dịch sự chú ý của dư luận vào đàm phán thương mại đang diễn ra. Đối với nước ta (Mỹ), đối với thế giới cũng như Trung Quốc mà nói, mục tiêu thực sự chính là Trung Quốc hoàn thành cải cách kinh tế mang tính kết cấu, dừng tất cả các cách làm phá hoại kinh tế toàn cầu.”

Trí Đạt

Xem thêm: