Trong họp báo Ngoại trưởng tại “lưỡng hội” (khai mạc hôm 04/03) của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), phát biểu của tân Ngoại trưởng Tần Cương nói về quan hệ Trung – Mỹ và vấn đề Đài Loan dường như phần nào gây bất ngờ khi tiếp tục kiểu ‘ngoại giao sói chiến’, khiến Mỹ và Đài Loan đã lên tiếng phản ứng.

Screen Shot 2023 03 10 at 14.16.45
Tại cuộc họp báo bên lề “lưỡng hội” của ĐCSTQ vào ngày 7/3/2023, phát biểu của tân Ngoại trưởng Tần Cương nói về quan hệ Trung – Mỹ và vấn đề Đài Loan gây chú ý (Ảnh cắt từ video)

Vấn đề phát ngôn về Đài Loan

Thông tấn xã Trung ương Đài Loan (CNA) đưa tin, tại cuộc họp báo (dài 2 tiếng) về “Chính sách đối ngoại và quan hệ đối ngoại của Trung Quốc” được tổ chức tại “lưỡng hội” của ĐCSTQ ở Bắc Kinh, ông Tần Cương đã so sánh quan hệ Trung – Mỹ với một cuộc chạy đua Olympic. Ông nói rằng Mỹ luôn tuyên bố tuân thủ các quy tắc, nhưng luôn muốn đối thủ vấp ngã, thậm chí muốn đối thủ tham gia Thế vận hội người khuyết tật, đó là “cạnh tranh không công bằng”. Về vấn đề Đài Loan, ông Tần Cương lấy ra cuốn “Hiến pháp nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa” đã chuẩn bị sẵn, ngoại trừ trích dẫn lời mở đầu “Đài Loan là một phần lãnh thổ thiêng liêng của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”, còn không quên nhấn mạnh rằng việc giải quyết vấn đề Đài Loan là việc của người dân Trung Quốc, nước ngoài không có quyền can thiệp.

Về vấn đề này, Giáo sư Ja Ian Chong (Khoa Khoa học Chính trị Đại học Quốc gia Singapore) chỉ ra rằng ông Tần Cương là đảng viên ĐCSTQ, phát biểu và chính sách của ông ta phản ánh quan điểm của ĐCSTQ. “Ngoại giao Sói chiến” có thể hơi linh hoạt về chiến thuật và ngôn ngữ, nhưng cuộc họp báo lần này của Ngoại trưởng khi đề cập đến quan hệ Trung – Mỹ và vấn đề Đài Loan tỏ ra cứng rắn có phần khác với đồn đoán trước đó.

Còn ông Giáo sư Lý Khánh Tứ (Li Qingsi) của Viện Quan hệ Quốc tế tại Đại học Nhân dân Trung Quốc trả lời phỏng vấn của Thông tấn xã Trung ương Đài Loan (CNA) rằng tại họp báo của ngoại trưởng này, ông Tần Cương đại diện cho Chính phủ ĐCSTQ trong việc bảo vệ lợi ích quốc gia. Không có cái gọi là “ngoại giao sói chiến”, nhà cầm quyền Bắc Kinh đang bảo vệ lợi ích quốc gia.

Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đài Loan Lưu Vĩnh Kiên (Jeff Y.J. Liu) tuyên bố rằng họ đã nhiều lần nhấn mạnh Đài Loan chưa bao giờ là một phần của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, đây là sự thật khách quan và hiện trạng; dân chủ và độc tài không thể cùng tồn tại, Đài Loan dân chủ và Trung Quốc cộng sản không liên kết với nhau, điều này rất rõ ràng và đơn giản.

Ủy ban Vấn đề Đại Lục (MAC) của Đài Loan cũng phản hồi rằng Tần Cương dựa vào “lời mở đầu” của cái gọi là “Hiến pháp nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa” định vị sai về Đài Loan, dùng hệ thống pháp luật tự tung tự tác bá đạo của một bên là trái ngược nghiêm trọng với sự thật và nguyên tắc hòa bình trong quan hệ quốc tế, người dân Đài Loan kiên quyết phản đối, ĐCSTQ không có quyền yêu cầu các nước khác phải công nhận.

MAC cũng đề cập rằng Đài Loan là nước có chủ quyền và chưa bao giờ là một phần của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Chính quyền ĐCSTQ đã nhiều lần dùng thủ đoạn cưỡng chế và gây chia rẽ đối với Đài Loan cũng như đối với khu vực, tuyên truyền ra thế giới bằng luận điệu xuyên tạc theo khuôn khổ chính trị của ĐCSTQ, từ lâu cộng đồng quốc tế và Đài Loan đã bày tỏ phản đối trước những luận điệu đó.

Quan hệ Trung – Mỹ lung lay vì vấn đề Đài Loan?

Ngoài ra, liên quan đến việc ông Tần Cương chỉ trích rằng Mỹ không tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc trong vấn đề Đài Loan, đồng thời đe dọa rằng “quan hệ Trung-Mỹ sẽ bị lung lay nếu vấn đề Đài Loan không được xử lý thỏa đáng”, người phát ngôn An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Kirby đáp lại rằng Mỹ tuân thủ “Chính sách Một Trung Quốc” (One China Policy) và không chấp nhận hiện trạng Đài Loan bị thay đổi.

Theo Đài VOA Mỹ, mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ căng thẳng trong nhiều năm qua về hàng loạt vấn đề như thương mại, chiến tranh Ukraine, Đài Loan. Kể từ cuộc gặp Biden – Tập Cận Bình tại G20 năm ngoái, giới chức Mỹ để ngăn căng thẳng leo thang đã không ngừng nhấn mạnh hai bên “xây dựng hàng rào bảo vệ” chứ không nên tìm kiếm xung đột. Nhưng căng thẳng lại bùng phát vào tháng trước sau khi Mỹ bắn hạ một khinh khí cầu do thám Trung Quốc xâm lược không phận Mỹ.

Bộ trưởng Quốc phòng Đài Loan Khâu Quốc Chính (Qiu Guozheng) đã ám chỉ vào ngày 6/3 rằng Đài Loan đang đàm phán với Mỹ về vấn đề đưa một số kho trang bị quân sự gồm vũ khí mà Mỹ lưu ở Đông Á chuyển qua Đài Loan. Gần đây lại có thông tin cho rằng Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn sẽ gặp Chủ tịch Hạ viện Mỹ McCarthy vào tháng Tư, điều này được dự đoán sẽ lại gây phản ứng dữ dội từ ĐCSTQ.

Tranh luận về phát ngôn “sói chiến”

Ông Tần Cương, 56 tuổi, từng là người phát ngôn của Bộ Ngoại giao ĐCSTQ, Công sứ trú tại Vương quốc Anh, Cục trưởng Cục Thông tin, Cục trưởng Cục Lễ tân, và Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, và đã được thăng chức nhiều lần trong 2 năm qua. Từ tháng 7/2021, ông Tần Cương giữ chức Đại sứ ĐCSTQ tại Mỹ, tháng 10/2022 được chọn vào Ủy viên Trung ương tại Đại hội 20 ĐCSTQ; ngày 15/1 năm nay được chọn làm đại biểu Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc khóa 14, ngày 30/1 nhậm chức Ngoại trưởng thay ông Vương Nghị.

Giới quan sát phổ biến cho rằng lý do chính khiến ông Tần Cương có thể được ông Tập Cận Bình cho thăng tiến nhanh chóng là vì ông ta luôn làm những gì ông Tập thích, và do đó được ông Tập tin tưởng. Ngoài ra, dư luận cũng đồn đoán rằng việc ông Tần Cương điều động sang đảm nhận chức vụ Ngoại trưởng là do ĐCSTQ muốn thay đổi phong cách “ngoại giao sói chiến”, nhưng thực tế nhìn lại tình hình cho thấy những phát ngôn kiểu “sói chiến” của ông không phải chỉ thấy ở lần này. Ví dụ:

– Tháng 2/2021, thời ông Tần Cương là Thứ trưởng Ngoại giao, khi trả lời phóng viên nước ngoài về “Ngoại giao Sói chiến” của ĐCSTQ, ông Tần Cương đã tuyên bố “có một số nước và một số kẻ” không thể dùng “sói chiến” mà phải dùng “sói ác”.

– Tháng 8/2021, khi Tần Cương mới nhậm chức Đại sứ tại Mỹ được một tháng, đã nói trong một cuộc họp riêng trên Zoom do Ủy ban Quốc gia về Quan hệ Mỹ – Trung Quốc tổ chức, “Nếu chúng ta không thể giải quyết những chia rẽ thì vui lòng im miệng”.

Thời điểm đó tạp chí National Review của Mỹ đã chỉ ra, trong bối cảnh cuộc họp kín về quan hệ Trung – Mỹ, việc ông Tần Cương sử dụng từ “im miệng” chỉ trích Washington là rất không phù hợp với nghi thức ngoại giao và khiến những người tham dự bị sốc.

ĐCSTQ đã trở thành “kẻ thù số một” trong mắt người Mỹ

Cũng chính vì những biểu hiện như thế mà chính sách “ngoại giao sói chiến” của ĐCSTQ đã hái quả ác ngày nay.

Theo kết quả thăm dò mới nhất (ngày 7/3) của công ty thăm dò dư luận Gallup nổi tiếng của Mỹ, kể từ năm 2018 đến nay tỷ lệ ủng hộ của người dân Mỹ đối với ĐCSTQ không ngừng sụt giảm: 41% vào năm 2019, 33% vào năm 2020, năm 2021 và 2022 chỉ còn mức 20% do các yếu tố như dịch COVID-19 (viêm phổi Vũ Hán), nhưng năm nay chỉ còn 15% và trở thành kỷ lục thấp nhất trong lịch sử.

Thăm dò cũng cho thấy ĐCSTQ đã trở thành “kẻ thù lớn nhất” trong mắt người Mỹ và thiện cảm của người Mỹ đối với Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp nhất trong lịch sử (cứ 10 người Mỹ thì có hơn 8 người có quan điểm tiêu cực đối với ĐCSTQ).

Đặc biệt là tại kỳ họp “lưỡng hội” năm nay, ông Tập Cận Bình và Tần Cương liên tiếp công khai chỉ trích Mỹ, chuyên gia chính trị Scott Kennedy của Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Mỹ đã viết trên Twitter rằng việc ông Tập Cận Bình trực tiếp chỉ trích Mỹ cho thấy “tương lai giữa Trung Quốc và Mỹ về bất kỳ vấn đề lớn nào sau này đều sẽ trong tình trạng không dễ để có thể thỏa hiệp”.