Gần đây, truyền thông nhà nước Trung Quốc soi lại nghi vấn việc người vợ cả của cựu quan to “ngã ngựa” Chu Vĩnh Khang chết vì tai nạn xe hơi. Sau khi bà này qua đời không lâu thì Chu Vĩnh Khang đã lấy nữ phóng viên trẻ đẹp Giả Hiểu Diệp của Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV).

20171117160456 DIADF
Chu Vĩnh Khang (phải) vì muốn cưới vợ trẻ đẹp (trái) đã lên kế hoạch vụ tai nạn ô tô giả để giết chết người vợ cũ Vương Thục Hoa?

Thông tin mới đăng tải tiết lộ điều bí ẩn về dòng chữ trên bia mộ trong khu mộ gia đình của cựu trùm an ninh Chu Vĩnh Khang. Trong số 4 phần mộ được lập bia trước 1995, trên bia cũ có khắc tên hai vợ chồng là Chu Vĩnh Căn (tên cũ của Chu Vĩnh Khang) và Vương Thục Hoa; nhưng trên bia mới lập năm 2011, tên Vương Thục Hoa đã được thay bằng Giả Hiểu Diệp.

Điều này chứng minh tin đồn bà Vương Thục Hoa (bạn cùng học của Chu Vĩnh Khang tại Học viện Dầu mỏ Bắc Kinh) là người vợ đầu tiên của Chu, sau khi bà Vương bị tai nạn xe hơi thiệt mạng, Chu đã lấy nữ phóng viên trẻ đẹp và nhỏ hơn ông ta 26 tuổi là Giả Hiểu Diệp của CCTV.

Chu Vĩnh Khang chính thức bị tuyên án tù vô thời hạn vào ngày 11/6/2015. Những nhân chứng được ghi hình tại tòa án không chỉ có doanh nhân Tứ Xuyên Ngô Binh, còn có người con trưởng Chu Tân và người vợ trẻ đẹp Giả Hiểu Diệp.

Tin đồn Chu Vĩnh Khang giết vợ

Thực tế ngày 29/7/2014, sau thông tin Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc tuyên bố lập án điều tra Chu Vĩnh Khang, giới truyền thông tiếng Trung trong và ngoài Trung Quốc Đại lục đã rộ thông tin Chu Vĩnh Khang giết vợ.

Truyền thông ngoài Trung Quốc cho rằng vì Chu Vĩnh Khang muốn cưới vợ trẻ đẹp đã lên kế hoạch gây tai nạn ô tô giết hại người vợ cũ Vương Thục Hoa.

Bà Vương bị xe hơi đâm thiệt mạng tại viện điều dưỡng của Bộ đội Xương Bình ở ngoại ô Bắc Kinh. Khi biết Chu có người khác, trong tâm cảm thấy chán nản nên bà đã cùng bác sĩ ra ngoài giải khuây thì tai nạn xảy ra. Người bác sĩ này cũng thiệt mạng trong vụ tai nạn đó.

Tháng 9/2014, Reuters chia sẻ thông tin của một quan chức cấp cao Trung Quốc cho biết, từng có cơ quan mở điều tra về nguyên nhân cái chết của bà Vương Thục Hoa. Năm 2000, sau khi bà Vương và ông Chu ly hôn không lâu thì bị tai nạn thiệt mạng trong vụ tai nạn xe tại ngoại ô Bắc Kinh, trong số xe gây tai nạn ít nhất có một xe thuộc quân đội.

Trước đó, ngày 23/7 cùng năm, kênh weixin “Chính sự” của báo Tân Kinh Trung Quốc (Bjnews) đã đăng bài điểm lại hàng loạt quan chức hủ bại “ngã ngựa”, trong đó đứng đầu danh sách là Chu Vĩnh Khang.

Bài viết này đặc biệt nhấn mạnh, khi Chu còn nắm quyền trong hệ thống dầu khí từng có lần tranh cãi to tiếng cùng người vợ cũ ngay tại một buổi họp, nguyên nhân vì vấn đề Chu “có người bên ngoài”, sau đó không lâu thì xảy ra vụ tai nạn của bà Vương.

Theo Thời báo Trung Quốc đưa tin, tuy hai lái xe của Cảnh sát Vũ trang đụng chết vợ cũ của Chu bị tuyên án hơn chục năm tù giam, nhưng thực tế chỉ bị giam vài năm đã ra tù. Điều nhiều người thấy lạ hơn là sau khi hai người này ra tù đã được bố trí vào ngành dầu khí, trong đó một người nhậm chức đội phó đội xe của Dầu khí Thắng Lợi (Shengli Oilfield), người kia thậm chí còn là Phó Giám đốc chi nhánh Sơn Đông của Công ty Hóa dầu.

Ngày 8/3/2015, Nhật báo Kinh tế Hồng Kông (Hket) có bình luận, sau khi người mẹ chết, hai người con của Chu Vĩnh Khang rất hạn chế qua lại với Chu.

Bài viết dẫn chia sẻ của một người cho rằng, người con trưởng Chu Tân không ưa Chu, sau cái chết mờ ám của người mẹ, từng một dạo quan hệ cha con rất căng thẳng, tưởng như đoạt tuyệt quan hệ. Hiện nay quan hệ của họ cũng không bình thường, rất ít gặp mặt, người con chỉ lợi dụng quan hệ quyền lực của Chu chứ không thừa nhận Chu.

Sau cái chết khó hiểu của người mẹ, Chu Tân “ôm hận trong lòng” đối với Chu Vĩnh Khang, đặc biệt là sau khi Chu Vĩnh Khang cưới vợ lẽ ít hơn Chu Tân nhiều tuổi khiến Chu Tân càng không còn tình cảm với cha, có chăng chỉ là muốn lợi dụng quan hệ quyền thế của Chu Vĩnh Khang để tìm kiếm lợi ích.

Kênh kết nối chủ yếu giữa Chu Vĩnh Khang và con ông ta là qua thân tín và thư ký của Chu trước đây, nhờ họ “đặc biệt chiếu cố” hai người con của Chu. Đối với người con cả Chu Tân, nhiều năm qua Chu luôn nhờ viên thư ký cũ thay mặt giúp đỡ Chu Tân trong sự nghiệp.

Còn với người con thứ hai, nhiều thông tin từ truyền thông ngoài Trung Quốc nhận định Chu Hàn tin chắc Chu Vĩnh Khang đã giết hại mẹ mình nên đã đoạn tuyệt mọi quan hệ. Chu Hàn từng mở một tiệm sách nhỏ ở Thành Đô kiếm sống, sau khi Chu Hàn có con đầu lòng, Chu Vĩnh Khang muốn đến thăm cháu nhưng bị cự tuyệt.

Chu Vĩnh Khang bức hại Pháp Luân Công

Ngoài ra, Chu Vĩnh Khang cũng nằm trong danh sách những người phạm tội bức hại Pháp Luân Công nghiêm trọng của Tổ chức Thế giới Điều tra Cuộc đàn áp Pháp Luân Công (có trụ sở tại Mỹ).

Trước đây, Chu Vĩnh Khang, thân tín của cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân là người đứng đầu Ủy ban Chính trị Pháp luật trong một thời gian dài. Sau khi ông Giang Trạch Dân phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công (năm 1999), quyền lực của hệ thống này ngày càng bành trướng, đến thời kỳ ông Hồ Cẩm Đào nắm quyền, hệ thống được gọi là “trung ương thứ 2”.

Theo thống kê chưa hoàn chỉnh từ các thông tin công khai, trong năm 2015, có hơn 100 quan chức trong hệ thống chính trị pháp luật của Đảng Cộng sản Trung Quốc “ngã ngựa”, bị xử tội hoặc chết bất thường. Quan chức thuộc hệ thống chính trị pháp luật là cánh tay trực tiếp trong bức hại nhân quyền, nhất là bức hại Pháp Luân Công, hiện nay chức vụ trong hệ thống chính trị và pháp luật này đang trở thành chức vụ có rủi ro cao.

Từ sau Đại hội 18 (năm 2012), hệ thống công an, chính trị pháp luật có một đợt thanh trừng lớn, cựu Bộ trưởng Bộ Công an, Chủ nhiệm Phòng 610 (Cơ quan chuyên trách đàn áp Pháp Luân Công) Lý Đông Sinh, Bí thư Ủy ban Chính trị Pháp luật Chu Vĩnh Khang, Cục trưởng Cục công an Thiên Tân Vũ Trường Thuận, Bí thư tỉnh Chu Bản Thuận, v.v lần lượt “ngã ngựa”.

Tuyết Mai

Xem thêm: