Ngày 22/2, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã thông qua Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc để tuyên bố rằng Tân Cương “chưa bao giờ tồn tại diệt chủng, cưỡng bức lao động và đàn áp tôn giáo”, và Trung Quốc hoan nghênh Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc đặc biệt đến thăm Tân Cương. Tuy nhiên, Trung Quốc chưa bao giờ giải thích về kiểu “nói một đằng, làm một nẻo”, “miệng nói là chào đón, nhưng thực chất là kiểm soát”. Người Duy Ngô Nhĩ đào thoát khỏi Trung Quốc đã chỉ trích ông Vương Nghị công nhiên nói dối, “làm nhục IQ của cộng đồng quốc tế”.

Vương Nghị
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị. (Ảnh: Alexandros Michailidis / Shutterstock).

Tại kỳ họp thứ 46 của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (UN Human Rights Council), trong khi đại diện các nước tập trung vào lên án quân đội Myanmar đảo chính, ông Vương Nghị thông qua truyền hình trực tiếp để tham dự hội nghị. Trước ống kính, ông Vương đã nói một cách không ngượng ngạo những ngôn từ nhất quán của chính quyền Trung Quốc về vấn đề Tân Cương.

Ông nói: “Khu vực Tân Cương chưa bao giờ tồn tại cái gì là diệt chủng, cưỡng bức lao động và đàn áp tôn giáo. Những cách nói này bắt nguồn từ sự vô tri và thành kiến, đơn thuần là cường điệu chính trị một cách ác ý, hoàn toàn trái ngược với sự thực.”

Ông Vương nói rằng Trung Quốc “tham khảo cách làm tương tự của quốc gia khác” trong vấn đề chống khủng bố, chống chia rẽ tại Tân Cương, và gọi đó là “triển khai trừ bỏ cực đoan hóa theo pháp luật”. Ông còn nói, điều này hoàn toàn phù hợp với nguyên tắc và tinh thần của Liên Hiệp Quốc về chiến lược chống khủng bố.

Ngoại trưởng Anh lên án cuộc đàn áp quy mô lớn ở Tân Cương

Sau khi ông Vương Nghị phát biểu xong, các quốc gia khác cùng tham gia hội nghị cũng lên tiếng phản bác thẳng thừng. Ngoại trưởng Anh Dominic Raab nói: “Tình hình tại Tân Cương đã ‘vượt quá giới hạn thấp nhất’, bao gồm nhiều hành vi bức hại như cưỡng bức lao động và cưỡng bức phụ nữ triệt sản, từ những nội dung báo cáo liên quan mà xét thì hành động này đã là ‘quy mô lớn’. Chúng ta có trách nhiệm chung, cần đảm bảo những sự việc như thế này không thể tiếp tục xảy ra.”

Ông Dominic Raab không dùng từ “diệt dủng” để hình dung về tình trạng tại Tân Cương, nhưng ông bày tỏ Anh Quốc quan ngại về tình hình tại Hồng Kông và Tây Tạng.

Sự yếu kém và cứng nhắc của Hội đồng Nhân quyền LHQ trong việc duy hộ nhân quyền cũng đã bị chỉ trích trong nhiều năm.

Liên Hiệp Quốc bất lực trong bảo vệ nhân quyền, trở thành đồng lõa với Trung Quốc đàn áp nhân quyền 

Năm ngoái, Trung Quốc lần thứ 5 trúng cử làm thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ. Trung Quốc thâm nhập sâu vào hệ thống quốc tế, cố gắng thay đổi cộng đồng quốc tế, ngày càng đi ngược lại với nguyện vọng của nhiều quốc gia kỳ vọng Trung Quốc có trách nhiệm hơn, tuần thủ quy tắc quốc tế hơn. 

Thậm chí còn có ‘người thổi còi’ nêu nghi vấn việc Liên Hiệp Quốc từ lâu đã trở thành đồng lõa giúp Trung Quốc vi phạm nhân quyền.

Năm ngoái, trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với Đài Á Châu Tự Do (RFA), quan chức cấp cao về nhân quyền của LHQ Emma Reilly đã chỉ ra, Văn phòng Nhân quyền LHQ từ lâu đã cung cấp cho các quan chức Trung Quốc danh sách những người Trung Quốc bất đồng chính kiến ​​sẽ tham dự các cuộc họp của Hội đồng Nhân quyền LHQ. Bà Emma Reilly cho rằng điều này vi phạm các quy định liên quan của LHQ.

Người phát ngôn Cao ủy Nhân quyền LHQ Rupert Colville khi đó đã trả lời RFA và xác nhận rằng có việc này, nhưng nói rằng không có bất cứ chứng cứ cho thấy việc này tạo thành đe dọa đến an toàn của các nhà hoạt động nhân quyền.

Người Duy Ngô Nhĩ chỉ trích ông Vương Nghị “làm nhục IQ của nhân loại”

Chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump trước khi giải nhiệm đã tuyên bố, Mỹ nhận định cách làm của Trung Quốc tại Tân Cương là phạm tội  diệt chủng “chống lại loài người”. Còn ông Tony Blinken – Ngoại trưởng Mỹ của chính quyền ông Biden đương nhiệm, cũng từng nói trong buổi điều trần đề cử ngoại trưởng rằng ông đồng ý với phán đoán của chính quyền ông Trump.

Ngày càng nhiều truyền thông quốc tế và người Duy Ngô Nhĩ, người Kazakh đào thoát khỏi Trung Quốc đã đứng ra cáo buộc tình hình bên trong các trại giáo dục cải tạo tại Tân Cương. Tại đó, thậm chí còn xảy ra sự kiện xâm hại tình dục phụ nữ. Một bài luận văn gần đây nhất của tạp chí The Economist đã chỉ ra, cộng đồng quốc tế cần cẩn thận hơn với việc sử dụng từ “diệt chủng này”. Bài viết cho rằng cách làm khủng bố của Trung Quốc tại Tân Cương không phải là diệt chủng, bài viết này cũng đã khiến ngoại giới chỉ trích và tranh luận.

Người phát ngôn Đại hội Duy Ngô Nhĩ quốc tế Dilxat Raxit nói với RFA rằng: “Sự phủ nhận của ông Vương Nghị là công khai làm nhục IQ của cộng đồng quốc tế, sau khi lượng lớn chứng cứ được phơi bày, Chính phủ Trung Quốc vẫn tiếp tục lợi dụng sân chơi quốc tế để bao biện cho chính sách cực đoan và hành vi bạo lực diệt chủng của mình.”

Liên quan đến tội diệt chủng, Điều 2 trong Công ước của Liên Hiệp Quốc về Ngăn ngừa và Trừng phạt tội ác diệt chủng, đã định nghĩa “diệt chủng” là hành vi cố ý tiêu diệt toàn bộ hoặc cục bộ một dân tộc, nhân chủng, chủng tộc hoặc đoàn thể tôn giáo. Những hành vi này bao gồm: (a) sát hại các thành viên của nhóm người; (b) gây tổn hại nghiêm trọng về thể xác hoặc tinh thần; (c) gây nên sự diệt vong của nhóm người bằng cách cố tình buộc họ phải chịu những điều kiện sống tồi tệ; (d) áp đặt các biện pháp nhằm ngăn chặn việc sinh đẻ trong nhóm người đó; và (e) dùng vũ lực chuyển trẻ em trong nhóm người đó sang một nhóm khác. Bất kỳ một hành vi nào được liệt kê ở trên đều đủ để cấu thành tội diệt chủng.

Ngoài Anh Quốc ra, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cũng phê bình hành vi của Trung Quốc tại Tân Cương trong một cuộc trò chuyện video của Hội đồng Nhân quyền LHQ: “Dựa trên sự đồng ý của chúng ta đối với Tuyên ngôn nhân quyền, bao gồm việc (Trung Quốc) tùy tiện giam giữ người dân tộc thiểu số Tân Cương, và đàn áp người dân Hồng Kông đấu tranh đòi quyền lợi tự do, những điều này không thể nhân nhượng, chúng ta không thể im lặng.”

Ông Vương Nghị có thể thực hiện lời hứa mở cửa để cộng đồng quốc tế tự do thăm Tân Cương mà không bị hạn chế?

Tại hội nghị của Hội đồng Nhân quyền LHQ, ông Vương Nghị còn nói cánh cửa Tân Cương vẫn luôn mở rộng, Trung Quốc hoan nghênh Cao ủy Nhân quyền LHQ đặc biệt thăm Tân Cương. Nhưng ông Vương Nghị lại không giải thích về lời thỉnh cầu điều tra độc lập mà Văn phòng Cao ủy Nhân quyền LHQ đề xuất từ năm 2018 với hy vọng có thể thăm Tân Cương mà không bị bất cứ hạn chế nào, khi nào mới được thực hiện.

Ngay từ đầu, Trung Quốc đã phủ nhận cái gọi là trại tập trung tại Tân Cương, về sau lại nói những “trại giáo dục cải tạo” đó là “trung tâm bồi dưỡng nghề nghiệp”, cần xóa bỏ chủ nghĩa cực đoan và chủ nghĩa khủng bố; khi ngoại giới chỉ trích trại giáo dục cải tạo là nơi tiến hành “diệt chủng” người dân tộc thiểu số theo đạo Hồi, chính quyền Trung Quốc lại tuyên bố rằng tất cả những người đã tốt nghiệp của trung tâm bồi dưỡng nghề nghiệp có thể tự nguyện rời khỏi đó. 

Nếu Tân Cương thực sự là nơi xã hội an toàn và ổn định, tiếp tục phát triển tốt, người dân an cư lạc nghiệp như những gì ông Vương Nghị nói, thì khi nào cộng đồng quốc tế mới có thể đến thăm Tân Cương một cách tự do mà không chịu bất cứ ràng buộc nào, để cho ngoại giới tận mắt chứng kiến?

Theo Trịnh Sùng Sinh, RFA