Một số tỉnh và thành phố của Trung Quốc đã bắt đầu tiêm mũi vắc-xin COVID-19 tăng cường cho những người đã tiêm hai mũi đầu tiên cách đây ít nhất sáu tháng.

Embed from Getty Images

Việc triển khai liều tăng cường diễn ra sau khi chính quyền Trung Quốc cho biết gần 80% dân số đã tiêm chủng và đang ngày càng có nhiều dữ liệu cho thấy khả năng miễn dịch đang bị suy yếu từ các loại vắc-xin bất hoạt – vốn là loại được sử dụng phổ biến nhất ở Trung Quốc.

Tuần trước, một nhóm chuyên gia từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã khuyến cáo rằng những người trên 60 tuổi đã tiêm vắc-xin của Sinovac hoặc Sinopharm nên tiêm mũi thứ ba, mặc dù họ không gọi đó là mũi tiêm nhắc lại hay mũi tiêm tăng cường.

“WHO là một tổ chức rất bảo thủ và chỉ khi họ có bằng chứng rất chắc chắn thì họ mới đưa ra những khuyến nghị mạnh mẽ thế này”, Jin Dong-Yan, nhà virus học từ Đại học Hồng Kông, cho biết.

Vào tháng 7, một hội đồng chuyên gia đã khuyến nghị sử dụng vắc-xin mRNA của BioNTech để làm liều tăng cường. Loại vắc-xin này sử dụng công nghệ mRNA và được sử dụng rộng rãi ở phương Tây. Tuy nhiên, nó không được đề cập đến trong một loạt các thông báo được ban hành bởi các cơ quan quản lý địa phương của Trung Quốc về việc triển khai liều tiêm tăng cường, theo SCMP.

“Cơ quan quản lý Trung Quốc đã không phê duyệt BioNTech, điều này thực sự rất ngạc nhiên và rất lạ,” ông Jin nói.

Chi tiết về việc triển khai ở Trung Quốc tỏ ra khác biệt giữa nhiều tỉnh và thành phố.

Ví dụ ở Quảng Châu, những người trong độ tuổi từ 18 đến 59 đã được tiêm chủng đầy đủ các loại vắc-xin Sinopharm, Sinovac hoặc Cansino hơn sáu tháng trước có thể tiêm mũi thứ ba với cùng loại vắc-xin được sử dụng cho mũi thứ hai, theo tờ Quảng Châu Hàng ngày.

Nếu nguồn cung thiếu hụt, thay vào đó, vắc-xin được sử dụng trong liều đầu tiên có thể được sử dụng để làm liều tiêm nhắc lại, miễn là nó sử dụng công nghệ tương tự như hai loại vắc-xin đầu tiên.

Một số chính quyền địa phương – bao gồm ở tỉnh Giang Tô và ở thành phố Đại Liên – cho biết họ có đủ liều tăng cường sẵn sàng cho tất cả những người nhận được mũi tiêm thứ hai sáu tháng trước.

Ở những nơi khác, bao gồm các tỉnh Hà Bắc và Tứ Xuyên, người già và các nhóm có nguy cơ cao được ưu tiên, nhưng các nhà chức trách cho biết có đủ các mũi tăng cường cho tất cả những người cần chúng.

Trung Quốc là nước xuất khẩu vắc-xin COVID-19 lớn nhất trên thế giới và là nhà cung cấp vắc-xin lớn nhất cho các nước đang phát triển. 

Tính đến thứ Hai tuần trước, Trung Quốc đã bán được 1,3 tỷ liều và tặng 81 triệu liều cho các quốc gia khác, chủ yếu là các loại vắc-xin do Sinovac và Sinopharm sản xuất, theo công ty tư vấn Bridge chuyên theo dõi xuất khẩu vắc xin của Trung Quốc, tờ SCMP dẫn lại.

Nhưng nhiều quốc gia lớn từng sử dụng vắc-xin Trung Quốc, bao gồm Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, đã chuyển sang các loại vắc-xin khác, chẳng hạn như loại Pfizer-BioNTech.

Thái Lan, đã sử dụng Sinovac làm mũi đầu tiên và vắc xin Oxford-AstraZeneca là mũi thứ hai, cho biết họ sẽ ngừng sử dụng Sinovac khi hết hàng trong tháng này.

Hiện các nhà quản lý Hoa Kỳ đã chấp thuận việc sử dụng vắc-xin Moderna và Johnson & Johnson làm liều tăng cường và cho phép trộn lẫn vắc-xin khi tiêm.

Tuy nhiên, vẫn chưa rõ khả năng miễn dịch sau khi sử dụng liều tăng cường ở các loại vắc-xin sử dụng các công nghệ khác nhau sẽ kéo dài bao lâu. 

Xuân Lan (theo SCMP)

Xem thêm: