Ngày 13/3, tin tức ông Tưởng Ngạn Vĩnh (Jiang Yanyong), Thiếu tướng của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), kiêm bác sĩ quân đội nghỉ hưu đã qua đời đang lan truyền trên Twitter. Ông được mệnh danh là “lương tâm của Trung Quốc”, từng tiết lộ về dịch SARS ở Bắc Kinh vào năm 2003, nhưng bị chính quyền trấn áp, bị theo dõi và hạn chế đi lại trong nhiều năm và không được quyền lên tiếng.

p3299921a751747705
Có tin đồn rằng ông Tưởng Ngạn Vĩnh (Jiang Yanyong), Thiếu tướng của Đảng Cộng sản Trung Quốc kiêm bác sĩ quân đội nghỉ hưu, đã qua đời. (Ảnh: Internet)

Sáng ngày 3/3, Bào Phác (Bao Pu), con trai của ông Bào Đồng (Bao Tong), Thư ký của cựu Tổng Bí thư ĐCSTQ Triệu Tử Dương, đã viết trên Twitter: “Tiến sĩ Tưởng Ngạn Vĩnh, người vạch trần sự che giấu dịch SARS, được biết đến với lòng can đảm dám nói ra sự thật, đã qua đời lúc 4:39 chiều ngày 12/3.”

Từng tiết lộ sự thật về dịch SARS ở Bắc Kinh

Ông Tưởng Ngạn Vĩnh sinh vào tháng 10/1931, là giám đốc Bệnh viện Đa khoa 301 của ĐCSTQ và mang quân hàm Thiếu tướng. Ra trường năm 1957, ông được phân công công tác tại Bệnh viện Đa khoa 301.

Trong Cách mạng Văn hóa (tháng 12/1967), ông bị đưa đến Trường đua ngựa Hải quân Thanh Hải để cải tạo lao động cho đến tháng 10/1971. Năm 1972, ông được đưa trở lại Bệnh viện số 301.

Vào những năm 1980, ông giữ chức vụ trưởng khoa Ngoại, chuyên mổ các khối u lớn sau phúc mạc. Ông từng mổ ung thư cho các quan chức cấp cao và thường dân, nổi tiếng là “bác sĩ thanh liêm” nhờ y thuật cao siêu và phong thái từ chối nhận bao lì xì.

Ông bị buộc phải nghỉ hưu vào năm 1993 vì không đồng ý việc đàn áp các sinh viên trong phong trào dân chủ của học sinh, sinh viên ngày 4/6/1989.

Ông đã tiết lộ với thế giới bên ngoài về dịch SARS nghiêm trọng ở Trung Quốc Đại Lục vào năm 2003.

Năm 2003, Quảng Đông, Trung Quốc đi đầu trong việc bùng phát dịch SARS. Nhưng Trung Quốc ngay lập tức che giấu, khiến dịch bệnh bùng phát và lan rộng ra toàn thế giới.

Tại cuộc họp báo do Văn phòng Thông tin của Quốc vụ viện ĐCSTQ tổ chức, ông Trương Văn Khang (Zhang Wenkang), Bộ trưởng Bộ Y tế, nói với các phóng viên truyền thông rằng chỉ có 12 ca mắc bệnh SARS ở Bắc Kinh và 3 trường hợp tử vong, và rằng dịch SARS ở Trung Quốc đã được kiểm soát hiệu quả.

Ông Trương Văn Khan cũng nói: “Mọi người đều được hoan nghênh đến Trung Quốc để du lịch và đàm phán kinh doanh. Tôi đảm bảo an toàn cho mọi người, cho dù bạn có đeo khẩu trang hay không thì cũng an toàn.”

Ngay lập tức, ông Tưởng Ngạn Vĩnh phản bác lại: “Tôi nghĩ những con số do ông Trương Văn Khang cung cấp khác xa với tình hình thực tế.”

Theo như ông biết, gần đây, Bệnh viện 302 đã tiếp nhận 40 bệnh nhân và 2 người đã tử vong; Bệnh viện 309 cũng tiếp nhận 60 bệnh nhân và 7 người đã tử vong. Ngày 4/4, giám đốc Bệnh viện 301 nơi ông phục vụ đã thông báo tại cuộc họp giao ban rằng đã có 46 bệnh nhân được xác nhận và nghi nhiễm SARS tại Bệnh viện 301.

Ông Tưởng Ngạn Vĩnh tin rằng căn bệnh này đã đạt đến tình trạng rất nghiêm trọng. Giữa tháng Tư sẽ có một lượng lớn khách du lịch Trung Quốc và nước ngoài đến thăm Bắc Kinh, rất có khả năng họ sẽ bị nhiễm SARS và có thể lây lan ra toàn quốc và khắp nơi trên thế giới. “Điều đó sẽ gây ra những hậu quả vô cùng tồi tệ cho người dân đất nước chúng ta và thế giới. Tôi có trách nhiệm phải nói với thế giới những gì tôi biết.”

Ngày 4/4/2003, ông Tưởng Ngạn Vĩnh đã viết ra tình hình mà ông biết, và lần lượt gửi email đến CCTV 4 và Phoenix TV. Câu cuối cùng là: “Tất cả những tài liệu tôi cung cấp đều là sự thật. Tôi sẽ chịu mọi trách nhiệm.”

Ông đã tiết lộ sự thật với thế giới, buộc cấp cao nhất của ĐCSTQ phải hành động. Ngày 12/4, Bộ trưởng Y tế Trương Văn Khang và Phó Bí thư Thành ủy Bắc Kinh Mạnh Học Nông (Meng Xuenong) bị cách chức.

Ngày 16/4, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố rằng tình hình dịch bệnh mà ông Tưởng Ngạn Vĩnh mô tả là đúng. Ngày hôm sau, 17/4, ông Hồ Cẩm Đào, Tổng Bí thư ĐCSTQ, tuyên bố rằng không ai được che giấu hoặc báo cáo sai sự thật về dịch bệnh.

Ông Tưởng Ngạn Vĩnh được ca ngợi rộng rãi vì “lòng dũng cảm dám phơi bày sự thật về dịch SARS, nhờ đó cứu được nhiều sinh mạng”.

Cuối năm 2019, virus viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) đã bùng phát tại Vũ Hán, Trung Quốc. Nhưng ĐCSTQ lại tuyên bố sai sự thật rằng họ có thể phòng ngừa và kiểm soát được, căn bệnh này không lây từ người sang người.

Khi đó, bác sĩ nhãn khoa Lý Văn Lượng tại Bệnh viện Trung tâm Vũ Hán, đã tiết lộ sự thật trong nhóm WeChat, nên bị cảnh sát khiển trách. Sau đó, ông không may bị lây nhiễm bệnh và qua đời vào ngày 7/2/2020 ở tuổi 34.

Là một bác sĩ, ông Lý Văn Lượng biết rõ sự nguy hiểm và khả năng lây nhiễm của virus, đồng thời ông ấy đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về sức khỏe của người dân trên toàn thế giới.

Yêu cầu cải chính tên vụ biểu tình dân chủ của học sinh, sinh viên ngày 4/6/1989

Năm 2004, vào đêm trước kỷ niệm 15 năm sự kiện ngày 4/6/1989, ông Tưởng Ngạn Vĩnh đã viết thư cho cấp cao nhất của ĐCSTQ, hy vọng cải chính tên của sự kiện ngày 4/6 tại lưỡng hội của ĐCSTQ vào tháng Ba.

Trong thư thỉnh nguyện, ông Tưởng Ngạn Vĩnh đã mô tả chi tiết cái chết và vết thương bi thảm mà ông đã tận mắt chứng kiến. Với tư cách là một bác sĩ, ông xác nhận Quân đội Cộng sản Trung Quốc đã bắn và giết những người biểu tình. Sau đó, ông bị chính quyền hạn chế xuất cảnh.

Năm 2019, vào đêm trước kỷ niệm 30 năm sự kiện ngày 4/6, ông Tưởng Ngạn Vĩnh một lần nữa viết thư cho Tổng Bí thư ĐCSTQ Tập Cận Bình, yêu cầu cải chính tên gọi sự kiện ngày 4/6/1989.

Tháng 2/2020, tờ “The Guardian” của Anh đưa tin ông Tưởng Ngạn Vĩnh bị quản thúc tại nhà riêng ở Bắc Kinh kể từ tháng 4/2019 và được đưa đến Bệnh viện 301 để điều trị nội trú.

Khi đó, vợ ông, bà Hoa Trọng Úy, nói với truyền thông Anh rằng chính quyền không cho phép ông Tưởng Ngạn Vĩnh tiếp xúc với người ngoài, sức khỏe của ông ấy không tốt và đầu óc không minh mẫn.

5032351301459
Bác sĩ Tưởng Ngạn Vĩnh và vợ Hoa Trọng Úy (Ảnh: Epoch Times)

Câu chuyện nội bộ về cấy ghép nội tạng sống trong bệnh viện quân đội của ĐCSTQ 

Trong thời kỳ diễn ra lưỡng hội của ĐCSTQ vào tháng 3/2015, trong một cuộc phỏng vấn với Đài truyền hình cáp Hồng Kông, ông Tưởng Ngạn Vĩnh đã tiết lộ nội tình tham nhũng trong quân đội.

Thậm chí ông ta còn chỉ ra rằng Chu Vĩnh Khang, cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị của Trung ương, kiêm nguyên Bí thư Ban Chính trị – Pháp luật Trung ương đã cất giấu một lượng lớn “vũ khí tối tân” trong kho bí mật.

Ông cũng tiết lộ, tình trạng cấy ghép tạng trái phép và mua bán nội tạng của tử tù diễn ra tràn lan trong các bệnh viện quân đội. Thậm chí Bệnh viện Đa khoa Quân đội 301 còn phải điều xe đến khu hành quyết để lấy nội tạng của tử tù.

Ông Tưởng Ngạn Vĩnh cho biết, nguồn cấy ghép gan ở Trung Quốc Đại Lục đến từ các tử tù đã bị kết án tử hình. Các bệnh viện gồm Bệnh viện 301 và Bệnh viện Đa khoa Quân khu Bắc Kinh đều có “Trung tâm ghép tạng”.

Các bộ phận này chủ yếu tham gia vào hoạt động bất hợp pháp như cấy ghép và buôn bán nội tạng, mang lại lợi ích kinh tế cao và cũng là nguồn thu nhập chất xám chính của bệnh viện và nhân viên y tế.

Ông cho biết để lấy được nội tạng, họ cấu kết với công an, viện kiểm sát. Mỗi khi có tử tù cần xử bắn, họ sẽ cho ô tô đến pháp trường để lấy xác. Một số tù nhân được đưa trở lại bàn mổ của bệnh viện trước khi họ bị bắn chết. Nội tạng của họ bị lấy đi để cấy ghép cho bệnh nhân, thủ đoạn rất vô nhân đạo.

Ông Tưởng Ngạn Vĩnh đã hành nghề y trong một bệnh viện quân đội trong 30 năm. Ông tiết lộ rằng vào năm 2005, ông Lý Thế Ủng, bác sĩ phẫu thuật tại Bệnh viện Đa khoa Quân khu Bắc Kinh, không hề có kinh nghiệm về cấy ghép nội tạng, lại đột nhiên treo biển “Trung tâm ghép tạng”, quảng cáo ghép gan.

Ông tuyên bố rằng ông Lý Thế Ủng có thể đã có được những người hiến gan để cấy ghép một cách bất hợp pháp nhờ các kênh của công an và viện kiểm sát, đồng thời thu lợi từ việc đó.

Vì được cựu Phó chủ tịch Quân ủy Từ Tài Hậu chống lưng, nên dù ông Lý Thế Ủng bị các bác sĩ khác tố cáo nhiều lần, nhưng tất cả đều bị bỏ qua.

Cuốn sách “Thu hoạch đẫm máu” được xuất bản vào năm 2007 của hai ông David Kilgour và David Matas cho thấy một loạt các chứng cứ chứng minh chính quyền Trung Quốc đã hậu thuẫn cho việc mổ cướp nội tạng những người tu Pháp Luân Công.

Ngày 19/5/2016, Tổ chức Thế giới Điều tra về bức hại Pháp Luân Công đã công bố một báo cáo dài hơn 210.000 chữ, chứng minh có kho nội tạng sống khổng lồ ở Trung Quốc, với nguồn chính đến từ học viên Pháp Luân Công.

Đây được cho là kết quả điều tra trong 10 năm thu thập chứng cứ, theo dõi 865 bệnh viện có hoạt động cấy ghép và hơn 9.500 bác sĩ làm nghề này, kiểm tra thông tin từ các báo cáo luận văn, kho số liệu trên các trang mạng của bệnh viện và gọi hơn 2.000 cuộc điện thoại ghi âm làm chứng.

Bình Minh (t/h)