Phóng viên Vision Times mới đây đã kết nối độc quyền với ông Tưởng Võng Chính, Phó tổng thư ký Liên minh Phong trào Dân chủ Melbourne, một trong những người đầu tiên phơi bày “sự kiện Đổng Kinh Vĩ đào thoát”. Ông Tưởng đã tiết lộ 2 nguồn gốc của thông tin này, đồng thời cũng tiết lộ với Vision Times về tình hình các Thường ủy Bộ Chính trị lên chức tại Đại hội lần thứ 20 của ĐCSTQ vào năm tới. Có nguồn tin truyền đến chỗ của ông Tưởng rằng trong khóa tiếp theo, ông Tập Cận Bình sẽ không còn là Chủ tịch nước. Dưới đây là một phần cuộc phỏng vấn của Vision Times

Tưởng Võng Chính
Ông Tưởng Võng Chính (Nguồn: Chụp màn hình Vision Times)

Ông Tập Cận Bình sẽ không còn là chủ tịch nước, mà là Chủ tịch ĐCSTQ kiêm Chủ tịch Quân ủy Trung ương?

Ông Tưởng Võng Chính nói về một phiên bản được phơi bày bởi “Nhóm thư ký (*) Đại học Hàng Châu”: Ông Tập Cận Bình không còn là chủ tịch nước nữa, mà sẽ là Chủ tịch ĐCSTQ kiêm Chủ tịch Ủy ban Quân sự Trung ương. Bí thư Thị ủy Thượng Hải – ông Lý Cường sẽ thay thế ông Lý Khắc Cường giữ chức Thủ tướng Quốc vụ viện. Ông Lý Khắc Cường sẽ giữ chức Ủy viên trưởng Ủy ban Nhân đại toàn Quốc (tương đương Chủ tịch Quốc hội), ông Triệu Lạc Tế sẽ giữ chức Chủ tịch Ủy ban Chính hiệp toàn quốc. Ông Đinh Tiết Tường sẽ thay thế ông Vương Hỗ Ninh, ông Trần Mẫn Nhĩ sẽ giữ chức Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương. Ông Hồ Xuân Hoa sẽ giữ chức Phó thủ tướng thứ nhất Quốc vụ viện. 

Ông Tưởng Võng Chính cho biết, “Phiên bản này liệu có phải là thật hay không? Tôi không đưa ra bình luận, bạn và độc giả có thể tạm thời nghe như thế”.

Ông Tưởng Võng Chính nói, tại Đại hội 20 ĐCSTQ, sự cạnh tranh giữa ông Trần Mẫn Nhĩ và ông Lý Cường sẽ gay cấn hơn. Trong thời gian lưỡng hội vào cuối năm ngoái, Bí thư Thượng Hải Lý Cường và Bí thư Trùng Khánh Trần Mẫn Nhĩ đã chạm mặt nhau tại Bắc Kinh, hai người không chào hỏi. Nhưng khi họ tham gia hội nghị, thư ký của họ vẫn là bạn bè rất tốt. 

Ông Tưởng Võng Chính còn giải thích, ông Tập Cận Bình tái nhiệm tuyệt đối không phải là vấn đề, “Nhưng vấn đề duy nhất chính là sức khỏe của ông Tập có đủ để giúp ông làm đến năm 2027 hay không. Về sức khỏe của ông, nguồn tin đáng tin cậy là: axit uric rất cao, việc axit uric của ông Tập cao không phải là bí mật.”

Còn về việc ai sẽ tiếp quản chức Chủ tịch nước, ông Tưởng Võng Chính nói ông cũng không biết.

Ông Tập Cận Bình kiềm chế thế lực của ông Vương Kỳ Sơn tiếp tục bành trướng

Đề cập đến hiện trạng của ông Vương Kỳ Sơn, ông Tưởng Võng Chính cho biết, người của ông Vương Kỳ Sơn sau năm 2018 còn lại 3 người: Một là Triệu Phượng Đồng, nguyên là Tổng thư ký Thị ủy thành phố Bắc Kinh, Bí thư Ủy ban Chính trị Pháp luật thành phố Bắc Kinh, về sau đảm nhiệm chức Tổ trưởng Tổ tuần thị Trung ương; còn có Đổng Hoành và Lý Vĩ. Đổng Hoành là thư ký của ông Vương Kỳ Sơn, cũng đã vào Tổ Tuần thị Trung ương. Lý Vĩ đảm nhiệm Phó chủ nhiệm Nhân đại thành phố Bắc Kinh, thư ký chính của ông Vương Kỳ Sơn. Từng có thông tin nói rằng Triệu Phượng Đồng đã bán đứng Lý Vĩ và Đổng Hoành. Triệu Phượng Đồng ‘lui nhưng không nghỉ’, hai thư ký của ông Vương Kỳ Sơn từng bị ‘tiền trảm hậu tấu”. Đây là dấu mốc của sự hạ màn dần dần của phe phái Vương Kỳ Sơn trong 8 phe phái của ông Tập Cận Bình. Ông Tưởng Võng Chính nói, có thể thấy gần đây, ông Tập Cận Bình sử dụng lượng lớn người Thiểm Tây, các quan chức sinh ra tại Thiểm Tây và gốc Thiểm Tây.

Ông Tưởng giải thích, mức độ rạn nứt giữa ông Vương Kỳ Sơn và ông Tập Cận Bình hiện nay chưa được coi là kịch liệt, mà là ngăn chặn ông Vương Kỳ Sơn tiếp tục bành trướng thế lực: Thực ra như đã thấy, việc bổ nhiệm Thường ủy cấp tỉnh vào năm ngoái là không có người của ông Lý Khắc Cường và Vương Kỳ Sơn. Sự chấp chính chủ yếu nhất của ĐCSTQ chính là cân bằng các phe phái, hiện tại chúng ta có thể thấy, ông Lý Khắc Cường hay ông Vương Kỳ Sơn cũng vậy, về cơ bản là ‘tướng soái không binh, dưới trướng không tướng’.

Vương Hỗ Ninh hiện tại bị gạt sang một bên

Ông Vương Hỗ Ninh liệu có phần trong nhiệm kỳ tới hay không? Ông Tưởng Võng Chính chỉ rõ, ông Vương Hộ Ninh hiện tại bị xếp xó: Hãy xem, ông Tập Cận Bình đến Thanh Hải thị sát, đằng sau đi theo là ông Đinh Tiết Tường, không phải ông Vương Hỗ Ninh. 

Vì sao lại bị xếp xó? Ông Tưởng Võng Chính không bình luận.

Phe ông Giang Trạch Dân hoàn toàn bị chèn ép

Đề cập đến phe Giang Trạch Dân, ông Tưởng Võng Chính cho biết: Hiện giờ, phe Giang hoàn toàn bị chèn ép, từ một số thông tin gần đây có thể thấy, phe phái cốt lõi của ông Tập Cận Bình, “quân mới Chiết Giang” và “quân mới Phố Giang” hy vọng một số tàn dư của phe Giang có thể đến Hồ Bắc. Ông Ưng Dũng của Hồ Bắc có thể không đảm nhiệm Bí thư thị ủy Trùng Khánh mà làm Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Thương mại Vương Văn Đào sẽ làm Bí thư tỉnh ủy Hồ Bắc. Họ hy vọng những tàn quân của phe Giang như Giang Miên Hằng, Giang Miên Khang có thể rời Thượng Hải đến Hồ Bắc. Hiện tại, tàn quân của phe Giang về cơ bản đã không còn tiếng nói, duy nhất còn sót lại chính là người của ông Hàn Chính ở Thượng Hải. Những người này thực ra cũng đang bị ‘đánh’, ví dụ như ông Cầu Tân – người anh em của Hàn Chính, vốn từng đảm nhiệm Phó trưởng Ban tuyên truyền Thành phố Thượng Hải. Hiện tại ông ta một lòng muốn làm Bí thư Đảng ủy Đại học Phúc Đán nhưng tôi thấy Cầu Tân không có cơ hội quá lớn.

Ông Tưởng Võng Chính nói thế lực Giang Trạch Dân, Tăng Khánh Hồng hoàn toàn trong trạng thái dần biến mất hết: Hiện giờ có thể thấy, lần này Dương Hùng qua đời, Giang Miên Hằng, Giang Miên Khang là đi cửa sau, đi đường của người nhà. Tôi là người đầu tiên tiết lộ ra thông tin Dương Hùng qua đời. Tôi là người bị ĐCSTQ bôi nhọ, cho nên có rất nhiều truyền thông không dám phỏng vấn tôi. Tôi vẫn luôn chú ý xem Giang Miên Hằng và Giang Miên Khang liệu có đến cúi bái trước linh cữu Dương Hùng hay không, bởi vì đối với gia đình họ Giang mà nói thì Dương Hùng là ‘gia thần’ trong nhà. Về sau thông tin đưa đến nói là Giang Miên Hằng và Giang Miên Khang đã đến hiện trường lễ truy điệu Dương Hùng, nhưng họ không đi cửa trước, mà đi đường của người nhà. Giang Miên Hằng và Giang Miên Khang có tính cách ngang ngược, nhưng điều này đã đánh dấu sự tàn lụi của thế lực nhà họ Giang.

Hạ Bảo Long đảm nhiệm chức Chủ nhiệm Văn phòng Vấn đề Hồng Kông – Ma Cao, là Tập Cận Bình để ông ta đi “giết người”

Nói về cục diện tại Hồng Kông, ông Tưởng Võng Chính cho biết: Dịch viêm phổi Vũ Hán phát triển đến giai đoạn giữa và cuối, có thể thấy, điểm tăng trưởng kinh tế duy nhất của ĐCSTQ không phải là Trung Quốc Đại Lục, không phải là Bắc Kinh, Chiết Giang, Thượng Hải, mà là Hồng Kông. Cho nên, lượng lớn doanh nghiệp Trung Quốc đều chạy đến Hồng Kông để niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Thực ra, ông Hạ Bảo Long giữ chức Chủ nhiệm Văn phòng Vấn đề Hồng Kông – Ma Cao chính là do ông Tập Cận Bình để ông ta đi giết người. Ông Hạ Bảo Long không phải là đại diện của nhóm quân mới Chiết Giang, là khi ông Tập Cận Bình và ông Lã Tổ Thiện chấp chính ở Chiết Giang, một vài cách làm của ông Tập Cận Bình quá thô bạo, đã động chạm đến một số lợi ích của nguyên Bí thư thị ủy Hàng Châu Vương Quốc Bình, cho nên Hạ Bảo Long là nhánh chính của phe Giang Trạch Dân đã đến Chiết Giang để trông coi Tập Cận Bình. 

Về sau, sau khi ông Tập rời Chiết Giang đến Thượng Hải, giữa ông Hạ Bảo Long và Lý Cường xảy ra đấu tranh kịch liệt. Nếu có thể tìm đọc được ghi chép hội nghị mở rộng của nguyên Thường ủy tỉnh ủy Chiết Giang, có thể biết được Hạ Bảo Long cùng Trần Mẫn Nhĩ đấu tranh kịch liệt với Lý Cường, Vương Hỗ Ninh và Thái Kỳ. Hạ Bảo Long xác thực là một người rất lợi hại. Nếu Hạ Bảo Long không phải là vì ngăn chặn sự tăng trưởng quân mới của ông Tập Cận Bình tại Chiết Giang, như thế thì ông Hạ Bảo Long hiện tại tuyệt đối không phải chỉ là Chủ nhiệm Văn phòng Vấn đề Hồng Kông – Ma Cao mà thôi, ít nhất có thể là ủy viên Bộ Chính trị Trung ương. 

Đối với Hạ Bảo Long, dùng nguồn tin ở Chiết Giang của tôi mà nói thì là “trảm Hoàng Khôn Minh xuống ngựa”. Hoàng Khôn Minh từ chức Bí thư thị ủy Hàng Châu bị Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật bắt đi, không phải là đến Bắc Kinh nhậm chức. Lý lịch của Hoàng Khôn Minh có ‘thời kỳ chân không’ 6 tháng, về sau là Tập Cận Bình đã giữ lại Hoàng Khôn Minh. “Trảm Hoàng Khôn Minh xuống ngựa, đá Thái Kỳ ra khỏi Chiết Giang”, Thái Kỳ bị đá khỏi chức vụ Phó tỉnh trưởng Chiết Giang. Còn có “chèn Lý Cường bật khỏi Giang Tô”, Hạ Bảo Long chính là ngăn chặn sự tăng trưởng quân mới ở Chiết Giang. Do đó, sau khi Tập Cận Bình nắm đại quyền, hiện tại đội ngũ trong tay của ông ta, quân mới Chiết Giang là bị đứt đoạn. 

Nếu Hạ Bảo Long “trảm Hoàng Khôn Minh xuống ngựa, đá Thái Kỳ ra khỏi Chiết Giang, chèn Lý Cường khỏi Giang Tô”, vậy thì Bí thư thị ủy Thượng Hải Lý Cường, Bộ trưởng Tuyên truyền Trung ương Hoàng Khôn Minh, Bí thư thị ủy Bắc Kinh Thái Kỳ sẽ rất căm hận Hạ Bảo Long. Vậy thì vì sao ông Tập Cận Bình lại tái dùng một người đã nghỉ hưu như Hạ Bảo Long? Bởi vì Tập Cận Bình biết Hạ Bảo Long là vai hung ác. Trong phong trào phản đối Dự luật Dẫn độ tại Hồng Kông, Hạ Bảo Long đã làm một cách độc nhất vô nhị, thậm chí chấn động một số thứ cơ bản nhất của ĐCSTQ tại Quảng Đông và Hồng Kông, vì vậy Tập Cận Bình mới cử Hạ Bảo Long. Vì vậy Hạ Bảo Long đi đến Hồng Kông chính là để giết người. 

Giơ cờ đỏ chống cờ đỏ

Trong buổi kết nối trực tuyến với phóng viên Vision Times, phía sau lưng ông Tưởng Võng Chính có một bức chữ viết, ông nói: “Bức tranh chữ này là bút tích thật của ông Tập Cận Bình, và là chữ được viết sau khi ông Tập Cận Bình chấp chính. Những chữ khác của ông Tập Cận Bình viết không đẹp, nhưng có 4 chữ này viết rất đẹp, chính là “Tráng chí lăng vân” (chí khí ngút trời). Bạn có thể thấy rất nhiều nơi đều có chữ này. Nhưng cơ bản chữ của người khác không dám dùng nền màu vàng, mà cơ bản là dùng nền trắng.”

Ông giải thích: “Bức tranh chữ này không phải ông Tập Cận Bình tặng tôi, mà là một trong số những người chủ chốt bên cạnh ông ấy tặng tôi. Bản thân tôi là một người sưu tầm văn hóa bàn ăn trong thời kỳ cầm quyền của Tập Cận Bình ở Chiết Giang.”

Ông Tưởng Võng Chính hiện là Phó tổng thư ký Liên minh Phong trào Dân chủ Melbourne. Ông cho biết bản thân cũng đang thúc đẩy tiến trình dân chủ Trung Quốc: “Vì sao tôi lại treo chữ của ông Tập Cận Bình ở đây? Việc này chính là điển hình của hiệu quả cầm cờ đỏ chống cờ đỏ, chỉ như thế thôi.”

Ông Tưởng Võng Chính nhắc đến việc ông Tập Cận Bình nói rõ sau khi đưa bức tranh chữ này ra, “Khi tôi còn ngồi ở vị trí này, các vị không được treo, sau khi tôi rút lui lại thì các vị có thể treo”. “Hiện tại xem ra ông Tập Cận Bình cũng sẽ không lui nữa, nên tôi mới treo nó lên”, ông Tưởng nói. 

Nhưng là ai tiếp quản chức Chủ tịch nước ĐCSTQ, và vị trí này đánh dấu ê-kíp lãnh đạo tiếp theo của ĐCSTQ, sự hồi hộp này chỉ có thể để lại cho độc giả tự giải thích. 

Chuyên gia vấn đề Trung Quốc Gordon Chang hôm 19/6 đã trả lời phỏng vấn của kênh truyền thông Mỹ Newsmax. Ông cho rằng tin đồn “Đổng Kinh Vĩ đầu hàng” rất có tính bùng nổ. “Làm như thế này sẽ kéo đổ hệ thống chính trị của ĐCSTQ”, bởi vì ông Tập Cận Bình có thể được coi là chịu trách cho việc này, hơn nữa có khả năng sẽ “xuất hiện một người thống trị mới sau một đêm, điều này có thể dẫn đến xáo động cục diện chính trị của ĐCSTQ”, ông Gordon Chang nói.

Cách đây 10 năm (năm 2011), Mao Tân Vũ – cháu ruột của Mao Trạch Đông đã vô ý ‘nguyền rủa’ khi chúc thọ ĐCSTQ 90 tuổi. Mao Tân Vũ đã viết chữ “sống lâu trăm tuổi” để chúc mừng ĐCSTQ. Năm nay đúng thời điểm ĐCSTQ 100 tuổi, nhiều người đùa rằng Mao Tân Vũ đã ‘dự ngôn’ ĐCSTQ ‘mất’ vào năm 2021.  

Lý Quân, Dương Hạo, Vision Times

Ghi chú:

(*): Theo Baike, “nhóm thư ký” là chỉ sau Đại hội 18, một số quan chức “ngã ngựa” từng làm chức vụ thư ký cho lãnh đạo cấp chính quốc nào đó. 

Xem thêm: