Chính sách phòng dịch cực đoan của Đảng Cộng sản Trung Quốc ( ĐCSTQ) đã khiến người dân ngày càng bất mãn, các cuộc biểu tình chống phong tỏa đã bùng nổ ở nhiều nơi, các video và bài đăng được chia sẻ trên mạng đã nhanh chóng bị chính quyền ngăn chặn và gỡ bỏ. Cư dân mạng đã nghĩ ra cách chia sẻ lại phát biểu của ông Tập Trọng Huân, cha của ông Tập Cận Bình, để chống lại việc xóa bài đăng.

id12872835 Xizhongshun
Ông Tập Trọng Huân bị đấu tố tại Đại học Nông nghiệp Tây Bắc, Trung Quốc. (Ảnh: Wikipedia)

Trong hai tháng qua, các cuộc biểu tình của công chúng, chống lại chính sách phòng chống và kiểm soát dịch cực đoan của ĐCSTQ, đã liên tục nối tiếp nhau. Cùng với việc người dân thức tỉnh, trên các mạng xã hội tại Đại Lục như Weibo, WeChat, cũng liên tiếp xuất hiện lượng lớn các video và bài viết lên án biện pháp phòng dịch, tiết lộ sự thật về xét nghiệm axit nucleic, và cả việc mượn World Cup để châm biếm ĐCSTQ.

Điều này khiến một số cư dân mạng ở nước ngoài cảm thấy như thể họ đang xem Twitter. Còn ĐCSTQ như ‘chim sợ cành cong’, xóa các bài đăng và video điên cuồng hơn trước, chẳng hạn nội dung liên quan đến cuộc biểu tình của nhân viên Foxconn ở Trịnh Châu. Sau vụ hỏa hoạn chung cư ở Urumqi, Tân Cương, sinh viên ở nhiều nơi đã tưởng niệm và la ó phản đối, ĐCSTQ càng tăng cường kiểm duyệt gắt gao hơn.

Tuy nhiên, người dân Hoa Lục đã nghĩ ra cách đối phó. Họ chuyển tiếp bài đăng “Tập Trọng Huân: Cần cho phép nhân dân nói” trên mạng xã hội, để gửi đi thông điệp thể hiện sự bất mãn. Ông Tập Trọng Huân (Xi Zhongxun) là cha của ông Tập Cận Bình, nội dung trong bài đăng được chọn lọc từ “Tiểu sử Tập Trọng Huân”.

Bài viết nói rằng liên quan đến vấn đề dân chủ và người dân lên tiếng, ông Tập Trọng Huân từng tỏ rõ thái độ, và đã hơn một lần thể hiện điều đó trong các dịp chính thức. Ví dụ: “Kiên trì cầu thị, mọi việc đều xuất phát từ thực tế, bất kể ai nói điều gì, bất kể cuốn sách đó là gì, miễn là nó không phù hợp với thực tế, thì không thể rập khuôn theo, và nếu làm sai thì đều phải sửa.”

“Cần phải cho nhân dân nói, khích lệ người dân quan tâm đến quốc gia đại sự.”

“Một chính đảng cách mạng chỉ sợ không nghe được tiếng nói của người dân, đáng sợ nhất là lặng ngắt như tờ.”

“Sợ dân chủ là biểu hiện của bệnh suy nhược thần kinh. Về vấn đề này, chúng ta phải tin rằng đại đa số quần chúng sẽ trân trọng quyền dân chủ của mình.”

“Nhất định cần xử lý chính xác mâu thuẫn nội bộ, quyết không được cho phép đối đãi người dân như kẻ thù giai cấp.”

“Nếu đất nước muốn duy trì sự ổn định lâu dài thì phải dựa vào sự phát triển của nền dân chủ và sự hoàn thiện của hệ thống luật pháp.”

“Chúng ta không được đứng trên đầu người dân. Nếu cán bộ của chúng ta bị người khác coi là ‘quan’, ‘là quan lớn’ thì rất tệ.”

“Dù làm quan lớn ngần nào, thì cũng đừng quên rằng cần cù thật thà phục vụ người dân, chân thành nghĩ cho người dân, cần gắn liền với quần chúng, gần gũi với quần chúng.”

“Có nói bao nhiêu lời cũng vô ích, cải thiện mức sống của người dân là cách duy nhất. Nếu không, người dân sẽ chỉ bỏ phiếu bằng đôi chân của mình.”

Ông Tập Trọng Huân đã bị cầm tù hơn 10 năm dưới thời Mao Trạch Đông, ông hiểu rõ rằng chế độ độc tài thời Mao không thể tiếp tục ở Trung Quốc. Nếu ĐCSTQ muốn giữ chính quyền thì phải phát triển dân chủ và hệ thống pháp luật, hãy lắng nghe dân ý, cho phép người dân lên tiếng, giám sát ĐCSTQ, đồng thời cải thiện nền kinh tế và để người dân có cuộc sống tốt đẹp.

Không chỉ ông Tập Trọng Huân, người đã chịu nhiều đau khổ, đã nhìn thấy những vấn đề của thể chế ĐCSTQ và tác hại đối với người dân, mà còn có nhiều người có tài năng biết nhìn xa trông rộng trong ĐCSTQ cũng nhìn thấy. Ví dụ, ông Vạn Lý (Wan Li) cựu Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (Nhân đại toàn quốc) của ĐCSTQ, đã có một cuộc trò chuyện với một giáo sư trẻ tại trường đảng vào năm 2009, điều này đã được truyền thông nước ngoài tiết lộ. Ông Vạn Lý chỉ ra, ĐCSTQ đến nay đều không đăng ký ở bất kỳ bộ phận nào. Nó là một tổ chức bất hợp pháp, yêu đảng là không phải là yêu nước.

Theo lý mà nói, con trai phải thừa kế ý chí của người cha. Ban đầu, trong 5 năm đầu kể từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền vào năm 2012, cũng từng giương cao lá cờ “pháp trị”, thúc đẩy “trị quốc bằng pháp luật”, đồng thời sử dụng danh nghĩa chống tham nhũng đã bắt giữ và xử lý nhiều quan chức bức hại thiện lương, loại bỏ chế độ giáo dục cải tạo, thực hiện “có án ắt sẽ lập”, v.v., đã chiếm được cảm tình của một bộ phận người dân. Ông Tập Cận Bình cũng tuyên bố tại một cuộc họp mở rộng của Bộ Chính trị Trung ương ĐCSTQ vào tháng 6/2015, rằng ĐCSTQ đã phải đối mặt với nguy cơ vong đảng và hủy hoại đất nước, cần dũng cảm đối diện, chấp nhận và thừa nhận sự thực này.

Tuy nhiên, có thể bị ảnh hưởng quá sâu bởi bóng ma tà ác của ĐCSTQ, hoặc có thể bị thể chế của ĐCSTQ ép buộc, hoặc có thể là do không muốn bị mất quyền lực, nên năm 2017, ông Tập Cận Bình được rèn giũa thành “hạt nhân mới”, không những “không quên tâm nguyện ban đầu”, mà còn đưa ra tư tưởng mới, sau được phong lên “đàn thờ”, bài hát, chủ đề nghiên cứu, bài viết, sách tâng bốc ông lần lượt phát hành. Trong khi khơi dậy linh hồn của Marx, họ cũng không quên quảng bá tư tưởng của Tập là thể hiện mới của Trung Quốc hóa Marx, và còn muốn chỉ điểm thế giới xây dựng “cộng đồng nhân loại cùng chung vận mệnh”.

Đồng thời, cuộc đàn áp vẫn tiếp diễn, luật sư nhân quyền vẫn bị đàn áp, dân oan vẫn bị giết, lợi ích của người dân vẫn bị xâm phạm trên diện rộng, tiếng nói của người dân bị bịt miệng… Cho đến ngày nay, dân chủ, pháp quyền, và “người dân là trên hết” đã trở thành một màn phô trương, tiếng nói của người dân đã nhiều lần bị đàn áp, đặc biệt là tiếng nói của người dân chống lại việc phòng chống dịch bệnh cực đoan và xét nghiệm axit nucleic. Theo ông Tập Trọng Huân, nỗi sợ dân chủ này là một biểu hiện của “suy nhược thần kinh.”

Lấy những lời của ông Tập Trọng Huân để đối chiếu, thì sẽ cảm thấy rất mỉa mai, ông Tập Trong Huân dường như đang phê bình con trai của mình từ xa: Một người thường nói “nhân dân trên hết”, nói có nhiều và có hay thế nào, nhưng nếu không nâng cao mức sống của người dân thì đều là vô dụng. Hãy nhìn tình hình kinh tế suy thoái hiện nay, người dân chật vật mưu sinh, lòng người đầy bất bình, rất nhiều người bỏ phiếu bằng chân, rốt cuộc trách nhiệm thuộc về ai?

Bài viết của ông Tập Trọng Huân thể hiện một số suy nghĩ của người dân đã được đăng lại nhiều lần để phản đối lỗi 404 (lỗi báo không tìm thấy bài viết, bị xoá bài). Điều này thực sự rất thú vị, và chắc chắn nó khiến mặt mũi của ông Tập Cận Bình, người mới tái đắc cử, không đẹp đẽ gì.

Đối với ông Tập, người đang ở trong tình thế khó khăn hiện nay, rốt cuộc nên đi theo con đường nào? Báo cáo tại Đại hội 20 và động thái cưỡng chế “đưa” ông Hồ Cẩm Đào ra khỏi hội trường, cho đến thúc đẩy quay trở lại mô hình hợp tác xã cung cấp tiêu thụ, đối tác công tư, đều đã lộ ra đầu mối. Tuy nhiên, đi theo con đường này chắc chắn sẽ đi vào ngõ cụt, và ngay cả ông Tập Trọng Huân cũng đã nhận ra điều đó từ lâu.

Ông Tập Trọng Huân cũng đã nói điều này tại một hội nghị chuyên đề dành cho các lão cán bộ vào tháng 5/1986: “Có hai con đường trước mặt chúng ta, một là con đường pháp trị. Pháp trị là phương thức quản lý xã hội tốt nhất của chính phủ hiện đại, cũng là lựa chọn tốt nhất cho chúng ta bước ra khỏi khó khăn và hướng tới ngày mai; Một là khôi phục lại và tiếp tục con đường cũ “chính phủ toàn năng” tức “con người cai trị”, dựa vào một nhà lãnh đạo vĩ đại để ra lệnh, sử dụng các phương pháp kinh tế kế hoạch hoặc thậm chí độc quyền để giải quyết vấn đề trong lĩnh vực kinh tế hoặc bóc lột tầng tầng lớp lớp, và dựa vào việc học các bài phát biểu hoặc tư tưởng của lãnh đạo để làm việc và giáo dục đạo đức để giải quyết các vấn đề dùng quyền mưu cầu tư lợi. Dùng tăng cường kỷ cương để giải quyết vấn đề đúng sai trong giới tư tưởng, lý luận và văn hóa. Nếu vẫn như thế này thì đồng chí Đặng Tiểu Bình dù có sống cả trăm tuổi, cũng không thể giải được sự chuyển biến của hệ thống của chúng ta.” Đoạn trích này được đăng trên trang mạng của tạp chí lý luận “Cầu Thị” của ĐCSTQ vào năm 2014.

Rõ ràng, cách duy nhất để ông Tập Cận Bình thoát khỏi tình thế khó khăn là đi theo con đường dân chủ pháp trị, và tiền đề của nền dân chủ pháp trị này tuyệt đối không phải là kiên trì theo sự lãnh đạo của ĐCSTQ. Hãy nghe những tiếng hô “Đảng Cộng sản hạ đài” vừa được người dân Thượng Hải thốt ra, hãy nhìn sự phẫn nộ của người dân từ nam chí bắc và từ tây sang đông, hãy nghĩ về lời dạy của cha mình, nếu tầng cao nhất của Trung Nam Hải không lắng nghe dư luận, đến khi hối hận thì đã quá muộn.

Chu Hiểu Huy
(Bài viết thể hiện quan điểm riêng của cá nhân tác giả, được đăng trên Epoch Times.)