Ngày 23/2, cô Tiêu Vĩnh Khang, một học viên Pháp Luân Công ở huyện Hoa Viên, thành phố Tương Tây, tỉnh Hồ Nam, đã trở về nhà sau 4 năm tù oan. Trong nhà tù nữ Trường Sa, cô bị giám đốc, phó giám đốc nhà giam, và đội trưởng giám sát cùng các tù nhân tra tấn và khủng bố man rợ.

id13685910 e4324fa5f224f94b5d340ead3c2fc39a 600x400 1
Hình ảnh cô Tiêu Vĩnh Khang bị giam giữ. Cô đã bị bức hại dã man suốt 4 năm bị giam giữ phi pháp tại nhà tù nữ Trường Sa. (Ảnh: Minghui.org)

Cô Tiêu Vĩnh Khang giống như hàng ngàn học viên Pháp Luân Công khác, đã bị kết án bất hợp pháp chỉ vì tu luyện Pháp Luân Công và tin vào “Chân – Thiện – Nhẫn”.

Trang Minghui.org đưa tin, cô Tiêu Vĩnh Khang sống ở làng Nga Bích, huyện Hoa Nam, thành phố Tương Tây, tỉnh Hồ Nam, tu luyện Pháp Luân Công, rất khỏe mạnh và lương thiện. 4h chiều ngày 23/2/2018, một nhóm người đã đột nhập vào nhà cô và tịch thu các sách Pháp Luân Công, cùng một số tài liệu nói rõ sự thật về cuộc bức hại môn tu luyện này tại Trung Quốc. Thời điểm đó chỉ có cô con gái 12 tuổi ở nhà.

Ngày hôm sau, cô đến Phòng 610 (cơ quan chuyên đàn áp Pháp Luân Công) đòi lại sách, nhưng đã bị 7, 8 cảnh sát của đội an ninh quốc gia bắt cóc.

Ngày 30/10/2018, cô bị Tòa án huyện Hoa Viên kết án 4 năm tù phi pháp. Ngày 20/3/2019, cô bị đưa đến nhà tù nữ Trường Sa và bị đàn áp dã man.

Trong tù, cô Tiêu Vĩnh Khang đã không hợp tác, chẳng hạn như không nói “báo cáo, tôi là tội phạm gì đó” vì nghĩ mình không phải là tội phạm. Cô cũng không học thuộc nội quy nhà tù, vì vậy đã bị phạt đứng từ sáng đến tối liên tục suốt 70 ngày. Hàng ngày họ không cho cô ấy ngủ hay đi vệ sinh.

Đội trưởng giám sát Tư Bình đã rưới nước ớt lên mặt, vào mắt và vào người cô. Tội phạm hình sự Hồ Mai Hoa còn dùng đầu bút nước đâm vào người cô.

Khi một số tù nhân nói rằng Pháp Luân Công không tốt, cô Tiêu Vĩnh Khang đứng ra bảo vệ Pháp Luân Công và bị Trưởng phòng giam Trần Vệ Bình túm tóc, ra lệnh cho các tù nhân khác đổ nước tiểu lên người cô, khiến tóc và quần áo của cô đều bẩn và rùng mình vì lạnh.

Có lần cô Tiêu Vĩnh Khang bị đội trưởng giám sát Đường Ảnh, Lưu Thiên và nam cảnh sát Hà tát vào mặt, đá vào chân, khiến cô vô cùng đau đớn.

Ngày 8/1/2022, cảnh sát đưa cho cô Tiêu Vĩnh Khang một tờ giấy, yêu cầu cô viết “ngũ thư” (tức “bản cam kết” từ bỏ tu luyện, v.v.), nhưng cô Tiêu từ chối. Sau đó, cảnh sát đã chỉ đạo tù nhân ấn cô Tiêu Vĩnh Khang xuống đất, đánh vào lưng, vào chân cô một cách bừa bãi. Khi cảm thấy mình sắp bị đánh chết, cô vẫn thấy tay mình bị kéo lên giấy để viết gì đó.

Về vụ án này, phóng viên Epoch Times đã phỏng vấn ông Ngô Thiệu Bình, một luật sư nhân quyền người Đại Lục sống ở Hoa Kỳ và ông Lại Kiến Bình, thạc sĩ luật quốc tế từ Đại học Khoa học Chính trị và Luật Trung Quốc, sống ở Canada. Hai chuyên gia chỉ ra rằng bản án đối với các học viên Pháp Luân Công là hoàn toàn bất hợp pháp, họ bị tra tấn bởi sự tà ác của thể chế Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) gây ra.

Ông Lại Kiến Bình cho rằng nếu các học viên Pháp Luân Công hoặc bất kỳ ai bị kết án vì quyền tự do ngôn luận, thì đó hoàn toàn là sự ngụy tạo. Đó là cách thức đàn áp phi pháp của chính phủ, là những bản án oan, không có bất kỳ cơ sở pháp lý nào, và là một cuộc đàn áp nhằm vào công dân Trung Quốc.

Luật sư Ngô Thiệu Bình cho rằng đây là một vụ án “dân thường vô tội, vì mang ngọc nên có tội” (tùy tiện định tội cho người dân) điển hình, là một hành vi bất hợp pháp được thực hiện thông qua Phòng 610, lực lượng an ninh quốc gia, viện kiểm sát và tòa án của ĐCSTQ.

Điển cố “dân thường vô tội, vì mang ngọc nên có tội” (Thất phu vô tội, hoài bích kỳ tội) xuất phát từ “Xuân Thu Tả Truyện”, nghĩa là những người dân thường vốn vô tội, nhưng lại bị kết án vì thân mang ngọc quý.

Ông Ngô Thiệu Bình nói: “‘Cơ sở pháp lý’ của ĐCSTQ là Điều 300 của Luật Hình sự và các giải thích tư pháp liên quan. Những quy định này đều vi phạm ‘hiến pháp giả’ của ĐCSTQ về tự do tín ngưỡng, và các công ước quốc tế về quyền con người có liên quan mà ĐCSTQ tham gia.”

Ông nói, ĐCSTQ không dám trực tiếp gọi Pháp Luân Công là tà giáo, bởi vì không có quy định rõ ràng rằng “Pháp Luân Công” là tà giáo. Nhưng ĐCSTQ lại ủy quyền cho tòa án xác định một phương thức để định nghĩa về tà giáo, và yêu cầu tòa án xét xử phân loại Pháp Luân Công là tà giáo. Đó là kết quả của sự thao túng chính trị của ĐCSTQ.

Pháp Luân Công dạy mọi người thực hành “Chân – Thiện – Nhẫn” trong cuộc sống, giúp các học viên khỏe mạnh về thể chất và tinh thần. Đến nay, Pháp Luân Công đã có mặt tại hơn 100 quốc gia và giành được hơn 3.000 giải thưởng quốc tế. Năm 1999, cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân đã phát động cuộc đàn áp Pháp Luân Công với quy mô chưa từng có.

Luật sư Ngô Thiệu Bình nói rằng việc tra tấn những người bị giam giữ dưới nhiều hình thức khác nhau trong tù đã vi phạm Điều 14 của Luật Nhà tù do chính ĐCSTQ xây dựng. Những hành vi này gồm: tra tấn bức cung, dùng nhục hình hoặc ngược đãi tù nhân; xúc phạm nhân cách của họ; đánh đập hoặc dung túng cho người khác đánh đập tù nhân; chuyển giao quyền giám sát họ cho người khác một cách bất hợp pháp, v.v.

Ông Lại Kiến Bình nói rằng luật pháp của ĐCSTQ cũng được viết rất rõ ràng, nói rằng họ phải bảo vệ các quyền con người cơ bản của công dân được cộng đồng quốc tế công nhận, tức là, dù họ là tội phạm hay nghi phạm, thì không ai được phép ngược đãi họ về tinh thần hoặc thể chất, làm nhục hoặc đánh đập, mắng mỏ, tra tấn họ để bức cung.

Một số quản giáo còn sử dụng nhiều biện pháp khác nhau, như dùng lời nói, tinh thần, tra tấn bạo lực một cách trực tiếp hoặc gián tiếp để lăng mạ, xâm phạm nhân thể, bạo lực thân thể, ngược đãi tinh thần, hạ nhục người khác… Bản thân các hành vi này đã vi phạm pháp luật và đều phạm tội.

Ông Lại Kiến Bình tin rằng: “Bản thân hệ thống nhà tù, hệ thống trại giam của ĐCSTQ là một nơi ngược đãi, khiến tinh thần và thể chất của tất cả mọi người hoàn toàn không ra hình người, như vậy họ mới đạt được mục đích chuyên chế, bạo chính.”

Bất kỳ ai vào trại giam hoặc nhà tù của ĐCSTQ sẽ không có bất kỳ sự bảo vệ pháp lý nào đối với nhân phẩm và quyền cơ bản của họ với tư cách là con người. Rất nhiều người đã bị tra tấn, bức hại và giết chết trong các nhà tù, nhưng lại bị “mắt nhắm mắt mở cho qua” và không ai bị truy cứu trách nhiệm.

“Vì vậy, vấn đề này mang tính thể chế, phổ biến, và là kết quả tất yếu bên trong logic của chính bản thân chế độ chuyên quyền này.”

Bình Minh (t/h)