Ngày 17/6/2011, nghiên cứu sinh Ngô Hằng (Wu Heng) thuộc Đại học Hạ Môn đã phối hợp cùng 33 người tình nguyện đã cho công bố “Kho số liệu thông tin Vấn đề An toàn thực phẩm Trung Quốc 2004 – 2011”. Tháng 4/2012, Ngô Hằng đã sáng lập trang mạng “ném ra ngoài cửa sổ” (zccw.info) thu thập số liệu hơn 3000 loại thực phẩm độc hại trên toàn Trung Quốc (bắt đầu từ năm 2004).

Năm 2012, Thạc sĩ Ngô Hằng đã mở trang mạng “Ném ra ngoài cửa sổ” (zccw.info) công bố kho dữ liệu thông tin về vấn đề an toàn thực phẩm Trung Quốc từ năm 2004 – 2011.
Năm 2012, Thạc sĩ Ngô Hằng đã mở trang mạng “Ném ra ngoài cửa sổ” (zccw.info) công bố kho dữ liệu thông tin về vấn đề an toàn thực phẩm Trung Quốc từ năm 2004 – 2011.

Nhiều người chỉ ra, thảm cảnh thực phẩm độc hại tràn lan ở Trung Quốc ngày nay là do bọn gian thương bất lương tung hoành ngang dọc mà không có cơ quan nào kiểm soát; vì lòng tham của con người không có đáy khiến tình trạng giả dối lên ngôi. Trước nguy cơ thực phẩm ngày càng đáng báo động này, người dân Trung Quốc phải trả giá bằng chính sức khỏe, thứ quý giá nhất của cuộc đời mỗi người.

Tràn lan thực phẩm độc hại

Trên trang mạng “ném ra cửa sổ” (zccw.info) cung cấp “bản đồ tình hình an toàn thực phẩm Trung Quốc”. Bản đồ hiển thị theo 5 loại màu sắc, theo đó tình hình thực phẩm độc hại ở Trung Quốc từ 2004 – 2011 chỉ tăng chứ không giảm, phạm vi bao quát càng ngày càng rộng.

bản đồ tình hình an toàn thực phẩm Trung Quốc”
Bản đồ tình hình an toàn thực phẩm Trung Quốc”

Năm 2004, tại thành phố Phụ Dương tỉnh An Huy đã xảy ra sự cố 12 em bé bị thiệt mạng vì dùng phải sữa kém chất lượng. Kể từ đây, vấn đề an toàn thực phẩm ở Trung Quốc được đặc biệt chú ý. Nhưng cho dù mọi người bày tỏ lo lắng, tranh luận và chất vấn thì vấn đề không những không được giải quyết, ngược lại ngày càng phát triển táo tợn hơn.

Năm 2008, sự kiện sữa nhiễm độc Melamine ở Trung Quốc cũng đã gây chấn động dư luận cả Trung Quốc và quốc tế. Nhiều trẻ nhỏ dùng sữa của tập đoàn Tam Lộc ở Thạch Gia Trang tỉnh Hà Bắc bị phát hiện mắc bệnh sỏi thận. Qua kiểm tra cho thấy sữa Tam Lộc có melamine và axit cyanuric. Thời điểm sự kiện bị đưa ra ánh sáng vào tháng Chín thì đã có 4 trẻ sơ sinh thiệt mạng vì sữa nhiễm độc, hơn 60.000 trẻ bị nhiễm bệnh. Sau khi Trung Quốc tiến hành kiểm tra trên phạm vi rộng thì phát hiện, trong 109 cơ sở chế biến sữa bột đã phát hiện sản phẩm của 22 cơ sở có melamine. Ngoài ra, chất hóa học này cũng có trong nhiều chế phẩm từ sữa, gồm cả sản phẩm kẹo thương hiệu Thỏ Trắng. Sự kiện đã khiến công chúng một phen phẫn nộ, còn nhiều quốc gia thì cấm nhập khẩu sữa và chế phẩm từ sữa có nguồn gốc Trung Quốc.

Theo tạp chí Tân Kỷ Nguyên đưa tin, ngày 17/11/2008, trang mạng Boxun đưa ra tư liệu của Phó Cục trưởng Cục Vệ sinh thành phố Bắc Kinh cho biết, tính đến cuối tháng Mười năm đó, số trường hợp bị nhiễm bệnh vì sữa độc trên toàn Trung Quốc là hơn 3.752.821 trường hợp, trong đó 66% dưới 10 tuổi; số ca tử vong là 33.989 trường hợp, trong đó 77% là trẻ nhỏ dưới 10 tuổi. Ngày 1/12, chính phủ Trung Quốc bất ngờ cho công bố số liệu về sữa nhiễm độc làm 300.000 trẻ bị bệnh hệ thống tiết niệu.

Tháng 6/2011, truyền thông Trung Quốc hé mở một góc núi băng liên quan đến ngành công nghiệp dầu ăn Bắc Kinh và Thiên Tân. Điều tra phát hiện tồn tại hang ổ gia công “dầu cống ngầm” (dầu làm từ các chất phế thải, thực phẩm bẩn, dầu đã qua sử dụng…) trên quy mô lớn với sản lượng mỗi ngày lên đến cả chục tấn. Loại “dầu thải” này tiêu thụ vào các doanh nghiệp chế biến thực phẩm, công trường, các chợ, và thậm chí đi vào cả một số siêu thị.

Những năm qua, bảng danh sách đen sản phẩm nhiễm độc ở Trung Quốc càng ngày càng dài, danh mục sản phẩm càng đa dạng, không gì không có. Tháng 3/2011, clenbuterol trong thịt của tập đoàn Shuanghui; tháng 4/2011, bánh bao nhiễm độc của thực phẩm Lu Sheng Thượng Hải, giá độc Thẩm Dương; tháng 4/2012, bao con nhộng phế liệu da công nghiệp. Năm 2013, sự kiện gạo có cadmium vượt mức tại Phúc Kiến và Quảng Đông. Năm 2015, Bộ Công an Trung Quốc công bố 10 vụ án điển hình về dược phẩm và thực phẩm độc hại, bao gồm bột mì có độc ở Vị Nam – Thiểm Tây, vắc-xin ở Tế Nam,  thuốc giả hormone tăng trưởng sản xuất và bán ở Tô Châu. Tháng 3/2016, truyền thông lại phanh phui băng nhóm phạm tội ở Nội Mông Cổ làm giả muối ăn bằng muối công nghiệp độc hại, đang đưa ra tiêu thụ tại Hà Bắc và Nội Mông Cổ.

Năm 2011, Tạp chí An toàn thực phẩm Trung Quốc đăng một báo cáo nghiên cứu chỉ ra, hàng năm Trung Quốc có hơn 94 triệu người mắc bệnh vì dùng thức ăn có độc, có khoảng 3,4 triệu người phải nhập viện, khoảng 8500 người bị thiệt mạng. Chuỗi thực phẩm độc ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng trăm triệu người dân gồm: thịt heo bệnh chết, thịt cừu giả, thịt bò giả, trứng giả, mì giả, gừng độc, trà Phổ Nhì giả…

Chuyên gia ngụy biện

Phía sau thảm cảnh này dĩ nhiên chính là lòng người đen tối. Theo điều tra, kỹ thuật làm giả thực phẩm này cần phải có bàn tay của nhà nghiên cứu chuyên nghiệp. Nghiêm trọng hơn là cứ sau mỗi lần xảy ra sự kiện thực phẩm và dược phẩm độc hại thì lại có chuyên gia “đính chính tin đồn”, tung hỏa mù che mắt quần chúng.

Ví dụ, khi công chúng nghi ngờ tình trạng dầu ăn bẩn thì có chuyên gia nêu ý kiến cho rằng hiện tượng này tuyệt đối không tồn tại, “là chiêu trò của truyền thông”. Viện sĩ Viện Công trình Trung Quốc Tôn Bào Quốc (Sun Baoguo) từng nói, công nghệ làm dầu ăn vô cùng phức tạp, trên bàn ăn của người Trung Quốc không có dầu ăn bẩn. Khi bị chất vấn về vấn đề bao con nhộng, ông Tôn Trung Thực (Sun Zhongshi), chuyên gia dược phẩm của Bộ Y tế Trung Quốc cho biết, một ngày uống 6 con nhộng thì số chromium đưa vào không có gì đáng kể, không nên làm lớn chuyện. Viện sĩ Viện Công trình Trung Quốc Trần Quân Thạch (Chen Junshi) cho biết: “Mọi người không phải lo lắng chuyện sữa Mông Ngưu vượt tiêu chuẩn aflatoxin, khả năng quản lý an toàn thực phẩm của chúng ta hàng đầu thế giới”. Còn đối với cadmium trong gạo quá mức cho phép, ông họ Trần là Phó Cục Trưởng Cục Nông nghiệp thành phố Thiều Quang tỉnh Quảng Đông cho biết: “Ô nhiễm cadmium là chuyện thường xuyên, nếu thỉnh thoảng dùng vượt chuẩn một chút thì cũng không có vấn đề gì. Tôi đã dùng thường xuyên nhưng có sao đâu”.

Nguy hại thực phẩm Trung Quốc có thể gọi là “không ăn thì chết đói, ăn thì chết từ từ”.
Nguy hại thực phẩm Trung Quốc có thể gọi là “không ăn thì chết đói, ăn thì chết từ từ”.

Quan chức dùng “thực phẩm đặc biệt”

Tháng 10/2006, các cơ quan trung ương Trung Quốc tổ chức “Lễ trao giải Cung cấp sản phẩm đặc biệt”. Chủ nhiệm Trung tâm Cung cấp Sản phẩm đặc biệt là Chúc Vịnh Lan (Zhu Yonglan) cho biết, cơ sở cung ứng sản phẩm đặc biệt đã được phân bố trên 13 tỉnh, thành phố trực thuộc, khu tự trị, luôn cung cấp những sản phẩm chất lượng tốt nhất cho các cán bộ thuộc 94 bộ và ủy ban ngang bộ của quốc gia. Sản phẩm đặc biệt đã qua kiểm tra an toàn bằng động vật, đã được thông qua Cục Quản lý Giám sát Thực phẩm dược phẩm quốc gia, đảm bảo không nhiễm bẩn, không chứa bất cứ kích thích tố hoặc thành phần hóa học nào.

Một người phẫn nộ lên tiếng trên mạng: “Thế giới lắm chuyện kỳ quái, chuyện phân biệt cung cấp thực phẩm cho thiểu số đặc quyền đặc lợi khác với người dân thường ở Trung Quốc là điển hình… Cái nghi thức trao giải long trọng về ‘sản phẩm đặc biệt’ dành cho các lãnh đạo trung ương là sự tôn vinh tình trạng phân biệt đối xử giữa người với người, nó không có tính người!”.

Sản phẩm cung ứng đặc biệt chỉ để cung cấp trong phạm vi nhỏ của trung ương, tuy nhiên hiện đã được mở rộng ra nhiều cơ quan trung ương, tỉnh thành. Ông Tôn, một người dân ở Sơn Đông cho biết, sản phẩm đa số dân thường sử dụng hàng ngày thì không ai quan tâm nguồn gốc, chất lượng. Nhưng những thứ quan chức sử dụng thì luôn phải qua kiểm tra tiêu chuẩn an toàn nghiêm ngặt, họ cần gì quan tâm đến chuyện thực phẩm độc hại, đến chuyện sống chết của người dân.

Nguồn gốc của vấn đề

Theo một kết quả điều tra dân số vùa xuân năm 2012 trên địa bạn 16 thành phố lớn của Trung Quốc, những vấn đề an toàn làm người dân đô thị lo lắng nhất gồm: đứng đầu là an toàn thực phẩm với 81,8%; tiếp theo là an ninh công cộng, an toàn y tế, giao thông, và môi trường.

Nhưng nhiều người chỉ ra, cái gọi là giám sát an toàn thực phẩm ở Trung Quốc thực tế chỉ có cái tên gọi, hệ thống an toàn thực phẩm của Trung Quốc gần như không có khả năng kiểm soát những sản phẩm độc hại. Có ví von chua chát: “Không ăn thì chết đói, ăn thì chết từ từ”.

Ông Tôn Văn Quảng (Sun Wenguang), Giáo sư đã nghỉ hưu thuộc Đại học Sơn Đông cho biết, quan chức Trung Quốc chỉ quan tâm chuyện thăng quan và phát tài, vì thế mà lơ là chuyện quản lý: “Thảm cảnh này cũng còn do họ theo đuổi GDP một cách mù quáng mà ra, một mặt nữa là do vô trách nhiệm. Tại sao lại cho phép sản phẩm độc hại bán ra thị trường? Có thể thấy quan chức Trung Quốc chỉ quan tâm hai vấn đề chính, một là tham ô để làm giàu, hai là thăng quan. Dĩ diên thăng quan thì mau chóng phát tài”.

Về sự kiện muối ăn giả, có người chia sẻ trên mạng: “Một chính phủ không có trách nhiệm với nhân dân thì không thể gọi là chính phủ hợp pháp”. Một người dân ở thành phố Tế Nam tỉnh Sơn Đông cho biết: “Chúng ta đang ở trong trạng thái vô chính phủ! Liên tục xảy ra nhiều vấn đề nhưng tình hình không bao giờ được cải thiện, cho thấy chính phủ này không làm tròn trách nhiệm, không có năng lực quản lý!”

Tiến sĩ Tạ Gia Hiệp (Xie Jiaxie), Hội trưởng Hội Giao lưu Văn hóa và Khoa học kỹ thuật Mỹ – Trung cho biết, Trung Quốc cần học cách quản lý an toàn thực phẩm của Mỹ.

Ngày 22/5/2013, Ủy ban về Vấn đề Trung Quốc của Quốc hội Mỹ đã mở hội nghị lấy ý kiến và thảo luận về vấn đề ô nhiễm môi trường và an toàn thực phẩm ở Trung Quốc. Thượng nghị sĩ Brown, người chủ trì buổi lấy ý kiến cho rằng, hệ thống chính trị Trung Quốc hiện nay không thể giải quyết được những lo lắng của người dân về ô nhiễm môi trường và an toàn thực phẩm. Nghĩa là căn nguyên của vấn đề nằm ở thể chế chính trị.

Ông Brown nói: “Người dân Trung Quốc không có tự do chính trị, việc bầu chọn người đại diện đủ tài đức bảo vệ cho quyền lợi chung gặp nhiều khó khăn; Trung Quốc không có báo chí độc lập để lên tiếng mạnh mẽ, không có hệ thống tư pháp độc lập để bảo đảm những quan chức và doanh nghiệp tuân thủ pháp luật, không có xã hội công dân độc lập để thường xuyên giám sát và lên tiếng. Nguồn gốc vấn đề nằm ở chính hệ thống chính trị Trung Quốc hiện hành”.

Mộc Vệ (T/H)

Xem thêm: