Theo một tài liệu nghiên cứu, các công dân Trung Quốc đã giao dịch gần 8,78 triệu bitcoin trong 7 năm, đưa khoảng 4,6 tỷ USD ra khỏi Trung Quốc. Chính quyền Bắc Kinh liên tục chặn các kênh rút tiền, bao gồm cả tiền điện tử, nhưng trên có chính sách, dưới có đối sách.

bitcoin shutterstock 1007872087
(Ảnh minh họa: Alexander Supertramp / Shutterstock)

Để kiểm soát việc chuyển tiền ra nước ngoài, chính quyền Bắc Kinh đã ra quy định từ năm 2007, giới hạn hàng năm đối với công dân Trung Quốc mua và thanh toán ngoại hối tối đa là 50.000 USD, và không được phép mang ngoại hối qua biên giới. Nếu dùng bất cứ phương thức nào để chuyển tiền ra nước ngoài thì đều là hành vi vi phạm pháp luật. Nhưng cùng với sự ra đời của tiền điện tử, có nhiều kênh mới để tiền ở Trung Quốc rời khỏi đất nước.

Ngày 10/1, tờ The Australian đưa tin rằng một bài luận văn nghiên cứu của các nhà nghiên cứu Maggie Hu thuộc Đại học Trung văn Hồng Kông, Adrian Lee thuộc Đại học Deakin và Talis Putnins thuộc Đại học Công nghệ Sydney cho thấy, trong khoảng thời gian tháng 9/2011 đến giữa tháng 2/2018, công dân Trung Quốc đã giao dịch gần 8,78 triệu bitcoin, đưa khoảng 4,6 tỷ USD ra khỏi đất nước để né tránh sự kiểm soát vốn nghiêm ngặt của Bắc Kinh.

Trong số các dòng tiền chảy ra thông qua các nền tảng ở nước ngoài, 577 triệu USD đi qua Mỹ, 321 triệu USD đi qua các nền tảng có trụ sở tại Phần Lan và 179 triệu USD được xử lý ở Luxembourg. Bên ngoài nước Mỹ, sàn giao dịch bitcoin phổ biến nhất đối với các thương nhân Trung Quốc là Bitstamp, có trụ sở tại Luxembourg. Còn có một sàn giao dịch phổ biến khác là LocalBitcoins, có trụ sở tại Phần Lan.

Luận văn lưu ý rằng việc trao đổi tiền điện tử lấy tiền pháp định để trốn tránh việc kiểm soát vốn có những điểm tương tự như rửa tiền, vì nó liên quan đến các giao dịch được thực hiện theo cách cố tình che giấu nguồn và đích đến của tiền. Nhất quán với động cơ tìm kiếm nơi trú ẩn an toàn cho tài sản nội địa của nhà đầu tư ở Trung Quốc, “chúng tôi nhận thấy rằng dòng vốn từ Trung Quốc qua Bitcoin nhiều hơn khi sự không chắc chắn về chính sách kinh tế của Trung Quốc trở nên cao hơn”.

Các nhà nghiên cứu đã kết luận trong bài báo của họ, “Theo ước tính, hơn 1/4 khối lượng giao dịch trên các sàn giao dịch bitcoin của Trung Quốc liên quan đến việc vượt qua các biện pháp kiểm soát vốn ở Trung Quốc.”

Hiện tại, chính quyền Bắc Kinh đã coi việc mua lại và giao dịch tiền điện tử là bất hợp pháp, với hy vọng sẽ chặn các kênh để chuyển tiền ra nước ngoài. Tuy nhiên, trên có chính sách, dưới có đối sách. Giáo sư Talis Putnins của Đại học Công nghệ Sydney cũng trình bày chi tiết các cách mà các công ty và công dân Trung Quốc vượt qua kiểm soát vốn và gửi tiền ra ngoài Trung Quốc, bao gồm giả mạo hóa đơn mua sắm và sử dụng thẻ UnionPay để mua hàng ở nước ngoài.

Ngoài ra, một số doanh nghiệp ngoại thương vừa và nhỏ chính quy của Trung Quốc vì lý do chi phí hoặc để đáp ứng yêu cầu của đối tác, nên đã chọn ngân hàng ngầm để nhận và thanh toán hàng hóa thương mại thực xuyên biên giới. Bên cạnh đó, có nhiều cá nhân lợi dụng các chuyến công tác nước ngoài, du học, thăm thân, du lịch để đem thêm nhiều tiền ra bên ngoài Trung Quốc hơn nữa.

Vào năm 2021, quy định quản lý và giám sát của các chính phủ trên toàn cầu đối với tiền điện tử (Cryptocurrency) dường như không có hiệu quả, và việc ứng dụng tiền điện tử ngày càng trở nên rộng rãi.

Ngoài các giao dịch tư nhân, Chính phủ El Salvador đã trở thành quốc gia đầu tiên chính thức công nhận và sử dụng Bitcoin, và đã thông báo rằng họ sẽ xây dựng một thành phố sử dụng hoàn toàn Bitcoin. Christie’s, một công ty đấu giá lâu đời của Anh, cũng chấp nhận bitcoin để thanh toán bên cạnh các loại tiền tệ tiêu chuẩn, khiến tiền điện tử có dấu hiệu tiếp tục thu hút nhà đầu tư tích lũy.

Bitcoin đã phá vỡ mức cao trước đó và lập kỷ lục 69.020 đô la Mỹ vào tháng 11/2021.

Hiện tại, ‘gã khổng lồ’ bán lẻ Walmart đã lên kế hoạch thiết lập các máy trao đổi tiền điện tử trong các cửa hàng của mình. Thị trường kỳ vọng rằng việc mua sắm sẽ được thanh toán bằng tiền điện tử trong tương lai và mức độ ứng dụng sẽ mở rộng hơn.

Người đồng sáng lập PayPal, ông Peter Thiel, nói rằng Bắc Kinh đang sử dụng Bitcoin như một vũ khí tài chính để gây tổn hại cho lợi ích của Mỹ.

Tại một diễn đàn trực tuyến được tổ chức bởi Quỹ Richard Nixon có trụ sở tại California, vào ngày 6/4 năm ngoái, ông Thiel cho biết, ông lo ngại rằng Bitcoin “là một mối đe dọa đối với các loại tiền tệ pháp định, đặc biệt là đồng đô la Mỹ”.

Trung Quốc đang lợi dụng Bitcoin để gây hại cho nước Mỹ, và nó bị Trung Quốc coi là vũ khí tài chính để chống lại Mỹ. Ông Thiel cho biết Trung Quốc muốn nhìn thấy có hai loại tiền dự trữ toàn cầu, chứ không chỉ có đồng đô la Mỹ là đồng tiền dự trữ mặc định. Trước đây, Trung Quốc đã sử dụng đồng Euro như một vũ khí chống lại đồng đô la Mỹ, nhưng điều đó đã không hiệu quả. Cho nên hiện nay Trung Quốc đang cố gắng nâng cao vai trò của Bitcoin.

Ông Thiel cho rằng từ quan điểm địa chính trị, Mỹ nên đề xuất các biện pháp đối phó với các vấn đề nêu trên.

Khi nói đến đồng nhân dân tệ kỹ thuật số do ngân hàng trung ương Trung Quốc tung ra, Thiel không đồng ý: “Nó không phải là một loại tiền điện tử thực sự, nó chỉ là thủ đoạn nào đó của chủ nghĩa toàn trị.”

Văn Long, Vision Times

Xem thêm: