Hơn một năm sau khi ‘ngã ngựa’, ông Dương Phúc Lâm (Yang Fulin), nguyên Phó Tư lệnh Quân đoàn Sản xuất và Xây dựng Tân Cương, kiêm nguyên Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật, người từng bức hại Pháp Luân Công, đã bị kết án 13 năm tù trong phiên sơ thẩm. Ông bị buộc tội nhận hối lộ hơn 30 triệu nhân dân tệ (khoảng 4,36 triệu USD).

p3315631a15989104
Ông Dương Phúc Lâm (Yang Fulin), cựu Phó tư lệnh Quân đoàn Sản xuất và Xây dựng Tân Cương, kiêm Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật, từng bức hại Pháp Luân Công, bị kết án 13 năm tù. (Ảnh: MXH)

Theo tài khoản WeChat công khai ở Tế Nam, Sơn Đông, ngày 18/4/2023, ông Dương Phúc Lâm bị kết án 13 năm tù về tội nhận hối lộ và bị phạt 3 triệu NDT (khoảng 436.000 USD). Số tiền thu được liên quan đến hối lộ sẽ bị tịch thu và nộp vào kho bạc nhà nước.

Cùng ngày, Tòa án cấp trung thành phố Tế Nam, tỉnh Sơn Đông đã đưa ra phán quyết công khai đối với ông Dương Phúc Lâm.

Từ năm 2001 – 2020, ông Dương giữ những chức vụ như Bí thư Đảng ủy kiêm Phó Tư lệnh Quân đoàn Sản xuất và Xây dựng Tân Cương, Bí thư Thành ủy Tumxuk, tỉnh Tân Cương, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Bí thư Ủy ban Chính trị – Pháp luật.

Tòa cáo buộc rằng trong thời gian này, ông đã trực tiếp hoặc thông qua người thân, nhận tài sản trái pháp luật, với số tiền lên đến hơn 30,49 triệu nhân dân tệ (hơn 4,36 triệu USD).

Tháng 7/2021, trang web của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương và Ủy ban Giám sát Nhà nước Trung Quốc đã công bố tin tức về việc điều tra ông Dương Phúc Lâm.

Theo thông tin công khai, ông Dương sinh tháng 10/1957, năm nay 66 tuổi, là người dân tộc Hồi. Ông từng là Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, kiêm Phó Tư lệnh Quân đoàn Sản xuất và Xây dựng Tân Cương, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Kiến Trung Quốc, kiêm Bí thư Ban Chính trị – Pháp luật Đảng ủy Quân đoàn.

Năm 2017, ông Dương Phúc Lâm bị Quốc vụ viện Trung Quốc cách chức Phó Tư lệnh Quân đoàn Sản xuất và Xây dựng Tân Cương.

Tháng 10/2020, Đoàn kiểm tra thứ 6 của Ủy ban Trung ương đã tiến hành kiểm tra Quân đoàn Sản xuất và Xây dựng Tân Cương. Ngày 6/2/2021, Đoàn kiểm tra báo cáo tình hình với Đảng ủy Quân đoàn Sản xuất và Xây dựng Tân Cương, chỉ ra rằng vấn đề hình thức và quan liêu vẫn còn xảy ra trong Quân đoàn. 5 tháng sau, ông Dương Phúc Lâm ‘ngã ngựa’ (mất chức).

Quân đoàn Tân Cương được thành lập vào năm 1954. Đây là quân đoàn sản xuất và xây dựng cuối cùng còn tồn tại của ĐCSTQ, hiện có 14 sư đoàn và 174 nông trường chăn nuôi, được hưởng quyền hành chính và kinh tế cấp tỉnh.

Quân đoàn Tân Cương được coi là một lực lượng quan trọng để ĐCSTQ duy trì sự ổn định. Năm 2014, khi thị sát Tân Cương, ông Tập Cận Bình nhấn mạnh công việc của Quân đoàn “chỉ có thể được củng cố chứ không thể bị suy yếu.”

Tòa án Quân đoàn Tân Cương cũng chịu trách nhiệm xét xử những vụ án được gọi là “khủng bố”. Chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã ráo riết xây dựng các trại tập trung ở Tân Cương, giam giữ hàng triệu người Duy Ngô Nhĩ và những người có tín ngưỡng khác, đồng thời cưỡng bức tẩy não họ.

Điều này làm dấy lên sự lên án từ các nước phương Tây. Quân đoàn Tân Cương cũng đóng vai trò trực tiếp tham gia vào cuộc đàn áp.

Ngoài ra, khi còn là Bí thư của Ủy ban Chính trị và Pháp luật thuộc Quân đoàn Sản xuất và Xây dựng Tân Cương, ông Dương Phúc Lâm đã bị “Tổ chức Thế giới Điều tra Cuộc đàn áp Pháp Luân Công” (WOIPFG) đưa vào danh sách điều tra, vì đi theo nhóm của Giang Trạch Dân, và tham gia vào cuộc bức hại các học viên Pháp Luân Công.

Pháp Luân Công, còn được gọi là “Pháp Luân Đại Pháp”, là một môn tu luyện Phật gia Thượng thừa, tu luyện tâm tính dựa trên nguyên lý “Chân, Thiện, Nhẫn”, với 5 bài công pháp có tác dụng đáng kinh ngạc trong việc chữa bệnh và rèn luyện sức khỏe.

Môn này đã được truyền ra ở Trung Quốc vào năm 1992 và được người dân đón nhận rộng rãi. Theo thống kê nội bộ của Bộ Công an ĐCSTQ, trước năm 1999, số lượng học viên Pháp Luân Công đã lên tới 70 triệu – 100 triệu người.

Tháng 7/1999, Giang Trạch Dân, cựu Tổng Bí thư ĐCSTQ, đã ra lệnh đàn áp đẫm máu Pháp Luân Công với quy mô chưa từng có, được Công an, Viện kiểm sát và các Sở Tư pháp phối hợp triển khai, và đã vượt xa phạm vi pháp luật.

Vô số học viên Pháp Luân Công đã bị bỏ tù, tra tấn đến mức tàn phế hoặc tử vong, và thậm chí họ còn bị mổ sống cướp nội tạng. Đến nay, Pháp Luân Công đã có mặt tại hơn 100 quốc gia và giành được hơn 3.000 giải thưởng quốc tế.

Bình Minh (t/h)