Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên bị điều chuyển chức vụ, chấm dứt kỷ nguyên ngoại giao “chiến lang” đầy tiếng xấu của mình.

W020220630836979024380
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên (Ảnh: BNG Trung Quốc)

Trong cuộc họp báo thường kỳ, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho biết việc ông Triệu Lập Kiên bị thuyên chuyển là do “nhu cầu công việc, trao đổi bổ nhiệm”. Một số cư dân mạng Twitter phơi bày ông Triệu đã xúc phạm ông Tần Cương. Một số nhà phân tích chỉ ra rằng việc thuyên chuyển ông Triệu có thể là một trong 3 mồi lửa để tân Ngoại trưởng Tần Cương nhậm chức.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc: Ông Triệu Lập Kiên thuyên chuyển công tác là do nhu cầu công việc

Vào ngày 10/1 trang web của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, một phóng viên Reuters đã hỏi tại cuộc họp báo: “Hôm qua, trang web của Bộ Ngoại giao cho thấy đồng nghiệp của ông, ông Triệu Lập Kiên, đã đảm nhận vị trí mới. Tại sao ông Triệu Lập Kiên chuyển sang chức vụ mới? Điều này có nghĩa là Trung Quốc đã thay đổi chính sách trước đây?”

Ông Uông Văn Bân cho biết: “Ông Triệu Lập Kiên đã thay đổi chức vụ theo nhu cầu công việc.” Ông cũng nhắc lại rằng chính sách đối ngoại của ĐCSTQ không thay đổi.

Ông Triệu Lập Kiên, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Thông tin Bộ Ngoại giao ĐCSTQ, là một trong những nhân vật đại diện tiêu biểu cho “ngoại giao chiến lang” của ĐCSTQ. Tuy nhiên, kể từ ngày 2/12 năm ngoái, ông Triệu đã biến mất khỏi tầm nhìn của công chúng, gây ra nhiều suy đoán khác nhau.

Ngày 9/1 trang tin The Paper đưa tin, ông Triệu Lập Kiên đã được điều động đến vị trí Phó Vụ trưởng Vụ Biên giới và Đại dương của Bộ Ngoại giao ĐCSTQ, trách nhiệm chính của ông bao gồm: Xây dựng các chính sách đối ngoại liên quan đến biên giới trên bộ và trên biển, hướng dẫn điều phối công tác đối ngoại biển; tiến hành công tác đàm phán ngoại giao phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền với các nước láng giềng.

Theo thông tin được công khai, ông Triệu Lập Kiên, sinh tháng 11/1972, có bằng thạc sĩ chính sách công và là đảng viên ĐCSTQ. Ông Triệu từng là Tham tán Công sứ Đại sứ quán Trung Quốc tại Pakistan, và là Đại biện lâm thời tại Đại sứ quán tại Pakistan. Năm 2019, ông giữ chức vụ Phó Vụ trưởng Vụ Thông tin của Bộ Ngoại giao. Sau khi đại dịch bùng phát, ông trở thành phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao ĐCSTQ vào tháng 2/2020.

Nguyên nhân “chiến lang Triệu Lập Kiên” bị “thất sủng” được phơi bày

Trong lịch sử, sau khi giải nhiệm chức vụ phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao ĐCSTQ, con đường làm quan vẫn tiếp tục thăng tiến, hoặc được cử trực tiếp đến một quốc gia hoặc tổ chức quốc tế nào đó với tư cách là đại sứ hoặc tổng lãnh sự, hoặc được điều động từ cấp phó Vụ trưởng thành Vụ trưởng của một vụ khác của Bộ Ngoại giao. Hiện vẫn chưa rõ tại sao ông Triệu Lập Kiên lại lặng lẽ rời đi mà không được thăng chức.

Trong 10 năm kể từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền, chính sách ngoại giao chiến lang đã khiến hình ảnh quốc tế của ĐCSTQ xuống mức thấp nhất mọi thời đại, ông Triệu Lập Kiên chẳng qua chỉ là vai trò “tiên phong”. Ông không phải là người duy nhất xuất hiện trong phong thái phi ngoại giao tại Bộ Ngoại giao ĐCSTQ, phát ngôn viên Hoa Xuân Oánh theo thông lệ vẫn được thăng chức làm Vụ trưởng Vụ Thông tin báo chí, còn Đại sứ tại Mỹ là ông Tần Cương đã được thăng chức Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.

Một số người dùng Twitter đã phơi bày việc ông Triệu Lập Kiên bị điều chuyển khỏi Bộ Ngoại giao là do đã đắc tội với ông Tần Cương.

Akio Yaita phân tích lý do ông Triệu Lập Kiên rời chức

Nhà báo và là nhà bình luận chính trị nổi tiếng Nhật Bản Akio Yaita đã viết trên Facebook rằng ông Triệu Lập Kiên, “pháo thủ chính” của ngoại giao chiến lang, người đã mang lại “niềm vui” vô hạn cho các phóng viên truyền thông nước ngoài, đã được chuyển đến một ‘tiểu nha môn’ ít được biết đến – Vụ Biên giới và Hải dương.

“Nói một cách đơn giản, chính là chức vụ ‘ăn không ngồi rồi’”. Ông Akio Yaita cũng nói rằng thực tế có nhiều quan chức ĐCSTQ không hài lòng với các phát biểu của ông Triệu Lập Kiên. Tân Bộ trưởng Ngoại giao ĐCSTQ Tần Cương, có lẽ cũng là một trong số đó.

Bài viết nói, “Khi tôi còn là đặc phái viên ở Bắc Kinh, tôi đã tham dự các cuộc họp báo của Bộ Ngoại giao (ĐCSTQ) hàng tuần, thường xuyên tiếp xúc với ông Tần Cương. Hàng năm trước Tết âm lịch, Vụ Thông tin Báo chí của Bộ Ngoại giao và các phóng viên truyền thông nước ngoài sẽ ăn tối cùng nhau, ông Tần Cương là một trong số những phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao ít giở giọng trịch thượng nhất trong các cuộc trò chuyện riêng tư. Mặc dù về sau trở thành Thứ trưởng Bộ ngoại giao, nhưng phong thái của ông Tần Cương cũng không có sự thay đổi, dường như cũng có ý đang phối hợp với chính sách ngoại giao chiến lang của ông Tập Cận Bình.”

“Nhưng ở góc độ của ông ấy (Tần Cương), một người phát ngôn như ông Triệu Lập Kiên chỉ có thể nói những lời cay nghiệt, đắc tội người khác ở khắp nơi, nên có lẽ không đủ tư cách.”

Vào ngày 30/12/2022, ông Tần Cương được thăng chức từ vị trí Đại sứ tại Mỹ lên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao của ĐCSTQ. Ông Akio Yaita cho biết vào tháng 6 năm ngoái, ông Lạc Ngọc Thành, một “đại chiến lang” ủng hộ Nga được cho là có khả năng sẽ tiếp nhậm chức ngoại trưởng, đã được chuyển đến Cục Quản lý Phát thanh, Điện ảnh và Truyền hình Quốc gia. Hiện nay, “tiểu chiến lang” Triệu Lập Kiên cũng đã rời đi, đây liệu có phải là tín hiệu cho thấy ĐCSTQ dự định từ bỏ chính sách “ngoại giao chiến lang” hay không? “Tôi cho rằng cần tiếp tục quan sát,” ông Akio Yaita viết.

Danh nghĩa là điều chuyển ngang, nhưng hiểu ngầm là bị giáng chức

Nhận định về việc ông Triệu Lập Kiên bị thuyên chuyển, ông James Palmer, phó tổng biên tập tờ Foreign Policy tại Mỹ, nói với Đài tiếng nói Hoa Kỳ (VOA), “Điều này tương đương với việc giáng chức”, “điều chuyển một người từ một vị trí rất nổi bật và thú vị sang một vị trí buồn tẻ, tương đối không quan trọng. Việc này kỳ thực là một sự giáng chức.”

Lý Kỳ (Li Qi), người dẫn chương trình và phóng viên của kênh truyền thông tiếng Trung “Wall Street TV” tại Mỹ, đã tweet: “Công việc mới của ông ấy chỉ là một vị trí trên danh nghĩa, không có triển vọng thăng tiến”, “Tôi cho rằng toàn bộ sự nghiệp tiếp sau của ông ấy sẽ bị mắc kẹt trong công việc bế tắc này.”

Ông Ryan Hass, một học giả về Trung Quốc và Châu Á tại Viện Brookings nói rằng việc điều chuyển ông Triệu Lập Kiên khỏi vị trí phát ngôn viên sẽ giúp tạo ra một giọng điệu mới cho bộ ngoại giao của ông Tần Cương. “Bộ trưởng ngoại giao Tần Cương khẳng định rằng ông ấy không phải là một chiến lang, và việc điều chuyển ông Triệu Lập Kiên có thể giúp ông ấy làm nổi bật điểm này.”

Ông Ryan Hass đã tweet rằng ông Tần Cương đã dành một năm rưỡi qua để dọn dẹp mớ hỗn độn ngoại giao do ông Triệu Lập Kiên tạo ra. Có vẻ như ông Tần Cương sẽ sử dụng khả năng lãnh đạo của mình để giảm căng thẳng với Mỹ và các quốc gia khác trong những năm tới. Việc ông Triệu Lập Kiên thuyên chuyển có thể là một trong 3 mồi lửa để quan chức mới của ông Tần Cương nhậm chức.

Chính sách ngoại giao chiến lang của ĐCSTQ sẽ nới lỏng?

Georg Fahrion, phóng viên Trung Quốc của tuần báo Der Spiegel của Đức, đã tweet: “Răng nanh của Triệu Lập Kiên, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao (Đảng Cộng sản) Trung Quốc, chiến lang số 1, dường như đã bị nhổ ra.”

Ông Vương Quân Đào (Wang Juntao), một học giả chính trị hiện định cư tại Mỹ, cho rằng việc ông Triệu Lập Kiên giải nhiệm chức vụ phát ngôn viên, có thể ám chỉ rằng chính sách ngoại giao chiến lang cứng rắn của ĐCSTQ sẽ nới lỏng.

Nhà bình luận thời sự Tần Bằng (Qin Peng) cho biết trong chương trình “Tần Bằng quan sát” rằng việc ông Triệu Lập Kiên rời khỏi chức vụ hiện tại có nghĩa là môi trường chung đã thay đổi. Kể từ tháng 11 năm ngoái, ông Tập Cận Bình đã kết thúc cuộc bế quan gần 3 năm và ra nước ngoài, với nền kinh tế sa sút, chính sách ngoại giao gặp khó khăn và sự bao vây quốc tế ngày càng gia tăng, ông Tập muốn chuyển đổi phong cách ngoại giao sói chiến của mình sang ngoại giao “cừu”, đặc biệt là để xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với Mỹ. Ông Tần Bằng cho rằng khi chủ nhân xoay người, một người phát điên và trở thành “chiến lang” theo chỉ lệnh như ông Triệu Lập Kiên sẽ dễ dàng bị bỏ rơi như những quan lại độc ác.